slider

Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, “nơi học tập truyền thống cách mạng quý báu và là trường học giáo dục tư tưởng cho đời sau” (1)

14 Tháng 11 Năm 2019 / 1700 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch


Khu di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một quần thể các điểm di tích chứa đựng nhiều sự kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong suốt 15 năm cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động tại đây. Theo lịch sử, địa lý thì toàn bộ khu vực Bách Thảo - Núi Khán và vùng phụ cận hình thành từ thời Đông Sơn khoảng 2500 năm trước. Địa thế vùng đất này vốn là nơi cao nhất Hà Thành, quy tụ nhiều công trình kiến trúc và cổ vật trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê... nơi vẫn còn nguyên phế tích nền đá ong của thành Thăng Long cũ dày tới 3m cùng nhiều di chỉ khảo cổ quý giá khác.
 
Ngày 17/10/1887, Liên bang Đông Dương được người Pháp thành lập. Ngày 19/7/1888, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội theo quy chế nhượng địa của Pháp. Năm 1890, người Pháp chiếm 100 héc ta đất trại Hàng Hoa thuộc thôn Khán Xuân cổ để quy hoạch và tiến hành xây dựng Phủ Toàn quyền Đông Dương. Kể từ đó, khu vực này là nơi sinh sống, làm việc và sử dụng của 29 trong tổng số 44 Toàn quyền và quyền Toàn quyền Đông Dương. Sau khi Hà Nội được giải phóng, ngày 15/10/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Thủ đô. Người ở tạm trong một căn phòng gác hai trong nhà thương Đồn Thủy (nay là bệnh viện Hữu Nghị). Với mong muốn có đủ tiện nghi sinh hoạt, đảm bảo sức khỏe cho Người sau những năm kháng chiến gian khổ và thuận tiện cho những nghi lễ ngoại giao, Đảng và Chính phủ có ý định mời Người về ở trong Phủ Toàn quyền Đông Dương cũ. Ngày 16/12/1954, nhân khi tiếp Tổng đại diện Chính phủ Pháp Sainteny tại Phủ Toàn quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm tòa nhà bề thế, sang trọng và khu vực xung quanh rồi nói với anh em là Người không ở trong Phủ Toàn quyền mà lấy đó làm nơi đón tiếp khách (nay là Phủ Chủ tịch), còn Người chọn một ngôi nhà nhỏ cạnh bờ ao trước kia là của một công nhân điện. Ngày 19/12/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức chuyển về ở và làm việc trong một căn nhà mái ngói, ba phòng được xây dựng từ năm 1942. Nhà này trần thấp và tương đối nóng, không đảm bảo cho sức khỏe của Người. Tuy đã được đề nghị nhiều lần, nhưng Người vẫn cân nhắc về quyết định dựng một ngôi nhà khác.
 
Ngày 18/2/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông Nguyễn Văn Ninh - Cục trưởng Cục kiến thiết cơ bản Tổng cục Hậu cần, một kiến trúc sư nổi tiếng đã thiết kế nhiều công trình, đến gặp Người để nhờ thiết kế một ngôi nhà nhỏ sao cho tiết kiệm và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước lúc đó. Cuối tháng 3/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp lại ông Nguyễn Văn Ninh để xem ba mẫu thiết kế mà kiến trúc sư đã chuẩn bị thuyết trình. Người đã quyết định chọn mẫu nhà sàn, đồng thời căn dặn cụ thể là sử dụng loại gỗ dổi, không dùng cột nhà to quá, thiết kế tầng trên, tầng dưới, hành lang quanh nhà không cần rộng, lan can gỗ bào nhẵn, không chạm khắc hoa lá, phải hết sức tiết kiệm và hợp lý. Nhà sàn gỗ bắt đầu được lắp ráp từ ngày 15/4/1958 đến ngày 17/5/1958 thì hoàn thành. Ngôi nhà sàn lịch sử này đã chứng kiến 11 năm làm việc và cống hiến quên mình của Người để phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân trong giai đoạn sôi động của cách mạng Việt Nam: vừa tiến hành đồng thời công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam nhằm thống nhất đất nước và góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc dân chủ hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới. Trong thời gian sống và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì 600 cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW Đảng và tham dự nhiều kỳ họp, hội nghị của Quốc hội và Chính phủ; Người có hơn 900 chuyến đi thực tế để trực tiếp thị sát, kiểm tra, chỉ đạo, động viên các đơn vị, cơ sở và nhiều địa phương; Người đã tiếp đón gần 700 đoàn đại biểu trong nước từ các đồng chí trong Bộ Chính trị, các lãnh đạo Bộ, ban, ngành đến các tổ chức, đoàn thể, giai tầng xã hội và gặp gỡ, hội đàm, trả lời phỏng vấn với hơn 500 đoàn ngoại giao, chính khách, phóng viên, nhà báo quốc tế. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký quyết định tặng thưởng gần 4000 huy hiệu của Người cho những tấm gương tiêu biểu làm việc tốt hoặc cá nhân, tập thể có thành tích lao động, chiến đấu xuất sắc. Người còn viết hơn 1300 bài báo, bài đọc, tác phẩm lý luận về những đề tài phong phú như: đạo đức cách mạng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, người tốt việc tốt, nhân dân anh hùng, phong trào dựng xây đất nước, ý chí đấu tranh thống nhất Tổ quốc, lên án chiến tranh, bảo vệ hòa bình, nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế và đặc biệt là tại phòng làm việc trên tầng 2 ngôi Nhà sàn, trong các dịp tháng 5 của các năm 1965, 1966, 1968, 1969, Người đã khởi thảo, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thành bản Di chúc lịch sử để lại cho muôn đời sau. Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu Phủ Chủ tịch còn là một minh chứng sắc nét và sinh động nhất về tấm gương đạo đức của một người cộng sản mẫu mực cần-kiệm-liêm-chính chí công-vô tư, một trái tim bao dung, nhân ái của vị lãnh tụ cách mạng - nhà hiền triết phương Đông Hồ Chí Minh: ngôi nhà gỗ nhỏ bên bờ ao, áo nâu guốc mộc, nuôi cá, chăm cây, cuốc đất trồng rau, một cuộc sống bình dị, thanh tao như vậy nhưng lại rất vĩ đại vì: “Hồ Chí Minh là hiện thân của những phẩm chất tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam và giá trị của toàn nhân loại: đó là trí tuệ và tính khiêm tốn, tài năng và tính giản dị. Bản tính Người là dịu dàng và đôn hậu nhưng Người là kết tinh của ý chí và quyết tâm, có khả năng lôi cuốn hàng triệu quần chúng”(2). Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 25/11/1970, Bộ Chính trị, Ban Bí thư TƯ Đảng đã ra nghị quyết số 206/NQ-TW, trong điều 2 có ghi rõ: Bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, để bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ công lao to lớn của Người, để động viên toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Từ đó, Phủ Chủ tịch, nhà sàn, ao cá, căn phòng Người điều trị bệnh rồi đi xa, hầm tránh bom và toàn bộ cảnh quan vườn cây xung quanh được mang tên là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (thường gọi là Khu di tích Phủ Chủ tịch hay đồng bào vẫn hay quen gọi là nhà sàn-ao cá Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch, gọi tắt là Khu di tích), một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt thuộc loại hình bảo tàng lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân Hồ Chí Minh. Khu di tích Phủ Chủ tịch cũng đã tổ chức đón tiếp những đoàn khách đến tham quan, học tập, báo công, những đoàn bộ đội trước khi lên đường vào chiến trường hay một số đoàn khách quốc tế đặc biệt. Năm 1973, Đảng, Chính phủ đã giao cho Ban quản lý di tích và Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh một kế hoạch chỉnh trang toàn bộ Khu di tích để chuẩn bị chính thức mở cửa đón khách tham quan nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 15/5/1975, Bộ Văn hóa ra quyết định 38b/VH-QĐ xếp hạng nơi đây là Khu Di tích quốc gia. Ngày 19/5/1975, Khu di tích Phủ Chủ tịch chính thức mở cửa đón khách tham quan thường xuyên. Ngày 15/10/1979, Hội đồng  Chính  phủ ra nghị quyết số 375/CP, trong điểm 3 có ghi: Ban phụ trách Khu di tích lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Phủ Chủ tịch bảo quản và hướng dẫn khách tham quan Khu di tích. Ngày 30/8/1985, khi công trình xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh bắt đầu khởi công thì Khu di tích vừa đón tiếp khách tham quan, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động nghiệp vụ để phục vụ cho công việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh và chuẩn bị trước đội ngũ cán bộ chuyên môn của Bảo tàng. Ngày 19/5/1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh khánh thành đã tạo nên một quần thể tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu vực văn hóa - lịch sử Ba Đình là: Khu di tích Phủ Chủ tịch - Lăng Bác Hồ - Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ngày 6/11/1992, Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định 1575/TC- QĐ về việc công nhận Khu di tích Phủ Chủ tịch là một đơn vị độc lập, có tư cách pháp nhân và trực thuộc Bộ. Ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272 QĐ/TTg xếp hạng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một Di tích quốc gia đặc biệt.
 
Sau 50 năm bảo tồn nguyên vẹn các di tích, tài liệu, hiện vật gốc kết hợp với phương thức bảo tồn thích nghi, Khu di tích đã thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo cảnh quan và mở thêm các điểm di tích để phục vụ nhân dân trong nước. bạn bè quốc tế, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ những di tích đầu tiên đón khách tham quan là Nhà sàn, ao cá Bác Hồ, đường xoài, nay theo hành trình tham quan đã có thêm phòng họp Bộ Chính trị, nhà xe ô tô, nhà 54, bếp A, giàn hoa Phủ Chủ tịch, nhà Bác tiếp cán bộ… Những năm gần đây, để tăng cường công tác tuyên truyền một cách hiệu quả, thiết thực đối với khách tham quan Khu di tích cũng như nhân dân ở các vùng miền ở xa Hà Nội, Khu di tích đã mở rộng các hình thức quảng bá, tuyên truyền để vừa giới thiệu hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng rãi hơn, vừa đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ của đông đảo các tầng lớp nhân dân theo chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hiện nay, Khu di tích đã có phòng chiếu phim tư liệu cho khách quốc tế, có hội trường lớn phục vụ các hoạt động sinh hoạt chính trị của các đoàn khách trong nước, có phòng trưng bày bộ đồ y tế được sử dụng để chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, có phòng trưng bày bổ sung hình ảnh tư liệu về sinh thời Người trong giai đoạn 1954-1969 và có 2 kios kỹ thuật số với màn hình cảm ứng đa điểm dành cho khách tham quan tra cứu thông tin tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hoạt động của Khu di tích. Từ năm 1969 đến hết tháng 6/2019, Khu di tích đã đón tiếp, phục vụ hơn 80.785.913 lượt khách (trong đó có hơn 14 triệu khách quốc tế từ 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới) đến nhà sàn - ao cá Bác Hồ để tham quan, học tập, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác nghiên cứu khoa học và phát huy giá trị của Khu di tích rất đa dạng, phong phú, hiệu quả, thiết thực. Kể từ năm 1992 đến nay đã thực hiện 28 đề tài nghiên cứu cấp Bộ và cấp cơ sở; tổ chức 84 cuộc hội thảo, tọa đàm về Bác Hồ và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích của Người; Xuất bản 130 đầu sách nghiên cứu, sách ảnh, tạp chí khoa học và viết hàng ngàn bài báo tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Từ năm 2006, Khu di tích đã tổ chức, phối hợp tổ chức được 29 cuộc trưng bày, triển lãm trong nước và nước ngoài có nội dung về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích, đồng thời đưa triển lãm về các địa phương, đặc biệt là đến các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo như Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Cà Mau, Côn Đảo và giới thiệu triển lãm với quốc tế như tại Nga, Pháp, Srilanka; Khu di tích còn phối hợp với 26 cơ quan truyền thông, các kênh sóng của đài truyền hình như VOV, VTV(1+2 +3+ 4+6), VTC, HTV9, Quốc phòng, Nhân Dân, Hà Nội, Quốc Hội, An ninh TV, Thông tấn xã Việt Nam để thực hiện nhiều phóng sự, xây dựng nội dung 11 bộ phim tư liệu về Khu di tích và những hoạt động của Người trong 15 năm sống và hoạt động trong Khu Phủ Chủ tịch; Cung cấp tài liệu, hình ảnh, trao tặng sách, lập tủ sách Hồ Chí Minh cho nhiều địa phương trong cả nước và tuyên truyền, quảng bá về cuộc đời, tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh sang các nước châu Âu, châu Á. Khu di tích thường xuyên đưa thông tin hoạt động của cơ quan cũng như các tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lên trang tin điện tử Khu di tích bằng tiếng Việt và đang tiến hành làm thêm phiên bản tiếng Anh. Từ năm 2008 đến nay đã có hơn 10 triệu lượt truy cập vào website của Khu di tích để đọc thông tin tư liệu. Khu di tích còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Bác Hồ cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, tổ chức hàng nghìn buổi lễ báo công, kết nạp đảng viên mới, sinh hoạt chính trị, nói chuyện chuyên đề, trại sáng tác và triển lãm tranh nghệ thuật về Bác Hồ, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các nghi thức lễ hội truyền thống cho đồng bào các dân tộc và kiều bào ta ở nước ngoài vào những dịp Tết cổ truyền dân tộc…
 
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định: “Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những tài liệu, hiện vật lưu giữ nơi đây là một di tích văn hoá đặc biệt quan trọng trong kho tàng di sản văn hoá nước nhà, đây là tài sản văn hoá vô giá của dân tộc ta và có ý nghĩa rất to lớn đối với quốc tế.”(3). Nhiều khách nước ngoài sau khi tham quan Khu di tích lịch sử này đã bày tỏ tình cảm chân thành, xúc động, kính phục cuộc đời giản dị, thanh cao của một anh hùng giải phóng dân tộc - nhà văn hóa kiệt xuất: “Tại đây, chúng tôi có cảm tưởng như đang ở nơi sâu lắng nhất của lịch sử và tình cảm của nhân dân Việt Nam. Sự vĩ đại và giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tấm gương sáng nhất cho những thế hệ cách mạng và cộng sản tương lai của Việt Nam cũng như trên toàn thế giới”(4). Hoặc là: “Khu di tích này đã nói lên tất cả về con người Hồ Chí Minh: đạo đức, lý tưởng mà Người đã tin và đã sống vì nó bao gồm: khiêm tốn, giản dị, gần gũi với thiên nhiên và con người, không ngừng học hỏi. Người là tinh hoa của dân tộc Việt Nam”(5). Nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến Hà Nội, khi tận mắt chiêm ngưỡng ngôi Nhà sàn nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kính cẩn nghiêng mình trước những minh chứng sinh động về phong cách, đạo đức của Người: “Đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy được cuộc đời bất tử của một lãnh tụ suốt đời hy sinh vì độc lập dân chủ và hạnh phúc thực sự của nhân dân Việt Nam. Người đã cống hiến hết mình vì dân tộc và Tổ quốc mà không màng đến tiền tài, danh vọng. Lý tưởng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là tấm gương cho các lãnh tụ thế giới và các chính khách học tập”(6).
 
Đi qua nửa thế kỷ, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã, đang và sẽ mãi mãi là một di tích quốc gia tiêu biểu của Việt Nam và thế giới vì nơi đây, người anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã sống và làm việc trong những năm cuối cùng, là nơi Người vĩnh biệt chúng ta và cũng là điểm hành hương thường xuyên của triệu triệu đồng bào ta cùng bạn bè quốc tế. Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử của Khu di tích Phủ Chủ tịch, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách và hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trường tồn trong tâm trí nhân loại bởi vì đó là: “Một Con Người vĩ đại, một nhà yêu nước vĩ đại, một người cách mạng vĩ đại và là biểu tượng vinh quang của loài người tiến bộ”(7).
 
Chú thích:
1.       Đoàn đại biểu mặt trận dân chủ Hàn quốc. Sổ cảm tưởng lưu tại Khu di tích
2.       Hồ Chí Minh trong ký ức bạn bè quốc tế. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2009, tr 120
3.       Tổng Bí thư BCHTƯ Đảng CS Việt Nam. Sổ cảm tưởng lưu tại Khu di tích
4.       Đoàn đại biểu đảng cộng sản Cu Ba. Sổ cảm tưởng lưu tại Khu di tích
5.       Hồ Chí Minh trong ký ức bạn bè quốc tế. Nxb. Chính trị quốc gia, H.2009, tr 198
6.       Chủ tịch Quốc hội Thái Lan. Sổ cảm tưởng lưu tại Khu di tích
7.       Kỷ yếu tọa đàm: Hồ Chí Minh với nhân dân thế giới, tháng 11/2017, tr 68
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)