slider

Một số trao đổi về công tác thuyết minh theo đối tượng ở bảo tàng Hồ Chí Minh

19 Tháng 09 Năm 2011 / 2774 lượt xem
Thái Thu Hà 
Phòng Giáo Dục Bảo tàng Hồ Chí Minh
Trong công tác nghiệp vụ của bảo tàng, hoạt động tuyên truyền - giáo dục là khâu công tác cuối cùng phản ánh kết quả của mọi khâu công tác trước nó. Dù là loại hình bảo tàng nào và hình thức tuyên truyền phong phú đến đâu, nhưng việc hướng dẫn khách tham quan tại bảo tàng vẫn là hình thức tuyên truyền quan trọng nhất, bởi thông qua đó bảo tàng thực hiện chức năng giáo dục khoa học của mình.
 Hướng dẫn tham quan trong bảo tàng chính là hoạt động để bảo tàng thực hiện nhiệm vụ của một cơ quan văn hóa gắn bó với xã hội, với con người. Chính qua tham quan thực tiễn, nội dung tư tưởng hàm chứa trong mỗi tài liệu, hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng sẽ giúp công chúng có thêm những tri thức về lịch sử, truyền thống, nền văn hóa dân tộc,v.v... Với ý nghĩa đó, “bảo tàng là một cuốn sử sống”, một di sản văn hoá vô cùng quý giá. Để phát huy được giá trị của di sản, những người làm công tác giáo dục của bảo tàng nói chung và bảo tàng Hồ Chí Minh nói riêng đã thông qua nhiều hình thức phong phú để làm thoả mãn nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng. Và một trong những hình thức đã được tiến hành và thu được kết quả tốt, đó là việc hướng dẫn khách tham quan theo đối tượng.
Được khánh thành ngày 19/5/1990, bảo tàng Hồ Chí Minh đã mở cửa đón khách tham quan gần 20 năm.Hàng năm, số lượng khách đến tham quan bảo tàng rất đông và có thể khẳng định rằng cho đến thời điểm hiện nay, bảo tàng Hồ Chí Minh luôn đứng đầu về số lượng khách đến tham quan so với tất cả các bảo tàng ở Việt Nam. Trong số đó, ngoài số lượng khách quốc tế (phần đông là khách Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ,v.v..thường yêu cầu có người hướng dẫn tham quan), còn có đủ các thành phần như: nông dân, công nhân, bộ đội, công an và đặc biệt một số lượng không nhỏ là học sinh phổ thông, sinh viên các trường Đại học, cao đẳng, các học viện…
Xuất phát từ thực tiễn, vừa để phục vụ ngày càng tốt hơn theo yêu cầu của khách tham quan, vừa để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi cán bộ trong phòng, lãnh đạo phòng Giáo dục đã có kế hoạch và tiến hành phân công cán bộ hướng dẫn khách tham quan theo đối tượng. Gần 20 năm làm công tác hướng dẫn khách tham quan tại Bảo tàng, điều tôi tâm đắc nhất là phải nắm vững đối tượng khách tham quan, hiểu được yêu cầu, mục đích của đoàn khách, để từ đó có bài giới thiệu phù hợp với từng đối tượng khách tham quan.
Là cán bộ phòng Giáo dục của một bảo tàng lưu niệm danh nhân, một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi là thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng giúp khách tham quan hiểu biết về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, đồng thời giúp họ hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam trong mối quan hệ gắn bó với sự phát triển của tiến trình cách mạng thế giới.Trên tinh thần đó, mỗi cán bộ hướng dẫn tham quan của bảo tàng Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu nội dung và giải pháp mỹ thuật trưng bày của bảo tàng, đều tự xây dựng cho mình những bài thuyết minh và phương pháp giới thiệu khác nhau để đáp ứng đúng yêu cầu, mục đích của khách tham quan đã đặt ra.
Thêi gian gần đây, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, số lượng đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người tại bảo tàng Hồ Chí Minh càng đông. Tuy có những yêu cầu khác nhau về lượng thời gian tham quan, song điểm chung nhất mà tất cả các đoàn khách này yêu cầu là thông qua hành trình tham quan, thông qua việc được nghe giới thiệu về hình ảnh, tài liệu, hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, hiểu rõ hơn về tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc sống giản dị, đức khiêm tốn, tấm lòng bao dung, nhân ái của Người, v.v..…qua đó, tự mỗi người rút ra bài học để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ xin trao đổi một số vấn đề về việc thuyết minh theo đối tượng khách tại bảo tàng Hồ Chí Minh như sau:
1) Đối tượng bà con nông dân: Đây là đối tượng khách tham quan chiếm tỉ lệ khá cao trong tổng số khách tham quan của bảo tàng. Tuy nhiên, phần lớn các đoàn khách này không đặt ra yêu cầu, mục đích cụ thể. Đến với bảo tàng, họ chỉ muốn xem để biết trong bảo tàng có cái gì, hơn nữa do trình độ học vấn có giới hạn nên khi hướng dẫn tham quan chúng tôi tập trung vào việc giới thiệu các hình ảnh, các hiện vật, v.v.. để giúp họ hiểu nhanh mà không cần phải tư duy nhiều. Bên cạnh đó, chúng tôi trích lại những lời căn dặn, chỉ bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sản xuất nông nghiệp, về sự quan tâm, động viên bà con nông dân qua những bài nói, bài viết khi dự các hội nghị về ngành nông nghiệp, chống lũ, chống hạn, về thăm các địa phương của Người ,…để họ hiểu hơn về tấm lòng vì dân, vì nước của Người, đồng thời cũng thấy rõ hơn vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
2) Đối tượng là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học viện…Trong khoảng 5 năm gần đây, bảo tàng Hồ Chí Minh luôn có một số trường đại học như: Bách khoa, Cao đẳng giao thông vận tải, Quản lý kinh doanh, Đại học xã hội nhân văn, v.v..các học viện: Chính trị quân sự, Phòng không - không quân, An ninh nhân dân, v.v..tổ chức cho sinh viên, học viên đến tham quan bảo tàng.
Đây là đối tượng khách tham quan có trình độ, có sự hiểu biết về kiến thức lịch sử, xã hội nhất định. Mục đích, yêu cầu của các đoàn khách này là thông qua nội dung trưng bày của bảo tàng để hiểu biết thêm về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, chúng tôi tập trung giới thiệu một số sự kiện, tài liệu tiêu biểu trong hành trình tham quan để qua đó giúp họ tự đánh giá, tự chiêm nghiệm và rút ra bài học cho mình.
Với đối tượng khách này, chúng tôi tránh nói dài gây nhàm chán cho họ, bởi có nhiều vấn đề họ đã được nghe trên giảng đường, đọc qua sách, báo, v.v..Với sinh viên các trường đại học, học viện thì không thể sử dụng phương pháp giảng dạy như ở trên lớp mà phải giới thiệu tấm gương đạo đức của Chñ tÞch Hå ChÝ Minh ở góc độ Người đã dành tình yêu thương cho hết thảy mọi người, đặc biệt là sự quan tâm của Người đối với thế hệ trẻ. Suốt cuộc đời hết lòng vì nước, vì dân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn không ngừng học tập, phấn đấu không ngại gian khổ, hy sinh,v.v..để qua đó mỗi người tự thấy trách nhiệm của mình trước Tổ quốc và nhân dân
 Hơn nữa, để thực sự thu hút họ trong suốt hành trình tham quan, chúng tôi cung cấp cho họ những tư liệu mới, thuyết phục họ bằng những tài liệu hiên vật cụ thể và bằng thái độ gần gũi, tôn trọng họ. Và khi kết thúc hành trình tham quan, chúng tôi luôn tổng kết, khái quát nội dung vừa giới thiệu và sẵn sàng trao đổi thêm với họ về những vấn đề còn khúc mắc,... Cũng từ thực tế công việc hàng ngày, mỗi cán bộ hướng dẫn tham quan tự thấy nhu cầu cần phải nâng cao kiến thức chuyên môn, kiến thức về lịc sử, xã hội hơn nữa để đáp ứng với yêu cầu của khách tham quan.
3) Đối tượng học sinh phổ thông: Trong suốt những năm qua, bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón một lượng khách lớn là học sinh phổ thông, trong đó học sinh tiểu học chiếm phần nhiều so với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Đây là đối tượng khách tham quan gây ồn ào, mất trật tự nhất, bởi các em còn nhỏ tuổi, tính hiếu động. Hơn nữa, các trường khi tổ chức cho các em đi tham quan phần lớn không liên hệ trước với bảo tàng để cùng cán bộ bảo tàng thống nhất yêu cầu về nội dung, mục đích tham quan, v.v.. nên việc tổ chức, giới thiệu cho các đoàn học sinh tham quan còn gặp nhiều khó khăn. Từ những việc đã làm được, chúng tôi rút ra kinh nghiệm: Với học sinh tiểu học, hiệu quả giáo dục của bảo tàng phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp giới thiệu của người hướng dẫn. Các em còn nhỏ tuổi, nên khi hướng dẫn các em tham quan, chúng tôi dùng những từ dễ hiểu, những câu ngắn gọn phù hợp với khả năng hiểu biết và sự tiếp thu của các em. Để tạo sự chú ý và sự hấp dẫn cho các em, trong quá trình giới thiệu, chúng tôi đưa ra những câu hỏi đơn giản gắn với những câu chuyện lịch sử mà các em đã học, đã đọc để các em trả lời. Bên cạnh đó chúng tôi cho các em xem một số hình ảnh phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh để giúp các em thấy hình ảnh vị lãnh tụ gần gũi và thân thương với thiếu nhi…
Với đối tượng khách nhỏ tuổi này, chúng tôi đặt ra yêu cầu là giúp các em có một buổi tham quan nhẹ nhàng, được xem những hình ảnh, những hiện vật về đời thường của Bác Hồ, được nghe lại một số những sự kiện quan trọng trong cuộc đời hoạt động của Người mà các em đã được học như: viên gạch Bác dùng để sưởi để chống lại giá rét của mùa đông ở Pháp, thư Bác gửi thiếu niên nhi đồng với 5 điều Bác Hồ dạy, những bài thơ Người gửi cho các em nhân dịp Tết trung thu, ngày 1/6, những đồ dùng Bác đã dùng trong cuộc sống thường ngày,v.v..…qua đó, giúp các em phần nào hiểu được được công lao to lớn của vị lãnh tụ với dân tộc, với đất nước, song rất đỗi gần gũi với các em như người ông trong mỗi gia đình, dòng họ.…Và như vậy, thực sự là các em đã “học mà chơi chơi mà học” trong suốt hành trình tham quan bảo tàng.
Đưa ra một vài đối tượng cụ thể trong số rất nhiều đối tượng đến tham quan bảo tàng, và nội dung, phương pháp giới thiệu phù hợp với trình độ, tâm lý, lứa tuổi của khách tham quan, chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc cần phải chuẩn bị và xây dựng cho mình những bài thuyết minh theo từng đối tượng khách, và tùy theo đối tượng khách mà chọn cách khai thác tài liệu, hiện vật ở những góc độ khác nhau.
Bên cạnh đó, để phục vụ khách tham quan ngày càng tốt hơn, đạt được hiệu quả cao hơn, thì ngoài việc trau dồi trình độ chuyên môn, kiến thức về mọi mặt của cuộc sống xã hội, điều không thể thiếu đối với người cán bộ hướng dẫn là phong cách diễn đạt phong phú, đa dạng, phương pháp sư phạm chuẩn mực trong giới thiệu bảo tàng. Thực tế cũng cho thấy, cùng một đối tượng khách tham quan, cùng một nội dung giới thiệu trong hành trình tham quan nhưng người nào có phương pháp trình bày khoa học và sinh động, thì sẽ thu hút được khách tham quan, giúp họ lĩnh hội các nội dung định truyền tải một cách hiệu quả hơn.
Trên đây chỉ là một số kinh nghiệm nhỏ trong rất nhiều cách hướng dẫn tham quan có hiệu quả khác nữa mà người cán bộ làm công tác giáo dục đã đúc kết được qua quá trình hướng dẫn khách tham quan theo đối tượng tại bảo tàng Hồ Chí Minh. Với mong muốn trao đổi nghiệp vụ cùng các bạn đồng nghiệp, chúng tôi hy vọng rằng, những đúc kết này sẽ góp phần giúp mỗi người làm công tác giáo dục tại các bảo tàng nói riêng và tại các bảo tàng, di tích nói chung phát huy được thế mạnh của mỗi cơ quan, cùng với các hoạt động văn hóa khác góp phần vào thực hiện đường lối chiến lược của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, về xây dựng con người mới Việt Nam XHCN trong quá trình xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằnng, dân chủ, văn minh.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)