Kỷ niệm về những ngày bên Bác trong Phủ Chủ tịch
Nguyễn Văn Đoàn
Nguyên Phụ trách Ban Di tích
Kính thưa các vị đại biểu; Kính thưa Ban Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
Tôi tên là Nguyễn Văn Đoàn, sinh năm 1947 tại tỉnh Ninh Bình.
Tôi đi công tác năm 1964 và được tuyển vào phục vụ trong ngành công an từ năm 1965, công tác tại Đội 1, Cục 22, Bộ Công an, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại nơi lịch sử này, ngày 1/10/1968 tôi được gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau ngày Bác Hồ qua đời, tôi là một trong những cán bộ thời phục vụ Bác xin tình nguyện ở lại cùng các đồng chí CQ41 (cơ quan Văn phòng Bác Hồ) chuẩn bị nhiệm vụ xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh và trước mắt là chăm lo giữ gìn, bảo quản nguyên trạng và phát huy tác dụng giáo dục của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tại nơi đây, được sự quan tâm của lãnh đạo, được sự giúp đỡ chân tình của tập thể cơ quan, tôi đã có bước tiến bộ và sự trưởng thành, lần lượt được giao nhiệm vụ Phó trưởng phòng, Trưởng phòng, Phó Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban Thường trực, Phụ trách Ban Di tích (Đơn vị cấp Vụ). Tới ngày 30/1/1989, tại Quyết định số 09/QĐ-VBT, Ban Giám đốc Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đề bạt tôi là Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Hôm nay Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức Hội thảo khoa học “55 năm ngày Bác đi xa- 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Trong không khí trang trọng, xúc động và thật đầm ấm của Hội nghị, tôi là một trong những chiến sĩ cảnh vệ được trực tiếp phục vụ bên Bác cho tới khi Bác trút hơi thở cuối cùng, khi nhịp đập trái tim Bác chậm dần rồi dừng lại hồi 9h 47 phút ngày 2/9/1969 tại ngôi nhà 67 trong khu vực Phủ Chủ tịch; và cũng là một cán bộ đã có mặt từ buổi đầu chăm lo giữ gìn, bảo quản nơi Bác Hồ đã 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch được về đây dự Hội thảo mà lòng bồi hồi, xúc động và càng nhớ thương Người vô hạn. Kỷ niệm về những năm tháng bên Bác càng thêm sâu nặng và thiêng liêng. Đó là những trang đẹp nhất, điều may mắn và hạnh phúc nhất trong cuộc đời của chúng tôi.
Ngày sinh thời Bác, tôi còn rất trẻ, là lớp chiến sĩ mới của đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Người. Cho đến nay, dù đã mấy chục năm qua nhưng sao chúng tôi có thể quên được ngày đầu về nhận công tác ở nơi Bác. Đồng chí Vũ Kỳ, Chánh Văn phòng Phủ Chủ tịch, thư ký riêng của Bác và đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Cục trưởng Cục 22 Bộ Công An đã dành thời gian gặp gỡ trực tiếp, động viên, căn dặn chúng tôi nhiều điều, trong đó các đồng chí đặc biệt lưu ý: Nhiệm vụ của các đồng chí là rất đặc biệt, rất vinh dự được trực tiếp bảo vệ Bác Hồ. Nhiệm vụ có nhiều khó khăn, yêu cầu anh em có tinh thần trách nhiệm rất cao và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Lãnh tụ. Tổ chức chỉ cho phép các đồng chí làm việc tốt, không để xảy ra sai phạm dù là việc nhỏ, và nhất là không được phép để Bác phiền lòng…
Thấm nhuần sâu sắc ý kiến chỉ đạo của các đồng chí Thủ trưởng, chúng tôi, bằng cả niềm tin, lòng tự hào và tinh thần trách nhiệm cao nhất đã luôn cố gắng vừa học, vừa làm, vừa tích cực rút kinh nghiệm, nhanh chóng nắm bắt được tình hình, thuần thục công việc chuyên môn, được lãnh đạo đơn vị hài lòng, và sung sướng nhất là được Bác Hồ cho phép sớm hôm bên Người với trách nhiệm là chiến sĩ cận vệ trong tổ bảo vệ tuỳ thân của Bác.
Chúng tôi thật hạnh phúc vì đã được phục vụ Bác Hồ, vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của cách mạng và dân tộc Việt Nam. Và chúng tôi cũng là những người con, người cháu hiếu thảo đã luôn cảm nhận ở Bác là Người Ông, Người Cha kính yêu thân thiết nhất của mình. Ở Bác, từ trong sinh hoạt, việc làm, lối sống hàng ngày tại cơ quan cũng như có dịp được theo chân Bác trong mỗi chuyến công tác đã cho chúng tôi thấu hiểu sâu sắc tình cảm, nhân cách cao đẹp, cuộc đời giản dị, gần dân, thương dân, tôn trọng nhân dân và cán bộ của vị lãnh tụ kính yêu.
Như các đồng chí đã biết, khi Bác đã tuổi cao, Bác đã từng trải qua bao hiểm nguy, gian khổ, từ năm 1965 về sau sức khoẻ của Bác đã có những biểu hiện suy giảm. Có lần trong tay Bác đang cầm chiếc cốc rồi tự nhiên đánh rơi cốc xuống sàn nhà, tay Bác đã run và lời nói Bác không chủ động được. Để luyện mắt, luyện tay, tại hành lang tầng một nhà sàn, Bác đã nhiều lần tập ném bóng, đứng từ xa nhằm đưa bóng vào một cái bồ nhỏ. Thường ngày, sau ít phút nghỉ trưa, khi cán bộ Văn phòng đã xong công việc thông tin nhanh tới Bác tình hình được báo chí trong nước và quốc tế đưa tin, Bác cho anh em theo Bác đi bộ trong khu vườn Phủ Chủ tịch. Anh em bảo vệ băn khoăn vì có những đoạn đường còn gồ ghề, chưa được bằng phẳng, sợ Bác vấp ngã, Bác ôn tồn giảng giải cho anh em là hàng ngày ta đi rồi lâu sẽ thành đường, đường sẽ phẳng và đẹp dần lên. Đến nay con đường đó vẫn còn ở ngay phía sau nhà 67…
Khi tuổi đã cao, hơn ai hết Bác hiểu rõ tình hình sức khoẻ của mình. Bác mong muốn được phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân được nhiều hơn nữa. Đầu năm 1968, Bác đã viết thư cho đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất của Đảng về ý định của Người đi thăm cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam. Trước đó, tại nhà sàn, từ ngày 10/5/1965 Bác cũng đã có ý định, và Người đã viết những dòng đầu tiên trong Lời để lại cho toàn dân, toàn Đảng khỏi cảm thấy đột ngột khi Người đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các bậc cách mạng đàn anh khác. Rồi mỗi năm tình hình lại có những biến chuyển mới, và cứ mỗi dịp Tháng Năm về, Bác lại duy trì từ 9-10h của các ngày từ 10 đến 19/5 để hiệu chỉnh, bổ sung những suy nghĩ mới của mình trong tập tài liệu bí mật đó. Những năm tháng ấy, nhiều cán bộ, nhân dân và chiến sĩ ta ở Hà Nội và các tỉnh xa chắc đã nghĩ rằng trong tình hình chiến tranh phá hoại của Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc và khi Bác đã tuổi cao, Trung ương và Chính phủ sẽ mời Bác ra nước ngoài để đảm bảo sự an toàn và thuận lợi hơn trong việc chăm sóc và chữa bệnh khi Bác đau yếu. Nhưng tình hình thực tế lại không như vậy! Bác đã yêu cầu lãnh đạo thành phố Hà Nội tổ chức thật kịp thời và triệt để công tác phòng không, sơ tán, bảo đảm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. Trong khi đó, Bác Hồ vẫn ở lại trong nước, ở lại Hà Nội cùng Trung ương Đảng, Chính phủ chỉ đạo công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Hôm nay, trong trí nhớ của mình, tôi còn nhớ rõ những lần được bảo vệ Bác đi công tác:
Ngày 27/4/1969 Bác đi bầu cử Hội đồng nhân dân Khu phố Ba Đình tại điểm bầu cử Nhà Thuyền Hồ Tây trên đường Thanh Niên. Hôm ấy Bác đi sớm trước giờ khai mạc phòng bỏ phiếu. Bác tươi cười gặp gỡ, thăm hỏi đồng bào, cán bộ đi bầu cử rồi Bác thực hiện trách nhiệm của một công dân trực tiếp bỏ phiếu bầu vào hòm phiếu. Sau đó Bác đi thăm ngày hội xây dựng Chính quyền nhân dân Thủ đô. Trên mỗi con phố Bác đi qua, đến đâu không khí cũng tưng bừng, nhân dân phấn khởi, tiếng trống, tiếng loa, cờ hoa rợp phố làm Bác thấy mừng vui.
Một chuyến đi khác cũng làm tôi nhớ mãi, đó là được đi bảo vệ Bác tham dự cuộc mít tinh trọng thể của Thủ đô Hà Nội chào mừng sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, tổ chức tại Hội trường Ba Đình vào trung tuần tháng 6 năm 1969. Khi đó Bác đang mệt, việc đi lại có phần khó khăn, các thày thuốc rất lo lắng cho sức khoẻ của Bác khi đi công tác. Đã bao lâu ấp ủ ước mong vào thăm đồng bào, chiến sĩ miền Nam, nay trước sự kiện quan trọng này càng làm cho Người thêm phấn khởi, tin tưởng vào bước phát triển của cách mạng miền Nam. Hôm ấy Bác đến dự mít tinh với dáng đi nhanh nhẹn, nét mặt phấn khởi, vui mừng, Bác không muốn để đồng bào lo lắng về sức khoẻ của mình, vì miền Nam luôn ở trong trái tim Bác.
Tôi cũng mãi mãi không quên chuyến đi công tác cuối cùng trong cuộc đời của Bác Hồ. Hôm đó là ngày 12/8/1969, khi biết tin Đoàn cán bộ Ngoại giao ta từ Pari mới về, các đồng chí đang nghỉ tại biệt thự Hồ Tây nên Bác muốn đến đó gặp gỡ, thăm hỏi, động viên và nghe Đoàn báo cáo kết quả hoạt động công tác đấu tranh ngoại giao. Sau khi bác sĩ Nhữ Thế Bảo (bác sĩ tuỳ thân của Bác) và đồng chí lái xe Nguyễn Văn Mùi từ bệnh viện Việt Đức trở về cơ quan, đúng 3 giờ chiều đoàn xe chuyển bánh. Khi xe chạy qua gần hết phố Yên Phụ thì gặp trời đổ mưa rất to, trên mặt Hồ Tây trời mây đen nghịt, gió thổi rất mạnh làm cho đoàn xe di chuyển thật khó khăn. Mấy chục phút sau thì trời tạnh ráo nhưng thời tiết thì se lạnh bất thường. Hôm ấy Bác vui vì được gặp lại những cán bộ ưu tú đi công tác nơi xa trở về trong niềm tin cách mạng miền Nam nhất định thắng lợi.
Sau hôm đó không ai có thể nghĩ rằng, chỉ 5 ngày sau, từ đêm 17/8/1969 Bác đã bị mệt, sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng. Trung ương lo lắng, cơ quan Văn phòng Bác và các thày thuốc cũng vô cùng lo lắng cho sức khoẻ của Người. Mặc dù đang yếu mệt, Bác vẫn tiếp tục làm việc. Bác luôn quan tâm đến tình hình chiến sự miền Nam, tới việc phòng chống lũ lụt, bảo vệ đê điều ở miền Bắc, chăm lo đời sống nhân dân vùng chịu thiên tai; rồi việc tổ chức mừng Lễ Quốc khánh và nhắc việc bắn pháo hoa cho nhân dân vui ngày Tết Độc Lập. Trong những ngày đau yếu ấy, nỗi lòng da diết của Người vẫn luôn hướng về đồng bào, đồng chí miền Nam.
Chúng tôi là lớp chiến sĩ cận vệ được phục vụ Bác những năm cuối đời. Thời gian được gần Bác tuy không dài nhưng chúng tôi hiểu rõ đó là những tháng năm Người đã gắng hết sức mình để cùng Trung ương Đảng, cùng Chính phủ, cùng nhân dân Việt Nam tiến hành công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc miền Bắc, tiếp tục đấu tranh để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, miền Nam được giải phóng, nước nhà được thống nhất. Trong mỗi anh em cảnh vệ chúng tôi hôm nay vẫn còn lưu giữ được những kỷ niệm sâu sắc đó về Bác mà chưa kể hết được…
Về phần tôi, thưa các đồng chí, suốt những ngày Bác mệt nặng, tôi cũng được phép túc trực bên giường bệnh để chăm sóc Người, quạt nhè nhẹ để Bác đi vào giấc ngủ, dùng gạc mềm vuốt nhẹ cổ, họng mỗi khi Bác có cơn ho…
Được ở bên Bác trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi càng thêm hiểu tấm lòng kính yêu sâu sắc của các đồng chí cán bộ lãnh đạo đối với Bác, muốn rằng sau mỗi lúc thiếp đi và khi tỉnh dậy Bác được yên lòng nhìn thấy những khuôn mặt cháu con thân quen gần gũi hàng ngày vẫn luôn ở bên mình.
Và điều đau thương nhất cũng đã đến, cuối đêm mùng một rạng ngày mùng hai tháng chín, sức khoẻ của Bác trở nên hết sức nguy kịch. Những cơn nấc xuất hiện liên tục, việc hô hấp và tuần hoàn của Bác hết sức khó khăn. Các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã sát cánh cùng các thày thuốc giỏi của Việt Nam và nước bạn Trung Quốc dốc lòng cấp cứu mong sao Bác tỉnh lại. Do tuổi cao, bệnh nặng, vào hồi 9h 47 phút ngày 2/9/1969 Bác đã ra đi. Đây là lần cuối cùng tôi và 4 đồng chí người Nghệ An quê hương của Bác (đ/c Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Nhương, Ngô Ngọc Châu, Đặng Ngọc Hợi) và các thầy thuốc, nhân viên y tế và một số đồng chí có trách nhiệm khác được ở bên Bác và tiễn Người đi xa.
Sau ngày Quốc hội nước ta bầu bác Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước Việt Nam DCCH, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ sang phục vụ Bác. Tới khi Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết về việc thành lập Ban Phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi được điều động trở lại làm nhiệm vụ chuẩn bị xây dựng Bảo tàng và công tác giữ gìn, bảo quản, phát huy giá trị nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch. Đến nay, đã 55 năm qua kể từ ngày Bác mất, Khu Di tích đã thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết 375 của Chính phủ, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch và đạt được nhiều thành tích quan trọng trên tất cả các mặt: Công tác chính trị-tư tưởng, công tác chuyên môn, nghiệp vụ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác xây dựng, tổ chức lực lượng và các đoàn thể quần chúng, công tác quản trị cơ quan, đơn vị…
Sau những lần thay đổi về mặt tổ chức theo sự chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhưng các thế hệ lãnh đạo cùng tập thể cán bộ, nhân viên Khu Di tích đã nhiều năm liên tục đoàn kết, sống nghĩa tình, thuỷ chung, phấn đấu xây dựng cơ quan kiểu mẫu, Đảng bộ kiểu mẫu. Khu Di tích Phủ Chủ tịch thực sự là địa chỉ đỏ đáng tin cậy mà hàng triệu lượt người thuộc các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế tìm về tham quan, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.
Với tình cảm chân thành và yêu quý nhất, tôi xin được mừng vui và kính chúc cơ quan ta và các đồng chí đã và đang công tác tại đây- Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tiếp tục tiến lên giành nhiều thành tựu mới, luôn xứng đáng là cơ quan được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu!