slider

Khai thác tuyến “du lịch đỏ” góp phần củng cố và phát triển tình hữu nghĩ truyền thống Việt-Trung

19 Tháng 09 Năm 2011 / 1723 lượt xem
Đỗ Đức Hinh
      Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Phủ Chủ tịch
 
1. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng mối tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Hoa, với những đặc điểm về địa lý, với truyền thống đấu tranh và gắn bó với nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước của hai dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết rằng:
“Mối tình hữu nghị Việt Hoa
 Vừa là đồng chí, vừa là anh em”
Đó là một thực tế đã được lịch sử chứng minh. Trung Quốc vừa là quốc gia có một nền văn minh cổ đại khá rực rỡ, vừa là một lục địa gắn bó giữa Châu á đầy bí ẩn với Châu âu hiện đại. Trong thời kỳ cận đại, Trung Quốc và Việt Nam đều bị các nước phương Tây xâm lược và biến thành thuộc địa và nửa thuộc địa. Cuộc đấu tranh chống xâm lược giành độc lập dân tộc ở hai nước thời kỳ chưa có Đảng cộng sản lãnh đạo tuy có những đặc điểm khác nhau, quá trình diễn biến khác nhau…nhưng đều giống nhau là tinh thần quật khởi và đều bị đàn áp dã man, bị dìm trong biển máu. Thông qua thế hệ thanh niên tiên tiến của hai nước, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Chủ nghĩa Mác-Lê nin đã được truyền bá vào Trung Quốc và Việt Nam, nhờ vậy năm 1920 Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập và năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam cũng ra đời. Từ đó phong trào cách mạng Việt Nam luôn coi Trung Quốc là chỗ dựa quan trọng, là nơi tập trung lực lượng, tổ chức bộ máy chuyển về trong nước tiến hành công cuộc giải phóng. Có thể nói trên đất nước Trung Quốc bao la có rất nhiều địa danh đã gắn bó với nhiều nhà cách mạng Việt Nam trong nhiều thời kỳ khác nhau. Một trong những người đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Tuy Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước láng giềng gần gũi nhưng Hồ Chí Minh đến với đất nước Trung Hoa lại theo con đường từ phương Tây, từ Châu Âu đến. Lần đầu tiên đó là vào năm 1924, khi đó Nguyễn ái Quốc đang công tác tại Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản với ý định phải đến Trung Quốc để trở về Tổ quốc mình sau gần 14 năm xa cách. Người đã tham gia phái đoàn của cố vấn Bô-rô-đin từ Mát-xcơ-va đến Quảng Châu. Tại đây, được các nhà cách mạng Trung Quốc giúp đỡ Nguyễn ái Quốc đã mở lớp huấn luyện đào tạo được một đội ngũ cán bộ hạt nhân đầu tiên của phong trào cách mạng Việt Nam, ra tờ báo “Thanh niên” và viết tác phẩm lý luận đầu tiên “Đường kách mệnh” (1927). Vừa lúc đó Tưởng Giới Thạch tiến hành tạo phản, sự hợp tác giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân đảng tan vỡ, những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam bị bắt bớ và đàn áp. Nguyễn ái Quốc không thực hiện được ý đồ trở về Tổ quốc mà phải quay trở lại Châu Âu. Mùa thu 1928 từ Đông Bắc Thái Lan, Nguyễn ái Quốc đến Ma Cao - Trung Quốc thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam và sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 (Sau này Quốc tế Cộng sản yêu cầu đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương đến năm 1951). Một năm sau Nguyễn ái Quốc bị đế quốc Anh bắt giam tại Hương Cảng. Vụ án Hương Cảng đã làm rung động tới pháp đình của nước Anh, nhưng cũng làm mất cơ hội trở về Tổ quốc của Người. Mãi đến năm 1938, với sự phát triển của phong trào cách mạng Trung Quốc, thắng lợi liên tục của Bát bộ quân và Tân tứ quân đang phát triển mạnh mẽ xuống miền Nam Trung Quốc, Nguyễn ái Quốc nhận thấy cơ hội trở về Việt Nam có thể thực hiện được, cuối 1938, lúc đó Nguyễn ái Quốc đang học nghiên cứu sinh và là cán bộ của Viện Dân tộc và Thuộc địa thuộc Quốc tế cộng sản tại Mát-xcơ-va, nhưng Người vẫn quyết định trở về Tổ quốc. Rời Liên Xô Nguyễn ái Quốc vượt qua một chặng đường đầy khó khăn để đến được Diên An căn cứ địa của cách mạng Trung Quốc. Ngày 28/1/1941, Nguyễn ái Quốc đã vượt qua cột mốc 108 về đến biên giới Việt –Trung sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước…ở những giai đoạn sau này, những năm 1942, 1944, 1950 và nhất là sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết khi mối quan hệ chặt chẽ và thắm thiết giữa hai Đảng hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc, rất nhiều chuyến thăm chính thức và không chính thức, những lần đi nghỉ và dưỡng bệnh. Có thể nói tuy chưa thống kê được đầy đủ được các hoạt động của Hồ Chí Minh tại Trung Quốc trong tất cả các thời kỳ, nhưng có một điều chắc chắn rằng những hoạt động của Hồ Chí Minh trên đất nước Trung Quốc nói riêng, của các nhà cộng sản Việt Nam và các tổ chức cách mạng Việt Nam nói chung trên đất Trung Quốc đã trở thành sợi dây gắn bó phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng Trung Quốc, tình cảm của nhân dân Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, để xây dựng thành tình hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước và hai dân tộc Việt Nam-Trung Hoa. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, hệ thống và xác minh đầy đủ những sự kiện lịch sử trong quá khứ để xây đắp những giá trị văn hoá phục vụ cho sự hợp tác và phát triển hôm nay.
          Trong phạm vi của bài viết này, xin nêu ra một số địa chỉ có liên quan đến những hoạt động của Hồ Chí Minh tại Quảng Tây như sau:
          Huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, đây là một địa điểm được những người cộng sản Việt Nam lựa chọn làm nơi đón tiếp các thanh niên cộng sản Việt Nam sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) mở lớp và trực tiếp giảng dạy. Đây cũng là một địa điểm những người yêu nước Việt Nam dùng làm nơi liên lạc để chuyển Báo Thanh niên và các tài liệu tuyên truyền chính trị từ nước ngoài về Việt Nam trong đó có cuốn “Đường Cách mệnh” rất nổi tiếng của Nguyễn ái Quốc. Có tài liệu cho biết rằng tại địa điểm này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua lại tới 12 lần và đã có quan hệ rất thân thiết với một số người Trung Quốc ở đây như Long Vân, Mạch Quốc Sâm, Bế Định Huệ…
          Huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây: Long Châu là một huyện có đường biên giới gắn liền với tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam, đây là một địa điểm thuận lợi để đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, hơn thế nữa Long Châu còn là một địa điểm an toàn, một căn cứ địa của Trung Quốc ( căn cứ địa Tà Giang) do vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người cộng sản Việt Nam đã chọn nơi đây để hoạt động, hội họp và liên lạc về trong nước. Tháng 11/1939, sau khi dự khoá đào tạo cán bộ du kích Tây Nam do Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức tại Hoành Sơn (tỉnh Hồ Nam), Hồ Chí Minh đã tìm đến Quế Lâm để gặp phái bộ đại diện TW Đảng Cộng sản Việt Nam từ trong nước ra gặp, tuy cuộc gặp không thành nhưng Hồ Chí Minh đã có dịp khảo sát và lựa chọn điểm liên lạc này cho các chuyến đi sau đó. Từ tháng 10/1940 đến tháng 8/1942, Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến Long Châu để thực hiện các công việc như liên hệ với cách mạng Trung Quốc tập hợp lực lượng cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở Quảng Tây và một số vùng khác để phổ biến tình hình và giao nhiệm vụ mới, tìm kiếm vũ khí và các phương tiện thông tin phục vụ cho yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam. Hiện nay còn một số địa điểm được xác định là nơi Hồ Chí Minh đã ở và nghỉ lại như số nhà 176 đường Thành Bạch xa huyện Long Châu (nay là số 80.82 đường Doanh, phố Long Châu). Tháng 8/1944, Hồ Chí Minh dẫn đầu một nhóm cán bộ đảng gồm 18 người từ Việt Nam qua Liễu Châu đến Long Châu để liên hệ với tổ chức yêu nước ở đây nhằm phối hợp lực lượng chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, đồng thời tìm hiểu chủ trương “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng Giới Thạch. Những địa điểm cụ thể được xác định là: Lâm Kiều Hương, Long Môn Hưng, Hạ Đông Hương thuộc Long Châu. Tháng 1 năm 1950, trên đương đi Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Chí Minh cũng lựa chọn Long Châu để tập kết và từ đó qua Nam Ninh đến Lai Tân để đáp tầu hoả đến Bắc Kinh.
          Thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây: Ngay sau khi từ Mát-xcơ-va về đến Diên An, Hồ Chí Minh đã tham gia Bát lộ quân, để tìm đường về nước, chính vì vậy Hồ Chí Minh đã được điều động về làm việc tại văn phòng Bát lộ quân tại Quế Lâm do tướng Lý Khắc Nông phụ trách. Từ đây Hồ Chí Minh đã lấy tên là Hồ Quang tìm về Liễu Châu liên hệ với cơ quan Biện sự xứ của TW Đảng Cộng sản Việt Nam tại đây rồi từ đó đi Nam Ninh về Long Châu, rồi vượt qua cột mốc 108 về Cao Bằng (Việt Nam), đó chính là lần đầu tiên Hồ Chí Minh đến Liễu Châu. Tháng 8/1942, Hồ Chí Minh lại bí mật đến Tĩnh Tây để tìm cách đến Trùng Khánh, nhưng tại đây Hồ Chí Minh đã bị quân lính Tưởng Giới Thạch bắt giam (từ tháng 8/1942 đến 9/1943) sau khi ra tù Hồ Chí Minh đã lưu lại quán trọ Nam Dương, đường Liễu Thạch và mở Văn phòng làm việc tại Lạc Quần Xã, tại đây Người đã tập hợp những người yêu nước ủng hộ cách mạng Việt Nam, tìm cách liên hệ về trong nước, chuẩn bị trở về tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Đến tháng 9/1944 Hồ Chí Minh đã trở về nước qua cửa thưởng khẩu vào Cao Bằng (Việt Nam). Tháng 7/1954, Hồ Chí Minh bí mật đến Liễu Châu lần thứ 3 để gặp Thủ tướng Chu Ân Lai trao đổi về việc ký hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương. Tại đây Người nghỉ tại phòng số 1-6 khách sạn Hồng Lầu (nay đã trở thành Di tích Hồng Lầu).
          Thành phố Quế Lâm tỉnh Quảng Tây: Quế Lâm cũng là một địa danh gắn bó với Hồ Chí Minh trong giai đoạn Người tìm đường về nước. Tháng 12/1938, Hồ Chí Minh với tên là Hồ Quang đã cùng với Diệp Kiếm Anh từ Diên An đi Quế Lâm rồi sau đó được bố trí làm việc ở Văn phòng Bát lộ quân nơi làm việc chính tại thôn Lộ Mạc, hương Định Giang, huyện Linh Xuyên phía bắc ngoại ô Quế Lâm. Tại đây Hồ Chí Minh đã liên lạc được với Hồ Học Lãm, Trương Bôi Công, Nguyễn Hải Thần…và tìm hiểu đóng góp ý kiến cải tổ tổ chức “Việt Nam đồng minh hội”. Sau đó, Người tìm cách liên hệ với bộ phận Hải ngoại ( Biên sự xứ) do đồng chí Phạm Văn Đồng phụ trách và về nước vào tháng 12/1940. Tháng 5/1961 Hồ Chí Minh có trở lại thăm Quế Lâm, Người đã đến Lô Địch Nham, Độc Thú Phong, Nguyệt Nha Sơn và du thuyển trên sông Li Giang…
          Thành phố Nam Ninh tỉnh Quảng Tây: Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, tuy trong thời kỳ hoạt động bí mật Hồ Chí Minh chưa đến đây, nhưng ý tưởng Hồ Chí Minh về việc đề nghị Trung Quốc hỗ trợ để xây dựng một cơ sở đào tạo cán bộ cho Việt Nam tại Nam Ninh thì đã thành sự thật. Từ năm 1951, Trung ương học xá Nam Ninh đã được thành lập trên đất Quảng Tây (Trung Quốc) địa chỉ sớm nhất là thôn Tân Vu ngoại ô phía Tây Nam Ninh ( này là khu khai phát kỹ thuật cao thành phố Nam Ninh) năm 1954 từng được xây mới tại km 2 Tây Giao thành phố Nam Ninh (nay là Đại học Quảng Tây). Trong 7 năm hoạt động Trung ương học xá Nam Ninh đã đào tạo được hơn 7000 cán bộ và giáo sư trong đó có gần 2000 người đã trở thành đội ngũ cốt cán cho ngành giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sau khi Việt Nam được giải phóng Nam Ninh là địa điểm Hồ Chí Minh thường xuyên qua lại nhất là vào các dịp sinh nhật của Người. Đến Nam Ninh Hồ Chí Minh thường tranh thủ đi thăm phong cảnh, du thuyền trên sông Li Giang, thăm các cơ sở nông nghiệp, nhà trẻ trường học…Nơi Người nghỉ ở Nam Ninh là khách sạn Tây Viên (Thành phố Nam Ninh)…
          Các địa chỉ trên liên quan trực tiếp đến hoạt động của Hồ Chí Minh trên đất Quảng Tây chắc là chưa đủ, nhưng hầu hết những địa chỉ đó đã trở thành những kỷ niệm, những di tích gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Quảng Tây và đều được Chính quyền và nhân dân Quảng Tây bảo tồn và ghi nhớ. Chúng tôi nghĩ rằng những địa chỉ đó sẽ trở thành những địa chỉ đỏ hấp dẫn, vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế du lịch của hai nước, vừa là những minh chứng sống động khẳng định tình đoàn kết và hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và Việt Nam.
          2. Các nhà dự báo thế kỷ 21 cho rằng: Trong tương lai do những tiến bộ có tính nhảy vọt của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nền kinh tế hậu công nghiệp sẽ chuyển sang nền kinh tế tri thức, bộ mặt thế giới sẽ có những thay đổi nhanh chóng, về kết cấu của nền kinh tế khi đó các ngành thuộc lĩnh vực du lịch và dịch vụ sẽ chiến ưu thế trong các nền kinh tế thế giới. Số lao động trong lĩnh vực này sẽ chiếm số đông và GDP do dịch vụ và du lịch mang lại sẽ chiếm vị trí hàng đầu, cũng theo các nhà dự báo, thời gian lao động trong tương lai chỉ còn khoảng từ 30 đến 35 giờ 1 tuần, thời gian nhần rỗi của con người sẽ ngày càng tăng, và như vậy nhu cầu du lịch ngày càng trở thành một phần của cuộc sống hiện đại-người ta còn gọi đó là “không gian thứ 3” của cuộc sống trong tương lai gần. Xét về góc độ du lịch các nhà hoạch định chiến lược phát triển du lịch cũng đưa ra một dự báo rằng: Du lịch sẽ có những thay đổi về mục đích và nội dung, kiểu du lịch “chụp ảnh” và “thư giãn” sẽ không còn ưu thế trong tương lai, thay vào đó là du lịch có mục tiêu “khám phá” và “thu thập thông tin”. Và như vậy, cũng có nghĩa là hai loại hình du lịch sẽ có cơ hội phát triển trong tương lai đó là “du lịch lịch sử văn hoá” và “du lịch sinh thái”. Với những dự báo trên, gắn với thực tế về dân số, Trung Quốc với hơn 1,3 tỷ dân, Việt Nam với hơn 84 triệu dân, thì tiềm năng du lịch kể cả nội địa và quốc tế nhất định sẽ có sự phát triển đáng kể. Khi lĩnh vực du lịch lịch sử văn hoá được mọi người quan tâm trong lương lai, càng khẳng định mục tiêu cần khai thác và phát triển các tuyến du lịch đỏ theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Trung Quốc nói chung và Quảng Tây nói riêng là cần thiết và hoàn toàn đúng đắn. Nhưng để xây dựng và khai thác được các tuyến du lịch trên, để cho các di tích về Hồ Chí Minh trên đất Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Tây nói riêng không chỉ là các điểm du lịch mà nhanh chóng trở thành những sản phẩm du lịch đặc thù, xin có mấy đề xuất sau:
          1,Cần có tầm nhìn tổng quan và đầy đủ về những hoạt động và những di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và của cách mạng Việt Nam nói chung trên đất nước Trung Quốc. Để trên cơ sở đó chúng ta có thể nghiên cứu xác định được các tuyến “du lịch đỏ” hoặc phối hợp hình thành các tuyến du lịch tổng hợp vừa có nội dung lịch sử văn hoá, danh thắng và sinh thái… Các cơ quan nghiên cứu về lịch sử, văn hoá và các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của hai nước cần phối hợp với nhau và với một số cơ quan hữu quan khác cần tổ chức các chuyến khảo sát thực tế để xác định được cụ thể các nội dung sau:
          - Xác minh rõ các địa điểm gắn liền hoặc có quan hệ tới quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tổ chức cách mạng Việt Minh trên đất Trung Quốc qua các thời kỳ và các giai đoạn cách mạng.
          - Cần tổ chức nghiên cứu xác minh rõ về thời gian, nội dung sự kiện, giá trị và ảnh hưởng của sự kiện đó, những thông tin cần được cung cấp để phục vụ cho mục đích tuyên truyền giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và nhân dân hai nước                    Việt Nam - Trung Quốc.
          - Cần có đánh giá và xác định những địa điểm đó, những địa điểm nào cần bảo tồn thành các di tích, những địa điểm nào chỉ cần gắn biển lưu dấu tích. Đồng thời khẳng định được những địa điểm nào chỉ là những địa điểm du lịch và những địa điểm nào cần phải có đầu tư để xây dựng thành các sản phẩm du lịch lịch sử văn hoá đặc thù.
          2, Để khai thác các tuyến “du lịch đỏ” hiệu quả và lâu dài cần phải có sự quảng bá một cách rộng rãi và thường xuyên. Gắn việc quảng bá các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tổ chức cách mạng Việt Nam trên đất nước Trung Quốc với việc quảng bá các chiến lược phát triển du lịch, quảng bá các công ty du lịch có thương hiệu ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Đồng thời cần tranh thủ và tận dụng các điều kiện và thời cơ để kết hợp quảng bá du lịch với các hoạt động khác như hoạt động nghệ thuật, hoạt động văn hoá xã hội và các hoạt động kinh tế khác. Làm cho các tuyến “du lịch đỏ” ngày càng gần gũi và ngày càng có sức hấp dẫn đối với nhân dân hai nước Việt - Trung và bạn bè quốc tế.
          3,Đối với các địa điểm đã trở thành các di tích quan trọng, chúng tôi đề nghị cần sớm được qui hoạch một cách chi tiết và đầy đủ để đảm bảo đủ điều kiện cần thiết cho công tác bảo tồn di tích lâu dài và nguyên trạng phục vụ cho việc phát triển bền vững. Việc qui hoạch các di tích đó cần được đặt trong mối quan hệ với các di tích văn hoá, các danh thắng khác trong khu vực và không thể tách rời các qui hoạch mang tính chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung hoặc qui hoạch phát triển ngành du lịch nói riêng của trung ương hay địa phương hoặc của các cấp chính quyền có thẩm quyền.
          Với sự tôn trọng các giá trị lịch sử và tầm nhìn phát triển trong tương lai. Chúng tôi tin rằng việc khai thác và phát triển các tuyến “du lịch đỏ” chẳng những sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển ngành du lịch của hai bên, mà còn đóng góp rất quan trọng vào việc củng cố và phát triển tình hữu nghị truyền thống Việt –Trung.                                                                          Đ.H.L

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)