Kỷ niệm 100 năm sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết (1910-2010):MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ THỜI GIAN NGUYỄN TẤT THÀNH ĐẾN PHAN THIẾT
29 Tháng 11 Năm 2010 / 4424 lượt xem
Nguyễn Huy Hoan
Nguyên PGĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh
Trong quá trình tìm hiểu về thời niên thiếu và thanh niên cua Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự kiện thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) dạy học một thời gian ở Trường Dục Thanh là một mốc quan trọng được nhiều người quan tâm.
Trước hết, đó là một sự kiện có thật. Từ năm 1960, bác sỹ Nguyễn Kinh Thi, công tác ở Bộ Y tế, trước kia đã từng dạy học với thầy Thành ở Phan Thiết đã nói rất rõ trong cuốn sách Bác Hồ do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1960.
Những dòng hồi ức trên đây rất quý, nhưng một sự kiện diễn ra cách đó (1960) đã 49 năm cũng có thể có điểm chưa chính xác. Ví dụ chi tiết về khoảng tháng 10 năm 1911 thầy Thành đã ra đi rõ ràng không đúng khi chúng ta đã tìm được những tài liệu tin cậy chứng minh ngày 5-6-1911 Nguyễn Tất Thành đã rời Cảng Nhà Rồng.
Lâu nay, qua nhiều bài viết về sự kiện thầy giáoNguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh, có những sự kiện ý kiến đã thống nhất nhưng cũng có những sự kiện ý kiến còn khác nhau. Theo tôi, ý kiến đã thống nhất ở các vấn đề:
- Thầy Thành đã dạy cho học trò tư tưởng yêu nước.
- Thầy Thành rất thương yêu học trò, luôn giáo dục một cách nhẹ nhàng.
- Thầy Thành thường đưa học sinh tham gia vào các hoạt động ngoại khoá…
Song có hai vấn đề chưa thống nhất:
Thứ nhất, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết vào thời gian nào?
Để làm rõ vấn đề này, cần nắm vững, trước khi đến Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành ở đâu và làm gì?
Không nhất thiết phải đi quá xa, chúng ta hãy bắt đầu từ năm 1905.
. Mở đầu năm học 1905-1906 Nguyễn Tất Thành học lớp tư tại Trường Pháp - bản xứ (École Franco-indigène) tại thành phố Vinh. Tư liệu chứng minh cho vấn đề này là hồi ký của ông Chu Vân Phi, người cùng quê, cùng học lớp tư (còn gọi là lớp dự bị - cours priparatoire) với Nguyễn Tất Thành. Trường này, theo ông Chu Vân Phi là ở mạn Cầu Rầm, phía tây thành phố Vinh. Tra cứu thêm các văn bản thời ấy, đúng là năm 1905, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập tại một số tỉnh lỵ một loại trường có tên là Trường Pháp- bản xứ. Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Huế trước đó đã thiết lập một loại trường mang tên là trường Pháp - Việt (École Franco-Annamite).
Nhưng Nguyễn Tất Thành chưa kết thúc năm học đã phải ngừng việc học để theo thân phụ Nguyễn Sinh Huy vào Huế. Năm học dưới thời thuộc Pháp khai giảng vào ngày 15-9 và kết thúc vào ngày 15-6 năm sau. Thực tế đầu tháng 5 Nguyễn Tất Thành đã nghỉ để chuẩn bị cùng phụ thân vào Huế và chúng ta đã xác định được cuối tháng 5-1906 ông Nguyễn Sinh Sắc cùng Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành đã có mặt ở Huế. Tờ trình của Bộ Lại giúp chúng ta xác định mốc thời gian đó:
“Mới đây, theo lời bẩm của Phó bảng Nguyễn Sinh Huy (bốn mươi lăm tuổi, người tỉnh Nghệ An) - viên này dự trúng Phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu năm Thành Thái thứ 13. Lần đó về thăm quê nhà xong việc thì bị bệnh ở lại quê quán uống thuốc, nay bệnh đã khỏi, đến bộ tôi đợi lệnh ” (theo tờ trình của Bộ Lại ngày 6-6-1906, bản chụp).
. Hai năm học 1906-1907 và 1907-1908 Nguyễn Tất Thành học lớp tư và lớp ba (còn gọi là lớp dự bị và lớp sơ đẳng) tại Trường tiểu học Pháp - Việt Thừa Thiên (còn gọi là Trường tiểu học Đông Ba), tại Huế.
Có hai lý do để Nguyễn Tất Thành phải học lại lớp Tư. Một là, Trường tiểu học Pháp bản xứ ở Thành phố Vinh là mới thành lập, không quy củ như trường mang tên Pháp - Việt đã có nhiều năm ở Huế. Hai là tại trường Pháp - bản xứ Vinh Nguyễn Tất Thành chưa học hết chương trình lớp tư.
Trước đây có người nói Nguyễn Tất Thành chỉ học một năm ở Tiểu học Đông Ba (1906-1907). Tháng 9-1907 đã chuyển sang học Trường quốc học Huế. Từ suy nghĩ đó họ cho rằng Nguyễn Tất Thành đã tham gia cuộc đấu tranh của nông dân Thừa Thiên khi anh đang học Quốc học Huế.
Chúng tôi căn cứ vào hồi ký của cụ Lê Thiện là người cùng học với Nguyễn Tất Thành ở Trường tiểu học Đông Ba để kết luận “Nguyễn Tất Thành đã học ở Tiểu học Đông Ba hai năm lớp tư và lớp ba”.
Một tư liệu mới nhất của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) công bố gần đây giúp chúng ta càng sáng tỏ hơn về việc học của Nguyễn Tất Thành.
Toàn văn thư của ông Chouquet, hiệu trưởng Quốc học Huế lúc bấy giờ gửi Khâm sứ Trung Kỳ như sau:
“Huế, ngày 7 tháng 8 năm 1908
Tiếp theo thư số 526 đề ngày 4-8 năm nay của Ngài (chỉ ông Khâm sứ Trung Kỳ - TG) tôi hân hạnh báo cáo cho Ngài rõ có thể tiếp nhận vào Trường Quốc học, học sin có tên Nguyễn Sinh Côn, người gốc Nghệ An, học sinh Trường Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên.
Ký tên Chouquet”
Qua bức thư này, chúng ta có thể khẳng định 3 điều:
Một là, Nguyễn Tất Thành khi học ở Tiểu học Đông Ba mang tên Nguyễn Sinh Côn. Lúc vào Quốc học vẫn mang tên Nguyễn Sinh Côn (theo hồi ký của Lê Thanh Cảnh).
Hai là, sang đầu năm học 1908-1909 (khai giảng ngày 15-9) Nguyễn Tất Thành mới vào Trường Quốc học.
Ba là, sự kiện nông dân miền Trung chống thuế nổ ra đầu tháng 4-1908 (cao điểm là 12-4), khi đó Nguyễn Tất Thành còn là học sinh Tiểu học Đông Ba, chưa sang học Trường Quốc học. Cũng chính vì liên quan đến sự kiện chống thuế nên ngày 4-8-1908 Khâm sứ Trung Kỳ có Công văn số 526 chất vấn hiệu trưởng Chouquet và 3 ngày sau Chouquet đã trả lời như trên.
. Năm học 1908-1909 Nguyễn Tất Thành học Lớp nhì trường Quốc học Huế.
Trường Quốc học Huế được thành lập theo Nghị định ngày 18-11-1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương, do A.Rousseau ký là một loại trường đặc biệt. Khoản 4 của Nghị định nêu rõ: Được nhận vào Trường Quốc học:
1. Các công tử con Hoàng thân.
2. Các tôn sanh con cháu các chi nhánh trong Hoàng gia.
3. Các Ấm tử hoặc những con quan mà được hưởng đặc quyền
4. Sinh viên Trường Hành nhơn và 5 sinh viên Trường Quốc tử giám.
Các sinh viên trên đều được Chính phủ Nam triều phụ cấp theo thể lệ định.
Hồi ký của các cụ Lê Thiện, Lê Thanh Cảnh, đều nói rõ Nguyễn Sinh Côn học hết lớp nhì ở Trường Quốc học. Và Nguyễn Sinh Côn chính thức học trên ghế nhà trường chỉ hết lớp Nhì. Sau này, một vài lần Bác Hồ có nhắc đến sự kiện đó:
1, Tối ngày 27-8-1945, Bác đọc cho đồng chí Vũ Kỳ (lúc này đã được Ban Thường vụ Trung ương chọn làm Thư ký riêng cho Bác) ghi lại một bức thư bằng tiếng Pháp, Bác xem và sửa một vài chỗ, nhân đó vui miệng hỏi đồng chí Vũ Kỳ: Chú có biết Bác học chính thức ở nhà trường hết lớp mấy không? Rồi Người tự trả lời luôn: “Bác học chính thức trên ghế nhà trường chỉ hết lớp nhì của bậc tiểu học”.
2, Tại Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Hà Nội từ ngày 29-8 đến ngày 2-9-1961, có 37 tổ chức sinh viên của 35 nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh tham dự, với chủ đề “Vai trò của các tổ chức sinh viên trong việc phát triển nền giáo dục dân tộc”, Bác nói “Về văn hoá, tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Vì chế độ thực dân và phong kiến đã kìm hãm việc giáo dục…”
3, Ngày 17-8-1962, thăm học sinh Trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hoà Bình, Bác kể lại:
“Trước đây lúc tuổi thanh niên Bác hoạt động ở Pháp, cũng vừa lao động vừa học tập, nhưng lúc đó lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm thế để tự kiếm sống, nhưng vẫn dành thì giờ để học tập, ngày lao động, đêm học tập, chứ Bác không được đến trường học đâu”.
. Năm học 1909-1910, Nguyễn Tất Thành đã hoàn thành chương trình lớp nhất ở Quy Nhơn với sự dạy dỗ, giúp đỡ của cụ giáo Phạm Ngọc Thọ (thân sinh bác sỹ Phạm Ngọc Thạch), chủ yếu là tiếng Pháp.
Chứng minh cho sự kiện này, chúng tôi dựa vào hồi ức của bà Phạm Ngọc Diệp, chị ruột ông Phạm Ngọc Thạch và lời khai của bà Thanh (chị Bác Hồ) với mật thám Pháp ngày 7-5-1920.
Phối hợp các sự kiện trên, chúng ta có thể thấy rõ Nguyễn Tất Thành chính thức học trên ghế nhà trường là lớp tư, lớp ba, lớp nhì, học lớp nhất với sự giúp đỡ của cụ Phạm Ngọc Thọ đúng như lời Bác nói: “Về văn hoá, tôi chỉ học hết lớp tiểu học” và “ngồi trên ghế nhà trường chỉ hết lớp nhì”.
Việc Nguyễn Tất Thành vào Quy Nhơn có liên quan đến việc ông Nguyễn Sinh Huy đi chấm thi ở Bình Định và tiếp đó nhậm chức tri huyện Bình Khê. Ông Nguyễn Sinh Huy đi đâu thường đưa con đi cùng. Ví dụ năm 1900 ông đi coi trường thi Thanh Hoá, ông đã đưa Nguyễn Sinh Khiêm đi cùng, còn Nguyễn Tất Thành thì ở lại Huế với mẹ. Năm 1905, ông đi ra huyện Kiến Xương, Thái Bình, đã đưa Nguyễn Tất Thành đi cùng.
Chúng ta đều biết rằng ngày 5-5-1909 nội các triều đình Huế có tờ tấu bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Huy làm Phúc khảo Trường thi Hương Bình Định được tổ chức vào ngày 18-5-1909 (1). Tiếp đó, ngày 29-5-1909, Bộ Lại bổ nhiệm ông Nguyễn Sinh Huy làm Tri huyện Bình Khê. Theo hồ sơ mật thám Pháp, ông chính thức nhậm chức tri huyện Bình Khê ngày 1-7-1909.
Ông Nguyễn Sinh Huy và Nguyễn Tất Thành trong bối cảnh trên phải có mặt ở Bình Định trước ngày 18-5-1909, chậm nhất là cuối tháng 5 (2).
Điều này trùng khớp với câu chuyện Bác Hồ gặp bác sỹ Phạm Ngọc Thạch vào cuối năm 1945, Người có nói với bác sỹ Phạm Ngọc Thạch rằng: “Lúc Bác vào Quy Nhơn thì chú mới sinh” (Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 9-5-1909).
. Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết vào thời gian nào?
Vấn đề này quả là không đơn giản. Trước hết phải nói đến nguồn hồi ký của ba người học trò đã học với thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh. Đó là các ông Nguyễn Quý Phần, Nguyễn Đăng Lầu (tức Cửu Lâu) và Từ Trường Phùng. Tôi được may mắn, sau khi giải phóng miền Nam, tháng 8-1975 và tháng 7-1976 đã đi khảo sát sưu tầm ở miền Nam và đã gặp các vị trên đây. Phải nói rằng, lúc gặp, các cụ đã trên dưới 80 tuổi. Do đó có những điều các cụ nhớ đúng, có những điều nhớ lẫn hoặc sai.
Riêng về thời gian thầy Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết, các cụ có nói một ý rằng: Thầy Thành ăn hai cái Tết ở đây: Tết Trung thu và Tết Nguyên Đán. Tôi đã hỏi rất kỹ: Các cụ có nhớ ăn Tết Nguyên Đán trước rồi Trung thu sau hay ăn Tết Trung thu trước rồi ăn Tết Nguyên Đán sau? Cụ Nguyễn Quý Phần đều trả lời rằng tôi không nhớ rõ. Trong thời gian thầy Nguyễn Tất Thành ở Phan Thiết, mốc hai cái Tết in rất đậm trong trí nhớ các cụ, nhưng nếu ăn Tết Nguyên đán trước, Tết Trung thu sau thì thầy Thành ở Phan Thiết khoảng 8 tháng, nếu ăn Tết Trung thu trước ăn Tết âm lịch sau thì thầy Thành chỉ ở Phan Thiết khoảng 6 tháng.
Tôi nhớ lại buổi làm việc giữa đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Phạm Văn Bình - Vụ trưởng Vụ Tư liệu, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (trong sổ lịch công tác của tôi ghi rõ ngày 31-7-1973) về bản thảo cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp” (xuất bản lần đầu năm 1975), trong buổi họp đó, đồng chí Vũ Kỳ có kể:
Năm 1960, kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Bác, có một số sách viết về Bác như cuốn hồi ký “Bác Hồ” của nhiều tác giả, cuốn “Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tác phẩm “Nhật ký trong tù”v.v..
Bác có yêu cầu đọc cho Bác nghe một số bài. Khi tôi đọc bài “Quê hương và thời niên thiếu” do Hoài Thanh và Thanh Tịnh viết, trong cuốn “Bác Hồ”, đến trang 30 có đoạn “Thầy Thành dạy ở đây (trường Dục Thanh) được bảy, tám tháng” thì Bác nói, đại ý: “Mình không dạy ở Dục Thanh lâu như thế. Sự thật là trên đường vào Sài Gòn tìm cách ra nước ngoài, đến Bình Thuận thì tiền nong đã cạn, mình phải dạy học một thời gian để có điều kiện đi tiếp”.
Qua câu chuyện này, riêng tôi nghĩ rằng, Bác đến Phan Thiết, khoảng đầu tháng 9-1910, trước Tết Trung thu năm đó (dương lịch là ngày 18-9). Đến vào dịp này, cũng là dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới (thời đó là ngày 15-9), Bác mới có điều kiện xin dạy học ở đây, vì trường còn thiếu thầy dạy môn Thể dục.
Thêm một tư liệu tham khảo nữa để chúng ta suy ngẫm là trong bài viết của Thiếu Lang Quân, tên thật của tác giả là Nguyễn Tài Tư, nhan đề “Nhà cách mạng Bạch Liên nữ sĩ” đăng trên báo “Lên đàng” năm 1947 có một đoạn nói đến Nguyễn Sinh Côn trong những tháng nghỉ hè 1910, vẫn ở Quy Nhơn và anh đã đọc nhiều sách của Vônte, Rútxô, Môngtexkiơ, lịch sử cách mạng Pháp.
Một việc nữa có liên quan chúng ta cũng cần suy nghĩ là, Nguyễn Tất Thành không thể không quan tâm đến số phận của phụ thân sau khi bị cách chức tri huyện Bình Khê. Theo hồ sơ A 3780 I của Toà Khâm sứ Trung Kỳ thì ông Nguyễn Sinh Huy bị cách chức tri huyện Bình Khê ngày 17-1-1910.
Tờ trình của Bộ Hình cho biết, việc điều tra của các cơ quan Nam triều ở Bình Định kết thúc ngày 2-3-1910 (sau 45 ngày).
Việc ông Nguyễn Sinh Huy ngày nào phải “lai kinh hậu cứu” (trở về kinh để xem xét) thì chúng ta chưa rõ, phải chăng là sau ngày 2-3-1910, sau khi các cơ quan hữu quan của Nam triều ở Bình Định hoàn thành việc điều tra.
Theo hồ sơ A3789 I, đến ngày 19-5-1910, Hội đồng nhiếp chính của Triều Nguyễn mới có kết luận về vụ án.
Ngày 27-8-1910 Khâm sứ Trung Kỳ Gơrôlô mới ký duyệt.
Chúng tôi nghĩ rằng, một người con hiếu thảo như Nguyễn Tất Thành nỡ nào rời Quy Nhơn khi chưa rõ số phận của phụ thân mình sau khi ông phải về Huế. Có lẽ phải có một địa chỉ cố định để còn nắm tin tức.
Ba vị học trò cũ của thầy Nguyễn Tất Thành cũng nhớ rất rõ rằng “học thầy Thành từ đầu năm học lớp nhì, chứ không phải cuối năm học lớp ba với thầy rồi lên lớp nhì lại học với thầy”.
Qua những tư liệu trên, chúng tôi nghĩ rằng, Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9-1910, vừa đúng vào thời gian chuẩn bị khai giảng năm học mới, vừa nhờ có sự giới thiệu của người quen với thân phụ anh, cũng vừa đúng lúc nhà trường cần một giáo viên nên Tất Thành đã được nhận vào Trường Dục Thanh. Nguyễn Tất Thành đã dạy ở đây khoảng 6 tháng (khớp với điều Bác không tán thành Hoài Thanh, Thanh Tịnh viết là “bảy, tám tháng” và khớp với ký ức của ba người học trò là ăn Tết Trung thu (18-9-1910) và Tết Nguyên đán năm Tân Hợi (30-1-1911). Không rõ sau ngày 30-1-1911, Nguyễn Tất Thành đã rời Phan Thiết vào ngày nào để đi tiếp vào Sài Gòn, nhưng chắc chắn Nguyễn Tất Thành ở Sài Gòn không lâu, vì từ lâu anh đã nghĩ đến việc “phải đi ra (nước) ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”.
Thứ hai, về vấn đề thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy môn gì?, trong quá trình đi sưu tầm khai thác tư liệu, chúng tôi cũng gặp nhiều ý kiến khác nhau.
Qua các tài liệu sưu tầm, chúng tôi căn cứ vào lời khai của ông Nguyễn Sinh Khiêm ngày 19-3-1920, đối chiếu với hồi ký của các vị học sinh cũ trường Dục Thanh thì thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy môn thể dục là chính, được trả lương tháng là 8 đồng. Thầy chỉ dạy tiếng Pháp khi thầy Hải là giáo viên chính bận việc, vắng mặt.
Năm 1976, trong dịp đi sưu tầm khai thác tài liệu ở Bình Thuận, các cụ còn biểu diễn lại bài thể dục thầy Thành dạy và tôi đã vẽ vội vào sổ ghi, nay còn giữ lại, tôi xin đưa ra đây để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và bạn đọc tham khảo.
(1) Theo Nguyễn Tất Thành ở Bình Định, tr.43
(2) Theo tôi, các kỳ thi hương ở Nghệ An, Huế, Bình Định được tổ chức vào tháng 4 âm lịch các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Nếu đúng thế thì sau ngày 19-5-1909 (1 tháng 4 âm lịch).