MỘT SỐ CUỐN SÁCH MỚI SƯU TẦM TẠI DI TÍCH NHÀ SÀN TRONG KHU PHỦ CHỦ TỊCH
07 Tháng 09 Năm 2011 / 2410 lượt xem
Trong quá trình sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu đã sưu tầm được những sưu tập hiện vật đặc biệt, có nội dung trưng bày riêng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi hoạt động của di tích.
Hiện vật gốc của di tích là những bằng chứng trung thực nhất phản ánh những khía cạnh của lịch sử, chúng là sử liệu gốc cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục và phổ biến kiến thức khoa học trong và ngoài di tích. Nhưng nếu thiếu những tài liệu ghi chép về hiện vật gốc thì các hiện vật đó sẽ mất ý nghĩa bảo tàng. Hiện vật gốc và những tài liệu ghi chép về nó là hai mặt không thể tách rời nhau. Vì vậy công tác sưu tầm một mặt là tiến hành nghiên cứu, lựa chọn, thu thập hiện vật gốc điển hình, mặt khác phải ghi chép đầy đủ những lượng thông tin chứa trong hiện vật đó.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một khu lưu niệm lịch sử văn hoá có không gian rộng lớn, giàu về nội dung, phong phú về loại hình hiện vật. Ở các di tích, bên cạnh những hiện vật đã tồn tại cùng với di tích còn có các hiện vật được sưu tầm trên cơ sở những sự kiện thông qua thời gian, địa điểm, nhân chứng và tài liệu hiện vật gốc cụ thể. Có thể kể đến hàng chục các tài liệu hiện vật đã được sưu tầm trong những năm qua tại các di tích. Đối với hiện vật thể khối thì vô cùng phong phú: chiếc hộp đựng thuốc lá Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng, chiếc nậm đựng rượu Người đã dùng tiếp khách, chiếc thùng đựng kẹo Người dùng tiếp các cháu nhi đồng, những chiếc bồng đựng hoa quả, bộ quần áo lụa, chiếc mũ dạ Người đã dùng…Đối với các hiện vật là đồ giấy ở các di tích có: những tấm thiếp chúc Tết, bản dự thảo điều lệ Đảng (sửa đổi), một số cuốn sách ở các nhà di tích…
Bên cạnh công tác sưu tầm những tài liệu hiện vật gốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng, Khu di tích còn áp dụng một phương pháp sưu tầm khác để bổ sung cho vốn tài liệu hiện vật là sưu tầm những tài liệu hiện vật đồng thời. Những hiện vật này có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bổ sung trưng bày tại các di tích. Đó là một số cuốn sách trưng bày tại di tích Nhà 54, di tích Nhà sàn. Di tích Bếp A trong Khu Phủ Chủ tịch trước khi đưa ra trưng bày cũng mới tiếp nhận một số hiện vật đồng thời được sưu tầm từ kho hiện vật của các bảo tàng. Đối với di tích Nhà y khoa thì việc sưu tầm được 42 dụng cụ y tế đã dùng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày cuối đời lại càng có ý nghĩa trong việc tuyên truyền, giáo dục tại Khu di tích Phủ Chủ tịch và khôi phục được di tích. Bên cạnh một số máy y khoa dùng để cứu chữa cho Người là những hiện vật gốc thì một số lớn hiện vật là những hiện vật đồng thời được sưu tầm từ các kho trang thiết bị y tế của Viện Trung ương Quân đội 108.
Di tích nhà sàn là di tích trung tâm của Khu di tích nên việc sưu tầm những tài liệu hiện vật bổ sung cho di tích này càng được quan tâm đặc biệt. Năm 2004, thực hiện kế hoạch khoa học thay thế toàn bộ những cuốn sách chỉ có bìa làm lại, bên trong bằng giấy trắng ở di tích này, các cán bộ phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu đã tiếp nhận từ Bảo tàng Hồ Chí Minh hơn 100 cuốn sách làm lại khoa học chính xác từ những cuốn sách gốc để bổ sung trưng bày. Năm 2007, được sự giúp đỡ của chị Trần Phương Anh, một nghiên cứu sinh đang học tập tại Hoa Kỳ, chúng tôi bày tỏ nguyện vọng muốn sưu tầm những cuốn sách in bằng tiếng Anh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc đang có trong danh mục sách của các nhà di tích. Sau khi nghiên cứu, chọn lọc nội dung sách cho phù hợp, chúng tôi đã cung cấp những thông tin liên quan đến số sách đó như: tên sách bằng tiếng Anh, nhà xuất bản, tác giả, năm xuất bản…để tiện trong việc tra cứu. Qua hệ thống thư viện của các trường đại học ở Mỹ đã sưu tầm được 20 cuốn sách đồng thời với các cuốn sách gốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc. Trong số sách này di tích Nhà 54 có 3 cuốn, di tích Nhà sàn có 14 cuốn, di tích Nhà Bác tiếp cán bộ có 2 cuốn, di tích Nhà Bác mất có 1 cuốn. Đây là một thành công đáng kể của công tác sưu tầm khi áp dụng công nghệ thông tin hiện đại bằng việc tra cứu trên mạng và mở ra một hướng sưu tầm mới cho chúng tôi. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt nội dung của một số cuốn sách đó và trong các số tiếp theo nếu có điều kiện sẽ thông tin đến bạn đọc nhiều hơn.
Sách sưu tầm của di tích nhà sàn (ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ năm 1958-1969):
1. Viet Nam north (Miền Bắc Việt Nam)
Tác giả: Wilfred G. Burchett
Nhà xuất bản: International Publishers, New York, năm 1966, 191 trang
Sách có số kiểm kê: BTHCM 880/G-694
Đây là phóng sự sâu sắc về bảy tuần có mặt tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của Wilfred G. Burchett, một nhà báo cựu chiến binh, tác giả của cuốn sách này. Sau khi cuốn sách được xuất bản, Burchett đã trở nên nổi tiếng, được công nhận là nhà quan sát nhạy cảm và có cảm tình với phe đối phương. Ông đã đưa ra những phát hiện tại sao mặc dù bom đạn tàn phá ác liệt mà những người dân Bắc Việt vẫn giữ được niềm tin chiến thắng. Trong sách, ông mô tả một cuộc cách mạng mới do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến hành chống sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân mới. Qua đó, cung cấp cho nguời đọc một cái nhìn chân thực về bảo vệ quần chúng và bảo vệ nền độc lập xã hội xã hội chủ nghĩa của chính họ.
2. Ho Chi Minh on revolution ( Hồ Chí Minh bàn về cách mạng)
Tác giả: Bernarrd Bfall
Nhà xuất bản: Frederich A. Fraeger, Hoa Kỳ, năm 1967, 389 trang.
Sách có số kiểm kê: BTHCM 887/G-701
Bernarrd Bfall, tác giả cuốn sách là người đã có hơn 15 năm nghiên cứu lịch sử các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ông đã đưa vào bài viết những biến cố đau thương ở bán đảo Đông Dương. Ở vị trí của người quan sát, ông thấy được sự thất bại của người Pháp qua cái nhìn của người Mỹ và sự thất bại của người Mỹ qua người Pháp. Ông cho ra đời những bài báo đặc sắc về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Tháng 12 năm 1966, ông trở lại Việt nam lần thứ 7. Ngày 21 tháng 2 năm 1967, khi đi tuần tra ở phía bắc Huế, ông vướng phải mìn và tử thương.
3. The invisible government ( Chính phủ vô hình)
Tác giả: Devit Oaizo và Thomat Rotx
Nhà xuất bản: Randon Haozo, New York, năm 1964, 375 trang.
Sách có số kiểm kê: BTHCM 892/G-706
“Chính phủ vô hình” là một cuốn sách gây chấn động và nhiều bối rối trong dư luận nhân dân Mỹ. “Chính phủ vô hình” là những ngành tình báo của Bộ ngoại giao, Bộ quốc phòng, Viện nghiên cứu hàn lâm, Đài truyền thanh, Nhà xuất bản…quan trọng nhất là Cơ quan tình báo Mỹ CIA. Những cơ quan trên có quyền lực và tiến hành các hoạt động đặc biệt ở các nước như Cuba, Lào, Việt Nam…nhằm lật đổ chính quyền các nước này. Đây là cuốn sách vạch ra rằng các hoạt động ngầm của cơ quan tình báo, tức chính phủ vô hình, lập ra để làm việc cho nước Mỹ, nhưng đè nặng lên đời sống ngay cả nước Mỹ.
4. The death of a president ( Cái chết của một tổng thống)
Tác giả: William Manchester
Xuất bản ở Luân đôn năm 1963, 710 trang.
Sách có số kiểm kê: BTHCM 893/G-707
Ngày 20-11-1963, Tổng thống John Kennedy bị ám sát tại Dellas bang Texas (Mỹ). Cái chết của ông đã gây bất ngờ cho nhân dân Mỹ và nhân dân nhiều nước trên thế giới. Tác giả là người gần gũi với Tổng thống, đã thu nhập tài liệu từ nhiều nguồn, đã mô tả chi tiết mọi hoạt động của Tổng thống trước và sau ngày bị ám sát, phản ánh nhiều khía cạnh cuộc sống của Tổng thống, những người thân, những người xung quanh có liên quan, những mối liên hệ nhiều chiều công việc của Tổng thống và hệ thống điều hành của Nhà trắng.
5. The new face of war (Bộ mặt mới của chiến tranh)
Tác giả: Malcoln W. Browne
Nhà xuất bản: Bob Merin Comfrani, New York, Hoa Kỳ, năm 1965, 284 trang.
Sách có số kiểm kê: BTHCM 926/G-740
Cuốn sách gồm 14 chương, kể về những sự kiện, những nhân vật, những dư luận, những ý kiến cá nhân về cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong những năm 1961-1964. Cuốn sách không trình bày cuộc chiến tranh ở Việt Nam về mặt lịch sử, mà đưa ra những dẫn chứng cho độc giả biết rằng việc chiến đấu với Việt Cộng có nhiều cái khác lạ, không giống những cuộc chiến tranh Mỹ đã tham gia trước đây. Mỹ khẳng định Việt Cộng mạnh, dồi dào vũ khí không phải do Việt Cộng cấp mà đa phần lấy từ trong tay và kho của nguỵ quân.
6. The green berets (Mũ nồi xanh)
Tác giả: Robin Moore
Nhà xuất bản: Avon Books, New York, Hoa Kỳ, 334 trang.
Sách có số kiểm kê: BTHCM 927/G-741
Mỹ chủ trương đưa bọn biệt kích, biệt danh lính mũ nồi xanh đến miền Nam Việt Nam phá phong trào cách mạng từ bên trong. Lính mũ nồi xanh không phải là lực lượng quân sự chính quy mà nó là một lực lượng đặc biệt hoạt động theo phương thức đánh du kích, trá hình, đội lốt dân sự, thường được máy bay không vận thả xuống vùng sau nằm sau lưng đối phương, trà trộn với nhân dân, lôi kéo nhân dân gây bạo loạn, chống phá cách mạng.
7. The uncertain trumpet (Tiếng kèn ngập ngừng)
Tác giả: Macwell Taylor
Nhà xuất bản: Harper Row, New York, Hoa Kỳ, năm 1959, 203 trang.
Sách có số kiểm kê: BTHCM 931/G-745
Tác giả cuốn sách là tướng bốn sao Macwell Taylor, nguyên là Tham mưu trưởng lục quân Hoa Kỳ về hưu năm 1959. Năm 1963, Taylor được Tổng thống Kennedy phái sang miền Nam Việt Nam xem xét kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Đến năm 1964 Taylor lại được cử sang Việt Nam thay Caclot Logio làm đại sứ ở miền Nam cả về quân sự và chính trị. Cuốn sách của ông tập trung phản ánh những mưu đồ chiến lược của giới tài chính, quân phiệt Mỹ đối với toàn bộ cục diện thế giới đã có nhiều biến đổi cách mạng sau chiến tranh thế giới thứ hai.
8. The foor legged lottery (Cuộc sổ số)
Tác giả: Frank Hardy
Nhà xuất bản: Australian books Society, Melbourne, năm 1958, 224 trang.
Sách có số kiểm kê: BTHCM 932/G-746
Đua ngựa là môn thể thao được mọi người ưa thích, tán thưởng và trở thành nghề đánh bạc sát phạt lẫn nhau. Rất nhiều dân nghèo Ôtxtrâylia chơi đánh cá ngựa như sổ số. Cuốn sách kể câu chuyện dài về cuộc đời hai thanh niên ham đánh cá ngựa tên là Jim Nơbơt và Pôn Nike, nghiện đánh bạc và nợ nần, bị vào trại giam rồi sau tự tử chết. Pôn được Jim kể cho nghe cuộc đời mình, uỷ thác cho Pôn chép lại. Pôn đã viết cuốn chuyện này thuật lại cuộc đời hai người ham mê đánh cá ngựa và kêu gọi mọi người hãy trông gương họ mà cảnh tỉnh.
9. The American crisis in Viet Nam (Cuộc khủng hoảng của Mỹ ở Việt Nam)
Tác giả: Vance Harthe
Nhà xuất bản: The books Merrill Company, Inc, New York, Hoa Kỳ, năm 1968, 163 trang.
Sách có số kiểm kê: BTHCM 997/G-771
Cuốn sách của Vance Harthe, một thượng nghị sĩ Mỹ. Ông phân tích chi tiết cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Nội dung và những dẫn chứng số liệu cho thấy chính sách chiến tranh của chính phủ Mỹ đang bị sa lầy dẫn đến khủng hoảng, liên tiếp mắc sai lầm trong cuộc chiến tranh chống Việt Nam. Tác giả cho rằng chính phủ Mỹ đang bị sa lầy ở trong chính nước Mỹ nên những người Mỹ đã hiểu ra bản chất của cuộc chiến, họ lo lắng phản đối chiến tranh, lo thấy trước việc Mỹ phải chịu trách nhiệm trước nhân loại về cuộc chiến tranh này.
Thông qua nội dung những cuốn sách này chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu giữ lại trên giá sách của mình nhiều cuốn sách viết về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam qua con mắt của người nước ngoài, những khía cạnh khác của cuộc chiến và ảnh hưởng của nó đến nhân dân Mỹ. Trên cương vị người chỉ đạo cuộc kháng chiến của nhân ta chống đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm hiểu đối phương qua những cuốn sách xuất bản ở chính quốc để thấy được ảnh hưởng của cuộc chiến đến nước Mỹ thế nào. Và đến nay sau hơn 40 năm xuất bản sách, những người làm công tác sưu tầm tài liệu hiện vật bổ sung cho kho tư liệu các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa được những cuốn sách dù là hiện vật đồng thời về bổ sung trưng bày tại di tích nhà sàn là một điều rất đáng quý. Những cuốn sách sưu tầm trong đợt này là hiện vật ở các di tích khác chúng tôi sẽ giới thiệu trong các số tạp chí sau. (Cù Thị Ban-Vũ Thu Hằng - Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu)