slider

Khắc sâu lời Bác “Vì nước quên thân”

22 Tháng 05 Năm 2020 / 496 lượt xem

Cao Thanh Huyền

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Học viện An ninh nhân dân (tiền thân là Trường Huấn luyện công an) - trung tâm đào tạo đầu ngành về nghiệp vụ an ninh có chiều dài lịch sử vẻ vang gắn liền với sự phát triển và những đóng góp to lớn trong sự nghiệp trồng người của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Học viện vinh dự và tự hào được đón Bác Hồ tám lần đến thăm và huấn thị với cán bộ chiến sĩ, giáo viên và học viên từ những ngày đầu mới thành lập. Đó là niềm kiêu hãnh, là động lực thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của nhà trường hơn 70 năm qua.

Ngày 25/6/1946, Trường Huấn luyện Công an được thành lập theo Nghị định số 215 của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng Việt Nam vừa giành được từ tay thực dân, phong kiến. Đây là trường học được thành lập đầu tiên của ngành Công an và cũng là một trong những trường học được thành lập sớm nhất của Nhà nước ta kể từ khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Cuối năm 1946, quan hệ giữa ta và Pháp đã hết sức căng thẳng. Thực dân Pháp ngày càng lấn tới, cuộc chiến tranh giữa ta và Pháp nhất định sẽ nổ ra. Trong bối cảnh đó, lớp huấn luyện Công an Trung cấp khóa II được khai giảng vào ngày 01/10/1946 tại Hà Nội. Học viên gồm các đồng chí Trưởng, Phó ty; Trưởng, Phó ban; Công an các tỉnh từ Nam Trung Bộ trở ra. Khóa học này có vinh dự đặc biệt được hai lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 22/10/1946, học viên được cử đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ga Hàng Cỏ, khi Người đi thăm nước Pháp trở về bằng tàu hỏa.

Sáng sớm ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Công an đóng tại số 15 Trần Bình Trọng, Hà Nội. Người đi thăm nơi ăn, nghỉ, học tập và khen ngợi, động viên học viên cố gắng phấn đấu học tập suốt đời. Hai ngày sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng cho nhà trường một bức ảnh chân dung của Người, ở ngay mặt trước có ghi lời đề tặng và chữ ký: “Nỗ lực học tập, tặng Trường cán bộ công an viên”. Cả khóa học vô cùng phấn khởi, đồng chí Tổng Giám đốc kiêm Hiệu trưởng nhà trường đã cho in lại tấm ảnh của Người và tặng cho các học viên làm kỷ niệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường ngay sau chuyến thăm dài ngày nước Pháp trở về không những nói lên vị trí, tầm quan trọng của việc huấn luyện công an lúc bấy giờ, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quan tâm của Người đối với công tác xây dựng lực lượng công an nhân dân, đặc biệt là việc giáo dục, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của người cán bộ công an, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.

Đầu năm 1950, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn tổng phản công, Trường Công an Trung ương được giao nhiệm vụ tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo Công an các tỉnh, thành phố, quận, huyện từ Nam Trung Bộ trở ra. Lúc này Trường đóng tại Mỏ Zat - Cầu Bì, châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 28/4/1950(1), cán bộ học viên “Khoá Tổng phản công I” vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm và nói chuyện. Toàn thể cán bộ, học viên được nghe Bác giảng về đường lối, quan điểm cách mạng của Đảng trong cuộc kháng chiến đồng thời Người căn dặn cán bộ chiến sĩ, học viên phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của khoá Tổng phản công. Trong buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc cho cả lớp nghe thư của một cụ già ở tỉnh Hà Nam, trong thư có nội dung phàn nàn về công việc của công an. Sau đó, Người nhắc nhở: “Lần sau Bác đến thăm thì phải là một cái thư khen chứ không phải thư chê”(2). Ban lãnh đạo Nha, học viên, cán bộ chiến sĩ nhà trường hứa với Bác sẽ cố gắng nỗ lực học tập rèn luyện bảo vệ thành quả cách mạng và phục vụ kháng chiến thành công. Cuối buổi nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với lớp học. Tấm ảnh quý đó hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Công an Nhân dân và Phòng truyền thống của Học viện An ninh nhân dân.

Một buổi tối tháng 01/1951, trên đường đi công tác trở về Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường và nói chuyện, thăm hỏi cán bộ học viên và đại diện nhân dân trong thôn. Người căn dặn về nhiệm vụ của công an trong việc bảo vệ nền chuyên chính dân chủ nhân dân; sự khác biệt về bản chất giữa công an đế quốc và chỉ ra tư cách người công an nhân dân phải là kiểu mẫu. Công an là của nhân dân, muốn hoàn thành nhiệm vụ phải dựa vào nhân dân: “Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”(3). Người khẳng định, không có nhân dân thì công an có đông đến mấy cũng là không đủ và giải thích rất cụ thể: “Công an có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. Năm vạn người thì chỉ có năm vạn cặp mắt, năm vạn đôi bàn tay. Phải làm sao để có hàng chục triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được. Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại”(4). Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh công an nhân dân phải đoàn kết, nhất trí, thực hành dân chủ, tự phê bình và khuyến khích nhân dân phê bình công an, có thế thì nhân dân mới tích cực giúp đỡ công an.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) cùng với những chuyển biến chung của ngành, Trường Công an Trung cấp chuyển về Hà Nội, đóng tại Hà Đông. Tại đây nhà trường đã tổ chức đào tạo nghiệp vụ theo yêu cầu phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện miền Nam. Vinh dự đến với nhà trường trong năm 1958 là hai lần được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Ngày 28/01/1958, Người tới thăm cán bộ chiến sĩ, học viên của trường. Sau khi nêu rõ trách nhiệm của người công an nhân dân trước Đảng, trước nhân dân trong tình hình đất nước đang bộn bề trăm mối, Bác chỉ rõ nhiệm vụ của công an trong giai đoạn này là: “Bảo vệ dân chủ nhân dân và thực hiện chuyên chính với những kẻ chống lại nhân dân”(5). Người chỉ rõ mỗi cán bộ công an cần phải tu dưỡng tư tưởng, rèn luyện tác phong, gương mẫu học tập và nêu cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, hoàn thành tốt nhiệm vụ để xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, của Đảng. Bác động viên cán bộ chiến sĩ, học viên cần tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ: Học tốt, dạy tốt, đồng thời khẳng định “Đảng, Chính phủ rất chú ý đến công tác của công an và đến việc giáo dục cán bộ công an”(6). Kết thúc bài nói chuyện, Người tặng cán bộ học viên bài thơ:

“Đoàn kết, cảnh giác
Liêm, chính, kiệm, cần

Hoàn thành nhiệm vụ
Khắc phục khó khăn
Dũng cảm trước địch
Vì nước quên thân
Trung thành với Đảng
Tận tụy với dân”(7)

Ngày 16/5/1959, cán bộ chiến sĩ và học viên lớp Chỉnh huấn cán bộ công an khóa II được vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Nói chuyện với các học viên, Người chỉ rõ tầm vóc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc thay đổi vĩ đại, phải mất nhiều công sức, phải vất vả, gian khổ mới có được. Từ đó, Người khẳng định nhiệm vụ của công an lúc này là “nặng nề, gian khổ đồng thời cũng rất vẻ vang”(8). Người yêu cầu cán bộ công an “.. .phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được. Nếu trong công tác công an các cô, các chú được dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công”(9). Cuối cùng, Người căn dặn 2 điều: “1. Phải trau dồi đạo đức cách mạng; 2. Phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Muốn vậy phải luôn luôn chống chủ nghĩa cá nhân”(10). Đó là tư tưởng chỉ đạo có tính tuyệt đối trong việc xây dựng tư cách người chiến sĩ công an cách mạng mà Bác dành để huấn thị lực lượng công an.

Năm 1960, thời điểm miền Bắc bước vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, kết thúc kế hoạch 3 năm và bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm, xây dựng miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày 17/01/1960, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc tại Trường Công an Trung ương đánh giá kết quả công tác năm qua, định hướng công tác năm tới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến thăm trường và phát biểu với hội nghị. Bác thăm hỏi động viên cán bộ chiến sĩ, biểu dương thành tích của lực lượng công an. Người căn dặn các cán bộ chiến sĩ công an phải luôn luôn nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, đoàn kết chặt chẽ nội bộ, đoàn kết chặt chẽ giữa công an với nhân dân và dựa vào lực lượng to lớn của nhân dân. Người yêu cầu công an nhân dân phải được “kiện toàn tổ chức thành một lực lượng thật vững mạnh của chuyên chính vô sản”(11). Để khuyến khích phong trào thi đua, Bác đã tặng công an một giải thưởng luân lưu cho toàn lực lượng.

Một vinh dự to lớn nữa đến với nhà trường, ngày 29/4/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường và nói chuyện với các đại biểu dự Hội nghị cán bộ ngành Công an (Hội nghị 4 chuyên đề). Trong bài nói chuyện, Người khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của công an cách mạng - vũ khí sắc bén của chuyên chính vô sản. Nhiệm vụ công an là vô cùng quan trọng. Người chỉ rõ những việc cụ thể công an cần phải làm để đánh thắng âm mưu của kẻ thù phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Đồng thời, Người khẳng định: “Đảng và Chính phủ tin vào lòng tuyệt đối trung thành và chí kiên cường phấn đấu của các đồng chí. Toàn thể cán bộ và chiến sĩ công an phải cố gắng vượt mọi khó khăn, làm trọn nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang của công an cách mạng, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, của Đảng và Chính phủ đối với các đồng chí”(12).

Những lời căn dặn, huấn thị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Trường Công an Trung ương được cán bộ chiến sĩ quán triệt và thực hiện, biến thành những chiến công hiển hách trong chiến đấu, góp phần viết nên trang sử hào hùng của toàn lực lượng. Hơn 70 năm xây dựng và phát triển, Trường Công an Trung ương mà nay là Học viện An ninh nhân dân đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học lớn của cả nước, là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của ngành Công an và đang phấn đấu phát triển thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Quốc gia. Từ những ngày đầu thành lập, đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp chưa có, chủ yếu là cán bộ lãnh đạo Nha Công an giảng dạy, đến nay, Học viện đã có một đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo bài bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn cao. Trên 60% cán bộ, giảng viên của Học viện có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ, Thạc sĩ. Học viện An ninh nhân dân đã đào tạo hàng vạn cán bộ công an có chất lượng cao. Các thế hệ học viên của Học viện sau khi ra trường đã phát huy và vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn công tác, chiến đấu. Nhiều đồng chí được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trở thành các Tướng lĩnh, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Tiến sĩ.

Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, Học viện An ninh nhân dân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an giao phó. Học viện đã luôn giữ vững vai trò đầu đàn, chủ lực trong việc đào tạo nhân lực có chất lượng cao cho ngành Công an, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia trong từng giai đoạn cách mạng của đất nước. Với những thành tích đạt được, Học viện đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý, tiêu biểu là: Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao Vàng và 2 danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chú thích:

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân Việt Nam - Biên niên sự kiện và tư liệu lịch sử (1945-1969), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2015, tr54

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân Việt Nam - Biên niên sự kiện và tư liệu lịch sử (1945-1969), sđd, tr55

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr270

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr270

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr247

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr248

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 11, tr251

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr222

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr223

10.           Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr223

11.           Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 12, tr458

12.           Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 14, tr72

 

 

 

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)