slider

Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với sự nghiệp thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

08 Tháng 08 Năm 2020 / 10043 lượt xem

Nguyễn Vân Anh

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt và đóng vai trò vô cùng quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:

Sau Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc với hai chế độ chính trị khác nhau. Nhân dân miền Bắc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thực hiện nghiêm chỉnh và kiên quyết đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, với mong muốn trong vòng hai năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước, hướng tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Nhưng ngược lại, cả Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá bỏ Hiệp định, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử. Từ năm 1954 đến 1960, Mỹ - Diệm đã tiến hành cuộc “chiến tranh đơn phương”, âm mưu biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, đồng thời thẳng tay đàn áp và dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân ở miền Nam.

Trong hoàn cảnh đó, các phong trào đấu tranh cách mạng bị tổn thất nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đường lối Cách mạng miền Nam từng bước được hoạch định. Trên cơ sở phân tích tình hình, xác định mâu thuẫn của xã hội Việt Nam và miền Nam Việt Nam, tháng 1/1959, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XV họp dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chỉ ra nhiệm vụ cơ bản là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc ... hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”(1).

Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập, đã hoàn chỉnh những nội dung cơ bản về đường lối và phương pháp cách mạng ở miền Nam. Đại hội cho rằng nhiệm vụ trước hết đó là “thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công - nông làm cơ sở”(2). Thể hiện rõ quyết tâm này, trong buổi bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(3).

Đáp ứng yêu cầu đặt ra, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập bao gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị. Mặt trận cũng đã thông qua Tuyên ngôn, Chương trình hành động “10 điểm” với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam dân chủ, trung lập, thiết lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Với chủ trương phù hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam, Mặt trận nhận sứ mệnh đoàn kết các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, đảng phái, tôn giáo và tất cả những người có khuynh hướng chống Mỹ - Diệm; đoàn kết tất cả những lực lượng có thể đoàn kết, tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể tranh thủ, trung lập những thế lực cần phải trung lập, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân vào phong trào đấu tranh chung chống Mỹ - Diệm, mục tiêu giải phóng miền Nam, hoà bình thống nhất Tổ quốc.

Ngay sau khi được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vị trí của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với vai trò là người trực tiếp chỉ đạo cho hoạt động của Mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt, Người dõi theo từng 

bước đi, sự phát triển, thắng lợi của cách mạng miền Nam dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Từ đó, xây dựng mối quan hệ đặc biệt sâu sắc giữa người sáng lập và hoạt động của tổ chức chính trị trong lịch sử cách mạng của dân tộc. Trong mỗi bức thư, điện gửi, Người luôn khen ngợi sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận và nhấn mạnh vai trò quan trọng là đoàn kết chặt chẽ các tổ chức chính trị, các tầng lớp nhân dân. Người khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, quân và dân miền Nam ngày càng đoàn kết chống Mỹ, cứu nước, càng đánh càng mạnh, càng đánh mạnh càng thắng to, đã viết nên những trang sử vô cùng vẻ vang của dân tộc ta”(4), xứng đáng “là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam”.

Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trên mặt trận chính trị:

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bộ phận của cách mạng Việt Nam, thực hiện đường lối đại đoàn kết toàn dân theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do điều kiện đặc biệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi miền Nam chưa có chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận vừa làm nhiệm vụ là một chính phủ, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam; vừa làm nhiệm vụ của mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp, huy động tất cả các giai cấp, các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc dưới sự lãnh đạo của liên minh công nông để hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ.

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận đã xây dựng hệ thống tổ chức chặt chẽ, cho ra đời Giải phóng quân, vùng giải phóng, các đoàn thể trong Mặt trận, tiến hành các đại hội, đưa ra những bản tuyên bố, Cương lĩnh của Mặt trận. Nhân dịp Mặt trận công bố Cương lĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đó là một cương lĩnh đại đoàn kết toàn dân, một cương lĩnh quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ cùng bè lũ tay sai. Đồng thời, Người cũng khẳng định: “Nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa... Dù giặc Mỹ hung ác đến đâu, sức mạnh đoàn kết vĩ đại của chúng ta nhất định sẽ đánh thắng chúng”(5).

Bên cạnh Ủy ban Trung ương, khắp các huyện, tỉnh đều tổ chức thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng các cấp. Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng địa phương các cấp thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng ở cấp mình. Nhiều tổ chức chính trị thành viên của Mặt trận được xây dựng và phát triển nhanh, có ảnh hưởng rộng rãi. Đặc biệt, sau khi Mặt trận ra đời, với Tuyên ngôn và Chương trình hành động của mình, các tổ chức quân sự, tổ chức giai cấp, các tôn giáo, các dân tộc và các giới đồng bào ở miền Nam lần lượt thành lập các hội đoàn và trở thành thành viên chính thức của Mặt trận.

Từ năm 1961 đến 1962, ở tất cả các miền (Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định, Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ) đều có Uỷ ban Mặt trận. Trong số 41 tỉnh, thành; từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau có 38 tỉnh, thành đã có Uỷ ban Mặt trận ra mắt nhân dân. Tất cả các xã ở vùng giải phóng đều có cơ sở Mặt trận, có Uỷ ban Mặt trận làm nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, đoàn kết tổ chức chính trị, quân sự, văn hoá và kinh tế.

Với sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân miền Nam đã phát triển thành một cuộc chiến tranh thực sự. Thông qua hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cơ sở, Mặt trận đã vận động, tổ chức được một đội quân chính trị, thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi, đều khắp trên tất cả các địa bàn. Chỉ tính từ năm 1961-1969, “đã có hơn 140 triệu lượt đồng bào đã tham gia đấu tranh chính trị”. Các phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân không chỉ phát triển ở nông thôn mà còn mạnh mẽ, rộng khắp ở các đô thị. Các cuộc đấu tranh của công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, trí thức, đồng bào Phật giáo và các tầng lớp nhân dân khác ở các thành thị dường như không lúc nào chấm dứt với những đỉnh cao như phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo cuối năm 1963, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của công nhân và học sinh, sinh viên Sài Gòn năm 1970...

Bên cạnh đó, thông qua cơ quan tuyên truyền của Mặt trận là Thông tấn xã Giải phóng, báo Giải phóng và Đài phát thanh Giải phóng cùng với trên 30 tờ báo trung ương và địa phương, Mặt trận đã đi sâu tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp trong xã hội thấy rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam; nhận rõ bộ mặt thật của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; từ đó, vận động, hướng dẫn họ đứng vào mặt trận chống Mỹ, cứu nước, thông qua các hình thức đấu tranh: bãi công, bãi thị, mít tinh, v.v..

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các phong trào đấu tranh đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh tạo ra sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, từng bước đứng lên phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ, lật đổ ngụy quyền Sài Gòn, đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ra đời, Mặt trận đã có những bước phát triển thông qua chủ trương đúng đắn, góp phần đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng dân tộc. Tại kì họp lần thứ sáu Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn nguyên nhân phát triển nhanh chóng của cách mạng nước ta là do “Đoàn kết chặt chẽ chung quanh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng bào miền Nam không phân biệt gái, trai, già, trẻ; không phân biệt sĩ, nông, công, thương; không phân biệt người Kinh, người Thượng; đồng tâm nhất trí, vượt mọi khó khăn gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”(6).

Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam có vai trò lịch sử đặc biệt trên mặt trận ngoại giao:

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh không chỉ trên mặt trận chính trị mà còn cả trên lĩnh vực ngoại giao.

Từ khi được thành lập, tiếp thu nhiệm vụ mà Đảng đã đề ra: “Đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước”, Mặt trận đã nhấn mạnh nội dung trong Cương lĩnh hoạt động là ngoại giao hòa bình trung lập và hòa bình thống nhất Tổ quốc để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới và thể hiện mạnh mẽ nguyện vọng độc lập, thống nhất của nhân dân Việt Nam. Những buổi tham dự lễ kỉ niệm, những chuyến thăm hữu nghị tới các quốc gia trên thế giới của thành viên Mặt trận đã góp phần củng cố vị trí chính trị và đề cao vai trò của Mặt trận trên diễn đàn quốc tế.

Với mục tiêu coi hoạt động quốc tế là diễn đàn để tố cáo tội ác Mỹ - Ngụy, thông báo xác thực về những thắng lợi của quân và dân miền Nam, để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đường lối của Mặt trận hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chung của những người yêu chuộng hòa bình, tự do, và công lý trên thế giới. Nhiều phái đoàn của Mặt trận tham dự các hội nghị quốc tế của công đoàn, thanh niên, phụ nữ, luật gia, nhà báo, tôn giáo, hoà bình thế giới, điện ảnh, đoàn kết Á - Phi, đàm phán về biên giới Việt Nam - Campuchia, hội nghị nhân dân Đông Dương, thanh toán chủ nghĩa thực dân, chống căn cứ quân sự ở nước ngoài, kinh tế, khoa học... đã đạt được những kết quả ngoại giao tốt đẹp, góp phần tăng cường ảnh hưởng và uy tín của Mặt trận cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã có thời điểm ngoại giao Việt Nam mang hình thức mới “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Tại Hội nghị Cán bộ ngoại giao lần thứ V, diễn ra ngày 16/3/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Bây giờ ngoại giao của ta vừa là một mà vừa là hai; vừa là hai mà lại vừa là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng”(7). Ở thời điểm đó, hoạt động của Mặt trận đóng vai trò vô cùng quan trọng bên cạnh những hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trên diễn đàn Hội nghị quốc tế, hai phái đoàn cùng hướng tới nội dung là lên án chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, tố cáo tội ác và đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, vì một mục tiêu duy nhất: Giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.

Một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng của Mặt trận diễn ra ngày 31/10/1968, Mỹ đồng ý chấm dứt ném bom miền Bắc không điều kiện và chấp nhận ngồi nói chuyện trực tiếp với đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị bốn bên tại Pari. Sau gần 8 năm tìm mọi cách phủ nhận sự tồn tại và vai trò đại diện của Mặt trận Dân tộc giải phóng, Mỹ đã phải chấp nhận Mặt trận như một chính phủ ngang hàng và bình đẳng với đoàn Mỹ để giải quyết vấn đề Việt Nam nói chung và những vấn đề liên quan đến miền Nam Việt Nam nói riêng.

Sau thất bại trên khắp chiến trường miền Nam, Mỹ chuyển sang ráo riết tiến hành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Đứng trước tình hình đầy khó khăn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát nhiệm vụ chiến lược của thời kỳ này là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”. Dựa vào đó, ngày 8/5/1969, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã cụ thể tư tưởng chiến lược của Người thành Giải pháp toàn bộ 10 điểm, trong đó nêu bật giải pháp phải tạo cơ hội cho Mỹ chấm dứt chiến tranh trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam.

Từ ngày được thành lập cho đến ngày toàn thắng của dân tộc, 30/4/1975, là một chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt quá trình hoạt động, Mặt trận đã hoàn thành sứ mệnh của mình, góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước như điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận xét: “Một mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ rộng rãi là một lực lượng tất thắng ... đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận Dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

 

Chú thích:

1.       Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 20, tr.81

2.       Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 21, tr.920

3.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.681

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.522

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.366

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.79-80

7.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.63

Tài liệu tham khảo:

1.       Nguyễn Hữu Thọ, “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Mấy bài học lớn”, Nxb. Lao Động, Hà Nội

2.       Báo cáo chính trị tại Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai, Nxb Sự thật, Hà Nội

3.       Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Nxb. Sự Thật, Hà Nội

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)