slider
Phát triển kinh tế số

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc những ngày đầu về nước

05 Tháng 08 Năm 2011 / 3997 lượt xem
Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
         Đầu tháng 10/1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quế Lâm (Trung Quốc) và cử một số đồng chí đến Tĩnh Tây (Quảng Tây, TQ) liên lạc với những thanh niên yêu nước từ Cao Bằng chạy sang Quảng Tây để tránh sự khủng bố của Pháp. Cuối tháng 11, nhận được tin về khởi nghĩa Nam Kỳ trên báo Quế Lâm, sau khi gửi điện cho Đảng bộ Nam Kỳ đề nghị: “Cần tổ chức rút lui cho khéo để duy trì phong trào” (1) nhưng không thể chuyển đi được, Nguyễn Ái Quốc chủ trương về sát biên giới hoạt động để tìm cách về nước. Đầu tháng 12/1940, Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng rời Quế Lâm đi Nam Ninh. Từ đây, Nguyễn Ái Quốc trong vai nhà báo Trung Hoa, Phạm Văn Đồng trong vai phiên dịch cùng Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp đi thuyền về Điền Đông và các đồng chí Vũ Anh, Hoàng Sâm đón Người về Tĩnh Tây, ở trong cơ sở cách mạng là một gia đình Trung Quốc nghèo. Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp bàn việc mở lớp huấn luyện để chuẩn bị về nước.
          Tháng 1/1941, Nguyễn Ái Quốc chuyển về làng Tân Khư (Tĩnh Tây). Đồng chí Hoàng Văn Thụ được Thường vụ TƯ cử sang gặp Người để báo cáo tình hình trong nước, những công tác đã thực hiện, việc chuẩn bị cho Hội nghị TƯ lần thứ 8 và đề nghị Người về nước theo hướng Cao Bằng vì trình độ giác ngộ của nhân dân vùng biên giới này cao, đội ngũ cán bộ lãnh đạo khá vững vàng. Mấy ngày sau, Nguyễn Ái Quốc cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp được Hoàng Sâm đưa đi dọc theo đường Long Lâm qua Nậm Bo xuống Nậm Quang, một làng ở sát biên giới Việt- Trung. Hoàng Quang Châu, cán bộ tuyên huấn huyện Tĩnh Tây cũng khẳng định: “Hồ Chí Minh từ Tân Khư về Tĩnh Tây, lập tức phái Vũ Anh về nước chọn một địa điểm gần biên giới Trung -Vịêt ở tỉnh Cao Bằng để làm địa điểm cơ quan chỉ huy bí mật của Đảng. Sau đó không lâu tổ chức Đảng của Vịêt Nam ở trong nước cũng cử đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đến Tĩnh Tây liên hệ với Hồ Chí Minh.Sau một thời gian, Hồ Chí Minh và cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Vịêt Nam đóng tại vùng biên giới Trung - Việt để chỉ đạo cách mạng Vịêt Nam”(2).
         Tại làng Nậm Quang, Nguyễn Ái Quốc đã mở một lớp huấn luyện chính trị do Người và các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cùng biên soạn giáo án và trực tiếp giảng dạy. Chương trình học gồm 3 vấn đề lớn: Tình hình thế giới và trong nước; Tổ chức các đoàn thể cứu quốc trong mặt trận Việt Minh; Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Học viên có 43 người ở phân tán trong các nhà dân hai bản Nậm Quang và Ngàn Tẩy. Từ những ngày đầu tiên, Người đã căn dặn anh em 5 điều nên làm đối với dân là: Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày; Tìm hiểu những phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành các điều kiêng; Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây cảm tình với dân; Tuỳ nơi, tuỳ lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; Làm cho dân thấy mình đúng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật để dân tin và giúp đỡ. Và 5 điều nên tránh là: Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa, ruộng vườn của dân; Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho kỳ được; Tránh sai lời hứa; Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân; Tránh lộ bí mật. Sáng sáng học viên phân công nhau đi gánh nước, làm vệ sinh giúp dân. Thời gian này giáp tết nên dân làng còn lo tích trữ củi, Người vẫn cùng anh em giúp dân chuyển củi từ rừng về nhà. Cuộc sống rất kham khổ, bữa ăn chỉ có vài bát cháo ngô loãng với muối và rau xanh nhưng đồng bào rất cảm tình và hết lòng giúp đỡ lớp học cách mạng. Các buổi học được tổ chức ở ngoài trời, ai biết chữ thì ghi chép, ai không biết chữ thì lắng nghe, ai hiểu nhanh thì nhắc lại cho người chưa hiểu. Xong phần lý thuyết thì thực hành. Học viên chia thành hai nhóm vào vai cán bộ và nhân dân rồi lại đổi vai để đưa ra các câu hỏi và giải đáp cặn kẽ. Người duyệt rất kỹ tất cả các bài giảng và sau mỗi bài lại họp rút kinh nghiệm ngay. Đồng chí Lê Quảng Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc kể lại: “Thực hiện tốt và đầy đủ các điều Bác dạy, lớp học chúng tôi đã thực sự góp phần gây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương, được nhân dân tin yêu ngay từ đầu. Chúng tôi học ở ngoài trời, ai biết chữ thì ghi chép, ai mù chữ thì ngồi nghe, người hiểu nhanh nhắc lại cho người hiểu chậm. Hết phần nghe giảng đến phần thực tập. Chúng tôi chia thành hai nhóm, một nhóm đóng vai cán bộ, một nhóm đóng vai nhân dân. Nhóm đóng vai nhân dân nghe điều gì chưa rõ thì nêu ra, đề nghị giải thích thêm. Các cán bộ hướng dẫn đều đóng vai nhân dân để đưa ra những câu hỏi và bổ khuyết kịp thời. Các bài giảng đều được Bác duyệt rất kỹ. Sau một bài lại rút kinh nghiệm ngay cho bài sau. Buổi nào Bác cũng dự, nghe giảng với anh em hoặc nghe thảo luận; rồi Bác hỏi học viên có hiểu không để cải tiến phương pháp dạy và học cho thiết thực. Qua đó Bác hiểu rõ được trình độ tiếp thu của mỗi người. Đặc biệt Bác rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ ta có đức độ và tác phong công tác tốt. Căn cứ vào tình hình sinh hoạt, học tập của chúng tôi, ngày nào Bác cũng nhắc nhở chúng tôi nghiêm khắc giữ đúng năm điều nên làm và năm điều nên tránh, tìm hiểu và tôn trọng phong tục tập quán địa phương”(3). Đồng chí Vũ Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, kể lại trong hồi ký rằng: “Chúng tôi đến gặp Bác và các anh. Nhân dân ở đây nghèo khổ, nhà lụp xụp, thưa thớt. Việc ăn ở của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây lại là cơ sở cũ của Hồng quân Trung Hoa nên trình độ giác ngộ cách mạng của nhân dân cao. Chúng tôi chia làm nhiều tổ ở theo từng khu vực nhà của dân. Có hai việc trước tiên chúng tôi phải lo: Chạy gạo, củi và thức ăn; Làm chương trình huấn luyện. Đồng chí Cáp đảm nhận việc chạy lương thực. Tất cả anh em chúng tôi đều tham gia vác gạo, gánh ngô, lấy củi... Bác cũng tham gia cùng chúng tôi. Về chương trình huấn luyện, Bác phân ra từng mục như: tuyên truyền, tổ chức, vận động quần chúng... Bác gọi đó là chương trình giải phóng rồi chia cho mỗi người một đề mục. (Lúc bấy giờ có anh Phùng Chí Kiên, anh Đồng, anh Hoan và tôi. Sau này có anh Giáp về thêm). Mỗi người làm xong đề cương phần mình, rồi tập hợp lại đưa lên Bác. Bác xem rất kỹ lưỡng, Bác chú trọng từng nội dung chính trị của toàn bài giảng cho đến từng chữ, từng lời. Bác đọc xong một lượt rồi gọi chúng tôi lại góp ý phê phán. Chúng tôi mang về sửa chữa rồi lại mang lên để Bác thông qua. Bác thường khuyên chúng tôi phải chú trọng công tác thực tế, có vậy công tác cách mạng mới thu được kết quả. Thường Bác hay đặt những câu hỏi cụ thể. Ví dụ Bác hỏi: Huấn luyện xong rồi về địa phương làm gì? Làm như thế nào? Nếu quần chúng chưa nghe ra thì giải quyết cách sao? v.v.. Nếu đồng chí nào đó chưa hiểu rõ thì Bác giảng lại đến khi nào đồng chí ấy hiểu và trình bày lại rõ ràng, trôi chảy Bác mới cho về. Tuy đây là lần đầu tiên làm việc với Bác ở một lớp huấn luyện nhưng chúng tôi học tập được rất nhiều. Bác đã làm việc gì, dù lớn, dù nhỏ cũng làm rất chu đáo, rất cụ thể, làm đến nơi đến chốn”(4).          
          Ngày 26.1.1941, khoá học kết thúc, mọi người chia tay nhau toả đi khắp nơi. Đồng chí Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng trở lại Tĩnh Tây, năm anh em Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế An, Cáp, Lộc được theo Bác từ Nậm Quang về nước. Hoàng Quang Châu, cán bộ tuyên huấn Tĩnh Tây còn kể: “Địa điểm lớp huấn luyện đặt tại xóm Nậm Quang, thôn Linh Quang, xã Cát Thôn, huỵên Tĩnh Tây. Nhân dân vùng biên giới ở thôn này đồng tình với cách mạng Việt Nam đã sớm xây dựng tình hữu nghị với những người cách mạng Vịêt Nam họat động ở vùng này. Trong thời gian mở lớp huấn luyện ở Linh Quang, Hồ Chí Minh được giúp đỡ và ủng hội nhiều mặt của quần chúng thôn. Linh Quang nằm giữa một vùng núi đá, đời sống khó khăn, để giải quyết vấn đề ăn cho mấy chục đồng chí Vịêt Nam, không phải là một vịêc dễ dàng, nhưng nhân dân thôn đã tìm mọi cách cung cấp đủ lương thực, tạo điều kiện cho lớp huấn luỵên tiến hành thụân lợi. Nội dung các bài giảng ở lớp huấn luỵên gồm các mặt tuyên truyền, tổ chức, quân sự... do các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, giảng, lấy cuốn sách Con đường giải phóng làm tài liệu huấn luyện. Hồ Chí Minh cũng có lúc đích thân đến lớp giảng bài hoặc cho chỉ thị. Lớp huấn luyện kết thúc sau 15 ngày, đã có tổ chức lễ tốt nghiệp tại một xóm núi hẻo lánh gần thôn Linh Quang. Hôm đó các học viên vây quanh Hồ Chí Minh, trong lòng rất phấn khởi. Hồ Chí Minh, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp lần lượt lên nói chuyện trong buổi lễ. Ngày hôm sau tất cả các học viên đến nhận công tác của mình. Khi 43 thanh niên lên đường về nước, Hồ Chí Minh đã gọi họ là “43 con đại bàng bay cao”, Ngừơi dự đoán “sẽ có điềm lành tốt đẹp”. Lúc ấy là vừa đúng dịp tết âm lịch, bà con thôn Linh Quang mời các đồng chí Vịêt Nam đến nhà mình ăn tết. Hồ Chí Minh tổ chức một bữa cơm đặc biệt, mời mỗi gia đình trong thôn một người, phố Mạnh Ma lúc ấy cùng thôn với Nậm Quang, cũng cử đại biểu tham dự. Các đồng chí Trung Quốc và Việt Nam cùng ăn cơm, chúc mừng năm mới, cùng nâng chén chúc tình hữu nghị Trung - Việt bền lâu. Trong những ngày ở thôn Nậm Quang, những người cách mạng Vịêt Nam chan hòa với nhân dân địa phương, thân thiết như một nhà. Họ dạy thanh thíêu niên thôn Linh Quang rất nhiều bài hát cách mạng của Vịêt Nam, đến nay có ngừơi còn nhớ và hát được. Mọi người còn nhớ Hồ Chí Minh tạm trú ở một gia đình họ Hứa đó là phụ thân của Hứa Quốc Khánh, khi Hồ Chí Minh rời khỏi thôn, Ngừơi còn tặng bà Hứa một chiếc kéo mà Ngừơi đã từng dùng để cắt báo, cắt sao vàng, để làm kỷ nịêm”(5). Mồng một tháng Giêng năm Tân Tỵ, Nguyễn Aí Quốc cùng các đồng chí trong cơ quan đi chúc tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Người mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, đầu vấn khăn, tay chống gậy. Ngừơi đi thăm hỏi từng gia đình. Theo phong tục người Nùng ở đây, Nguyễn Aí Quốc tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều viết dòng chữ Hán “Cung chúc tân niên”. Các cháu nhỏ nhận được tiền phong bao, mỗi gói một xu đồng. Sáng sớm ngày mùng 2 tết âm lịch (28/1/1941), Nguyễn Aí Quốc cùng các đồng chí lên đường về nước. 9 giờ sáng mới đến làng Pò Vẩn, vượt dốc, men theo sườn núi đá tai mèo lởm chởm xuyên qua rừng lau rậm rạp khoảng hơn 10 giờ thì đến cột mốc biên giới bằng đá mang số hiệu 108 có khắc chữ Hán và chữ Pháp chỉ rõ địa phận Việt Nam. Người đặt chiếc gậy tre xuống chân, vốc một nắm đất rồi ngẩng lên với đôi mắt nhoà lệ nhìn đăm đăm về phương Nam. Sau làn sương lam mờ, dưới chân dãy núi hùng vĩ thấp thoáng giữa nương ngô là những nếp nhà sàn rải rác; hoa đào, hoa mai, hoa bióoc cà toả hương thơm ngào ngạt đầu xuân, tô điểm cho mây tơ, cây báng, chuối rừng thêm sắc màu... Thế là sau 30 năm xa cách, Nguyễn ái Quốc - Bác Hồ của chúng ta đã trở về Tổ quốc, hình ảnh thân yêu từng khắc khoải hiện ra bao đêm trường trong những giấc mơ nơi đất khách của Người.
        Lúc này, nhân dân các dân tộc Tày, Nùng vùng Pắc Bó- Hà Quảng đang bị thực dân phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề, lại thêm nạn thổ phỉ cướp bóc liên miên nên đồng bào rất hăng hái làm cách mạng. Quần chúng sẵn sàng hy sinh tài sản và cả tính mạng để bảo vệ Đảng và nuôi giấu cán bộ. Pắc Bó là một làng nhỏ thuộc tổng Lục Khu gồm mấy chục gia đình Nùng chuyên sống về nghề làm ruộng, phát nương. Anh em đưa Bác về ở tạm nhà sàn của gia đình ông Máy Lỳ, người dân tộc Nùng, một cơ sở cách mạng của ta. Ngôi nhà đơn sơ gồm hai gian nhỏ và một gian mới làm thêm định dành cho khách quý, nhưng Bác nói với anh em: Mình đông người nên ở trong núi. Cụ chủ nhà nài nỉ vì ngày tết vào núi không tiện, Bác mỉm cười tỏ ý cảm ơn và nói dứt khoát bằng tiếng dân tộc: Sáu sáng (ở rừng). Ngày 4 tết, ông Máy Lỳ đưa Bác đi xem một hang núi kín đáo, tuy nhỏ nhưng đủ chỗ cho cả đoàn. Gần vách hang phía trong nổi lên một nhũ đá trắng do nước mưa đẽo gọt lâu năm, gió khô lạnh, không khí ẩm nhưng cuối hang ăn thông sang một con đường kín dẫn sang bên kia biên giới, nhân dân gọi là hang Cốc Bó (đầu nguồn). Ngày 5 tết, Bác và mấy anh em ( gồm Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Thế An, Cáp và Lộc) chuyển tới hang, còn các đồng chí Quốc Vân, Đức Thanh làm liên lạc đồng thời phụ trách lực lượng vũ trang bảo vệ vòng ngoài. Ông Máy Lỳ đem tới 4 tấm ván dài ngắn khấp khểnh và một tấm cót: ván kê lên chỗ lồi lõm phía trong, phía ngoài bằng phẳng nên anh em cắt lá mạy téc làm đệm, lót cót nằm trên cho bớt lạnh và đỡ đau lưng. Sau khi xem xét kỹ địa thế xung quanh, Bác đặt tên cho dòng suối nước xanh như ngọc là suối LêNin, còn ngọn núi sừng sững phía sau bên trái là núi CácMác. Mượn thêm được chiếc nồi gang và mấy cái bát sành, đồng chí Lộc nấu thử bữa cơm bên bờ suối cách cửa hang không xa. Đêm đầu tiên, anh em cũng tổ chức cắt đặt canh gác cẩn thận, thắp đèn dầu, quây quần quanh Bác bên đống lửa, uống nước lá ổi nóng và lên kế hoạch công tác hàng ngày. Bác lấy tên là Thu Sơn theo ý nghĩa của sự kiện dời vào núi. Buổi sáng Bác thường hỏi anh em xem hôm ấy sẽ làm việc gì. Ai chưa có việc thì Bác giao cho nhiệm vụ, có thể là khâu giày, vá áo. Tuy bận đánh máy, soạn tài liệu nhưng Bác vẫn để ý nhắc nhở anh em từ thao tác rang thịt mặn đến nguyên tắc giữ bí mật: không có, không thấy, không biết. Đồng bào thường giúp đỡ lương thực, gạo ngô (bắp bẹ xay nhỏ) và muối. Những lúc gần hết gạo Bác đề nghị nấu cháo bẹ thay bữa, còn rau xanh chủ yếu là măng rừng, có hôm câu được con cá hoặc hái được rau rớn (giống như dương xỉ mọc ven suối) thì nấu canh chua đổi món. Trong một bữa ăn, khi anh em đang gọi đùa cháo ngô là bánh đúc, Bác đã sáng tác bài thơ Tức cảnh Pắc Bó rất lạc quan:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang (6).
         Được khoảng gần một tháng thì xảy ra chuyện. Ông Máy Lỳ và một người trong họ đi liên lạc cho doàn thể bị lính dõng nghi ngờ kiểm tra, hai người trốn được nhưng bị thu mất thẻ thuế thân, căn cứ vào địa chỉ trên thẻ, tên châu đoàn dẫn lính đến truy lùng ở xóm Cốc Bó. Được báo động kịp thời nên anh em giấu đồ đạc, xoá dấu vết rồi đưa Bác tạm lánh vào rừng. Sau đó, tuy không bị lộ nhưng để an toàn hơn, anh em rời cơ quan lên Lũng Lạn cách hang Cốc Bó vài trăm thước. Đấy chỉ là một mảng đá trống trải không ván, chiếu, chỉ dùng lá cây rừng làm đệm chống chọi với sương ngàn gió núi. Sáu ngày sau, anh em tìm chỗ mới ở Khuổi Nậm, địa hình rậm rạp, bên ngoài nhìn vào khó phát hiện ra, thậm chí nếu có biến động thì cứ theo khe nước ngược lên núi cao là qua biên giới. Hoàng Quang Châu, cán bộ tuyên huấn Tĩnh Tây cũng kể rằng: “Khi ở Pắc Bó, từ tháng 2/1941, Nguyễn Ái Quốc thường sang Quảng Tây gặp các đồng chí Việt Nam ở đây để thảo luận kế hoạch đấu tranh cách mạng. Người cùng với Lê Quảng Ba, Trần Hồng Sơn, Dương Đại Lâm đã cắt tiết gà, uống rượu ăn thề, kết nghĩa anh em với nhiều người dân ở Tĩnh Tây như Nông Hữu Phong, Từ Vĩ Tam, Trương Quốc Thuỵ… Ban ngày Người đến nhà Từ Vĩ Tam ăn cơm, còn buổi tối thường ngủ ở một cái hang của núi Phong Nham để tránh sự theo dõi của cảnh sát. Chúng tôi xem lại thấy có nhiều bài thơ Người viết trong hang, ví dụ như bài sau đây:
Phương Đông trời đỏ vầng dương mọc
Mắt phượng mày nga tựa cánh cung
Sao sáng đầy trời, treo tản mát
Mây đen che nguyệt, tối mông lung ”(7).
         Chiếc lán ở Khuổi Nậm được dựng ngay giữa lòng con suối đang mùa khô, lúc đầu lán dựng bên ngoài nhưng sau lùi về phía rừng để tiện cho công tác bảo vệ. Lán của Bác dựa vào thân cây mạ đang trổ hoa vàng thẫm làm cột cái, mái lán lợp gianh, nhân dân giúp cho một số ván kê sàn để ngủ, còn vách lán, chiếu nằm đều đan bằng lá đào rừng ( loại lá dài một mặt trắng, mặt xanh). Quanh lán Bác ở anh em đều đặt trạm gác, các đồng chí Quảng Ba, Sơn Hùng, Đại Lâm, Đức Thanh, Bảo An, Thế An được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận Bác vì dọc dãy núi này phía Trung Quốc nhan nhản thổ phỉ, đặc vụ Quốc dân đảng, còn khu vực phía sau rất nhiều lính dõng, Pháp, Nhật thường xuyên sục xạo, rình mò. Đêm dưới chân lán, nước suối chảy ào ào nên anh em phải hết sức tỉnh táo, lắng nghe động tĩnh từ các hướng khác nhau. Từ chập tối đã phải đảm bảo không đèn, không lửa còn từ sáng đến chiều khi đun nấu gì đều phải thông khói ra xa cho tản lẫn vào sương. Cách lán Bác phía dưới một đoạn có vọng gác, nếu có động sẽ báo tín hiệu lên lán trên, nhiều khi cứ nghe tiếng lào xào gần lán là anh em hỏi rất to để thông báo tình hình cho nhau cùng biết. Bác thường căn dặn anh em muốn đối phó với địch phải giữ kỷ luật bí mật và Người luôn luôn thực hiện quy định này cẩn thận, nghiêm túc. Qua các vệt đường vào cơ quan, bao giờ Bác cũng xoá ngay mọi dấu vết, không để lại một dấu chân hoặc một cành cây nhỏ nào bị bẻ queo, dập gãy. Người cũng dặn anh em đi công tác mang theo cơm nắm nên ăn cạnh bờ suối, ăn xong quét cơm vãi xuống suối và chôn lá bọc cơm để kẻ địch không thể phát hiện được vết tích gì. Ban đêm, tuy có dân quân tuần tra ngoài xa, anh em bảo vệ vẫn cắt phiên trực mà không để Bác gác vì tuổi tác và công việc nhưng Người không đồng ý, bắt phải làm lịch gác theo thứ tự hẳn hoi. Anh em lại bấm nhau lờ đi, không gọi Bác để người sau thế chỗ nhưng không lần nào thành công vì hễ ai ra vọng gác đã thấy Bác ngồi ở đó rồi!
         Bác sống rất giản dị và nền nếp theo một thời gian biểu đã định. Đêm rất lạnh và không đủ ánh sáng để làm việc nên anh em thường ngồi quây quanh bếp lửa nghe Bác nói chuyện thời sự và kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Sáng nào Bác cũng dậy sớm tập nhu quyền trên một mặt phẳng tự tạo. Người đẽo 4 cái chày vồ gỗ: 2 vừa, 2 to và nặng để thay quả tạ tay. Bác còn tập leo những quả núi cao nhất với đôi chân trần, vừa để tập luyện và cũng là thăm dò địa hình nhằm ứng phó linh hoạt khi gặp nguy hiểm. Sau giờ tập, Bác tắm nước lạnh để luyện chịu đựng cái rét, còn mỗi khi ngừng đánh máy chữ (chiếc Hermet Baby cũ), Người lại chọn 2 hòn đá tròn như trứng gà bóp chặt luyện tay. Hàng ngày Bác họp, nghiên cứu, viết bài, lúc xuống làng hỏi thăm đồng bào, thâm nhập thực tế và có khi vào rừng lấy củi. Hầu hết thời gian ở lán Bác dành để soạn sách và tài liệu. Người viết thành thơ Mười một điều Việt Minh, Dư địa chí 28 tỉnh xứ Bắc Kỳ và viết Lịch sử nước ta bằng văn vần, đến trang cuối mục lục cuốn sách Bác viết thêm: Việt Nam độc lập 1945, anh em bàn tán xôn xao thì Người chỉ bảo: Để rồi xem! Bác còn soạn lại các bài giảng ở những lớp huấn luyện Việt Minh in thành tập Con đường giải phóng, chuyển phát về cơ sở để tuyên truyền rộng rãi. Với tầm nhìn xa trông rộng, Người gấp rút chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ 8, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm công tác tổ chức Việt Minh địa phương sẽ quyết định chính thức việc thành lập Mặt trận Việt Minh trong toàn quốc để chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa.../
 
Chú thích:
 
1, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia 2006. TậpII, tr 117
2-7 Bác Hồ ở Hoa Nam. Nxb Công an nhân dân 2004, tr 257- 258; tr 263- 264
3, Bác Hồ sống mãi với chúng ta. Nxb Chính trị quốc gia 2005. Tập I, tr 490-491
4, S. đ. d, tập I, tr 314- 315
5, Đường về Tổ quốc. Nxb Chính trị quốc gia 2010, tr 233-234
6, Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia 2000. Tập III, tr 196  
 
Ảnh: Bác Hồ về nước (28/1/1941)

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)