slider

Một số hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 15 năm Người sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch

18 Tháng 05 Năm 2022 / 409 lượt xem

ThS. Trần Thị Thắm

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở và làm việc tại khu phủ Toàn quyền trước đây (nay được gọi là khu Phủ Chủ tịch). Trong suốt 15 năm Người ở và làm việc tại đây (từ tháng 12/1954 - 9/1969), đất nước ở hoàn cảnh nhiều khó khăn, thử thách: Miền Bắc bước vào thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu. Miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chống lại chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ. Hoạt động đối ngoại trong giai đoạn này được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc khôi phục kinh tế miền Bắc và xây dựng vị thế mới của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Xây dựng mặt trận nhân dân thế giới chống Mỹ vì hòa bình

Để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với thế giới, trong 15 năm ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam đón tiếp, hội đàm với 643 đoàn quốc tế, trong đó có rất nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng các nước anh em như: Chủ tịch K. E. Vôrôsilốp - Liên Xô (5-1957), Tổng thống Praxat - Ấn Độ (2-1959), Chủ tịch Hátghi Lêsi - Anbani (6-1960), Tổng thống Xêcu Turê - Ghinê (9-1960)... đón tiếp các đoàn đại biểu quốc tế sang thăm và làm việc tại Việt Nam: Đoàn Thương mại Ai Cập (1-1-1958), Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp (8-1-1958), Đoàn đại biểu Ghinê và Kênia (22-3-1959), Đoàn đại biểu phụ nữ Tuynidi và Angiêri (8-1959), đoàn Hội đồng hoà bình thế giới (22-9-1959)..., Trong các buổi đón tiếp, ngoài tình cảm chân thành Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho bạn bè quốc tế, Người luôn bày tỏ quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong việc đấu tranh giành độc lập dân tộc và nguyên tắc đối ngoại: “Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì quan hệ hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới dài lâu”(1).

Tăng cường mối quan hệ với các nước Xã hội chủ nghĩa

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trở về Thủ đô Hà Nội, mặc dù là người đứng đầu nhà nước, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không ở dinh thự của Toàn quyền Đông Dương lộng lẫy uy nghi mà Người ở trong một ngôi nhà nhỏ vốn là nhà ở của một người thợ điện phục vụ dưới thời Toàn quyền Đông Dương.

Thời gian này, để xây dựng và củng cố miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, chúng ta rất cần có sự chi viện ủng hộ giúp đỡ của các nước anh em. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam đi thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác như: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Tiệp Khắc, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hunggari, Nam Tư, Anbani, Bungari và Rumani. Kết quả của những chuyến đi thăm này chúng ta đã tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa và nhận được sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em.

Đúng vào lúc cách mạng miền Nam Việt Nam chuyển sang hình thức đấu tranh vũ trang và ngày càng thu nhiều thắng lợi, thì giữa các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là giữa Liên Xô và Trung Quốc xảy ra những bất đồng và mâu thuẫn ngày càng gay gắt. Trước tình hình đó, bằng trí tuệ, tình cảm quốc tế chân thành Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, kiên trì khôi phục sự đoàn kết quốc tế trên cơ sở nguyên tắc của Chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Tại Hội nghị 81 Đảng cộng sản và Công nhân quốc tế họp ở Matxcơva (tháng 11-1960), Người nêu rõ: “Đoàn kết nhất trí trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lê nin giữa các đảng anh em, nhất là giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc là điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo cho phong trào cộng sản và công nhân toàn thắng trong công cuộc đấu tranh vĩ đại cho tương lai tươi sáng của toàn Thế giới’"^... Qua đó chúng ta đã góp phần giảm bớt căng thẳng, bất hòa giữa Liên Xô và Trung Quốc, và vẫn tranh thủ được sự giúp đỡ từ hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hoan nghênh những chủ trương tích cực của Liên Xô trong việc ủng hộ và viện trợ cho Việt Nam chống Mỹ. Người chỉ đạo việc mời và đón tiếp thân tình nhiều đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Liên Xô sang thăm nước ta. Do những đóng góp của Người vào việc củng cố và tăng cường tình hữu nghị vĩ đại với Liên Xô, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô quyết định tặng Người Huân chương Lênin, huân chương cao quý nhất của Liên Xô. Người đã gửi điện cảm ơn và xin tạm hoãn việc nhận phần thưởng cực kỳ cao quý ấy: “Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại biểu cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại"(3). Cũng nhân dịp này, tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Người viết bài Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc, đăng trên báo Sự thật ( Pravđa), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh vì độc lập và thống nhất Tổ quốc của nhân dân ta.

Với Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần sang thăm, nghỉ ngơi và chữa bệnh tại đây. Trong các chuyến thăm, Người nhiều lần bày tỏ lòng cảm ơn về sự giúp đỡ to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc với Việt Nam, củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết Việt - Trung. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1-7-1921¬1-7-1961), Người viết bài: Cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam, nêu lên mối quan hệ gắn bó giữa cách mạng và nhân dân hai nước Việt - Trung. Người còn gửi thư cho thiếu nhi Trung Quốc, cảm ơn thanh thiếu nhi và nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân và thiếu nhi Việt Nam.

Có thể thấy rằng, với tinh thần đoàn kết với nước Xã hội chủ nghĩa mà trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân ta đã nhận được sự viện trợ, giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc, ngay cả khi hai nước này nảy sinh bất đồng, mâu thuẫn. Qua đó đã góp phần nhất định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Góp phần củng cố hoà bình ở châu Á

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tận mắt chứng kiến và xúc động trước bao nỗi khổ cực của người dân mất nước và người lao động nhiều nơi trên thế giới. Người rất cảm thông với nỗi thống khổ và sự cùng cực của họ. Người nhận thức sâu sắc rằng, các nước này tuy có nhiều điểm khác Việt Nam về vị trí địa lý, văn hóa, trình độ kinh tế... song có điểm chung là bị thực dân, đế quốc bóc lột nặng nề và nguyện vọng của người dân được thoát khỏi ách áp bức. Vì vậy, theo Người, các dân tộc này phải đoàn kết thành một mặt trận, tạo nên sức mạnh cả về vật chất và tinh thần, chống kẻ thù chung là thực dân, đế quốc, giành lại quyền độc lập, tự do cho mỗi dân tộc.

Để phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước ở châu Á, nhằm mở rộng quan hệ quốc tế và góp phần củng cố hòa bình ở châu Á, trong giai đoạn 1954-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm chính thức một số nước như: Ấn Độ, Miến Điện, Indonexia, v.v..

Ngày 26-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường đi thăm chính thức nước Cộng hòa Inđônêxia. Đến thành phố Băng Đung, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nơi diễn ra Hội nghị lịch sử của 29 nước Á Phi (từ 18 đến 24-4-1955). Người xúc động nói: “Tôi rất sung sướng đến thăm thành phố Băng Đung tươi đẹp và anh dũng, thành phố của Hội nghị lịch sử các nước Á - Phi... chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập dân tộc và bảo vệ hoà bình thế giới. Ngày nay tinh thần Băng Đung đã phát triển mạnh mẽ khắp thế giới làm lay chuyển tận gốc chủ nghĩa thực dân. Các dân tộc bị áp bức đang đứng lên định đoạt lấy vận mệnh của mình và ngày càng thắng lợi”(4).

Phủ Chủ tịch, Hà Nội cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam đón tiếp các đoàn đại biểu đến từ các nước, với tình cảm chân thành, phong cách giản dị mà tinh tế, khéo léo. Đúng như đánh giá của Thủ tướng Ấn Độ Nêru về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ông không chỉ là một người yêu hòa bình mà còn là một người đặc biệt nhã nhặn và hữu nghị, người rất giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người không tự giam mình trong tháp ngà. Người chủ yếu là người của công chúng, là một nhà lãnh đạo biết làm thế nào để kết hợp sự rộng lượng hào phóng tột bậc hiếm có với sự kiên định cứng cỏi nhất. Ở bất kỳ chuẩn mực nào, Hồ Chí Minh là con người nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”(5).

Hiện nay, tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu Phủ Chủ tịch còn lưu giữ khá nhiều hiện vật là những món quà của bè bạn quốc tế tặng Người như: chiếc bàn gỗ tròn của Cu Ba, búp bê của Hội hữu nghị Nhật - Việt; Mô hình tháp Kremli của Liên Xô; thùng đựng rượu hình trống của Bungari, tượng Khuất Nguyên của Trung Quốc... Những kỷ vật này không chỉ chứa đựng những tình cảm quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân các nước dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam mà còn minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị bền vững của nhân ta với bạn bè quốc tế do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và dày công vun đắp.

Phát triển hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Dương

Trong khi chăm lo xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với các dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt để xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và chiến đấu của ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương cùng chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ. Người chủ trương phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác gắn bó keo sơn như anh em trong một nhà với Lào, Campuchia. Tuy chưa có dịp sang thăm hai nước bạn nhưng những đoàn đại biểu đại diện cho Chính phủ, các tổ chức quần chúng, các ngành từ nước bạn có điều kiện đến thăm Việt Nam đều được Người dành cho sự đón tiếp chu đáo, ân tình như người thân trong gia đình.

Tháng 3 năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp Vua Lào Xrixavang Vátthana sang thăm Việt Nam. Trong buổi chia tay đoàn, Người thể hiện tình cảm bằng những vần thơ tha thiết:

“Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”(6)

Với Campuchia, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương ủng hộ đường lối hòa bình trung lập của Campuchia và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị với Vương quốc Campuchia.

Tháng 9-1960, trong diễn văn khai mạc tại Đại hội III Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh chung để bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc ở Đông Dương, nhân dân Việt Nam ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Lào hiện nay nhằm chống đế quốc Mỹ, đưa nước Lào lên con đường hòa hợp dân tộc, độc lập thống nhất và hòa bình trung lập. Chúng ta thành tâm mong rằng quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước láng giềng, trước hết là Campuchia và Lào được xây dựng và phát triển tốt”(7).

Những hoạt động đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân hai nước, trên thực tế đã dần hình thành mặt trận nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết chống Mỹ. Kết quả của đường lối đoàn kết đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã góp phần nêu cao thiện chí hòa bình, chính sách láng giềng thân thiện của Việt Nam, tạo nhân tố bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Xây dựng tình đoàn kết với các nước châu Phi, châu Mỹ Latinh

Với các nước châu Phi và Mỹ Latinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định xây dựng tình đoàn kết để phát huy ảnh hưởng, kinh nghiệm đấu tranh, đề cao nghĩa vụ quốc tế của nhân dân Việt Nam đồng thời cổ vũ các nước này dũng cảm tiến lên tranh thủ mọi nhân tố quốc tế thuận lợi để giành độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Từ những năm 60, một loạt các nước ở châu Phi, châu Mỹ Latinh giành độc lập, thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng các cá nhân, tập thể, các tổ chức quốc tế và các nước như: Điện gửi Ủy ban liên hiệp sinh viên các nước Á - Phi; Điện gửi Tổng thống Pháp Rơnê Côty, yêu cầu hủy bỏ án tử hình chị Giamila, người nữ thanh niên yêu nước Angiêri; Điện mừng nước Cộng hoà Ghinê thành lập; Điện gửi Hội nghị chống việc Chính phủ Pháp định thử bom nguyên tử ở Xahara; Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Angiêri...

Cùng với đó, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều đoàn đại biểu các nước châu Phi, châu Mỹ La Tinh đã sang thăm chính thức Việt Nam như: Đoàn đại biểu Ban đối ngoại báo Ngày nay của Cu Ba, Đoàn đại biểu Ghinê và Kênia, Đoàn đại biểu phụ nữ Tuynidi và Angiêri, Đoàn đại biểu Liên hiệp nhân dân Camơrun... Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh dự thay mặt cho Đảng, Nhà nước ta đón tiếp ân cần, chu đáo, thắm thiết như với những người đồng chí trên cùng một chiến tuyến. Hiện nay trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ngôi nhà sàn còn lưu giữ chiếc khay đá màu đen, hình con thuyền mà Người thường xuyên để bút. Đây là kỷ vật của Tổng thống nước Cộng hòa nhân dân Cu Ba Ôtxvanđô Đoóticốt tặng Người, biểu hiện cho tình bạn, tình đồng chí thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo cũng như tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân hai nước Việt Nam - Cu Ba.

Tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các nước dân chủ và tiến bộ trên thế giới

Trong những năm tháng đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ở và làm việc tại ngôi nhà sàn. Người cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chính phủ trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc - một phần trong chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà nước ta đã chủ trương vận động nhân dân thế giới và các tổ chức quốc tế có hành động phối hợp mạnh mẽ hơn đòi đế quốc Mỹ chấm dứt xâm lược Việt Nam, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc của mình. Người gửi thư tới các nguyên thủ quốc gia và thủ tướng 60 nước, trình bày rõ tình hình nghiêm trọng đang diễn ra ở Việt Nam, Lào và Campuchia do chính sách tăng cường và mở rộng chiến tranh của Mỹ gây ra. Có thể nói, ở tất cả các hội nghị quốc tế trên phạm vi toàn cầu hay khu vực, Người đều gửi điện mừng, cảm ơn và kêu gọi nhân dân thế giới hãy có trách nhiệm đối với nhiệm vụ chống xâm lược, ủng hộ Việt Nam chống Mỹ để giải phóng đất nước, bảo vệ hòa bình.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trả lời phỏng vấn của nhiều nhà báo nước ngoài như ông L. Hanxen, chủ bút Hãng tin U.P của Mỹ ở khu vực châu Á (tháng 12¬1955), nhà báo Nhật Sira Isi Bôn về tình hình Việt Nam, về quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới (5-10-1959)...

Ngày 20-6-1966, tại giàn hoa Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhà báo Ôxtrâylia U.Bơcsét, là người rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là nhà báo được tiếp xúc với Bác nhiều lần. Sau những lần gặp gỡ đó, ông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để viết 8 cuốn sách đặc tả chân thực các giai đoạn của cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.

Cùng với những hoạt động trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo nhiều hoạt động của Đảng và Nhà nước ta nhằm xây dựng mối quan hệ rộng rãi với nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhân sĩ, trí thức, chính khách, nhà văn hoá có tên tuổi để hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày 24-11-1964, trong buổi đón tiếp 64 đoàn đại biểu thay mặt cho 52 nước và 12 tổ chức quốc tế tới nước ta dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý tin tưởng rằng: “Sau hội nghị này, tình đoàn kết vĩ đại và làn sóng đấu tranh của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc thực dân sẽ dâng cao hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa”.

Thời điểm này, ở nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu có những lời kêu gọi thành lập ủy ban đoàn kết với Việt Nam. Tháng 4-1967, khi Hội nghị Lơke được tổ chức để lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện cảm ơn tới các vị đứng đầu năm nước châu Phi (Cộng hoà Arập thống nhất, Angiêri, Ghinê, Môritania và Tandania): “Chúng tôi coi đó là một sự ủng hộ quý báu đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của chúng tôi và là một biểu hiện đẹp đẽ của tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Á, Phi”(8).

Kêu gọi và tranh thủ sự đồng tình của nhân dân tiến bộ Pháp, Mỹ phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

Không chỉ tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các quốc gia trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các quốc gia mà chính quyền của họ đang là đồng minh với Mỹ chống lại Việt Nam và trên thực tế đã hình thành một Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam với nhiều hoạt động rất hiệu quả.

Đối với Pháp, quốc gia đã từng đối địch với Việt Nam trong thời kỳ trước năm 1954. Người vẫn luôn coi trọng tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước. Ngày 18-8-1966, khi tiếp nữ nhà báo Pháp Mađơlen Riphô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đừng nói với người Pháp hoặc nói ít nhất có thể về những đau đớn chịu đựng của chúng tôi, mà hãy giải thích chúng tôi đã vượt qua những đau đớn ấy như thế nào”(9). Lời căn dặn đó của Người đã theo nhà báo đi suốt cuộc đời, rằng dù khó khăn đến đâu, cũng phải đấu tranh và vượt lên.

Đối với Mỹ, Người phân biệt rõ kẻ gây chiến tranh ở Việt Nam với những người dân Mỹ. Trong những lần trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông, truyền hình Mỹ, Pháp và các nước... Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đánh giá cao những phẩm chất tốt đẹp và truyền thống yêu tự do, công lý của nhân dân Mỹ. Tiếng nói chính nghĩa của Người đã tác động sâu sắc tới nội bộ nước Mỹ, phân hoá hàng ngũ kẻ thù, được ngày càng nhiều người, nhiều tầng lớp nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta, lên án chính quyền Mỹ và đòi chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Người đã phát biểu với nhà báo Anh, Phêlích Gơirin (18-11-1965) rằng: “Nhân dân chúng tôi đánh giá rất cao cuộc đấu tranh ấy của nhân dân Mỹ. Chúng tôi rất cảm động trước những tấm gương anh dũng hy sinh của cụ bà Henga Hecdơ và của chiến sĩ hoà bình Norman Morixơn, Rôgiơ Lapotơ và Xilin Gancaoxki...”(10). Nhân dịp năm mới 1966, Người gửi lời chúc đầu năm đến nhân dân Mỹ, cảm ơn nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam và nêu rõ: Nhân dân Việt Nam rất quý trọng tình hữu nghị với nhân dân Mỹ vĩ đại đang tiếp tục những truyền thống của Hoa Thịnh Đốn và Lincôn đấu tranh cho độc lập dân tộc và dân chủ.

Ngày 14-11-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp ông Đavid Dowing, đại biểu những người Mỹ tiến bộ chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Người bày tỏ lời cảm ơn và xúc động sâu sắc trước sự ủng hộ và hy sinh cao cả của những người Mỹ tiến bộ cho lẽ phải và hòa bình.

Có thể nói những phong trào trên đã bùng nổ và lan rộng chưa từng có trong nước Mỹ, đưa tới đỉnh cao là những “Mùa hè nóng bỏng” vào những năm 1967-1968 với những cuộc biểu tình diễu hành được tổ chức cùng một lúc trong 120 thành phố của nước Mỹ.

Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, dù đang bệnh nặng, nhưng trong Thư gửi Tổng thống Mỹ Níchxơn ngày 25-8¬1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự”.

Nhìn lại lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đặc biệt giai đoạn từ 1954 - 1969, thấy rõ được trí tuệ thiên tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ trong những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp của thời đại, Người đã đề ra được những đường lối, phương châm, phương pháp, đối sách, chỉ đạo nhiều hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, nhằm xây dựng mối quan hệ rộng rãi với nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế, nhiều nhân sĩ, trí thức, chính khách, nhà văn hoá có tên tuổi để hình thành một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược.

Chú thích:

 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.269.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.722-723.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.400 - 401.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.100-102.

5. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.213-214.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.55.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.676.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.331.

9. Báo Dân trí Online: Người Pháp nhớ Bác Hồ, ngày 04/9/2014.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr.669.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.602.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)