slider

Một vài suy nghĩ về bài thơ chúc tết năm Nhâm Dần 1962 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

18 Tháng 05 Năm 2022 / 278 lượt xem

Đặng Quang Huy

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Chiều ngày 04/02/1962 (30 Tết Nhâm Dần), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liên hoan tất niên với cán bộ Văn phòng Trung ương Đảng. Đến tối, Người cùng một số đồng chí trong Trung ương Đảng đến Câu lạc bộ thiếu nhi vui Tết với các em. Sau đó, Người đi chúc Tết một số cá nhân có thành tích trong thi đua yêu nước, các bô lão, trí thức, tư sản và một số gia đình lao động ở phố Lý Thái Tổ, thăm cán bộ và người lao động Đài Tiếng nói Việt Nam đang chuẩn bị cho chương trình phát thanh đặc biệt đêm giao thừa. Đúng giao thừa, Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên những vần thơ mừng năm mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm rung động bao khối óc và con tim đang háo hức chờ nghe thơ của Người:

“Năm Dần, mừng xuân thế giới, Cả năm châu phấp phới cờ hồng.

Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi, Bốn mùa hoa Duyên Hải, Đại Phong.

Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới, Sức triệu người hơn sóng biển Đông.

Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,

Hoà bình thống nhất quyết thành công”(1).

Nổi bật trong nội dung bài thơ là tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân hai miền Nam - Bắc, đường lối cách mạng được thẩm thấu trong những vần thơ thể hiện sự thống nhất trong tư tưởng của nhà chính trị, nhà thơ lớn, hướng tới mục tiêu của cách mạng Việt Nam là hòa bình thống nhất đất nước.

Bài thơ có 8 câu, được chia thành 4 ý, mỗi ý được thể hiện trong 2 câu thơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu bài thơ bằng việc chúc mừng thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lớn mạnh và đoàn kết nhất trí.

Hai câu thơ tiếp theo, Người chúc mừng những thắng lợi của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thời điểm đó, miền Bắc nước ta bước vào năm thứ 2 thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, với những phong trào thi đua ái quốc mang tên “Sóng Duyên Hải” mà điển hình trong lĩnh vực công nghiệp là nhà máy cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng, “Gió Đại Phong” với Hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, lá cờ đầu trong nông nghiệp ở miền Bắc, Cờ Ba nhất là phong trào thi đua trong quân đội v.v.. Đó là những phong trào thi đua điển hình trong cả nước lúc bấy giờ. Vì thế, trong bài thơ Bác nhắc đến những “bông hoa” trong phong trào thi đua và chúc người dân miền Bắc “thi đua phấn khởi”.

Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (nay là Công ty cổ phần Cơ khí Duyên Hải, Hải Phòng) được thành lập ngày 05/10/1955. Đầu năm 1960, hưởng ứng phong trào “Thi đua ái quốc”, nhà máy đã phát động phong trào phát huy sáng kiến, tăng năng suất lao động và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của toàn thể cán bộ, công nhân, tạo ra một khí thế cách mạng, sôi động cao trong thi đua. Trong những năm 1960, 1961, 1962, nhà máy Cơ khí Duyên Hải có phong trào thao diễn kỹ thuật rất sôi nổi, phát huy nhiều sáng kiến trong sản xuất công nghiệp, nhiều chỉ tiêu định mức lao động, kỹ thuật, năng suất lao động tăng cao, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý, kỹ thuật, trình độ tay nghề của công nhân được nâng cao. Với thành tích đó, nhà máy được nhà nước phong danh hiệu “Sóng Duyên Hải” và trở thành lá cờ đầu trong ngành công nghiệp ở miền Bắc. Ngày 15/03/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm nhà máy. Bác xuống xe, đi vào nhà ăn tập thể, xem cơm và các món ăn, chỗ ngồi ăn và nói chuyện với các đồng chí cấp dưỡng. Người vào thăm nơi ở của công nhân nhà máy, thăm phân xưởng đúc, dừng chân ân cần hỏi về cuộc sống gia đình, lương tháng của công nhân... Sau đó, Bác sang thăm phân xưởng cơ khí, vẫy tay chào mọi người. Nghe tin Bác Hồ đến thăm, công nhân đang sản xuất dừng máy, dừng công việc đang làm, công nhân ở các phân xưởng khác, các phòng, ban vội chạy đến đứng quây quần để nghe Bác nói chuyện. Với bộ trang phục màu xanh chàm, áo cài khuy theo kiểu đồng bào dân tộc, giản dị, gần gũi, Người nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy. Mở đầu, Bác biểu dương, khen ngợi phong trào thi đua thao diễn kỹ thuật đang diễn ra ở nhà máy: “Bác nghe nói nhà máy gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, lãnh đạo đã biết dựa vào công nhân, bàn bạc với công nhân mở hội thao diễn kỹ thuật, đưa năng suất lên cao, như vậy là tốt...”. Bác căn dặn: “Phong trào ở đây đang phát triển tốt, đang thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhưng không nên chỉ bốc đồng từng lúc mà phải bền bỉ liên tục. Mọi người phải đoàn kết, thợ già phải dìu dắt thợ trẻ, thợ trẻ phải học thợ già nâng cao tay nghề; cán bộ phải đi sát xuống dưới, kịp thời phát hiện, giải quyết khó khăn trong sản xuất. Đảng phải lãnh đạo tốt, xây dựng Đảng cho tốt; xây dựng các đoàn thể cho tốt. Đảng viên, đoàn viên phải đi trước, làm trước quần chúng, phấn đấu là đảng viên, đoàn viên tốt (danh hiệu đảng viên, đoàn viên thời kỳ đó). Cán bộ phải chăm lo về ăn, ở, sinh hoạt của công nhân”. Những lời căn dặn của Bác Hồ dễ hiểu, dễ nhớ, không chỉ các đồng chí lãnh đạo nhà máy mà tất cả mọi người được nghe Bác nói chuyện đều có thể ghi nhớ được. Kết thúc bài nói chuyện của Bác, mọi người vỗ tay vang dậy, tràn đầy phấn khởi, tin tưởng.

“Gió Đại Phong” là một trong những phong trào thi đua điển hình trong nông nghiệp ở hậu phương miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Những năm 50 của thế kỷ XX, ở Quảng Bình người dân khoai sắn không đủ no, luôn bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Cánh đồng Đại Phong khi đó chỉ là một vùng đầm mênh mông nước, hằng năm chỉ làm được một vụ “lúa cao cây”, còn lại phải bỏ hoang vì nhiễm mặn. Đồng ruộng của Đại Phong thấp hơn so với mặt biển nên chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn. Cuối năm 1959, nhân dân và Đảng bộ xã Phong Thủy thống nhất đưa 3 hợp tác xã đang hoạt động đơn lẻ là Trần Phú, Lệ Phong và hợp tác xã 6 thành một hợp tác xã với tên gọi Đại Phong, chủ trương một người làm việc bằng hai, mở rộng bờ vùng, bờ thửa, thâm canh sản xuất. Sau một năm cải tạo đồng áng, sản lượng lương thực của Đại Phong tăng 230kg/khẩu (từ 650kg/khẩu lên 880 kg/khẩu). Năm 1960, đất canh tác của xã viên Đại Phong chỉ đạt 2 sào/người thì đến năm 1961 đã lên tới 7 sào/người. Bình quân mỗi hộ nuôi 2 con lợn thịt, trang trại của hợp tác xã có 5000 con vịt đẻ trứng. Lúa gạo Đại Phong được dùng để phân phối cho nhân dân nhiều địa phương ở miền Bắc và cung cấp cho chiến trường miền Nam. Một vinh dự lớn lao đối với Đại Phong là ngày 20/03/1961, Bác Hồ đã gửi tặng Hợp tác xã chiếc máy kéo DT54 có đủ hệ thống để sản xuất nông nghiệp. Chiếc máy kéo này do Đoàn Thanh niên cộng sản Lênin toàn Liên Xô (Komsomol) gửi tặng Bác và Người đã gửi tặng Hợp tác xã Đại Phong. Giờ đây chiếc máy kéo là kỷ vật thiêng liêng để người Đại Phong luôn nhắc nhớ về Bác, nhắc nhủ nhau đoàn kết xây dựng quê hương.

Bài viết đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Đại Phong có nhan đề “Một Hợp tác xã gương mẫu” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 11/01/1961. Trong bài viết có đoạn: “Trong khoảng 3 năm, từ một Hợp tác xã nhỏ có 23 hộ nghèo khó phát triển đến 445 hộ, sinh hoạt ngang với mức trung nông và đang có đà tiến lên nữa. Có kết quả đó là vì: Họ tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Họ không sợ khó, sợ khổ, họ khéo tổ chức, họ đoàn kết chặt chẽ, họ quyết tâm phấn đấu để đi lên”.

Với bút danh Trần Lực, Bác viết bài thứ hai về “Phong trào Đại Phong” đăng trên Báo Nhân dân số 2582 ra ngày 15/04/1961: “Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của Hợp tác xã Đại Phong, đến nay, chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót 1000 hợp tác xã nhận thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta”.

Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quân năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương các phong trào thi đua và khẳng định vào niềm tin tất thắng của sự nghiệp cách mạng. Người nói: “Công nhân phất cao ngọn cờ “Duyên Hải”. Nông dân phất cao ngọn cờ “Đại Phong”. Quân đội anh hùng phất cao ngọn cờ “Ba nhất”. Công - nông - binh đại thi đua, đại đoàn kết, chủ nghĩa xã hội nhất định đại thành công, Bắc - Nam nhất định sẽ thống nhất, non sông một nhà”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới, miền Bắc đã giành những thắng lợi to lớn trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Kinh tế, xã hội ở miền Bắc trải qua những chuyển biến sâu sắc. Từ một nền kinh tế phụ thuộc, lạc hậu, bước vào xây dựng một nền kinh tế tự chủ, từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc đã lớn mạnh thêm về mọi mặt, là hậu phương vững chắc cho miền Nam, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào bảo vệ hòa bình ở khu vực Đông Nam Á và thế giới.

Bài thơ chúc Tết năm Nhâm Dần 1962 của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ mang ý nghĩa cổ vũ, động viên phong trào thi đua ái quốc sôi nổi ở miền Bắc, mà còn thể hiện khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thống nhất đất nước. Tư tưởng, đường lối chiến lược: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và chủ nghĩa xã hội chính là tinh thần, là nội dung thứ hai của bài thơ này.

Sau khi chúc miền Bắc “thi đua phấn khởi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng về miền Nam ruột thịt: “Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới, Sức triệu người hơn sóng biển Đông”.

Ở miền Nam, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường can thiệp mở rộng hơn cuộc chiến tranh xâm lược hòng tiêu diệt phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam, đàn áp phong trào cách mạng với mục tiêu lâu dài là chia rẽ hai miền Nam - Bắc. Từ giữa năm 1961, Mỹ - Diệm đã tiến hành cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Đó là cuộc chiến tranh “dùng người Việt Nam đánh người Việt Nam”, kết hợp những thủ đoạn chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc có vũ khí và trang bị kỹ thuật hiện đại, với những biện pháp khủng bố, đàn áp dã man. Lực lượng chủ yếu của chúng trong chiến tranh đặc biệt là quân đội của ngụy quyền tay sai do Mỹ tổ chức, trang bị, huấn luyện và chỉ huy. Tháng 1/1961, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã họp để đánh giá tình hình miền Nam sau phong trào “Đồng Khởi” và vạch ra phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam, đó là tấn công địch cả 2 mặt chính trị và quân sự, ra sức xây dựng lực lượng chính trị và quân sự, xây dựng và mở rộng căn cứ địa, tạo điều kiện và nắm mọi thời cơ để đánh đổ chính quyền Mỹ - Diệm. Ngày 15/02/1961, các lực lượng vũ trang cách mạng được thống nhất thành Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Phong trào Đồng Khởi, phong trào phá ấp chiến lược nổi lên mạnh mẽ và giành được nhiều thắng lợi. Với thế và lực đã được tạo ra từ những năm trước, Bác chúc đồng bào miền Nam “đấu tranh tiến tới” với tinh thần đoàn kết “sức triệu người hơn sóng biển Đông”. Quân và dân miền Nam đã có được sự động viên về mặt tinh thần của vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, càng có thêm động lực, tạo ra khí thế mới, quyết tâm giành thắng lợi mới.

Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ thường chúc mừng miền Bắc và miền Nam gắn với nhiệm vụ chiến lược của cách mạng hai miền: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Bài thơ mừng năm mới Nhâm Dần 1962 cũng như vậy, sau khi chúc riêng hai miền Nam - Bắc, Người khẳng định sự thắng lợi của đường lối cách mạng mà Đảng ta đã đề ra: “Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi, Hoà bình thống nhất quyết thành công”.

Những vần thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều được nhân dân ta đón nhận, thấu hiểu từng câu, từng chữ. Đó là điều ý nghĩa nhất, vĩ đại nhất của Bác với nhân dân Việt Nam. 60 năm sau, trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng với thế giới, bài thơ chúc Tết năm Nhâm Dần 1962 của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị với tình hình đất nước hiện nay, khích lệ, động viên cả hệ thống chính trị đoàn kết, tiếp tục thúc đẩy phấn đấu thi đua xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày càng hùng cường, giàu mạnh.

Năm Nhâm Dần 2022 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trên phạm vi cả nước. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có khả năng còn kéo dài, sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực, gây khó khăn đối với các hoạt động kinh tế - xã hội. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, toàn thể hệ thống chính trị, toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân cả nước cần nắm chắc và thực hiện tốt phương châm mà Đại hội Đảng toàn quốc XIII đã đặt ra: Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo và phát triển. Đọc thơ Bác, chúng ta cùng chúc cho cả nước ta năm Nhâm Dần 2022 “phấp phới cờ hồng”, “thi đua phấn khởi”, bền bỉ tiến tới để giành thắng lợi và thành công.

Chú thích:

1.Báo Nhân dân, số 2876, ngày 05/02/1962.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)