slider

Một vài suy nghĩ về việc xây dựng chương trình giáo dục di sản tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

08 Tháng 06 Năm 2023 / 702 lượt xem

ThS. Cù Thị Minh

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Trong khuôn khổ thực hiện đề tài cấp khoa học cấp Bộ “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”, Ban Chủ nhiệm đề tài cùng cố vấn khoa học Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý đã đi khảo sát thực tế chương trình giáo dục di sản và việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động giáo dục di sản cho học sinh tại một số bảo tàng, di tích ở một số tỉnh, thành phố miền Trung (Hội An, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế) và miền Bắc (Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thái Bình). Thông qua đó, Nhóm đề tài đã thu nhận được những trải nghiệm hữu ích.

Trước hết là chương trình giáo dục di sản tại các bảo tàng và di tích. Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục di sản góp phần nâng cao tri thức, kỹ năng sống và vui chơi giải trí đối với công chúng, các bảo tàng, di tích rất coi trọng xây dựng các chương trình giáo dục di sản. Trên cơ sở Hướng dẫn số 73-HD/BGDĐT-BVHTTDL của Bộ Giáo dục, Đào tạo và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 16/01/2013 về “Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên”, Ban Giám đốc các bảo tàng và Ban quản lý Trung tâm bảo tồn các di tích đã chủ động, tích cực phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của địa phương xây dựng chương trình giáo dục di sản cho học sinh. Một trong những bộ tài liệu giáo dục di sản đáng chú ý là “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An” của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.

Từ năm 2014, với sự tham gia của Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng Giáo dục Đào tạo và các trường học trên địa bàn, và tư vấn chuyên môn từ Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã dày công xây dựng bộ tài liệu “Giáo dục di sản trong học đường ở Hội An”. Bộ tài liệu dày 160 trang, nội dung được thiết kế hai phần chính: Phần 1 giới thiệu chung về bộ tài liệu, phần 2 giới thiệu về 10 chủ đề học tập dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Ngoài bộ tài liệu bằng chữ viết còn có tài liệu trực quan như video clip, hình ảnh, trò chơi, câu hỏi sinh động nhằm kích thích trí tò mò, tìm hiểu kiến thức, khám phá, trải nghiệm di sản. Đặc biệt, còn có bộ tài liệu tiếng Anh về di sản. Bởi, di sản Hội An thu hút lượng khách quốc tế đến tham quan rất lớn, lên tới hàng triệu người mỗi năm, nên việc gọi tên di sản bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh không chỉ giúp học sinh có thêm kiến thức ngoại ngữ mà còn góp phần thuận lợi cho công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn di sản. Theo bà Lê Thị Tuấn (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An), sản phẩm của đề án là công cụ để hướng dẫn dạy học về di sản và tổ chức các hoạt động thử nghiệm, đồng thời hỗ trợ những người đang làm việc liên quan đến công tác quản lý di sản nắm được phương pháp kết nối giữa nhà trường với hoạt động giáo dục di sản ở Hội An.

Thầy giáo Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hội An cho biết: Nội dung bộ tài liệu giới thiệu về những loại hình di tích thực tế tại địa phương, được biên soạn bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, giúp giáo viên dễ tiếp cận đồng thời kích thích sự tìm hiểu của học sinh. Bộ tài liệu đã được thành phố phê duyệt và chính thức đưa vào giảng dạy cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn từ năm học 2021-2022. Hiện nay, Hội An đang tiếp tục biên soạn tài liệu giáo dục di sản trong học đường cho học sinh THCS và THPT. Đây được xem là một trong những phương pháp hữu ích, góp phần giáo dục tình yêu quê hương và các giá trị di sản địa phương cho học sinh.

Trong thời gian khảo sát tại Hội An, nhóm đề tài trực tiếp tham dự chương trình giáo dục di sản cho học sinh lớp 1A của Trường Tiểu học Phù Đổng. Nội dung giáo dục di sản về chủ đề Chùa Cầu (một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, biểu tượng của Hội An). Thời lượng học 3 tiết: Tiết 1, trước khi tham quan, tại lớp các em được cô giáo giới thiệu sơ lược về Chùa Cầu. Tiết 2, tìm hiểu trải nghiệm thực địa, học sinh được tham quan, trải nghiệm tại Chùa Cầu. Các em được cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An giới thiệu nguồn gốc xuất xứ, ý nghĩa về Chùa Cầu và giải thích về các linh vật được thờ cúng ở đó. Trước khi kết thúc buổi tham quan, hướng dẫn viên kiểm tra kiến thức bằng cách đặt một số câu hỏi tương tác với học sinh và cuối cùng, các em được tham gia hoạt động lắp ghép tranh vẽ Chùa Cầu. Tiết 3, sau khi tham quan, các em trở về trường, cô giáo củng cố kiến thức bằng phương pháp cho xem 1 đoạn video clip về Chùa Cầu, mời từng cặp học sinh lên hỏi - đáp về Chùa Cầu và cuối cùng là hoạt động tô màu tranh vẽ Chùa Cầu. Trong thời gian 20 phút học sinh tô tranh vẽ Chùa Cầu, đánh giá và trao phần thưởng. Qua việc dự giờ giáo dục di sản cho học sinh lớp 1A trường Tiểu học Phù Đổng cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Trung tâm Bảo tồn, cùng phương pháp dạy của giáo viên, tài liệu, phim ảnh của bộ tài liệu khá phù hợp, rõ ràng và cập nhật. Học sinh rất hứng thú, say mê.

Ngoài Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã xây dựng bộ “Tài liệu giáo dục địa phương thành phố Đà Nẵng”. Ông Huỳnh Đinh Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: từ năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương dành cho lớp 3 và lớp 7. Bộ tài liệu nhằm trang bị cho học sinh hiểu biết phù hợp với lứa tuổi về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương, kinh tế, môi trường - những nội dung mà chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và sách giáo khoa chung của cả nước không đề cập đến. Điều này sẽ giúp học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, những giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của địa phương, từ đó bồi dưỡng những giá trị nhân văn, lòng yêu quê hương đất nước.

Nội dung chương trình cho mỗi khối gồm 6-7 chủ đề (bài học), với thời lượng 1 chủ đề/4 tiết, 1 tiết/tuần. Mỗi chủ đề được xây dựng theo cấu trúc thống nhất và đảm bảo tính logic giữa các hoạt động: Mở đầu-Kiến thức mới- Luyện tập-Vận dụng. Với cấu trúc này, các em sẽ thực hiện các hoạt động dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cán bộ bảo tàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Theo ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Đà Nẵng, việc đưa văn hóa, lịch sử của địa phương vào sách là chủ trương đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ sở để các trường học tích cực hơn nữa trong việc đưa học sinh đến với bảo tàng. Về phía Bảo tàng, sẽ tiếp tục phối hợp xây dựng bộ tài liệu, chủ đề phù hợp cho từng độ tuổi, cấp học, đặc biệt là bậc mầm non, tiểu học.

Khác với bộ tài liệu của hai đơn vị nêu trên, Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (Cao Phong, Hòa Bình) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình xây dựng Đề cương và tập Bài giảng chi tiết “Chương trình giáo dục kỹ năng sống trên cơ sở phát huy di sản các nhà khoa học Việt Nam”. Bộ tài liệu gồm 6 cuốn tương ứng với 3 cấp (tiểu học, THCS và THPT). Với hơn 100 chủ đề thuộc các lĩnh vực (y học, sinh học, vật lý, hóa học, toán học, văn học, âm nhạc...), học sinh và sinh viên có thể học tập giá trị sống của các nhà khoa học thông qua các bài giảng của bộ giáo trình được xây dựng từ hàng triệu di sản của hàng nghìn nhà khoa học Việt Nam qua các thời kỳ. Mỗi chủ đề được xây dựng đề cương bài giảng chi tiết. Trên cơ sở đó, cán bộ giáo dục có thể triển khai các hoạt động giáo dục di sản đáp ứng yêu cầu của công chúng.

Ngoài ba đơn vị xây dựng bộ tài liệu giáo dục di sản nêu trên, chúng tôi nhận thấy phần lớn các bảo tàng, di tích cũng đã xây dựng nội dung giáo dục di sản và triển khai các hoạt động trải nghiệm di sản rất hiệu quả như Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học... Những hoạt động giáo dục di sản diễn ra ở đây liên tục, thường xuyên chứ không phải chỉ diễn ra vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm, hay tổ chức khi có sự kiện như một số bảo tàng, di tích hiện nay đang thực hiện (Bảo tàng Thái Bình, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng,.)

Bên cạnh nghiên cứu khảo sát chương trình giáo dục di sản, nhóm đề tài có nhiệm vụ khảo sát việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục di sản tại các bảo tàng, di tích.

Ngày nay hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại các bảo tàng, di tích là một xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong vài năm trở lại đây, những thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích dường như không có khách tham quan. Để hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao, các bảo tàng, di tích đã tích cực tìm hướng đi mới đó là ứng dụng công nghệ thông tin triển khai các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, trong đó có công tác giáo dục di sản. Theo đó, nhiều bảo tàng đã “lột xác”, trở thành các bảo tàng thông minh với mục tiêu thu hút đông đảo khách tham quan như Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nhiều phần trưng bày thực tế như không gian trưng bày, nội dung thuyết minh được số hóa và truyền tải thông tin qua nhiều phương thức ứng dụng công nghệ như thực tế ảo (Virtual Reality - VR), thực tế tăng cường (Augmented Reality - AR), tương tác 3D, video wall, thuyết minh tự động, lưu trữ điện toán đám mây... nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng. Không gian trưng bày được số hóa 3D và đưa lên Internet để công chúng có thể truy cập từ các thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng.và tham quan, tương tác.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D trong hoạt động trưng bày. Công nghệ này không chỉ đem đến cho công chúng những trải nghiệm thú vị, mà còn có khả năng lưu trữ lâu dài, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu ngay cả khi trưng bày đã kết thúc.

Đối với các không gian bảo tàng hay hiện vật tiêu biểu đều có những câu chuyện thuyết minh. Những nội dung này được biên tập, thu âm và đưa vào trong hệ thống thuyết minh tự động, giúp khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu nội dung lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... Hệ thống cũng cho phép tiếp cận tới đa dạng ngôn ngữ, giúp cho khách quốc tế tìm hiểu dễ dàng. Đặc biệt, trong bối cảnh các bảo tàng không thể sắp xếp đủ số lượng hướng dẫn viên với đủ các ngôn ngữ vào cùng một lúc. thì đây thực sự là một giải pháp hữu hiệu, tích cực, phù hợp. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) đã ứng dụng công nghệ này và đem lại hiệu quả rất thiết thực.

Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh là một trong số bảo tàng mới được đầu tư khá bài bản, hầu hết các tầng trưng bày đều được trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại như màn hình trong suốt Transparent LCD, 3D Mapping, Video Wall, màn hình chạm,.đã thu hút công chúng tới tham quan.

Với sự giúp đỡ của chuyên gia Đức, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã vận dụng hình thức trưng bày mới, hiện đại như tương tác không chạm (LeapMotion) - sử dụng thiết bị nhận dạng hoạt động của tay qua đó có thể ứng dụng tương tác trực tiếp cuốn sách ảo để tìm hiểu thông tin, hay tương tác với hiện vật đã được số hóa 3D một cách trực quan; ứng dụng công nghệ Holofan - cánh quạt quay, nhằm tái hiện hình ảnh các triều đại vua, trang phục hoàng đế, hoàng thất nhà Nguyễn, các cổ vật và sách đã gây ấn tượng sâu sắc đối với công chúng.

Công nghệ 3D Mapping được ứng dụng tại một số sự kiện do Trung tâm HĐ VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức. Ứng dụng 3D Mapping đã mang đến trải nghiệm ấn tượng trong một không gian cụ thể gắn liền với không gian văn hóa, lịch sử cũng là một cách tiếp cận mới thu hút người xem.

Ngoài việc sử dụng các công nghệ nêu trên, các bảo tàng, di tích còn ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng các bài giảng trực tuyến để giảng dạy online cho các lớp học cấp 1, 2 về lịch sử, văn hóa, xã hội....Những bài giảng được thiết kế nội dung phong phú, phù hợp với đối tượng, hình thức sinh động. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm . đã thực hiện được hàng trăm bài giảng online cho học sinh Tiểu học và THCS.

Nhìn chung, trong những năm gần đây, các bảo tàng, di tích của Việt Nam đều nỗ lực đổi mới công tác giáo dục di sản, trong đó khá chú trọng ứng dụng công nghệ trong trưng bày và tuyên truyền giáo dục và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn còn là lĩnh vực mới nên trong quá trình thực hiện cũng còn gặp nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy hiệu quả, đôi chỗ còn gây lãng phí trong đầu tư. Đơn cử như ở Bảo tàng Quảng Ninh, theo ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng cho biết, với hệ thống trang thiết bị hiện đại, phong phú song do đường truyền dẫn không đảm bảo, thời tiết ẩm dễ hỏng thiết bị. Do nhiều người tương tác cùng một lúc hoặc để đồ dùng lên trên màn hình chạm (Touch Screen) nên thiết bị bị nhiễu, không hoạt động được. Hơn nữa công nghệ thông tin luôn phát triển, các thiết bị phải luôn được nâng cấp phù hợp với công nghệ mới. Để thay thế các thiết bị điện tử cũng như soạn thảo chương trình giáo dục di sản phù hợp với công nghệ mới cũng rất tốn kém. Thực tế ở Bảo tàng Quảng Ninh hiện tại, thiết bị công nghệ bị hỏng nhiều và một số công nghệ chưa được nâng cấp vì không có kinh phí và nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ mới còn hạn chế.

Thông qua khảo sát thực tế hoạt động giáo dục di sản tại một số bảo tàng, di tích tại miền Trung và miền Bắc, chúng tôi rút ra một số nhận xét như sau:

1.            Các đơn vị đã rất quan tâm tới xây dựng các bộ tài liệu giáo dục di sản/chương trình hoạt động giáo dục trải nghiệm và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ.

2.            Để xây dựng được bộ tài liệu giáo dục di sản, các đơn vị đã phải nghiên cứu kỹ tiềm năng giáo dục di sản, nhu cầu và nhiệm vụ của các bên liên quan. Chủ động đặt vấn đề và thuyết phục để đạt được sự đồng thuận của ngành giáo dục, sự ủng hộ của các cấp quản lý. Hay nói cách khác, bộ tài liệu giáo dục di sản được tích hợp tài liệu, hiện vật bảo tàng, di tích/di sản của địa phương và chương trình giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo. Các bộ tài liệu giáo dục di sản trong học đường tại các tỉnh, thành phố được phê duyệt (Hội An, Đà Nẵng, Hòa Bình.) và được ứng dụng giảng dạy chính thức tại trường địa phương. Qua đó góp phần chứng minh tầm nhìn chiến lược trong mục tiêu phát triển bền vững của Đảng và Nhà nước ta, phù hợp với Công ước UNESCO là triển khai các hình thức giáo dục di sản chính thức và phi chính thức.

3.            Bảo tàng/di tích vừa tổ chức thực hành các chương trình trải nghiệm tại di tích vừa nghiên cứu để xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục di sản. Một số bộ tài liệu dành cho học sinh tiểu học đã được đưa vào sử dụng chính thức trong hệ thống giáo dục toàn thành phố (trường hợp ở Hội An). Hiện nay, đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu giáo dục di sản cho cấp THCS và PTTH. Ưu điểm của phương pháp này là dễ dàng sử dụng online. Hàng năm trên cơ sở trưng bày chuyên đề và nhu cầu thực tế của công chúng, các bảo tàng/di tích xây dựng các chương trình hoạt động giáo dục trải nghiệm phục vụ các đối tượng thanh thiếu niên và gia đình. Ngoài ra còn có các chương trình giáo dục trong các sự kiện thường niên: Tết Nguyên Đán, Tết Quốc tế thiếu nhi 1/6; Tết Trung thu...

4.            Chương trình giáo dục di sản có ứng dụng công nghệ thông tin (Phim, video, các phần mềm công nghệ, thực tế ảo,...), đồng thời kết hợp với các hoạt động trải nghiệm như vẽ, làm thủ công cắt, dán, nặn, in tranh, múa hát dân ca; giao lưu, tương tác với nghệ nhân, các trò chơi dân gian. qua đó giúp cho học sinh nâng cao tri thức và tạo cho các em tính chủ động, sáng tạo, khám phá năng lực và sở thích của bản thân. Bảo tàng/di tích luôn cập nhật theo chương trình và phương pháp giáo dục của ngành giáo dục. Hiện đang theo chương trình đổi mới giáo dục, mục tiêu là học sinh chủ động học tập và giáo dục di sản văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

5.            Thông qua việc xây dựng bộ tài liệu giáo dục di sản, các bảo tàng, di tích nâng cao năng lực nghiên cứu về giáo dục di sản cho đội ngũ cán bộ thực hành chương trình, trong đó có phương pháp làm việc với cộng đồng để nhận diện và phát huy giá trị di sản.

6.            Mặc dù có nhiều khó khăn về tài chính, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt lại có dịch bệnh kéo dài trong hai năm liền nên điều kiện để học sinh trải nghiệm trực quan di sản bị hạn chế rất nhiều nhưng các bảo tàng/di tích và ngành giáo dục đã quyết tâm không để gián đoạn, vẫn thực hiện chương trình một cách linh hoạt và hiệu quả.

7.            Các bảo tàng, di tích đã tập trung đầu tư nâng cấp, xây mới đồng thời tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất dành cho hoạt động giáo dục di sản như phòng trải nghiệm, chiếu phim, trang thiết bị máy chiếu, bàn ghế, học liệu, tủ đồ. tạo ra không gian trải nghiệm gần gũi và lý thú cho hoạt động giáo dục di sản.

8.            Từ những thành công của chương trình giáo dục di sản, nhà trường chủ động hơn trong phối hợp với bảo tàng/ di tích để lựa chọn phương pháp, cách thức giáo dục di sản văn hóa một cách hiệu quả cho học sinh. Theo đó, đem lại hiệu quả tích cực trên phương diện truyền thông cũng như kinh tế đối với bảo tàng/di tích, trường học và cộng đồng. Thúc đẩy và tăng cường ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa trong cộng đồng.

9.            Việc ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chương trình giáo dục di sản là xu hướng tất yếu của các bảo tàng/ di tích hiện đại song để đạt hiệu quả thì việc nghiên cứu, xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ trưng bày phải hết sức thận trọng. Bởi xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ có những yêu cầu đặc thù. Nhằm tạo sự hấp dẫn và thuận tiện cho việc ứng dụng các công nghệ 3D, 4D thì một mặt, các tài liệu, hiện vật được lựa chọn đưa vào làm dữ liệu thông tin giáo dục phải đảm bảo có giá trị về nội dung lịch sử, văn hóa, tính thẩm mỹ, tính chính trị, mặt khác cần phải lựa chọn loại hình và lĩnh vực công nghệ phù hợp, đồng thời cần tập trung vào vai trò của công nghệ nhằm làm tăng giá trị, hấp dẫn hiện vật gốc.

10.          Việc nghiên cứu, xây dựng và sử dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ giáo dục di sản còn phụ thuộc vào yếu tố con người. Muốn xây dựng được chương trình ứng dụng công nghệ đảm bảo chất lượng thì cần phải có nhân lực vừa có trình độ chuyên môn vừa có hiểu biết cơ bản về ứng dụng kỹ thuật/ công nghệ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu như vậy ở các bảo tàng/di tích là rất hiếm. Bảo tàng/di tích cần phải có kế hoạch nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ trong việc soạn thảo chương trình, vận hành và bảo dưỡng thiết bị công nghệ.

Trên đây là một số nhận xét rút ra từ việc khảo sát thực tế hoạt động giáo dục di sản tại một số bảo tàng/di tích ở miền Trung và miền Bắc. Theo đó, Nhóm đề tài cần đi sâu nghiên cứu và đề xuất giải pháp “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”, góp phần thực hiện thắng lợi Quyết định số 1632/QĐ-BVHTTDL ngày 15/7/2022 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 05/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022-2030”./.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)