slider

Một cuộc hành trình của thời đại

20 Tháng 05 Năm 2021 / 750 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 

I. Từ một thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên:

Tháng 2/1911, anh Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và tạm trú tại cơ sở của Liên Thành thương quán rồi vừa đi học ở trường thợ máy, vừa tìm hiểu đời sống công nhân, nhân dân lao động cũng như các tàu ra vào cảng Sài Gòn. Đầu tháng 6/1911, Nguyễn Tất Thành lấy tên là Văn Ba lên tàu Đô đốc Latouche Treville xin làm phụ bếp. Ngày 5/6/1911, con tàu rời cảng, bắt đầu đưa anh thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc tìm đường cứu nước. Sau một tháng lao động nặng nhọc, vất vả cùng con tàu hải trình qua Singapore, Srilanka, Ai Cập, ngày 6/7/1911 tàu đến cảng Marseille, Văn Ba lần đầu tiên được đặt chân lên đất Pháp và phát hiện ra ở đó cũng có nhiều người nghèo! Anh chăm vườn hoa và làm việc vặt cho một gia đình chủ tàu. Vì muốn tìm hiểu thêm các nước khác nên năm 1912, anh tiếp tục làm công cho một tàu hàng của hãng Chargeurs Reunis đi qua các nước khai phá thuộc địa Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, các thuộc địa Angiery, Tuynidi, Côngô, Đahômây, Xênêgan, Reunion, qua các nước châu Mỹ Latinh Martinique, Urugoay, Argentina và cuối năm đó đến Mỹ - xứ sở của tự do. Tại NewYork, anh đi làm thuê vài tháng ở Brooklyn, chứng kiến điều kiện sống cực khổ tại khu da đen Harlem - nơi nạn phân biệt chủng tộc tàn ác diễn ra hàng ngày. Lên thăm tượng Nữ thần Tự Do, anh ghi lại cảm nghĩ của mình trước số phận của những con người nhiều màu da bị chà đạp bên dưới vầng hào quang đang của tượng thần. Năm 1913, anh Thành đến nước Anh. Trong những ngày London sương mù tuyết rơi, anh cào tuyết trên hè phố, trường học, làm thợ đốt lò cho các nhà quý tộc và rồi được nhận vào chân phụ bếp ở khách sạn Carlton nổi tiếng. Công việc hàng ngày của anh Thành là dọn dẹp và rửa bát đĩa dưới hầm bếp, nhưng anh luôn giữ lại những phần ăn thừa còn sạch, đưa lại nhà bếp để chuyển cho những người nghèo, đói khát đang bới rác kiếm ăn trên đường phố. Ông vua bếp Escoffier có cảm tình với người phụ bếp trẻ, đưa anh sang bộ phận làm bánh kem vani. Anh Thành sử dụng đồng lương ít ỏi của mình học thêm tiếng Anh. Năm 1917, anh Thành quay lại Pháp để liên hệ với những nhà yêu nước và cộng đồng Việt kiều. Thời gian đầu đến Paris, anh Thành ở nhờ nhà các thành viên trong đảng Xã hội Pháp, sau đó anh đến trọ trong căn nhà số 6 ngõ Gobelins và làm thợ sửa ảnh. Đầu năm 1919, anh Thành vào đảng Xã hội Pháp chỉ vì: Đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước anh, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của đại cách mạng Pháp: Tự do - Bình đẳng - Bác ái! Sau đó, thay mặt Hội những người Việt Nam tại Pháp, anh Thành lấy tên là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị các nước đế quốc thắng trận họp tại Versailles bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm tám điểm, đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam- đây là bản tuyên ngôn chính trị báo hiệu sự mở đầu của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam. Anh Nguyễn đã chính thức trở thành linh hồn của phong trào yêu nứơc từ đó. Anh tích cực tham gia các hoạt động của đảng Xã hội Pháp và bắt đầu tập viết báo bằng tiếng Pháp. Nhiều bài viết của anh đăng trên các báo chính luận Pháp đó gây tiếng vang rất lớn trong các tầng lớp trí thức người Việt ở Pháp cũng như ở Việt Nam. Sau khi được đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, người thanh niên yêu nước đã rất vui mừng vì tìm thấy con đường giải phóng cho dân tộc. Tháng 12/1920, anh quyết định bỏ phiếu tán thành Quốc tế cộng sản III (QTCS), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đó là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng để anh Nguyễn từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ cộng sản.

II. Tham gia các hoạt động lên án chủ nghĩa thực dân tại Pháp, thúc đẩy sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa:

Năm 1921, anh Nguyễn chuyển đến ở số 9 ngõ Compoint, làm nghề vẽ thuê trên quạt giấy, chụp đèn và vẽ đồ giả cổ Trung Hoa hoặc kẻ biển hàng cho các hiệu bán than... cuộc sống cực nhọc thiếu thốn như vậy nhưng anh vẫn hăng say nghiên cứu, học tập, viết được hơn 30 bài đăng các báo tiến bộ Pháp: La Vie Ouvriere (Đời sống thợ thuyền); L'humanité (Nhân đạo); Le Populaire (Dân chúng). Anh cũng tham dự các buổi sinh hoạt chính trị, ngoại khoá trong các hiệp hội văn hoá và câu lạc bộ rất đều đặn để có điều kiện thâm nhập thực tế, tăng cường hiểu biết. Sau khi tập hợp các bạn chiến đấu thống nhất thành lập Hội liên hiệp thuộc địa, tháng 4/1922, anh Nguyễn cùng các đồng chí chủ trương xuất bản tờ báo của Hội mang tên Le Paria (Người cùng khổ). Anh tổ chức kiêm chủ bút và đóng góp rất nhiều cho hoạt động của tờ báo, có số anh viết đến hai, ba bài. Nhiều số báo anh còn vẽ tranh châm biếm. Toàn bộ những bài báo của anh là bản án kết tội chủ nghĩa thực dân và đưa ra nguyện vọng giành độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam cùng nhân dân các nước thuộc địa khác. Cách viết của anh sắc bén, thông minh, hóm hỉnh, sâu sắc với tư tưởng rõ ràng mạnh mẽ: đấu tranh chống áp bức bất công đến cùng. Báo Người cùng khổ lên án chủ nghĩa đế quốc bằng những lập luận vững chắc, chứng cớ cụ thể dưới nhiều hình thức: bình luận, tin tức, thư gửi toà soạn, tranh ảnh biếm họa... Bên cạnh chuyên mục chủ yếu là chính trị, báo còn có mục Diễn đàn văn học, giới thiệu các tác phẩm lớn có giá trị xã hội và lịch sử. Báo cũng tuyên truyền, giới thiệu về Liên Xô và các tổ chức của QTCS. Tổng cộng, anh Nguyễn đã viết 40 bài báo, chiếm trên 60% tổng số bài đăng trên tờ báo duy nhất trong lịch sử báo chí thế giới, với tư cách là diễn đàn của các dân tộc thuộc địa. Trước ảnh hưởng của những hoạt động tuyên truyền hiệu quả của người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Albert Sarraut đã mời anh đến gặp mặt, vừa đe doạ, vừa dụ dỗ nhưng anh Nguyễn khẳng khái trả lời: Cảm ơn ngài, cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập! Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp được Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao. Uy tín và vai trò của người cộng sản Đông Dương đã được QTCS biết đến và Người được mời tham dự Đại hội V QTCS.

III. Hoạt động tại nước Nga và nghiên cứu lý luận về cách mạng thuộc địa:

Ngày 13/6/1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris sang Berlin (Đức) để cơ quan đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại đây làm thủ tục đi Liên Xô với tên mới là Chen Vang, một thợ ảnh. Anh đến Mátxơcơva dự hội nghị Quốc tế nông dân I tại điện Kremlin và được bầu vào Đoàn chủ tịch Hội đồng Quốc tế nông dân. Vì Lênin đang ốm nặng nên Đại hội QTCS hoãn họp. Nguyễn Ái Quốc được biên chế tạm thời vào Ban Phương Đông QTCS rồi vào học trường Đại học Phương Đông trực thuộc Ban chấp hành QTCS có nhiệm vụ đào tạo cán bộ cách mạng cho các nước phương Đông và Trung Á. Tháng 1/1924, Nguyễn Ái Quốc đi viếng Lênin vĩ đại, sau đó anh viết bài đăng báo Sự thật (Pravđa) biểu thị quyết tâm sẽ hiện thực hóa tư tưởng của Lênin ở các thuộc địa và gắn bó cuộc cách mạng giải phóng dân tộc với con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội V QTCS họp từ ngày 17/6 đến 8/7/1924 tại Mátxcơva và phát biểu về vấn đề nông dân, ruộng đất ở các nước thuộc địa. Với danh nghĩa đại biểu Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ, Đại hội QTCS Thanh niên và Hội nghị của Tổ chức Quốc tế Cứu tế đỏ. Trong thời gian ở Liên Xô, anh Nguyễn đi thăm nhiều nơi, chứng kiến những thành tựu xã hội, văn hoá, giáo dục của nhà nước Xô viết. Anh tiếp tục gửi bài đăng báo, tập san của QTCS và hoàn thành bản thảo cuốn sách Bản án chế độ thực dân Pháp, chuyển sang Paris để Hội liên hiệp thuộc địa xuất bản. Trên cương vị cán bộ Ban Phương Đông của QTCS, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, sau nhiều lần đề đạt nguyện vọng, được Ban chấp hành QTCS đồng ý giao nhiệm vụ cho Nguyễn Ái Quốc theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á.

IV. Vừa đảm nhận công tác của QTCS, vừa tích cực chuẩn bị về chính trị và lực lượng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:

Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc sang Quảng Châu, Trung Quốc làm phái viên của QTCS kiêm phiên dịch trong phái bộ cố vấn Xô Viết bên cạnh Chính phủ Tôn Dật Tiên, lấy bí danh Lý Thụy. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc tập hợp được những người thanh niên yêu nước Việt Nam để tuyên truyền giáo dục họ về chủ nghĩa cộng sản và con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Người đã thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng macxít, mở ba Lớp huấn luyện chính trị cho 75 học viên về phương pháp cách mạng mới và ra số báo Thanh Niên đầu tiên ngày 21/6/1925. Tờ báo này thoạt đầu chỉ dùng để phân phối cho các học viên của Hội coi như tài liệu học tập nhưng sau đó được gửi về trong nước để tuyên truyền mà đối tượng chính là những người Việt Nam biết chữ quốc ngữ. Báo Thanh Niên dự định xuất bản hàng tuần nhưng do khó khăn nên ra không đều. Thời kỳ do ông Nguyễn phụ trách trực tiếp là từ số 1 đến số 88 ra ngày 17/4/1927. Nội dung của báo Thanh Niên không chỉ tuyên truyền lý luận Mác-Lênin, đường lối chủ trương của Hội Thanh niên, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc ra đời của một chính đảng vô sản Việt Nam, báo còn nâng cao trình độ, bồi dưỡng tri thức nhiều mặt cho quần chúng, trong đó có chuyên mục rất đặc biệt cho quần chúng làm quen với các danh từ, thuật ngữ mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội đó là mục Từ điển cách mạng. Báo Thanh Niên đã mang lại cho các giai tầng xã hội Việt Nam một nhân sinh quan tiên tiến, một đạo đức cách mạng mới và nó xứng đáng là tờ báo đầu nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam sau này. Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí còn xuất bảo ba tờ báo định kỳ khác là: báo Công nông, bán nguyệt san Lính cách mệnh và Việt Nam tiền phong cho những đối tượng hẹp hơn. Cùng với việc xuất bản báo, Nguyễn Ái Quốc dành thời gian cho cuốn Đường Kách Mệnh, cuốn sách tập hợp và hoàn thiện những bài giảng của Người tại các lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Châu. Tháng 7/1925, Nguyễn Ái Quốc cũng tích cực vận động thành lập và tham gia Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức - một tổ chức cách mạng có tính chất quốc tế.

Tháng 5/1927, chính quyền Quốc dân đảng trở mặt khủng bố cách mạng, ông Nguyễn phải rời Thượng Hải quay lại Mátxcơ và tiếp tục làm việc trong Ban Phương Đông QTCS. Tháng 11, ông được QTCS cử sang Pháp rồi đi dự cuộc họp Đại hội đồng của liên đoàn chống đế quốc tại Bruxelles (Bỉ), sau đó ông đến Beclin một thời gian và làm trong Ban biên tập tiếng Pháp của tạp chí Thư tín quốc tế. Ngày 25/4/1928, Ban chấp hành QTCS đồng ý để Nguyễn Ái Quốc trở về Đông Dương hoạt động. Ông Nguyễn rời Đức, qua Thuỵ Sĩ, Ý và đi tàu từ cảng Napoli đến Siam (Thái Lan) rồi bắt đầu hoạt động tuyên truyền cách mạng qua một số tỉnh có nhiều Việt kiều như Bangkok, Phuchịt, Uđon, Sakhon. Ngoài những bí danh Thọ, Nam Sơn, đồng bào vẫn gọi Người là Thầu Chín. Thầu Chín sống cùng nhân dân lao động, khơi dậy lòng yêu nước thương nòi của bà con Việt kiều qua những câu chuyện lịch sử, bồi dưỡng chí khí cách mạng cho quần chúng, đặc biệt quan tâm giáo dục các các con em Việt kiều. Trước sự hình thành nhiều tổ chức cộng sản trong nước, Nguyễn Ái Quốc gấp rút đến Hồng Kông ngày 23/12/1929 và gửi thư về nước mời đại diện của các tổ chức cộng sản Việt Nam sang bàn việc hợp nhất. Từ ngày 6/1/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã được tiến hành tại Cửu Long dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Ngày 3/2, Đảng CS Việt Nam ra đời, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt, Chương trình tóm tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Với uy tín và trí tuệ của mình, Nguyễn Ái Quốc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trở thành Người sáng lập một chính Đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam.

V. Vượt qua mọi gian nan, về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam:

Theo ủy nhiệm của QTCS, cuối tháng 4/1930, Nguyễn Ái Quốc đến Siam, Singapore và Malaysia làm nhiệm vụ đến cuối tháng 5/1930 thì quay trở lại Hồng Kông. Ngày 6/6/1931, Nguyễn Ái Quốc (khi đó tên gọi là Tống Văn Sơ) bị cảnh sát bắt tại số nhà 186, phố Tam Kung (Cửu Long, Hồng Kông). Thực dân Pháp tích cực lên kế hoạch, mặc cả với đế quốc Anh trong việc dẫn độ Nguyễn Ái Quốc. Các đồng chí cùng hoạt động và đại diện của Quốc tế cứu tế đỏ đến gặp một luật sư tiến bộ người Anh F.H. Loseby, Chủ tịch công ty luật gia ở Hồng Kông nhờ giúp đỡ. Dưới sức ép của dư luận và những phương tiện thông tin báo chí, lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, Toà án tối cao Hồng Kông phải xử công khai một bản án chính trị. Cả 9 phiên toà đều diễn ra trong không khí căng thẳng, quyết liệt với sự giúp đỡ tài trí của luật sư và sự thông minh, sắc sảo trong từng câu trả lời của Tống Văn Sơ, nhưng Người vẫn không được trả tự do. Hai người bạn của luật sư Loseby là Denis Noel Pritt và Stafford Cripps đã nhận lời giúp chống án lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh. Nhờ sự nỗ lực của họ, cuối cùng Toà án Viện Cơ mật Hoàng gia Anh phải đồng ý trả tự do cho Tống Văn Sơ. Song khi đến Singapore thì bị nhà cầm quyền từ chối vì đi vào thuộc địa không có giấy phép, Tống Văn Sơ lại bị bắt, phải quay về Hồng Kông. Một lần nữa, gia đình luật sư Loseby cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù. Sau một thời gian tạm lánh bí mật trong vai một nhà buôn lớn đi nghỉ, khi thì ở tạm trong Ký túc xá Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa, có khi ở ngay trong nhà của luật sư Loseby, ngày 22/1/1933, với sự giúp đỡ của gia đình luật sư cùng những người bạn, Tống Văn Sơ đã rời Hồng Kông đến Hạ Môn và lưu lại đây tránh mật thám theo dõi.

Mùa hè năm 1933, Nguyễn Ái Quốc lên Thượng Hải nhờ bà Tống Khánh Linh để tìm cách bắt liên lạc với những đồng chí của mình. Mùa xuân 1934, Nguyễn Ái Quốc rời Thượng Hải lên tàu thủy đi Vlađivôxtốc (Liên Xô). Tháng 10/1934, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Quốc tế Lênin ở Maxcơva. Dù đã trở về trung tâm phong trào cộng sản quốc tế, sống giữa những người đồng chí, nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn phải đối mặt với sự nghi kị trong một thời gian dài. Đó là vì sự xuất hiện những chủ trương mang tính chất “tả khuynh” trong tư tưởng và lý luận của QTCS, đặc biệt là ảnh hưởng của Nghị quyết đại hội VI QTCS (6/1928) với các Đảng Cộng sản, trong đó có Đảng Cộng sản Đông Dương, sự bất đồng quan điểm giữa Nguyễn Ái Quốc với QTCS về vấn đề đặt tên Đảng, vấn đề dân tộc, giai cấp trong đường lối chiến lược và sách lược của Đảng, về phương pháp bạo động cách mạng, chất lượng cán bộ hạt nhân phong trào, ngoài ra Nguyễn Ái Quốc còn bị đánh giá là một người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc. Tháng 8/1935, lấy tên Lin, Người tham dự Đại hội VII QTCS với tư cách là đại biểu tư vấn. Kết thúc khoá học tại Trường Quốc tế Lênin, Người mong muốn về nước hoạt động, nhưng vẫn chưa được QTCS chấp nhận. Với bản lĩnh, kinh nghiệm, bằng trí tuệ, phong cách sống, tinh thần làm việc và sự tin yêu giúp đỡ của những người đồng chí chân thành, Nguyễn Ái Quốc vẫn đứng vững trước hoàn cảnh khó khăn. Tháng 2/1936, một Ủy ban đặc biệt đã kết thúc điều tra về Nguyễn Ái Quốc, kết luận cuối cùng là: đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng. Cuối năm 1936, Người chuyển đến công tác tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, vào học lớp nghiên cứu sinh chuyên ngành lịch sử. Trước những đòi hỏi cấp thiết của cách mạng trong nước, ngày 6/6/1938, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục gửi thư cho lãnh đạo Viện và QTCS trình bày nguyện vọng trở về phục vụ Tổ quốc. Ngày 30/9/1938, Viện có Công văn số 60 (mật) chứng thực sinh viên số 19 (Lin) rời khỏi biên chế của Viện.

Đầu tháng 10/1938, Nguyễn Ái Quốc từ Mátxơcơva đến Urumsi rồi đi Lan Châu, Trung Quốc. Người được Văn phòng Bát lộ quân chuẩn bị cho một chứng minh thư quân nhân mang tên thiếu tá Hồ Quang. Từ Lan Châu, Người qua Tây An, đến Diên An - căn cứ quân cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc quay lại Tây An, đi xuống Quảng Tây, tìm cách về gần Tổ quốc. Dừng chân tại Quế Lâm, Nguyễn Ái Quốc, làm việc ở Phòng Cứu vong thuộc Văn phòng Bát lộ quân, phụ trách công tác y tế kiêm biên tập tờ Sinh hoạt tiểu báo. Tháng 2/1939, Nguyễn Ái Quốc tham gia lớp huấn luyện du kích tại Nam Nhạc thuộc Hành Dương, tỉnh Hồ Nam. Tháng 9/1939, Nguyễn Ái Quốc trở về Quế Lâm và đi Long Châu. Sau đó từ tháng 11/1939, Người di chuyển liên tục trên tuyến Quế Lâm - Liễu Châu- Long Châu - Quý Dương - Côn Minh - Trùng Khánh để chắp nối liên lạc với tổ chức ở Việt Nam. Tháng 2/1940, Nguyễn Ái Quốc đi Côn Minh, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí trong Tỉnh ủy Vân Nam, Người bắt liên lạc được với Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng. Tháng 4/1940, Người đi thăm một số cơ sở cách mạng dọc tuyến đường xe lửa Côn Minh - Hà Khẩu. Tháng 6/1940, sau khi gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp từ trong nước sang, Nguyễn Ái Quốc đi Trùng Khánh tìm gặp Chu Ân Lai để bàn việc. Tháng 10, Nguyễn Ái Quốc đến Quế Lâm tìm đường về nước theo hướng mới. Trong thời gian ở đây, Người viết 11 bài cho tờ Cứu vong nhật báo để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Tháng 12/1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ rời Quế Lâm đi Tĩnh Tây, gặp Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang báo cáo tình hình và đề nghị Người nên chọn hướng Cao Bằng về nước. Sau Tết dương lịch năm 1941, Người cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được Hoàng Sâm dẫn đường qua Nậm Bo xuống Nậm Quang, một làng sát biên giới Việt - Trung. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Các tài liệu do Người tổ chức biên soạn và giảng dạy sau đó được in litô thành sách Con đường giải phóng.

Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí của mình vượt qua cột mốc biên giới 108, vào địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng của Tổ quốc thân yêu. Sau hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt đầu dẫn dắt dân tộc Việt Nam hướng tới một tương lai mới.

Tài liệu tham khảo:

- Hồ Chí Minh: Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, 2006.

- Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 1-2.

- Hồ Chí Minh - hành trình 79 mùa xuân, Nxb. Văn hoá thông tin, 2009.

- Đường về Tổ quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010

- Tạp chí Sự kiện & Nhân chứng số 41 năm 1997

- William J. Duiker: Ho Chi Minh - A life. Hyperion House, NewYork 2000

- Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh. UNESCO và Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam - Nxb. Khoa học xã hội,1990, tr.152

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)