slider

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ CÔNG TÁC TRƯNG BÀY TẠI KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

28 Tháng 10 Năm 2009 / 3402 lượt xem
 
Đỗ Hoàng Linh
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia, thuộc loại hình bảo tàng lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân. Nguyên tắc mang tính đặc trưng đồng thời nhiệm vụ chính của loại hình bảo tàng này là bảo tồn nguyên vẹn nội ngoại thất đúng như lúc sinh thời danh nhân nhằm tạo ra được cuộc gặp gỡ của khách tham quan với danh nhân như chính danh nhân tiếp bạn đến thăm nhà. Nhưng cuộc gặp gỡ đó không phải ngẫu nhiên mà phải do rất nhiều yếu tố lịch sử, xã hội, thông tin khoa học hợp thành. Và đặc biệt là đối với bất cứ loại hình bảo tàng nào, yếu tố hiện vật là trung tâm xuyên suốt tất cả các khâu công tác bởi không có hiện vật thì không có hoạt động bảo tàng. Theo đó, công tác bảo quản hiện vật được đánh giá là phần việc khó khăn nhất để duy trì sức sống của một bảo tàng. Nếu vì bất kỳ lý do thuộc về khách quan hay chủ quan mà hiện vật bị phá hủy hoặc biến dạng thì không những bảo tàng mất một tài sản có giá trị mà nhân loại cũng sẽ mất đi một phần di sản văn hóa không thể thay thế được. Bài viết này chỉ xin đề cập đến vấn đề trưng bày hiện vật phục vụ khách tham quan, góp phần tạo nên nội dung những cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh- người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất với các thế hệ nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế trong suốt bốn thập kỷ qua tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Ngay sau ngày Bác Hồ đi xa (2/9/1969), Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã quyết định: Bảo quản tốt khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ công lao to lớn của Người, để động viên toàn dân học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Tại các bảo tàng thông thường, công việc bảo quản tập trung chủ yếu vào các sưu tập hiện vật được trưng bày trong các phòng và kho cơ sở nhưng do đặc trưng riêng ở Khu di tích, công việc bảo quản được tiến hành đa dạng hơn, phong phú hơn và gặp rất nhiều khó khăn. Trên diện tích hàng ngàn m2, Khu di tích bao gồm một tập hợp các di tích bất động sản (các căn nhà, phòng, hầm,...), các di tích động sản (đồ đạc, bàn ghế, sách, tài liệu,...) và cảnh quan môi trường (vườn, ao cá, đường đi, các loại hoa, cây cảnh...). Không chỉ hàng nghìn tài liệu, hiện vật đang được trưng bày dưới dạng kho mở tại các nhà di tích mà còn một khối lượng lớn các di tích bất động sản, trong đó trọng tâm là ngôi nhà sàn gỗ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải được bảo quản thường xuyên, Khu di tích đã tiến hành bảo quản tốt các di sản của Bác Hồ để tổ chức đón tiếp gần 50 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, học tập và nghiên cứu. Các tài liệu, hiện vật đang được giữ gìn, bảo quản và trưng bày tại nơi Bác Hồ đã sống và làm việc trong 15 năm cuối cùng đã giúp cho khách tham quan hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời thanh cao, đạo đức trong sáng, tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
A. Hiện trạng trưng bày:      
Khách tham quan Khu di tích luôn đánh giá cao về hiệu quả của việc bảo tồn và phát huy tác dụng các di sản của Bác Hồ, nhưng cán bộ thuyết minh cũng không ít lần phải trả lời những thắc mắc của khách tham quan về chiếc sục điện tạo khí trong bể cá vàng, vòi phun nước ở ao cá, bát đĩa trên bàn ăn nhà 54… là không phải hiện trạng, hiện vật gốc hoặc là biệnpháp bảo quản khoa học, nhưng không phải tất cả khách tham quan đều được hướng dẫn để nghe giải thích. Rõ ràng việc sử dụng phương tiện kỹ thuật là bước tất yếu trong công tác bảo quản nhằm ngăn chặn sự xuống cấp của di tích và hiện vật, đảm bảo hiện vật luôn trong tình trạng ổn định. Tuy nhiên, giải pháp kỹ thuật nhiều khi chỉ đạt hiệu quả một chiều trong việc bảo quản mà hạn chế tác dụng tuyên truyền giáo dục, ví dụ điển hình như chiếc bể cá vàng ở tầng dưới nhà sàn. Theo hồ sơ và những bức ảnh tư liệu khi sinh thời Bác, không có chiếc sục điện như bây giờ. Việc dùng sục điện tạo ôxy cho cá đã làm thay đổi hình thức của bể cá và nội dung tuyên truyền giáo dục. Bác Hồ vốn rất tiến kiệm điện, ngay công tắc điện ở nhà sàn Bác cũng đề nghị làm loại hai chiều để tắt được đèn cả hai tầng. Vì thế khách tham quan càng băn khoăn về chiếc sục điện thời hiện đại đặt trong bể cá vàng Bác Hồ nuôi khi xưa dành cho các cháu thiếu nhi khi vào thăm Người? Để giữ nguyên trạng bể cá, ta có thể tìm thay một giống cá có thuộc tính thích nghi cao với môi trường sống, hoặc nếu không thì chỉ nên dùng sục điện vào thời gian không đón khách (từ sau 16h đến 7h và từ 11h30 đến 13h30).
Một nhà bảo tàng học Ấn Độ đã nhận định: Quan điểm lỗi thời về bảo tàngđang dần dần biến mất và thay vào đó, một quan niệm mới đang hình thành, một quan điểm cơ động, phát triển phù hợp với tinh thần xã hội hiện đại. Bảo tàng ngày nay có cả tính chất thiêng liêng của đền đài, có cái yên tĩnh của vẻ đẹp độc lập, có cái băn khoăn của rạp hát, cái rực rỡ của hội chợ, cái hồ hởi thú vị của câu lạc bộ, có tính cấp thiết của triển lãm, có tính hàn lâm thuần lý của trường đại học. Để có thể đáp ứng tinh thần thời đại hiện nay, bảo tàng cần có tất cả những đặc điểm ấy cùng một lúc. Trên thực tế, để tăng sức hấp dẫn nhằm thu hút số lượng khách tham quan, các bảo tàng đang phải tăng cường đổi mới mạnh mẽ công tác trưng bày và mở rộng chức năng hoạt động thì ở Khu di tích Phủ Chủ tịch, vẫn chỉ một kiểu trưng bày đơn giản gần bốn thập kỷ qua mà lượng khách tham quan vẫn đông. Kết quả đó không đồng nghĩa với việc không cần phải đổi mới, bổ sung trưng bày, bởi mục đích chính của Khu di tích vẫn là phục vụ một cách tốt nhất và hiệu quả tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với mọi đối tượng khách tham quan. Số lượng hiện vật đang được trưng bày trong các nhà di tích rất ít về số lượng, sơ sài về nội dung và chỉ phản ánh được một phần nào hiện trạng di tích gốc. Khách tham quan chủ yếu hình dung qua lời thuyết minh viên chứ không được tận mắt thấy hết cuộc sống đời thường và phong cách sống bình dị, mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ suốt đời quên mình vì nước vì dân. Như vậy, cuộc gặp gỡ giữa danh nhân với kháchtham quan dường như chưa trọn vẹn, chức năng nghiên cứu, giáo dục khoa học của Khu di tích bị hạn chế và chưa thật sự sinh động. Hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì công tác bổ sung trưng bày càng trở thành yêu cầu cấp thiết để Khu Di tích Phủ Chủ tịch thực sự trở thành trường học khoa học xã hội và nhân văn giáo dục tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Bác Hồ cho mọi thế hệ người Việt Nam.
B. Công tác bổ sung trưng bày:
Sau khi nghiên cứu hồ sơ hiện vật gốc, đối chiếu với những tấm ảnh chụp nội thất trưng bày tại các nhà di tích sau ngày 2/9/1969, kết hợp với lời kể của các nhân chứng đã được xác minh, chúng tôi đề nghị cần bổ sung trưng bày một số tài liệu, hiện vật vốn có ở các nhà di tích đúng như sinh thời Bác Hồ, cụ thể như sau:
1, Nhà 1954:
- Phòng làm việc: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tạm nhà 54 bốn năm sau đó mới chuyển sang nhà sàn, nhưng hàng ngày Người vẫn về đây dùng cơm và đôi khi còn tiếp khách, đọc sách và khám sức khoẻ… cho nên, cách bài trí trên bàn tại phòng làm việc cần phải thể hiện sinh động như bức ảnh tư liệu chụp Bác năm 1957 mà hiện nay đang được phổ biến rộng rãi, vì khách tham quan chỉ cần đi lướt qua từ bên ngoài cũng thấy mặt bàn làm việc trống trơn, thiếu những vật dụng cần thiết như bút, sách, giấy, mực, tài liệu, điện thoại…
- Phòng ăn: Mỗi khi Bác Hồ dùng bữa thì mâm cơm được chuyển từ bếp lên và bày trên bàn ăn, nhưng cách bày bàn ăn không thay đổi như hiện nay là không hợp lý. Bác Hồ không thể dùng cố định các món ăn quanh năm và vì thế trên bàn ăn cũng nên có đủ loại bát đĩa, đồ ăn khác nhau dùng cho các món ăn Âu, Á hoặc mùa hè, mùa đông. Dù không thể đưa hết các loại bát đĩa, dụng cụ ăn thì ta cũng nên bày mâm theo bữa ăn của hai mùa nóng lạnh đặc trưng (cũng như ta vẫn để chăn đơn mùa hè và chăn bông mùa đông trên giường ngủ nhà sàn), như thế sẽ tạo ra trực quan sinh động hơn
- Phòng ngủ: Đây cũng là nơi Bác Hồ sử dụng trong bốn năm nên tất nhiên phải bài trí giường, chiếu, chăn, màn là những vật dụng bình thường trong phòng ngủ của một người Việt (như hiện nay là không có đủ). Ngoài ra cũng cần một số sách báo, vật dụng cần thiết nữa như đèn bàn đọc sách buổi tối, đồ trang trí như ảnh gốc
2, Nhà sàn:
- Tầng 1: Trong 11 năm Bác Hồ sống và làm việc với cường độ cao và khối lượng công việc lớn như vậy tại ngôi nhà sàn thì tầng dưới nhà sàn không thể trưng bày sơ sài như hiện nay mà phải có thêm nhiều vật dụng thiết yếu khác nữa, ví dụ chiếc đèn bàn là điển hình không thể thiếu bởi với ánh sáng như thế thì Bác Hồ không thể đọc, viết được? Đặc biệt trong mùa đông, khi hạ mành quanh nhà xuống để ngăn bớt gió thì khu vực bàn làm việc lại càng thiếu ánh sáng trầm trọng. Ngoài ra, Bác Hồ còn là một tấm gương về tinh thần rèn luyện sức khỏe. Bác khuyên mọi người dân luyện tập thể dục vì mỗi người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt. Hàng ngày Bác thường đi bộ tập thể dục, tập Thái cực quyền, tập tạ, luyện tay bằng bộ đồ tập do các bạn Trung Quốc trao tặng, do đó, bộ sưu tập các dụng cụ tập thể dục của Bác cần được đưa ra trưng bày ở vị trí vốn có của nó ở góc phải hành lang tầng dưới nhà sàn. Đây là một đề tài có tác dụng tuyên truyền cao và thiết thực.
- Tầng 2: Từ cầu thang phụ bên ngoài nhìn vào buồng ngủ, một số hiện vật bị khuất sau vách gỗ, tuy vậy vẫn có nhiều khách tham quan đặt câu hỏi nếu như Bác Hồ ở đây hơn mười năm sao lại không có tủ quần áo? Căn cứ vào những ảnh chụp sau ngày 2/9/1969 thì vẫn có bộ quần áo nâu và đôi tất của Bác gấp gọn gàng trên chiếc ghế cạnh bàn làm việc? Vậy để tạo cho khách tham quan cảm giác như Bác Hồ vẫn sống và làm việc tại nhà sàn thì nên chăng để thêm bộ quần áo ở vị trí ảnh chụp (cũng như hàng ngày lên giây cho chiếc đồng hồ đầu giường chạy đều).
3, Nhà 67 và bộ dụng cụ y tế:
 Điểm di tích mang lại nhiều xúc cảm nhất cho khách tham quan chính là ngôi nhà 67, nơi Bác Hồ chữa bệnh và qua đời. Nhiều đoàn khách sau khi tham quan xong đều thấy rằng nhà 67 đang trưng bày như hiện nay không giống như những hình ảnh được ghi lại trong phim tư liệu và thường đặt câu hỏi về chiếc giường Bác nằm trong những ngày cuối cùng, những dụng cụ y tế đã dùng vào việc chữa bệnh cho Bác? Việc trưng bày bộ sưu tập những dụng cụ y tế chữa bệnh cho Bác trong những ngày cuối đời để đáp ứng được tình cảm và mong muốn của khách tham quan là việc làm cần thiết. Bộ sưu tập đó đang được lưu giữ và bảo quản tại căn phòng Bộ Chính trị và Hội đồng bác sỹ họp bàn cách chữa bệnh cho Bác và phương án trưng bày bộ sưu tập các dụng cụ y tế hoặc theo dạng kho mở ở vị trí hiện nay đang bảo quản là hợp lý và phát huy hiệu quả tuyên truyền.
Bổ sung trưng bày để phát huy hiệu quả tuyên truyền giáo dục, nh?ng phải bảo quản khoa học các hiện vật một cách tốt nhất và lâu dài. Những công tác nghiệp vụ đó cần có sự phối hợp đồng bộ của ba phòng chuyên môn: Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu, Bảo quản di tớch, Tuyên truyền trưng bày và đặc biệt là sự giúp đỡ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi đang lưu giữ, bảo quản những hiện vật gốc của Khu di tích. Sự phối hợp cộng tác này đã đạt kết quả bước đầu trong việc chuẩn bị trưng bày lại nhà bếp A, nơi từng sử dụng nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong năm 2009.

ảnh 1: Bác Hồ làm việc tại phòng làm việc nhà 54
ảnh 2: Tầng 1 nhà sàn

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)