slider

MỘT SỐ TƯ LIỆU CẦN CHỈNH SỬA TRONG BÀI “BÁC HỒ - TẤM GƯƠNG MẪU MỰC VỀ RÈN LUYỆN THÂN THỂ”

02 Tháng 11 Năm 2011 / 1839 lượt xem
Đ. H. L
 
1, Trong bàicó tiêu đề như trênđăng báo Người cao tuổi ngày 3/6/2011, tác giả viết rằng: “Năm 1944, Bác 54 tuổi. Sau 2 năm (tháng 8/1942 đến 8/1944 tính đếnngày Trương Phát Khuê cho về nước), Người vô cớ bị chính quyền Quảng Tây của Chính phủ Quốc dân đảng bắt giam. Khi được trả tự do, mắt Bác bị mờ, răng bắt đầu lung lay, có cái rụng, chân bị tê thấp đi lại khó khăn. Ngày ngày, sáng sớm Bác phải tập leo lên đỉnh núi Tây Phong để luyện đôi chân và tập nhìn xa, nhìn mặt tròi vừa ló rạng. Sau đó Bác xuống sông tập bơi. Lại được sự chăm sóc tận tình của bà con Việt kiều, đặc biệt là gia đình ông Tống Minh Phương, sức khoẻ Bác nhanh chóng hồi phục, kịp trở về nước lãnh đạo cách mạng”. Đoạn viết trên đã có nhầm lẫn về thời gian và nội dung lịch sử:
- Lãnh tụ Hồ Chí Minh bị chính quyền Quốc dân đảng bắt ngày 27/8/1942 tại Túc Vinh, Thiên Bảo, Quảng Tây. Sau khi bị giải qua 30 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây mà không xét xử, đến ngày 10/9/1943, Người được trả tự do nhưng vẫn bị quản chế. Sau khi tham gia một số hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội, Người chuyển đến ở trong nhà của Tổng bộ VNCMĐMH ở Ngư Phong, Liễu Châu. Đến ngày 9/8/1944, Người được Trương Phát Khuê cho phép trở về Việt Nam cùng với 18 thanh niên do Người chọn (Xem thêm bài Từ những vần thơ trong gông xiềng đăng trên tạp chí Văn hoá- Nghệ thuật số tháng 9/2005). Tuy nhiên, trong hồi ký, tư liệu của các tác giả Trần Dân Tiên, T. Lan, Lê Tùng Sơn, Phùng Thế Tài, Lê Thiết Hùng đều không nhắc đến sự kiện Bác được gia đình ông Tống Minh Phương chăm sóc? Tất nhiên là vì Bác ở chân núi Ngư Phong-Liễu Châu, còn gia đình ông Phương ở đường Kim Bích- Côn Minh!
- Vậy gia đình ông Tống Minh Phương có chăm sóc Bác hay không? Sự kiện này đúng là có và diễn ra trong thời gian Bác ở tại gia đình ông Tống Minh Phương khoảng gần 3 tháng, từ tháng 2/1945 đến tháng 4/1945 khi Bác cùng các đồng chí Phùng Thế Tài và Đinh Đại Toàn sang Côn Minh bắt liên lạc với phe Đồng Minh. “…Đư­ờng từ Pác Bó đến Côn Minh xa hơn 1000 km, nhiều dốc đèo (có dốc cao gần 3 km buổi sáng sớm ở chân dốc bên này, buổi trư­a mới lên tớí đỉnh, xuống dốc bên kia trời vừa tối). Bác đi dép rơm phồng rộp cả chân, còn hai đồng chí rã rời rệu rạo. Thấy vậy, Bác bày cho cách buổi tối trước khi đi ngủ ngâm chân vào nước tiểu, quả nhiên sáng hôm sau đỡ hẳn mỏi chân. Mất hai tuần đi bộ, Bác cháu tới ga tàu hoả, lên tàu về Côn Minh, nhưng ở trên tàu Bác bị sốt cao nên đến ga Nghi Lương anh em đ­ưa Bác xuống tạm nhà anh Hoàng Quang Bình, cơ sở của ta mở hiệu cắt tóc. Một tuần liền đư­ợc tiêm ký ninh trực tiếp nên cơn sốt lui dần, mọi ngư­ời nhất trí đưa Bác đến Côn Minh điều trị tiếp.
Tháng Hai mới đến nơi, anh em bố trí Bác ở nhà anh chị Tống Minh Phương, cơ sở của ta mở tiệm cà phê tại phố Chin- Pí, Côn Minh. Mọi ngư­ời dồn sức chữa thuốc và bồi dư­ỡng sức khỏe cho Bác như­ng Ngư­ời ăn uống rất thanh đạm, chỉ lo làm việc. Gần 3 tháng ở Côn Minh, Bác rèn luyện và sinh hoạt rất đều đặn. Hàng ngày Bác dậy từ 5 giờ sáng chạy dọc đ­ường mương tập thể dục. Đến 7 giờ, Bác xuống giúp kê dọn cửa hàng và phụ bán bánh mỳ lúc đông khách. Chiều 30 tết Ất Dậu, Bác đi thăm vài cơ sở hoạt động của ta. Đêm giao thừa, trong tiếng pháo nổ râm ran, pháo thăng thiên vút lên sáng rực cả bầu trời Côn Minh, Bác vẫn cặm cụi làm việc. Sáng mồng 1, Bác mời các gia đình Việt kiều tiêu biểu đến gặp mặt. Người nói: “Năm nay cách mạng Vịêt Nam có nhiều thuận lợi. Bây giờ ta phải đoàn kết, phải ủng hộ cách mạng, ủng hộ đoàn thể. Nhất định cách mạng Việt Nam sẽ giành thắng lợi”. Sau đó, rất nhiều kiều bào ta đã quyên tiền, mua súng đạn gửi về chiến khu và không ít ngư­ời tình nguyện về n­ước hăng hái tham gia kháng chiến”. (Xem thêm bài Chuyến đi Côn Minh của lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh đăng trên Nội san thông tin tư liệu của Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch số I/2007).
Cũng theo hồi ký của bà Trần Việt Hoa (vợ ông Phương) và của chính ông Tống Minh Phương (In trong cuốn sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia 2005. Tập I, trang 338- 349), thì Bác Hồ sang Côn Minh ở tại gia đình ông bà, ăn Tết âm lịch, gặp gỡ và làm việc với các đại diện Đồng Minh xong mới về nước. Như vậy tác giả đã nhầm lẫn giữa hai khoảng thời gian sau khi Bác ra tù, bị quản thúc ở Liễu Châu năm 1944 và khi Bác sang Côn Minh bắt liên lạc với phe Đồng Minh năm 1945.
2, Cũng trong bài trên, tác giả viết: “Đầu mùa hè năm 1955, ở Hà Nội đã có điều kiện hơn, Trung ương mời chuyên gia Thái cực quyền Trung Quốc, giáo sư Cố Lưu Hinh sang hướng dẫn Bác tập luyện”. Chi tiết này cũng không đúng:
- Trong cuốn sách: Chủ tịch Hồ Chí Minh với thể dục thể thao. Nxb Thể dục thể thao năm 2000, trang 147 có ghi: Mùa xuân Đinh Dậu (1957), Bác Hồ tập quyền trong suốt hai tháng liền do một vị giáo sư Trung Quốc nổi tiếng hướng dẫn.
- Trong cuốn sách Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử. Nxb Chính trị quốc gia năm 2008, tập VI, trang 397, cũng ghi: Từ ngày 5/2/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu luyện Thái cực quyền dưới sự hướng dẫn của ông Cố Lưu Hinh, một giáo sư thể thao y học Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai giới thiệu sang. Ngoài thời gian do giáo sư quy định, Người kiên trì tự luyện tập thêm vào sáng sớm và buổi tối nên sau 62 ngày, Người đã học xong toàn bộ giáo trình Thái cực quyền, nhờ vậy bệnh mất ngủ của Người đã giảm. Như vậy, Bác bắt đầu luyện tập Thái cực quyền từ tháng 2/1957 chứ không phải từ đầu mùa hè năm 1955.
3, Tiếp theo, tác giả đã viết: Sau lần về thăm bà con Thái Bình hè năm 1966, Bác bị cảm lạnh, bị co thắt động mạch não, liệt nhẹ nửa người… Thông tin này cũng không chính xác vì:
- Trong hồi ký: Bác về Thái Bình lần cuối của đồng chí Ngô Duy Đông- nguyên Bí thư tỉnh uỷ Thái Bình in trong cuốn sách: Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2005, tập II, trang 969 ghi rằng: “…Khoảng 8 giờ tối (ngày 31/12- TG) chúng tôi mới đón được Bác tới nhà. Khi ăn cơm tối, Bác cho tôi và chị Định được ngồi bên cạnh. Mọi người đều ăn cơm mới nấu. Riêng Bác, mặc dù tôi và chị Định khẩn khoản mời Bác ăn cơm mới nấu nhưng Bác vẫn ăn cơm nắm…Sáng hôm sau là 1/1/1967, Bác sắp ra nói chuyện mà địa điểm phải thay đổi, tôi lo lắng không nhớ hôm ấy là Tết dương lịch. Tôi đang báo cáo với các đồng chí Tố Hữu và Hoàng Anh thì Bác từ trong nhà bước ra, tay xách đèn bão và nói:“Năm mới Bác chúc Tết các chú!”. Lúc ấy tôi mới ngớ người ra và thấy mình thiếu sót là không nhớ đến việc tổ chức chúc Tết Bác và các đồng chí cùng đi…Địa điểm họp trước đặt ở Tân Phong, sau chuyển về Hiệp Hoà. Từ đường cái vào đình Phương Cáp, Bác phải đi bộ hơn 300m. Trời rét, Bác đội mũ lông và quấn khăn quàng. Thấy anh em quay phim chụp ảnh chạy theo, Bác nói vui: “Hôm nay các chú chả làm ăn gì được, trời rét, Bác không biểu diễn đâu!”.
- Theo cuốn sách Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2008, tập IX thì: Mấy tháng đầu năm 1966 Bác không đi thăm Thái Bình. Đầu mùa hè năm 1966, chính xác là từ ngày 11/5, Bác tiếp tục xem lại tập Tài liệu tuyệt đối bí mật tại nhà sàn. Ngày 16/5, Bác lên đường đi thăm Trung Quốc đến sau ngày 20/6/1966, Người mới về đến Hà Nội. Tháng 7 cho đến đầu tháng 8, Bác dự Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Từ thời gian đó đến 30/12, Người chủ yếu tiếp khách quốc tế, tham dự các buổi họp tại Hà Nội và không có chuyến đi ngoại tỉnh nào.
- Ngày 31/12/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu đi thăm Thái Bình. Đây là lần thứ 5 Người về thăm tỉnh này. Tối, Người nghỉ tại xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư. Sáng ngày 1/1/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, nhân dân tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hoà. Như vậy cần khẳng định rằng: chuyến thăm tỉnh Thái Bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày cuối cùng của năm 1966 chứ không phải mùa hè năm 1966.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)