slider

Một số bài thơ “tặng” tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

23 Tháng 05 Năm 2020 / 6269 lượt xem

ThS. Trần Thị Thắm

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà thơ, nhà văn kiệt xuất trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Người xác định, văn thơ vừa là vũ khí sắc bén để đấu tranh cách mạng, vừa là phương tiện rất hữu hiệu để động viên chiến sĩ, đồng bào, tuyên truyền quần chúng làm cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến cách viết. Người luôn nhắc nhở những người cầm bút rằng: “Trước khi viết phải đặt câu hỏi và trả lời: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì? Sau đó mới xem xét việc viết như thế nào?”.

Cùng những bài thơ trong “Nhật ký trong tù”, những bài thơ viết ở Việt Bắc, những bài thơ chúc tết đồng bào mỗi dịp năm mới, v.v.. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có một mảng thơ hết sức đặc sắc, đó là những bài thơ “tặng”. Tuy giá trị vật chất không cao nhưng bài nào cũng thể hiện rất rõ thái độ của Bác đối với từng đối tượng và tấm lòng yêu nước, thương dân của Người. Nhiều bài trở nên rất phổ biến, được cả bạn bè quốc tế cũng như nhân dân Việt Nam nâng niu, trân trọng

Đối tượng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thơ (hoặc gửi, hoặc hoa...) rất phong phú, đa dạng. Có những người xa xôi, dù chưa được gặp nhưng đồng tâm, đồng cảm, đồng chí với Người như Nê Ru (Thủ tướng Ấn Độ giai đoạn 1947 -1954). Khi Người bị cầm tù ở nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cũng là lúc Nêru bị giam trong nhà tù thực dân Anh. Cùng cảnh ngộ, cùng hoạt động cách mạng vì nước vì dân, thấu hiểu nhau, ở trong tù, Hồ Chí Minh viết bài thơ “Gửi Nê Ru”

“Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,

Anh phải vào lao, tôi ở tù;

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,

Không lời mà vẫn cảm thông nhau.

II

Đôi ta cảnh ngộ vốn không khác,

Cảnh ngộ giờ đây khác bội phần;

Tôi, chốn lao tù người bạn hữu Anh, trong gông xích bọn cừu nhân”

Bài thơ thật cảm động viết về hai người ở hai phương trời, hai dân tộc khác nhau, chưa từng gặp nhau, vậy mà có mối giao cảm kỳ lạ. Những câu thơ chứa đựng những sự kiện lớn trong đời của hai con người cùng chung một mục đích phấn đấu, hoạt động vì nước, vì dân, quyết tranh đấu giành kỳ được độc lập, tự do cho dân tộc, cho đất nước.

Trong quan hệ bè bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nệ tiểu sử, giai cấp, Người chỉ quan tâm tình bạn phải vì mục đích chung là vì nước vì dân. Đối với những người bạn đang hết lòng giúp đỡ cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, như Chủ tịch Mao Trạch Đông hay tướng Trần Canh của nước bạn Trung Quốc, những lời thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng cũng hết sức giản dị, chân thành và quý mến. Ngày 16-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui khi biết tin Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông 73 tuổi đã bơi qua sông Trường Giang ở Vũ Hán, mừng cho lãnh tụ khoẻ là cách mạng (Trung Hoa) còn được trông cậy. Ngay lập tức, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ “Ký Mao Chủ tịch” (Gửi Chủ tịch Mao), Bác chân thành chúc:

“Vui nghe Người bơi thỏa Trường Giang,

Quần chúng mừng Người được kiện khang

Tôi ở Việt Nam lo đánh Mỹ,

Xa chúc Người “vạn thọ vô cương”

Tháng 01-1950, ở Nam Ninh (Trung Quốc), tại bữa tiệc do lãnh đạo Quân khu Vân Nam tổ chức chào mừng Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xúc động và vui mừng gặp lại người bạn trẻ tuổi năm xưa là Trần Canh, lúc đó là Phó Tư lệnh Đại khu Tây Nam, Tư lệnh Quân khu Vân Nam. Người viết tặng ngay cho Trần Canh một bài thơ tứ tuyệt chữ Hán, do Người tự dịch ra tiếng Việt như sau:

“Khi xưa gặp chú một thanh niên

Nay chú cầm quân giữ soái quyền.

Trăm vạn hùng binh theo lệnh chú

Giữ gìn cách mạng cõi Điền biên”

Từ tháng 7 đến tháng 11-1950, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử Trần Canh sang làm nhiệm vụ tham mưu giúp quân ta đánh trận Biên giới. Sau thắng lợi, Bác Hồ cử người mang thư và rượu đến tặng Trần Canh. Bài thơ với bản phiên âm như sau:

“Sâm banh” rượu ngọt chén lưu ly,

Toan nhắp, tỳ bà giục ngựa đi

Say khướt sa trường cười chớ vội

Chẳng cho địch thoát một tên về”

Đối với một số quan lại cũ đi theo cách mạng, theo kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất trân trọng, quý mến và Người cũng làm thơ tặng. Bài thơ “Tặng Bùi công” Bác gửi cho cụ Bùi Bằng Đoàn (một nhân sĩ học rộng tài cao, thanh liêm chính trực, giữ đến chức Thượng thư Bộ hình triều Nguyễn) vừa là một cách báo tin thắng trận độc đáo, vừa là nơi gửi gắm, chia sẻ niềm vui, niềm tin của Bác với một người mà Bác rất coi trọng, người đã sát cánh cùng Bác ở chiến khu Việt Bắc trong những thời điểm khó khăn nhất, những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Bài thơ tặng cụ Bùi Bằng Đoàn như sau:

“Xem sách, chim rừng vào cửa sổ,

Phê văn, hoa núi chiếu nghiên soi.

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài”

Với cụ Võ Liêm Sơn (người bạn học ở Huế với Bác những năm 1908-1910), khi Bác gặp lại tại Hội nghị Kháng chiến toàn quốc và Hội nghị Văn hoá toàn quốc ở Việt Bắc (năm 1948), Bác cũng vui mừng làm bài thơ gửi tặng bạn. Những lời thơ rất cảm động, trân trọng và vui mừng:

“Ngàn dặm cụ tìm đến

Một lời trăm cảm thông

Thờ dân trọn đạo hiếu

Thờ nước vẹn lòng trung.

Cụ đến tôi mừng rỡ

Cụ đi tôi nhớ nhung

Một câu xin tặng cụ “Kháng chiến ắt thành công”

Đối với các tầng lớp nhân dân nói chung, những bài thơ tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thường có nội dung khen ngợi, tin tưởng vào tinh thần yêu nước, cách mạng của nhân dân; khuyên nhủ, nhắc nhở chí tình, chí nghĩa về nhiệm vụ của mỗi người và bổn phận đối với nước, với dân, với công cuộc kháng chiến. Bài thơ nào Người cũng viết bằng ngôn từ thuần Việt, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ.

Năm 1947, được tin có 3 cụ già ở Cao Bằng đã hăng hái tham gia đánh giặc cùng bộ đội, du kích làm cho địch không tiến lên được, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui và tặng các cụ những vần thơ ngắn gọn rất hào sảng:

“Tuổi cao chí khí càng cao,

Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.

Sẵn sàng tiêu diệt quân thù,

Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”

Nhắc đến thiếu niên, nhi đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những vần thơ đẹp nhất, đáng yêu nhất cho các cháu. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của đất nước mà Người có những lời dạy bảo ân cần đối với thế hệ tương lai, mầm non của đất nước. Trước đây, đất nước trong cảnh nô lệ lầm than, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, Người thương các cháu nhỏ không được học hành. Người viết:

“Học hành giáo dục đã không

Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa Sức còn yếu, tuổi còn thơ

Mà đã khó nhọc cũng như người già

Vì ai nên nỗi thế này?

Vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn!”

Năm 1951, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn phản công, giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, nhớ thương các cháu, Bác viết:

“Trung thu trăng sáng như gương

Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng

Sau đây Bác viết mấy dòng

Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”

Giữa bao bộn bề việc nước, việc quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn chăm chút, dõi theo từng tiến bộ của các cháu thiếu nhi và Người gửi thư động viên, khen ngợi, như bài thơ Bác viết: “Tặng cháu Nông Thị Trưng”;

“Vở này ta tặng cháu yêu ta,

Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là.

Mong cháu ra công mà học tập,

Mai sau cháu giúp nước non nhà”

Tình cảm trìu mến đó cũng là niềm mong mỏi của Bác đối với lớp mầm non tương lai của đất nước:

“Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình

Đi tham gia kháng chiến

Để gìn giữ hòa bình

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh”...

Nghe lời Bác dạy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta, đã có không ít các cháu thiếu niên, nhi đồng tích cực, hăng hái tham gia kháng chiến với những tấm gương anh hùng như Kim Đồng, Lý Tự Trọng, Vừ A Dính, Phạm Ngọc Đa, Võ Thị Sáu, Trần Văn Ơn, Lý Văn Mưu, Dương Văn Nội, Lưu Qúy An, Nguyễn Đăng Lành, Dương Văn Mạnh, Hoàng Văn Thọ, Nguyễn Minh Trung...

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết thơ “tặng đối phương” khi họ có thái độ nhu nhược, hống hách đối với người dân thuộc địa nhưng cúi đầu quỳ gối đối với bọn phát xít Đức, Nhật. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, trước sự kiện chính phủ Pêtanh của Pháp ký hiệp định đình chiến với Đức, thực chất là hiệp định đầu hàng phe phát xít, Hồ Chí Minh đã sáng tác bài thơ “ Tặng Thống chế Pê - Tanh” như sau:

“Vận mệnh Lang-sa lúc chẳng lành

Pê-tanh lão tướng hóa hôi tanh

Cúi đầu, quỳ gối, hàng quân Đức

Trợn mắt, nhăn mày, chửi nước Anh

Bán nước lại còn khoe cứu nước

Ô danh mà muốn đựợc thơm danh

Già mà như chú càng thêm dại

Tiếng xấu muôn đời nhuốc sử xanh”

Lợi dụng việc Pháp đầu hàng Đức, quân Nhật kéo vào Đông Dương và toàn quyền Đờ Cu nhanh chóng đầu hàng Nhật và chịu làm tay sai cho quân Nhật, Người liền có bài thơ tặng viên Toàn quyền Đờ Cu:

“Non nước Rồng Tiên rõ mịt mù

Lợi quyền phó mặc bố thằng cu

Đối dân Nam Việt thì lên mặt

Gặp bọn Phù tang chí đội khu

Về Pháp không cơm e chết đói

Ở đây, hút máu béo ni nu

Cũng như thống chế Pêtanh vậy

Chú cứ cu cù được mãi ru”

Đối với Nguyễn Hải Thần lúc đó là một trong những người cầm đầu đảng “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” (1942), gọi tắt là“Việt cách” có tôn chỉ mục đích chống Pháp, cứu nước sau biến chất đối lập với Đảng ta (như Quốc dân Đảng). Khi thành lập Chính phủ lâm thời, 1945, Bác đã “mời” cho làm Phó Chủ tịch nước, nhưng rồi ông ta cũng bỏ nước chạy sang Trung Quốc. Nguyễn Hải Thần có bài thơ thể hiện tính chất nhu nhược, thoái chí của mình. Đối với những người như vậy thì Bác không thể khoan nhượng, không thể trân trọng, tao nhã khi tặng thơ. Dưới hình thức một bài thơ “Hoạ”, Bác họa lại bài của Nguyễn Hải Thần, đập lại rất thẳng thắn, mạnh mẽ:

“Gặp gỡ đường đời anh với tôi

Hai vai gánh nặng cả hai vai

Tuy riêng Nam Bắc, riêng bờ cõi

Cùng một ông cha, một giống nòi.

Nhỡ bước đành cam thua nửa ngựa

Thà hơn miệng thế nói mười voi

Mấy lời trân trọng anh ghi nhớ

Nước ngược buông câu khéo mất mồi”

Ngoài ra còn nhiều bài thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tặng các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể và báo chí... trong đó có những bài đã trở thành khẩu hiệu, thành “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của các tầng lớp và sống mãi với thời gian.

Đọc lại những vần thơ “Tặng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta càng hiểu hơn về lịch sử và giá trị nghệ thuật thơ ca của Bác, có những tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của mỗi con người. Những bài “ thơ tặng” của Người cũng có sự gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng, thể hiện tư tưởng, tâm hồn cao đẹp của một bậc vĩ nhân. Văn thơ, dù chỉ là thể hiện phần nào phong cách, con người Bác nhưng đối với dân tộc Việt Nam, đó lại chính là kho tàng quý giá, chứa đựng giá trị truyền thống và hiện đại, không chỉ là kết tinh của dân tộc mà còn cả của nhân loại.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)