slider

Một vài suy nghĩ về công tác chuyển đổi số của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

08 Tháng 06 Năm 2023 / 643 lượt xem

ThS. Nguyễn Thị Bình

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Thời gian gần đây, khái niệm “chuyển đổi số” được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là giải pháp quan trọng làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.

Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin &Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và trình Đề án cho Thủ tướng ngay trong năm 2019. Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam là: Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho thế hệ mai sau.

Trong thực tiễn hiện nay, việc ứng dụng công nghệ một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại phục vụ công tác bảo tồn và phát huy, công tác quản lý và khai thác giá trị di sản Di tích phục vụ khách tham quan sẽ giải quyết, bổ sung rất hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền bá giá trị di sản, truyền thông, thuyết minh hiện có, góp phần cho công tác tuyên truyền, quảng bá lịch sử - văn hóa đa dạng, chuyên nghiệp, có chiều sâu và đảm bảo khoa học đồng thời việc quản lý, khai thác, vận hành sẽ đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn. Vì vậy, xu hướng sử dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh đang được các bảo tàng, khu di tích trên thế giới và Việt Nam triển khai một cách rất hiệu quả.

Hiện nay, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những điểm du lịch quan trọng bậc nhất và thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm. Những tài liệu, hiện vật và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nơi đây được bảo tồn nguyên vẹn như khi sinh thời Người sống và làm việc. Những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ của Khu Di tích không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, tính khiêm tốn giản dị, tinh thần cách mạng và tình yêu tha thiết với nhân dân đất nước của Bác Hồ kính yêu mà còn mang ý nghĩa giáo dục nhân văn sâu sắc, nhất là vào giai đoạn cách mạng hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh trong tiến trình hội nhập quốc tế, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là biểu tượng nhân cách vĩ đại của các thế hệ Việt Nam và bạn bè thế giới. Chính vì vậy, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động tại Khu Di tích là rất cần thiết, nhằm hiện đại hóa, hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh; cung cấp dịch vụ thông tin, tuyên truyền, thuyết minh phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của Khu Di tích trong kỷ nguyên thông tin cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay.

Thực tế việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Khu Di tích Phủ Chủ tịch trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả sau:

Thứ nhất, hỗ trợ cung cấp thông tin và góp phần quảng bá về di sản Hồ Chí Minh thông qua các kênh truyền thông của Khu Di tích: trang thông tin điện tử (website), kiot điện tử.

Thứ hai, hỗ trợ thuyết minh cho khách tham quan bằng thiết bị thuyết minh tự động (Audio Guide) theo chuẩn quốc tế với 6 ngôn ngữ tiếng bản địa: Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn, Tây Ban Nha.

Thứ ba, chuẩn hóa nội dung thuyết minh về di tích.

Thứ tư, phát triển, hoàn thiện hạ tầng mạng như hệ thống mạng nội bộ, hệ thống camera giám sát.

Thứ năm, bán và soát vé sử dụng công nghệ với hệ thống vé điện tử cho khách tham quan. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy trình bán, soát vé tại Khu Di tích. Tự động thống kê, phân tích và dự báo lưu lượng, chủng loại khách tham quan, để di tích có phương án quản lý và điều chỉnh dịch vụ phù hợp cho từng thời điểm. Tự động và tối ưu hóa quy trình vận hành, làm giảm sai sót của người bán, soát vé.

Mặc dù đã có một số hoặt động triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn liền với phát triển du lịch thông minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch còn có nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể là:

Một là, chưa triển khai quét mã QR code cho các di tích, cung cấp thông tin cho khách tham quan trong nước và quốc tế.

Hai là, hình thành và phát triển nhiều phần mềm, tiện ích thông minh trong du lịch như hệ thống thuyết minh tự động (quét mã có thể nghe được các thông tin liên quan đến di tích, tài liệu hiện vật), hệ thống quản lý nội dung.

Ba là, chưa tích hợp bán vé online cho du khách để mua vé trên Apps mobile hoặc trang thông tin điện tử kết nối Internet mọi lúc, mọi nơi.

Bốn là, cho đến nay, Khu Di tích vẫn chưa thực hiện được phần mềm tham quan 3600, số hóa 3D các di tích, tài liệu hiện vật, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu để làm cơ sở cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích.

Năm là, chưa đa dạng trong việc sử dụng công nghệ hay ứng dụng cung cấp cho khách tham quan thông tin tư liệu chuyên sâu, đầy đủ và khoa học về Khu Di tích nói riêng và cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách, có giá trị rất cao bổ sung cho công tác nghiên cứu, giáo dục, quảng bá và phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước ngoài trang thông tin điện tử.

Sáu là, Khu Di tích chưa có hệ thống sản phẩm, dịch vụ thông tin, tuyên truyền, thuyết minh phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước đồng bộ và hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan trong kỷ nguyên thông tin cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, đặc biệt là thu hút thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên) đến học tập và nghiên cứu. Đây chính là cơ sở để thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế đến thăm Khu Di tích không chỉ một lần và sẽ có nhu cầu quay lại để sử dụng và trải nghiệm các sản phẩm công nghệ mới, dịch vụ cập nhật hiện đại của Khu Di tích.

Có thể nói, những giá trị, tiềm năng của Khu Di tích chưa được khai thác hiệu quả, đặc biệt là tình trạng quá tải khách tham quan vào những thời điểm nhất định trong năm ảnh hưởng đến việc bảo tồn các hạng mục của di tích. Vì vậy, việc kịp thời chuyển đổi số và sử dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại có thể thu hút khách tham quan vào nhiều thời điểm khác nhau, không nhất thiết tập trung quá đông vào một số thời gian trong năm như: sinh nhật Bác, mùng 2/9, dịp nghỉ hè, ... Để làm được điều này, trước hết, Khu Di tích cần ưu tiên thực hiện các công việc sau:

-              Xây dựng và nâng cấp toàn bộ hệ thông trang thông tin điện tử (website) với hệ thống đủ mạnh để tích hợp nhiều tính năng hiện đại như: phần mềm tham quan 3600, trưng bày online, liên kết với hệ thống quét mã QR, liên kết với hệ thống thông tin thư viện,.

-              Xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D cho toàn bộ các di tích và tài liệu, hiện vật trong Khu Di tích. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu số được xây dựng theo hướng nền tảng mở, ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa (công nghệ số hóa quét Laser 3D, không ảnh, thực tế ảo AR/VR...) và công nghệ 4.0 (điện toán đám mây, thông minh nhân tạo AI, Big Data.) cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu số, phục vụ các nhiệm vụ chung của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch. Từ sản phẩm đã được số hóa, di sản Hồ Chí Minh sẽ được đưa đến cộng đồng, các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước dễ dàng hơn, từ đó góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam, tạo ra các dịch vụ có giá trị gia tăng để bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững chính di sản về Người. Công nghệ quét và in 3D được sử dụng để phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau từ trưng bày, nghiên cứu, hay bán hàng lưu niệm. Cụ thể là: Xây dựng dữ liệu số scan 2D (bản in, ảnh tư liệu); Số hóa 3D (các nhà di tích, các tài liệu, hiện vật.v.v...); Số hóa 3D chi tiết không gian toàn bộ Khu Di tích Phủ Chủ tịch.

- Xây dựng hệ thống phần mềm thư viện số lưu trữ, quản lý và khai thác dữ liệu; Phần mềm ứng dụng phục vụ tra cứu, giáo dục di sản và phục vụ khách tham quan trên máy tính cá nhân, ki ốt tra cứu thông tin và điện thoại thông minh.

- Xây dựng hạ tầng thiết bị: Thiết bị máy chủ, máy trạm, Ki ốt tra cứu thông tin, Kính thực tế ảo (VR)...

- Xây dựng hệ thống hỗ trợ thuyết minh qua công nghệ giao tiếp không dây được thiết kế nhằm hỗ trợ việc giao tiếp giữa hướng dẫn viên và tất cả khách tham quan trong đoàn thông qua các thiết bị thu, phát không dây. Hệ thống thiết bị thu, phát được tùy chỉnh hoạt động cùng lúc nhiều kênh truyền kỹ thuật số khác nhau để có thể phục vụ cùng lúc nhiều đoàn khách tham quan. Tránh việc thuyết minh đoàn trước đây thường gây sự ồn ào, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Tạo nên môi trường tham quan văn minh, thanh lịch.

Hiện nay, việc chuyển đổi số, sử dụng công nghệ thông tin sẽ giúp Khu Di tích thực hiện những chức năng của mình dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Khu Di tích vẫn chưa được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong luật Di sản văn hóa, theo đó, vẫn chưa có những quy định cụ thể về đầu tư công cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng. Trên thực tế, các di tích không có đủ kinh phí để ứng dụng công nghệ, đặc biệt là những công nghệ hiện đại. Vì vậy, việc kêu gọi sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác bên ngoài là xu hướng tất yếu để Khu Di tích có thể thực hiện được chức năng của mình. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có quy định, cơ chế, chính sách hợp tác công - tư và cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp đầu tư với Khu Di tích thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa. Vì vậy, trong tương lai, Khu Di tích rất cần nghiên cứu, phối hợp xây dựng các dự án xã hội hóa để xây dựng mô hình hợp tác có hiệu quả và mang tính bền vững để phát huy lâu dài giá trị di sản quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)