Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - Nơi hội tụ và lan toả tấm gương về tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
PGS.TS Đỗ Văn Trụ
Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Việt Nam
1.Tôi từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chuyển công tác về Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh vào tháng 12 năm 1980 và ở đó 18 năm, đến tháng 12 năm 1997.
Tôi cũng có thời gian hơn 10 năm gắn bó với Khu Di tích và hơn 5 năm ngồi làm việc tại nơi này cho đến năm 1985 mới chuyển đi nơi khác.
Sau này, thỉnh thoảng vẫn được Khu Di tích mời dự các hội nghị, hội thảo, toạ đàm về những vấn đề chuyên môn. Vì vậy, có thể nói rằng tôi là người có sự hiểu biết nhất định về Khu Di tích thân yêu của chúng ta và có chung niềm tự hào về những kết quả hoạt động của Khu Di tích trong hơn nửa thế kỷ qua.
Năm 2024, kỷ niệm 55 năm ngày Bác Hồ đi xa, để lại bản Di chúc lịch sử cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và cũng là kỷ niệm 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích nổi tiếng này. Nhân dịp sự kiện quan trọng này, tôi muốn trình bày một số cảm nhận của mình về Khu Di tích và qua đó nêu lên một số đề xuất và kiến nghị.
2. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất trong hơn 15 năm, từ ngày 19 tháng 12 năm 1954, sau khi từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, đến ngày 2 tháng 9 năm 1969, khi Người vĩnh biệt chúng ta; nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ cách mạng Việt Nam thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hoà bình, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Văn phòng Chủ tịch nước được gọi bằng mật danh từ hồi ở chiến khu Việt Bắc “Văn phòng 41” hay còn gọi là “CQ41”) gồm những cán bộ sống thân ái, đoàn kết, hết lòng, hết sức tận tuỵ phục vụ Bác Hồ, bằng tấm lòng biết ơn vô hạn và sự kính yêu vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc đã ngày đêm miệt mài, cần mẫn, chu đáo, giữ gìn và bảo quản tốt nhất các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch như lúc sinh thời Bác chỉ đi công tác đâu đó ít ngày. Nhờ vậy mà Khu Di tích về Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ chu đáo và bảo quản cẩn thận. Cửa vẫn được mở hàng ngày đón tiếp một số đoàn khách trong nước và quốc tế vào thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch, đồ đạc trong nhà vẫn được sắp đặt ngay ngắn, sạch sẽ.
Cũng ngay sau khi Người qua đời, toàn bộ di tích, hiện vật, sân vườn, tường rào bao xung quanh liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 15 năm Người sống tại Khu Phủ Chủ tịch đã được tiến hành vẽ khoanh vùng bằng bản đồ Khu vực 2-9-1969 và chụp ảnh hiện trạng (ngày 16/9/1969), ghi chép, thống kê đăng ký vào sổ kiểm kê di tích.
Ngày 25/11/1970, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã ký ban hành Nghị quyết số 206-NQ/TW về việc thành lập Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng. Trong điều 2 của Nghị quyết đã nêu rõ: “…Bảo quản tốt Khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được xếp hạng Di tích quốc gia ngày 15 tháng 5 năm 1975, theo Quyết định số 386/VHQĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hoá và là Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên, theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ, trở thành một trong 130 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước, qua 14 đợt xếp hạng, tính đến thời điểm hiện nay.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong các di tích lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất trong các di tích lịch sử - cách mạng của Việt Nam nói chung và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của cả nước nói riêng.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Khu Di tích duy nhất của cả nước được bảo tồn tương đối nguyên trạng, cả các công trình kiến trúc, cảnh quan môi trường trên mặt bằng hơn 14,7ha, gồm 13 di tích: Nhà 54, Nhà sàn, Phòng họp Bộ Chính trị, Nhà 67, Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà ký sắc lệnh... và các di tích ngoài trời khác như Ao cá, Giàn hoa Phủ Chủ tịch, Đường xoài, đường mòn Hồ Chí Minh… cùng với hơn 1700 tài liệu hiện vật gắn liền với các nhà di tích Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi có môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp vào bậc nhất Thủ đô Hà Nội.
Trong khuôn viên Khu Di tích có 46 thảm cây xanh, với 1.922 cây; trong đó có 1.425 cây thân gỗ và 497 cây thân bụi, thân thảo của 135 loài thực vật trong đó 78 loài có nguồn gốc trong nước, 68 loài có nguồn gốc nước ngoài và 15 loài đang được xác định làm rõ nguồn gốc; 35 loài là cây ăn quả, 59 loài là cây bóng mát, 67 loài là cây hoa, cây cảnh, có một số loài cây quý hiếm được Bác Hồ đem về trồng như: cây xanh bốn mùa, dừa lửa, cọ dừa... Ao cá có diện tích 3.320m2, trữ lượng gần 5.000kg cá các loại, thuộc 14 loài và 6 nhóm.
55 năm qua, Khu Di tích đã đón tiếp và phục vụ chu đáo gần 90 triệu lượt khách từ hơn 160 quốc gia, hàng nghìn đoàn nguyên thủ quốc tế. Khách tham quan khu di tích vừa đông về số lượng (hàng ngàn người mỗi ngày), đa dạng về thành phần (từ chính khách, nguyên thủ quốc gia đến người dân), phong phú về đối tượng (công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang…). Nhân dân ta về hội tụ tại nơi đây để thể hiện lòng biết ơn đối với Bác Hồ đã mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc và quyền làm người hôm nay; để được tận hưởng những giá trị về nhân cách, đạo đức, lối sống và nguyện với Người sống, làm việc tốt hơn để đáp đền công ơn Bác; để như có cái may trong cuộc đời có một lần được gặp Bác. Bạn bè quốc thế đến nơi đây để có thể cảm nhận một cách sâu sắc hơn về một nhân vật kiệt xuất tiêu biểu, là niềm tự hào không những của nhân dân Việt Nam mà của cả các dân tộc yêu chuộng độc lập, tự do, công lý, hoà hình và tiến bộ xã hội trên thế giới, qua đó tăng cường thêm sự đoàn kết, hợp tác với nhân dân và đất nước Việt Nam để cùng nhau giữ gìn hoà bình thế giới lâu dài.
3. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Theo đó, Ban Bí thư đã phân công các vị lãnh đạo có uy tín tham gia Ban Phụ trách xây dựng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh như đồng chí Hà Huy Giáp, đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Hoàng Tùng. Công việc khoa học to lớn đầu tiên là tập trung vào việc kiểm kê di tích, lập bản đồ hiện trạng di tích, định vị các điểm di tích, đo vẽ, đạc hoạ chi tiết các di tích, chụp ảnh các di tích và hiện vật gắn liền với di tích…theo một quy trình và phương pháp công phu, nghiêm túc với sự tham gia đầy trách nhiệm, nhiệt huyết của các chuyên gia về di sản văn hoá, các kiến trúc sư, kỹ sư, những người trực tiếp phục vụ, giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người có am hiểu sâu sắc về nơi ở và làm việc của Người cùng với sự giúp đỡ về mặt kinh nghiệm của Bảo tàng Trung ương V.I Lê-nin. Bản Hồ sơ hiện trạng của Khu Di tích đảm bảo độ chính xác cao, là một sản phẩm khoa học tin cậy và quý giá, là cơ sở để chúng ta nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu Di tích. Vì vậy, kỷ niệm 55 năm hoạt động của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chúng ta không thể không nhớ ơn các vị đó, những người đặt nền móng và vun đắp cho những thành quả của chúng ta ngày hôm nay.
4. Một trong những thành quả và kinh nghiệm các bậc tiền bối để lại cho chúng ta là một công việc hết sức quan trọng, then chốt của then chốt, một nhân tố góp phần tích cực cho hoạt động của Khu Di tích lúc đó và sau này, đó là việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn.
Từ một cơ quan phục vụ, chuyển sang làm nhiệm vụ khoa học, vấn đề xây dựng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của công việc được đặt lên hàng đầu.
Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Ban Bí thư Trung ương Đảng đã giao cho Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trực tiếp là Trường Đai học Tổng hợp Hà Nội và Khoa Lịch sử của Nhà trường phối hợp với Ban Phụ trách xây dựng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn cho Ban Phụ trách.
Ngày 28 tháng 2 năm 1973 là một ngày đáng ghi nhớ. Tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Lãnh đạo Ban Phụ trách xây dựng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và Ban Giám hiệu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã có cuộc họp để thống nhất chủ trương, kế hoạch cụ thể cho việc phối hợp đào tạo. Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Ban Chủ nhiệm Khoa Lịch sử và các tổ trưởng bộ môn của Khoa Lịch sử…
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã đào tạo bồi dưỡng hàng trăm cán bộ chuyên môn cho Ban Phụ trách xây dựng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và sau này họ đều trở thành những cán bộ nòng cốt, đóng góp tích cực vào hoạt động của Khu Di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhiều người trong số đó sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo và quản lý nhiệt tình, có trách nhiệm và có trình độ chuyên môn cao.
Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội có đóng góp rất lớn với Khu Di tích của chúng ta. Thiết nghĩ rằng, trong Lịch sử của Khu Di tích, trong hoạt động của Khu Di tích 55 năm qua, không thể không nhắc tới vai trò của Khoa Lịch sử.
5. Nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 hoạt động của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, xin trình bày một số suy nghĩ của mình như sau:
Một là, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một ngôi đền thiêng, là nơi hội tụ và lan toả tấm gương về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; được làm việc tại Khu Di tích là một vinh dự rất lớn đối với mỗi cán bộ, nhân viên của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tai Phủ Chủ tịch.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có nguồn gốc từ CQ41 (Văn phòng Chủ tịch nước), có truyền thống đoàn kết, trọng tình nghĩa, trọng nhân tài, kỷ cương, nhiệt huyết và trách nhiệm; hàng ngày được gần gũi trực tiếp đối với các di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lẽ đó tôi rất mong muốn Khu Di tích của chúng ta cần phấn đấu xây dựng cơ quan gương mẫu về mọi mặt, xây dựng hình ảnh đẹp của cán bộ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong mắt khách tham quan.
Hai là, Hội thảo này là cơ hội để Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổng kết, đánh giá một cách toàn diện và cụ thể các mặt hoạt động trong 55 năm qua, để từ đó khẳng định những ưu điểm, những điều cần cố gắng, tìm ra nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị Khu Di tích trong thời gian tới. Theo đó, Khu Di tích nên có lộ trình xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể cho 5-10 năm tới.
Ba là, cần thiết phải xem xét, đánh giá cụ thể thực trạng của Khu Di tích hiện nay so với Hồ sơ Khu Di tích đã được xây dựng trước đây, ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời; để từ đó thấy được cái gì còn được bảo tồn nguyên vẹn như xưa, cái gì đã bị thay đổi và thay đổi đến mức độ nào; làm rõ nguyên nhân vì sao có sự thay đổi đó.
Bốn là, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trưng bày nội thất, tài liệu, hiện vật các nhà di tích, đảm bảo phát huy giá trị một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện Khu Di tích, trong đó có di tích Nhà làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một thời gian dài làm việc tại ngôi nhà này, do vậy cần nghiên cứu coi Di tích này vừa có ý nghĩa là Nhà lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vừa là bộ phận hợp thành của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Kiến trúc của ngôi nhà vẫn còn tốt, nhưng rất tiếc là các đồ đạc, vật kỷ niệm của Thủ tướng một phần bị thất lạc, một phần được chuyển về Nhà lưu niệm của Thủ tướng ở quê hương Quảng Ngãi. Khu Di tích cần có kế hoạch sưu tầm, gìn giữ các tài liệu, hiện vật liên quan để tiến tới trưng bày mở cửa phục vụ khách tham quan.
Năm là, khi nói đến Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là phải nói đến các địa điểm di tích, các hiện vật gắn liền với từng địa điểm di tích và toàn bộ cảnh quan, môi trường sinh thái của Khu Di tích. Các bộ phận đó có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau, tạo thành một tổng thể thống nhất của Khu Di tích. Một mặt cần vận dụng các kết quả nghiên cứu qua các đề tài khoa học cấp Bộ, cấp cơ sở đã thực hiện và được đánh giá nghiệm thu trong những năm qua vào việc giải quyết những vấn đề thực tiễn của Khu Di tích. Mặt khác cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, xác minh, tư liệu hoá các di tích, các hiện vật gắn liền với từng di tích, thực hiện việc số hoá, nhằm làm sáng tỏ hơn các giá trị của di tích và hiện vật, tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu khoa học và tuyên truyền-giáo dục. Cần hết sức quan tâm đến di sản ký ức, khai thác các câu chuyện, kỷ niệm, hồi ức của các nhân chứng lịch sử. Nếu không làm khẩn trương vấn đề này thì sẽ là một thiệt thòi lớn vì hiện nay, nhân chứng ngày càng ít đi, nhiều người không còn nữa, những người còn sống thì tuổi tác đã cao, trí nhớ có hạn./.