slider

MỘT VÀI SUY NGHĨ SAU KHI ĐỌC CÂU CHUYỆN “CỦNG HỒ BIẾT THUỐC GIỎI LẮM” (1)

22 Tháng 11 Năm 2010 / 3548 lượt xem
                                                                                           Lê Ngân Mai
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
 Câu chuyện kể lại thời kỳ đầu Bác Hồ trở về nước hoạt động ở Pác Bó, Cao Bằng sau 30 năm đi tìm đường cứu nước. Bác ở hang Cốc Bó nhưng thỉnh thoảng có xuống bản thăm một số gia đình cơ sở cách mạng. Thấy các cháu bé chơi nghịch đất cát, quần áo lem luốc bẩn thỉu, có cháu bị chốc lở ở đầu mà không có thuốc chữa trị. Bác đã chữa cho cháu bé bằng cách đem nước nóng rửa thật sạch chỗ chốc lở, rồi lấy tro bếp nóng, gói lại ấp lên đầu cho cháu. Cách chữa bệnh đơn giản nhưng lại có hiệu quả tốt. Chỉ trong một thời gian ngắn, cháu bé đã khỏi bệnh. Nhân dân địa phương kháo nhau: “Củng Hồ biết thuốc giỏi lắm” và tác giả chú thích: Củng Hồ tiếng địa phương là Bác Hồ.
Nội dung chuyện kể, về cơ bản phù hợp với những lời kể lại trong Hồi ký của đồng chí Dương Đại Lâm(Nguyên Phó chính uỷ Quân khuViệt Bắc), là gia đình cơ sở cách mạng của Bác Hồ ở Pác Bó, Cao Bằng và cháu bé được Bác Hồ chữa bệnh tên là Thần, chính là con đồng chí Lâm. Nhưng một chi tiết không thấy có trong hồi ký của đồng chí Lâm cũng như các đồng chí cùng hoạt động với Bác Hồ thời kỳ đó. Đó là tên gọi của Bác như câu chuyện viết là Củng Hồ (Bác Hồ).
Đầu tiên, xin phép tác giả được đính chính là: Theo tiếng Nùng vùng Pác Bó, Cao Bằng Bác không gọi là Củng mà là , là Lùng. Chữ Củngviết ở bài này có lẽ phiên âm nhầm của chữ Cúng (có nơi gọi là Cống) có nghĩa là Ông. Do đó có thể suy luận rằng Củng Hồ không phải là tên gọi bí danh của Bác Hồ thời kỳ ở Pác Bó, Cao Bằng với những căn cứ sau:
1. Trong thời kỳ hoạt động ở Pác Bó (Cao Bằng), Bác Hồ được gọi bằng một số tên gọi bí danh như: Ông cụ, Ông Ké, Đồng chí già, Cúng Sáu Sán, Thu Sơn, Già Thu... Xin trích một số hồi ký của các đồng chí cùng hoạt động với Bác thời kỳ ở Pác Bó (Cao Bằng) làm ví dụ:
          Trong hồi ký Bác Hồ đến bản tôi, ông Dương Đại Lâm (Nguyên phó chính uỷ quân khuViệt Bắc) đã kể lại rằng: “Hồi ấy tôi chưa biết “Ông cụ” là ai nhưng đoán là một bậc lão thành cách mạng, cụ đã về đây là cách mạng có cơ phát triển rộng khắp. Trong câu chuyện thường ngày từ đấy chúng tôi thân mật gọi “Ông cụ” là“Đồng chí già” (2)
          Trong hồi ký Bác Hồ ở Pác Bó, ông Lê Quảng Ba (Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Trung ương) có nhớ lại: “Sau bữa cơm tết chiều mồng 3, Bác đã chỉ thị chúng tôi phải nghiên cứu nơi ở và làm việc cho thích hợp và kín đáo hơn. Bác nói đại ý: ở đây dựa vào dân thì có nhiều thuận lợi nhưng cũng có cái không lợi cả cho yêu cầu hoạt động bí mật của ta mà cũng không tiện cho sinh hoạt của dân, nên phải “sáu sán” thôi( tiếng địa phương là vào núi)”(3).
“Có một lần trong câu chuyện vui ông Máy Lỳ, một cơ sở cách mạng ở Pác Bó, hỏi tên Bác. Bác cười rồi chậm rãi giải thích: “Sáu Sán” nghĩa là vào núi, còn có nghĩa là “Thu Sơn”. Tên tôi là Thu Sơn. Từ đó ông Máy Lỳ thường chào Bác là Ké Thu Sơn( Già Thu). Chúng tôi và một số anh em khác cũng từ đó dùng cái tên Già Thu để giải thích cho các đồng chí khác khi bị hỏi về Bác mà theo nguyên tắc không được nói rõ hơn”(4).
Trong hồi ký Bác Hồ về nước, ông Lê Quảng Ba (Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Trung ương) đã kể lại: “Bác ở Pác Bó hơn một năm, trừ anh em chúng tôi ra, còn thôn xóm không ai biết rõ về Bác. Họ chỉ biết có một cán bộ cách mạng tên là Sáu Sán (tức Thu Sơn)” (5).
Trong hồi ký Một lòng theo Bác (6), ông Chu Văn Tấn ( Nguyên Thượng tướng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội) có kể lại rằng: các đồng chí cùng hoạt động với Bác lúc đó thường kính trọng gọi Người là Ông cụ, Ông Ké .
Trong hồi ký Chú Thu (7), bà Nông Thị Trưng (Nguyên Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng) có kể lại như sau: Bác đặt tên cho tôi là Trưng và nhận tôi là cháu:“Từ nay, Trưng là cháu của chú và gọi chú là chú Thu”.
          2. Ngày 13/8/1942, đồng chí Nguyễn Ái Quốc lên đường đi Trung Quốc với tư cách là đại biểu của phong trào Việt Minh và đại diện của phân hội Việt Nam thuộc Hiệp hội quốc tế phản xâm lược để bàn cách phối hợp hành động giữa phong trào Việt Minh với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và các lực lượng đồng minh chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Để đánh lạc hướng bọn mật thám, Người lấy tên mới là Hồ Chí Minh. Nhớ về sự kiện lịch sử này, đồng chí Vũ Anh (Nguyên Bí thư Trung ương Đảng) kể lại như sau: “Tháng 8 năm 1942, Bác có việc phải đi ra nước ngoài. Tôi được Bác giao nhiệm vụ chuẩn bị giúp Bác... Tôi lấy đá mềm khắc hai con dấu: một con của Việt Nam độc lập đồng minh Hội, một của Quốc tế phản xâm lược Việt nam phân hội. Bác tự tay viết hai giấy giới thiệu của hai đoàn thể trên cử cụ Hồ Chí Minh đi gặp chính phủ Trung Quốc. Mục đích chính của Bác là qua gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cái tên cụ Hồ Chí Minh ra công khai từ đó”(8).
Tháng 10-1944, Bác ký tên Hồ Chí Minh dưới bức thư “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, kêu gọi các đảng phái, các đoàn thể tích cực chuẩn bị để triệu tập và khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc. Đây là lần đầu tiên tên Hồ Chí Minh được lan truyền trong cả nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi đất nước giành được độc lập, Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Và từ đây, nhân dân Việt Nam đặc biệt các cháu thiếu niên nhi đồng thường trìu mến gọi Người là Bác Hồ. Người th­ường ký hai chữ Bác Hồ trong một số bức th­ư gửi thanh thiếu niên nhi đồng, học sinh... Văn bản đầu tiên  Người ký tên Bác Hồ là Thư gửi Ban âm nhạc Vệ quốc quân, ngày 6/1/1946 đăng Báo Cứu quốc số 136, ngày 7/1/1946. Tiếp theo đó là Thư gửi các cháu thiếu nhi đăng báo Cứu quốc số 385, ngày 24 .10. 1946. Thư cuối cùng gửi các cháu thiếu niên ký tên Bác Hồ là Thư gửi các cháu thiếu niên hợp tác xã măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc, ngày 19.5.1969. Thư cuối cùng gửi các địa phương ký tên Bác Hồ là Thư gửi Ban chấp hành Đảng Bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An, ngày 21.7.1969.
Với những căn cứ trên có thể nhận định rằng: Vào những năm Bác hoạt động bí mật ở Pác Bó, Cao Bằng đồng bào địa phương chưa thể biết tên Người là Hồ Chí Minh để gọi là Bác Hồ được.
Những câu chuyện chân thực, sinh động về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ luôn được độc giả trong nước cũng như bạn bè quốc tế đón đọc với tình cảm yêu mến, trân trọng. Đặc biệt nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức và tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng lớn khi Đảng ta phát động toàn Đảng, toàn dân “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những hồi ký của các bậc lão thành cách mạng là những tư liệu có độ tin cậy, chính xác cao. Bên cạnh đó là những câu chuyện viết về Bác đã được hư cấu theo thể loại văn học. Mặc dù được tác giả viết với thái độ nghiêm túc và tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ nhưng có lẽ do không nghiên cứu kỹ nguồn tư liệu chính thống nên không tránh khỏi những nhầm lẫn như câu chuyện “Củng Hồ biết thuốc giỏi lắm”. Dù chỉ là một tên gọi của Bác đặt không đúng thời gian sử dụng nhưng độc giả luôn mong muốn được đón nhận những tác phẩm viết về Bác có độ chính xác cao về tư liệu. Đó là tấm lòng của độc giả đối với Bác Hồ kính yêu.
         
(1) Kể chuyện Bác Hồ - Tập 2, Nxb Giáo dục, H.2003, Tr160
(2) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 361
(3) Kể chuyện Bác Hồ, Nxb Giáo dục, H.2006, T3, tr182
(4) Kể chuyện Bác Hồ, Nxb Giáo dục, H.2006, T3, tr185
(5) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, Tr 501
(6) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005
(7) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, Tr599
(8) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, Tr325

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)