slider

Mấy suy nghĩ về việc bảo tồn cây vú sữa trong vườn Bác Hồ

19 Tháng 09 Năm 2011 / 2089 lượt xem
Đỗ Đức Huỳnh
                                                                Phòng bảo quản di tích
    1. Chúng ta đều biết và đều nhận thức rất rõ ràng rằng: Cảnh quan môi trường là một thành phần không thể tách rời của mỗi di tích hoặc mỗi khu di tích. Hơn thế ở một ý nghĩa nào đó thì cảnh quan hoặc các thành phần của môi trường chung như đường đi, sông suối, cây cối, các kiến trúc liên quan cũng là những di tích không kém phần quan trọng đối với mỗi di tích. Cảnh quan không chỉ là môi trường tồn tại của di tích hoặc giữ vai trò kết nối giữa các di tích với nhau, mà còn là phương tiện để chuyển tải các giá trị phi vật thể đến với khách tham quan làm tăng thêm những giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ cho mỗi di tích. Trong điều kiện hiện nay việc phát huy giá trị của các di tích vật thể và phi vật thể còn có mục đích gắn với phát triển du lịch, nghĩa là các di tích phải trở thành các địa chỉ du lịch và cao hơn thế là các sản phẩm du lịch đặc thù. Do đó, cảnh quan môi trường (còn có thể là các di tích ngoài trời) phải được bảo tồn và phát huy tác dụng như là các không gian văn hóa mở để cho con người tự do nhận thức, khai thác thông tin, chiêm nghiệm và góp phần khơi thông dòng chảy giữa quá khứ và hiện tại.
       2. Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích Phủ Chủ tịch) là một khu di tích khá đặc biệt. Giá trị tổng quan của khu di tích bao gồm cả giá trị lịch sử văn hóa, giá trị kiến trúc công trình và giá trị cảnh quan môi trường. Về giá trị cảnh quan môi trường của Khu di tích Phủ Chủ tịch có thể nói đó là một hệ thống các di tích ngoài trời được kết nối với nhau bằng các kỷ niệm các câu chuyện - dấu ấn của Bác Hồ muôn vàn kính yêu để lại cho các thế hệ người Việt Nam chúng ta. Đó là hệ thống đường trong khu di tích như đường Xoài, đường quanh ao cá, đường Trường Sơn… Rồi ao cá, hàng rào dâm bụt, hệ thống giàn hoa, nơi Bác tập quyền vào các buổi sáng, chỗ Bác cho cá ăn vào các buổi chiều, nơi Bác tặng hoa phong lan cho các nữ thanh niên xung phong, vị trí Bác chụp ảnh chung với gia đình luật sư Lô- Dơ- bi trên chiếc cầu nhỏ cuối ao cá… Về hệ thống cây xanh trong Khu di tích Phủ Chủ tịch cũng vậy, cây xanh (bao gồm cả cây ăn quả, cây cảnh và cây lâu niên) giữ một vị trí khá quan trọng, nó vừa giữ vai trò chủ yếu tạo ra sự hài hòa cảnh quan thiên nhiên, sự thân thiện và tôn trọng thiên nhiên của con người, nhưng đồng thời cũng có rất nhiều cây đã gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng như hai cây vũ trụ (2 cây Y lan) Bác đã trồng nhân sự kiện Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ chinh phục không gian, hoặc như cây Cọ dầu Bác trồng với mong muốn giống cây này thích hợp sẽ mang lại nguồn lợi lớn là dầu cọ. Cũng có những cây Bác trồng để đánh dấu những chuyến đi công tác của Người như " cây xanh bốn mùa Bác mang về từ Trung Quốc nhân chuyến đi công tác dài ngày, hoặc như cây Dừa hai mầm của đồng bào xã Nam tiến Huyên Lâm Thao tặng Người nhân chuyến Bác về Phú thọ năm 1962… Trong hệ thống những cây xanh đó, có một cây đã trở thành di tích khá đặc biệt, nó không những gắn bó với Bác gần như suốt cả 15 năm Người sống và làm việc tại Khu di tích Phủ Chủ tịch, được Người tự tay chăm sóc nhiều hơn cả, mà còn là minh chứng cho tình cảm đặc biệt của Bác với Miền Nam - "Miền Nam luôn trong trái tim tôi". Đó là cây Vú Sữa đây còn là một lời nhắc nhở Người sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc, như lời hứa của Người trước quốc dân đồng bào năm 1946 "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi", Người tự xem đó là nhiệm vụ "chưa hoàn thành" nên đã xin từ chối nhận Huân chương Sao vàng và Người cũng xin Quốc Hội cho phép chờ đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng để chính đồng bào Miền Nam trao cho Người cái vinh dự đó
   3. Cây Vú Sữa trong vườn Bác do đồng bào, đồng chí xã Chí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau gửi ra biếu Người trên chuyến tàu biển chở cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ tháng 7/1954. Đầu năm 1955 cây Vú sữa được các đồng chí Lê Đức Thọ và Ung Văn Khiêm chuyển vào Phủ Chủ tịch. Đón nhận cây Vú sữa từ Miền Nam ra gửi ra Bác vô cùng xúc động, Người cho trồng ngay sát phòng làm việc đầu hồi ngôi nhà di tích 54, đến tháng 9/1958 khi chuyển sang ở và làm việc tại di tích Nhà sàn Người đề nghị được chuyển cây Vú Sữa sang trồng vào vị trí đầu hồi nhà sát phòng làm việc của Người. Năm tháng trôi đi cây Vú Sữa lớn dần cành lá xum xuê, phủ kín một góc ngôi Nhà sàn. Vú Sữa là loại cây ăn quả lâu năm, tên khoa học là chrysophillum canito. Đây là loại cây nhiệt đới, ưa nắng nhiều, kém chịu rét, tuổi thọ trung bình của cây khoảng 50 đến 60 năm là hết khả năng cho quả và bắt đầu thoái hóa dần. Cây Vú Sữa trong vườn Bác là cây ươm không phải cây chiêt ghép, tính đến năm 2008 cây đã có từ 53 đến 55 năm tuổi. Theo các đồng chí chịu trách nhiệm chăm sóc vườn cây trong Phủ Chủ tịch cho biết tuy là cây xứ nóng mang trồng ở Miền Bắc có mùa đông lạnh giá nhưng với sự chăm sóc cẩn thận cây đã thích nghi được và phát triển bình thường ở xứ Bắc, hiện tại cây có đường kính gốc là 38,5 cm chiều cao hơn 13m đường kính tán cây xấp xỉ 21m50. theo các đồng chí ở Cà Mau cho biết cây Vú sữa trong vườn Bác là loài phổ biến ở vùng này thông thường cây phát triển từ 5 đến 7 năm là bắt đầu cho quả, thời gian cho quả kéo dài đến khi bị thay thế khoảng từ 40 đến 50 năm. riêng cây Vú Sữa trong vườn Bác bắt đầu có quả vào năm 1963 như vậy phải gần 10 năm mới có quả, đến những năm 80 của thế kỷ trước, cây vẫn có quả nhưng quả đã nhỏ đi nhiều và chất lượng không còn được như trước nữa. vào những năm 90 của thế kỷ 20 đã bắt đầu có những năm không có quả, những có quả thì cũng không nhiều và nhỏ. Từ năm 2000 trở lại đây thì hầu như không có quả, năm nào thời tiết thật tốt cũng chỉ có một số ít quả không bi rụng hoặc khô. Về vấn đề dịch bệnh, vú Sữa là loài ít bị bệnh nhưng đối với cây Vú Sữa trong vườn Bác thường vẫn bị sâu đục thân và phổ biến nhất vẫn là bệnh nấm lá (bệnh rệp). Như vậy, đối với cây Vú Sữa trong vườn Bác thời gian ra quả muộn hơn và thời gian kết thúc ra quả lại sớm hơn, chúng ta có thể thấy rõ yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu và sâu bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển của cây và không loại bỏ khả năng tuổi thọ của cây cũng không thể kéo dài. ở góc độ bảo tồn đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Sau khi cây Đa hơn 1000 năm tuổi ở di tích Cổ Loa bị chết. Gần đây sự kiện cây đa Tân Trào đã dấy lên một sự quan ngại cho toàn xã hội, chính quyền tỉnh Tuyên Quang và các Bộ, Ngành có liên quan ở Trung ương cũng như những nhà khoa học, những người quan tâm đến cây Đa di tích này đã bày tỏ sự lo lắng cho sự sống chết của cây Đa lịch sử và cả sự bất bình với thái độ thờ ơ chậm chạp của những cơ quan và cá nhân có trách nhiệm. Và mới đây cây Đa 500 năm tuổi ở đầu làng cổ Đường Lâm (Ba vì, Hà nội) có biểu hiên khô héo, dân cả làng Đường Lâm "mất ăn, mất ngủ vì cây" hàng loạt các biện pháp được áp dụng để cứu cây Đa- một biểu tượng di sản và tâm linh của Làng Việt cổ. Từ thực tế đó đối với những cây di tích trong Phủ Chủ tịch nói chung và với cây Vú Sữa nói riêng mặc dù việc chăm sóc bảo quản vẫn được tiến hành thường xuyên, nhưng theo chúng tôi, đã đến lúc chúng ta phải tính đến những giải pháp cụ thể cho từng loại cây để vừa kéo dài tuổi thọ cho chúng, đồng thời chủ động tìm khả năng chuẩn bị cho sự thay thế hợp lý nhất những cây đó khi chúng không thể chống lại qui luật của tự nhiên. với tinh thần đó, để bảo tồn lâu dài cây Vú Sữa rất đặc biệt này chúng tôi xin nêu mấy suy nghĩ như sau:
     1, Khu di tích cần chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cây ăn quả nhiệt đới và cụ thể là cây Vú Sữa để khảo sát đánh giá hiện trạng một cách khoa học và toàn diện về cây Vú Sữa di tích này. Đặc biệt cần tham khảo ý kiến của các nhà nông, những người làm vườn có am hiểu về loại cây này để hiểu tượng tận các đặc điểm sinh học và khả năng kéo dài tuổi thọ của cây Vú Sữa trong vườn Bác. Đáp ứng yêu cầu này cần phải tính đến khả năng tổ chức một cuộc hội thảo khoa học về cây Vú Sữa trong vườn Bác và phương pháp bảo tồn cho "di tích sống" này. Thiết tưởng đây cũng là một việc làm cần thiết và không nên chậm trễ như đối với cây đa cổ thụ Cổ Loa, cây đa Tân Trào hay cây đa cổ thụ Đường Lâm…
    2, Cần có những động thái tích cực đối cây Vú Sữadi tích, cụ thể là đưa cây Vú Sữa vào chế độ bảo quản đặc biệt như chống sâu, rệp cho cây và lá, tổ chức cắt tỉa những cành khô, cành đã chết. Đồng thời có biện pháp cắt tỉa hợp lý những cây cổ thụ xung quanh để tăng cường ánh sáng mặt trời cho cây Vú Sữa. Tiến hành các biện pháp vệ sinh và chăm sóc bộ rễ cho cây, bằng các biện pháp tưới nước đủ vào mùa khô, thoát nước úng vào mùa mưa, săm, sới bón phân đúng loại theo định kỳ. Nhằm tăng dinh dưỡng và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây.
    3, Cần hoàn chỉnh hồ sơ khoa học cho cây Vú Sữa như một di tích sống. Đồng thời lập sổ nhật ký (hoặc sổ theo dõi) cho cây. Duy trì nghiêm ngặt việc ghi chép tình hình phát triển, sâu bệnh hoặc những dấu hiệu bất thường của cây để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả cao.
 
    4, Cần nghiên cứu biện pháp bảo tồn gien cho cây Vú Sữa nói riêng và các cây di tích trong Khu di tích nói chung. Đồng thời cần sớm phục hồi lại vườn ươm như đã có văn bản thỏa thuận với Hội làm vườn thành phố Hà nội để kết hợp việc bảo tồn gien với viêc trồng sẵn một số cây thay thế đúng loại, đúng giống phù hợp với thổ nhưỡng và vùng khí hậu Hà Nội để sử dụng khi cần thiết.
5, Cần nghiên cứu một cách nghiêm túc chiếc thang sắt phục vụ khách tham quan Nhà sàn được làm từ năm 1977 và đang có kế hoạch sửa chữa làm lại trong năm nay. Đánh giá một cách khách quan sự ảnh hưởng của cầu thang sắt với sự phát triển của cây Vú Sữa và biện pháp khắc phục nếu sự hiển diện của cầu thang sắt đó ảnh hưởng đến sự phát triển và bảo tồn của cây Vú Sữa.
 Trên đây là mấy suy nghĩ ban đầu góp phần vào việc bảo tồn cảnh quan môi trường di tích nói chung và cây Vú Sữa nói riêng.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)