slider

MỘT SỐ CUỐN SÁCH TIẾNG NGA VỚI ĐỀ TẶNG CỦA TÁC GIẢ VÀ CÓ BÚT TÍCH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐANG TRƯNG BÀY TRONG KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

24 Tháng 09 Năm 2013 / 2917 lượt xem
     Nguyễn Thị Bình -Vũ Thu Hằng
     Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Trong khối tài liệu, hiện vật của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã sử dụng trong 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, có nhiều cuốn sách tiếng Nga do chính tác giả đề tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Người đã để lại bút tích. Chúng tôi xin giới thiệu một số cuốn sách tiếng Nga mà tác giả đề tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trái tim tôi, Đảng cộng sản-người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam, Miền Nam Việt Nam ngày nay, Việt Nam năm 1965, Vấn đề Đông Dương sau chiến tranh thế giới lần thứ II, 700 000 km trong vũ trụ… và một số cuốn sách có bút tích của Người: Từ điển Pháp-Nga. Tạp chí văn học Xô Viết tháng 11 năm 1957…
1. Hai cuốn sách cùng đề ngày tặng là ngày 17-1-1963 ký tên Mennichúc. Trong đó một cuốn là của chính tác giả viết, còn một cuốn là của tác giả Aphvôchich. Cuốn sáchTrái tim tôi” của tác giả Iuri Mennichúc là một thành viên trong đoàn đại biểu Xô Viết tối cao Liên Xô do đồng chí Anđrôpốp, Bí thư Trung ương Đảng dẫn đầu sang thăm Việt Nam vào tháng 1-1963. Ngày 12-1- 1963, Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà đã chiêu đãi đoàn tại Nhà khách Chính phủ ở phố Ngô Quyền, Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự buổi chiêu đãi này. Ngày 17-1-1963, đoàn đã đến thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Hà Nội và tặng Người  hai cuốn sách kể trên. Cuốn sách do nhà xuất bản Văn học Quốc gia Kiép in năm 1962 bằng tiếng Nga, gồm 340 trang hiện đang được trưng bày ở phòng làm việc tầng 2 nhà sàn. Cuốn sách “Trái tim tôi” là tập hợp nhiều bài báo, phóng sự và các tác phẩm của tác giả Iuri Mennichúc trong những năm 1954-1961. Nội dung những tác phẩm này nêu rõ vai trò của Đảng Cộng sản Liên Xô trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, chống phong kiến, đế quốc để xây dựng đất nước đem lại hạnh phúc cho nhân dân Liên Xô và vì hoà bình thế giới. Sách có lời đề tặng của tác giả ở trang lót bìa trước được viết bằng tiếng Nga, chữ bút bi mầu tím. Nội dung của lời đề tặng tạm dịch là: “Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhân chuyến thăm của đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô với lòng kính trọng chân thành.
                                                                                  Ký tên: Iuri Mennichúc
                                                                                       Hà Nội ngày 17-1-1963.”
2. Cuốn sách “Đảng cộng sản- người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam” do trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ucraina xuất bản năm 1962, hiện đang được trưng bày ở phòng làm việc tầng 2 nhà sàn.Tuy cuốn sách không phải do Mennichúc viết, nhưng với lòng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh sâu sắc và cuốn sách này viết về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1960 nêntrong dịp đến thăm Việt Nam, đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 17-1-1963, Mennichúc đã tặng Người hai cuốn sách kể trên và đều có lời đề tặng. Lời đề tặng ở trang 1 bằng tiếng Nga có nội dung tạm dịch là:
          “Đồng chí Hồ Chí Minh kính mến, tác phẩm này nói về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam như người tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam do trường Đại học Tổng hợp quốc gia mang tên Ivan Phrancô ở thành phố Lơvop thuộc cộng hoà xã hội chủ nghĩa Ucraina xuất bản. Xin chuyển cuốn sách này đến tay Người đáng kính.
                                                                                               Iuri Mennichúc
                                                                                                 Ngày 17-1-1963”
Là người nước ngoài, nhưng tác giả cũng muốn ghi lại toàn bộ quá trình diễn biến của cách mạng Việt Nam mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, để không những cho nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới biết về lịch sử cách mạng của Việt Nam, biết về Đảng Cộng sản Việt Nam, người khởi xướng và tổ chức mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam, biết về khối đoàn kết toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến chống kẻ thù của nhân dân Việt Nam, đã đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.
3. Cuốn sách: “Miền Nam Việt Nam ngày naycủa  tác giả I.M Seđơrốp, viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô công tác tại Viện các dân tộc châu Á đã giành toàn bộ công trình nghiên cứu của mình để giới thiệu với độc giả về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân và chiến sỹ yêu nước miền Nam Việt Nam. Cuốn sách được ra mắt bạn đọc năm 1962 do Nhà xuất bản Văn học Phương Đông xuất bản, hiện đang được trưng bày ở phòng làm việc tầng 2 nhà sàn. Với lòng kính trọng của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 12-11-1963 tác giả đã viết lời đề tặng ở trang đầu cuốn sách bằng tiếng Việt để gửi tặng Người nội dung như sau:
                              Tặng đồng chí Hồ Chí Minh
                                                          Tác giả Seđơrốp
                                                                   12-11-1963”
4. Cuốn sách “Việt Nam năm 1965”, của tác giả Iuri Giucốp. Nhà xuất bản Sự thật Moskva xuất bản 1965 hiện đang được trưng bày ở phòng làm việc tầng 2 nhà sàn. Năm 1965 là năm đế quốc Mỹ tăng cường ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam. Thời gian gần 2 tháng ở Việt Nam, từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1965, Iuri Giucốp và V. Sarapốp, hai tác giả đã chứng kiến sự mở đầu của cuộc chiến tranh không tuyên bố do đế quốc Mỹ tiến hành chống lại nhân dân và đất nước Việt Nam. Sau đó họ đã được gặp và phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 18 tháng 6 năm 1965...Hỏi: “Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về việc thắt chặt tình hữu nghị Xô-Việt và ý nghĩa của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác đó để đánh bại xâm lược Mỹ. Nhân dịp này, Chủ tịch có điều gì nói với nhân dân Liên Xô”? Trả lời: “Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam chân thành biết ơn sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đối với cuộc đấu tranh của chúng tôi chống đế quốc Mỹ xâm lược. Chúng tôi luôn ra sức thắt chặt tình hữu nghị anh em và quan hệ hợp tác tương trợ Việt-Xô với nhận thức thấm thía rằng đó là một nhân tố quan trọng để giành thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của mình…”.Cuốn sách được in xong tháng 7- 1965. Iuri Giucốp đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn sách, trên trang đầu viết lời đề tặng bằng tiếng Việt:
“Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh kính mến”  
                                      Tác giả Iuri Giucốp(viết bằng tiếng Nga)5. Cuốn sách "Vấn đề Đông Dương sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Tác giả A. Lavrisép, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang cộng hoà XHCN Xô Viết đầu tiên tại Việt Nam từ 1954 – 1956. Cuốn sách được Nhà xuất bản Viện các quan hệ quốc tế (UMO) của Viện kinh tế thế giới (UMUMO) thuộc viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô xuất bản tại Moskva năm 1965 hiện đang được trưng bày ở phòng làm việc tầng 2 nhà sàn. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, vấn đề Đông Dương trở thành một trong những điểm nóng của tình hình quốc tế. Tình hình đó được nhiều nhà hoạt động chính trị, nhiều nhà khoa học của các nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Ngày 4-11-1954. A. Lavrisép đã trình Quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (lúc đó đang đặt trụ sở ở 12 Ngô Quyền). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp nhận Quốc thư và thân mật tiếp Đại sứ A. Lavrisép. Trong quá trình công tác tại Việt Nam từ 1954 đến năm 1956, Đại sứ có nhiều dịp tiếp xúc và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua những lần tiếp xúc và làm việc đó, A. Lavrisép đã hiểu thêm về nhân dân Việt Nam, về Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hoà.
Sau khi hết nhiệm kỳ công tác Đại sứ tại Việt Nam, ông về công tác tại Viện kinh tế thế giới và đã biên soạn cuốn sách. Với lòng kính trọng sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 17- 6-1960, A. Lavrisép đã gửi tặng Người cuốn sách của mình với lời đề tặng bằng tiếng Pháp ở trang đầu cuốn sách, tạm dịch là:
“Kính tặng đồng chí Hồ Chí Minh với lòng kính trọng chân thành của tác giả
                                                                             Ngày 17.6.1960
                                                                             Ký tên: Lavrisép
6. Cuốn sách 700 000 km trong vũ trụ”do Nhà xuất bản Sự thật Matxcơva, Liên Xô in năm 1961, hiện đang được trưng bày ở phòng làm việc tầng 2 nhà sàn. Tác giả German Titốp là nhà vũ trụ Liên Xô đã thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ sau chuyến bay đầu tiên của loài người vào vũ trụ thành công của Yuri Gagarin trong vòng 108 phút. Lần thứ hai này, Titôp đã bay trong vũ trụ 25 giờ 18 phút với 17 vòng quanh trái đất (bằng khoảng 700.000km) vào tháng 8 năm 1961. Sau ngày thực hiện thành công trong chuyến bay vào vũ trụ, German Titôp đã viết cuốn sách này. Tác giả đã kể lại quá trình trưởng thành của bản thân qua sự học tập, rèn luyện ở nhiều môi trường khác nhau để trở thành một phi công vũ trụ, kể lại những gì mà mình đã được trực tiếp chứng kiến, trực tiếp nhìn thấy trong vũ trụ bao laCuối tháng 1-1962. German Titôp đã được mời sang thăm Việt Nam và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón thân mật. Trong buổi chiêu đãi chào mừng Titốp ngày 21-1-1962 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc một bài diễn văn, trong có câu: “Cách đây hơn 90 năm, Mác đã đoán trước rằng giai cấp vô sản sẽ tấn công lên trời. Cho nên thành công của đồng chí Titốp và đồng chí Gagarin là thành công của Chủ nghĩa Mác Lê-nin vĩ đại, nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản chẳng những làm chủ thế giới mà còn sẽ chinh phục và làm chủ vũ trụ”… Cuốn sách cùng với tấm ảnh chân dung Titôp in trên giấy dầy theo kiểu bưu thiếp có kích thước 9,6 x 14,5cm và có chữ ký của Titôp đề cùng ngày tặng 24-1-1962. German Titôp đã viết lời đề tặng Bác Hồ bằng bút mực màu xanh đen, chữ Nga ở trang trước của tờ lót bìa thứ hai, nội dung như sau:
“Kính tặng Bác Hồ
với lòng biết ơn.
Ký tên: German Titốp
ngày 24.01.1962”
8. Cuốn sách “Từ điển Pháp-Nga” do Nhà xuất bản Quốc gia Bách khoa Xô Viết xuất bản tại Matxcova năm 1932 hiện đang được trưng bày trên bàn làm việc tầng hai nhà sàn. Đây là loại từ điển dùng cho đối tượng có trình độ đại học và trung cấp, như vậy có thể hiểu rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng thành thạo cả hai thứ tiếng Pháp và Nga. Người dùng quyển từ điển này tra cứu các từ chuyên ngành, từ khoa học…vì trên giá sách của Người có hàng trăm cuốn sách tiếng Pháp, Nga. Đặc biệt là trong cuốn từ điển, Người để lại dấu bút chì đỏ ở các trang 764, 767, 768, 770.
9. Cuốn sách “Văn học Xô Viết tháng 11 năm 1957” được xuất bản tại Matxcova (Liên Xô) nhân dịp kỷ niệm 40 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Cuốn tạp chí chuyên đề về Cách mạng tháng Mười Nga có những bài tiêu biểu như “Đồng hồ điện Kremli” miêu tả nước Nga những ngày đầu cách mạng, “Hồi ký” của Crupxcaia, vợ của Lênin kể lại những hoạt động của Lênin từ ngày phải ẩn náu đến khi về Pêtrôgrát trực tiếp lãnh đạo chính quyền mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc cuốn sách này và để lại bút tích bằng bút mực màu đỏ ở trang giáp bìa sách và trang 159. Ở trang giáp bìa sách phần mục lục Người đánh dấu bút đỏ bên cạnh chữ số trang 159, đó là bài “Tôi đã vẽ Lênin như thế nào?” của hoạ sĩ Ép-ghe-nhi Ke-brich. Trang 159 góc bên trái từ trên xuống đầu dòng thứ hai có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng bằng bút mực màu đỏ là một dấu ngoặc có đánh dấu nhân bên trong ở bài viết mà Người đã đánh dấu ở phần mục lục.
Những cuốn sách của các tác giả nước ngoài tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cuốn sách Người để lại bút tích, đặc biệt là những cuốn bằng tiếng Nga, một ngôn ngữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất thông thạo là khối tài sản vô giá, minh chứng cho tình cảm gắn bó giữa nhân dân Liên Xô với nhân dân Việt Nam, cũng như giữa tác giả tặng sách với Chủ tịch Hồ Chí Minh- một mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, sâu sắc, thuỷ chung.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)