slider
Phát triển kinh tế số

Nâng cao công tác phát huy giá trị Khu Di tích Phủ Chủ tịch trong thời kỳ hội nhập quốc tế

29 Tháng 06 Năm 2024 / 71 lượt xem

Ths. Cù Thị Minh

 Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chủ tịch Hồ Chí Minh- vị lãnh tụ kính yêu, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, để lại cho dân tộc ta một “kho tàng” di sản văn hoá vô cùng phong phú và quý giá đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hệ thống di tích lưu niệm cùng hàng chục ngàn các di vật về Người hiện hữu ở 35 tỉnh thành Việt Nam[1] và khắp các châu lục trên thế giới (Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ...). Một trong những di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của quốc gia, có tầm cỡ quốc tế  đó là Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt Khu di tích)- nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (1954-1969). Nơi đây là một quần thể di tích về Người bao gồm 15 di tích bất động sản, hơn 1700 di tích động sản cùng cảnh quan môi trường vườn cây, ao cá. Có thể nói, đây là một trong số ít di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giữ được tương đối nguyên gốc. Những di sản vật thể và phi vật thể lưu giữ nơi đây là bằng chứng chân thực, sinh động về vị lãnh tụ đã cống hiến hết mình vì nền độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, vì nền hòa bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới và là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đúng như Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: “Đây là một di tích  văn hóa đặc biệt quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nước nhà, đây là tài sản văn hóa vô giá của dân tộc ta và có ý nghĩa rất to lớn đối với quốc tế. Những gì Bác Hồ để lại phản ánh sự nghiệp cách mạng vĩ đại của một con người trọn cuộc đời vì nước, vì dân, vì sự đoàn kết quốc tế, biểu thị nhân cách một nhà văn hóa lớn việt Nam[2]

Với tấm lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt của Khu Di tích, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định gìn giữ tất cả các di tích cùng với những tài liệu, hiện vật lưu niệm về Người một cách tốt nhất, để đồng bào trong nước và bè bạn quốc tế đến viếng thăm chiêm ngưỡng nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Nghị quyết số 206/NQ-TW, ngày 25/11/1970 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tại điều 2 ghi rõ: “Bảo quản tốt nhất khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Với những giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa đặc biệt Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được xếp hạng Di tích quốc gia ngày 15 tháng 5 năm 1975, theo Quyết định số 38b-VH/QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hoá và là Khu Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên, theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Trải qua 55 năm phát huy giá trị, Khu Di tích đã đón tiếp và phục vụ chu đáo gần 90 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến từ 160 quốc gia trên thế giới với hàng trăm đoàn nguyên thủ quốc tế.Khu Di tích vừa là chủ thể văn hóa vừa là đối tượng và phương tiện thực hiện các hoạt động ngoại giao văn hóa. Đây là một trong những “kênh” tạo nên "sức mạnh mềm" góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bè bạn quốc tế thông qua tuyên truyền tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời Khu Di tích còn là nhịp cầu hữu nghị, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Nhất là từ khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và phát động “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân, Khu Di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “một trường học lớn” cho các tổ chức, đoàn thể, quần chúng đến nghiên cứu, học tập hưởng ứng các cuộc vận động. Công tác tuyên truyền lan tỏa giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng được đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, các hoạt động phong phú đem lại hiệu quả thiết thực.

(1)Công tác trưng bày di tích, triển lãm: Một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách thăm quan, chạm tới trái tim của du khách đó là công tác khôi phục trưng bày, giữ nguyên trạng di tích. Vì vậy, Khu di tích đã tiến hành khôi phục lần lượt nội thất các nhà di tích và mở cửa đón khách thăm quan: Nhà sàn (trưng bày năm 1969, chính lý lại trưng bày năm 1977 và 2023); Nhà 54 (trưng bày năm 1996); Gara  ôtô ( năm 1996); Bếp A – nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng (năm 2009); Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì họp Bộ chính trị và tiếp khách (năm 2010), phòng trưng bày thiết bị y tế phục vụ chữa bệnh cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày cuối đời( năm 2009), bảo tồn nguồn cá trong ao và thảm thực vật....Mỗi di tích, tài liệu hiện vật chứa đựng những nội dung lịch sử khác nhau, song đều là bằng chứng chân thực, sinh động về chiều sâu tư tưởng, phong cách sống giản dị và tinh thần cống hiến không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam và tình đoàn kết hoà bình, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới  của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh trưng bày khôi phục nguyên trạng di tích, Khu Di tích còn thực hiện các cuộc triển lãm chuyên đề trong và ngoài Khu Di tích với đa dạng chủ đề như“Chủ tịch Hồ Chí Minh – Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh-Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam”, Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn năm 1954-1969”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tết cổ truyền dân tộc”, “Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc, đồng bào Tây Bắc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,...Đặc biệt, thực hiện “Chiến lược ngoại giao văn hoá”[3]của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành với mục tiêu quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc lan tỏa các giá trị, tư tưởng, quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, Khu Di tích đã thực hiện thành công nhiều triển lãm chuyên đề tại nước ngoài (Nga, Pháp, Chi lê, Bỉ, Sirilanca...) với các chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Danh nhân văn hóa”,  “Hồ Chí Minh với phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp”, “ Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”... Với 90 cuộc triển lãm chuyên đề trong và ngoài nước đã góp phần lan tỏa một cách sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(2) Công tác tuyên truyền, giáo dục: Khách tham quan khu Di tích vừa đông về số lượng (hàng ngàn người mỗi ngày), đa dạng về thành phần (từ chính khách, nguyên thủ quốc gia đến người dân thường), phong phú về đối tượng (công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang…) nhưng thế hệ cán bộ Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã phục vụ tận tình,chu đáo các cơ quan, đơn vị tập thể và cá nhân trong nước, kiều bào và khách quốc tế tới tham quan, nghiên cứu, học tập về tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi năm đón hơn 2,7 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Riêng về số lượng đoàn sinh hoạt chính trị, nghiên cứu, học tập về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phục vụ cho sinh hoạt kiểm điểm và viết thu hoạch của các cấp uỷ Đảng ngày càng tăng.

Hình ảnh chân thực, sinh động về tấm gương đạo đức sáng ngời, lối sống, tác phong mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các cán bộ Khu Di tích thông qua chất giọng truyền cảm giới thiệu lồng ghép với những câu chuyện kể cùng các thước phim tư liệu (“Những giây phút cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1954-1969”; “15 năm ấy nơi này”)...thực sự đã gây xúc động cho du khách, đúng như nhận xét của đại diện Liên Hiệp quốc tại Việt Nam: “không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một Con Người đã trở thành huyền thoại ngay cả trong cuộc sống đời thường của mình”. Hàng ngàn trang cảm tưởng được viết lên bày tỏ lòng mến mộ, kính phục tấm gương đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư’’ từ đó thể hiện sự quyết tâm học tập theo tấm gương đạo đức của Người và mong muốn thắt chặt thêm mối tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Việt kiều Thái Lan xúc động khi thấy chiếc đài kiều bào tặng Bác: “được xem nơi Bác làm và ngôi nhà sàn Bác ở và được nhìn thấy chiếc đài nhỏ bé của kiều bào kính tặng Bác còn để trên bàn trong phòng ngủ của Bác. Điều đó chẳng những làm cho đoàn chúng tôi rất phấn khởi tự hào mà căn bản là quyết tâm nhắc nhở mọi người tích cực hoà mình cùng đồng bào cả nước góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa thân yêu đúng lời Di chúc Bác để lại và xứng đáng là việt kiều Thái lan nơi Bác đã đi qua và để lại dấu chân của Bác[4]. Trần Chí Thành- tín hữu đạo Cao Đài thành phố Hồ Chí Minh biết ơn Bác có những chính sách đúng đắn đối với tôn giáo: “được vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vào Lăng viếng Người, chúng tôi như được sống lại bên cạnh vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi nhớ lại sự ưu ái của Người dành cho người có tín ngưỡng, những người đạo Cao Đài thấy được tương lai và ánh sáng của mình trong cách mạng Việt Nam... chúng tôi đã được học lối sống và tư tưởng trong sáng của Người đối với dân tộc, với cuộc sống bình đẳng thương yêu hoà bình thế giới[5]. Tổng Thống Ấn độ Pranal Mukheyee viết:Thật là một khoảnh khắc đáng ghi nhớ khi tôi tới thăm ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến đó từng sống. Tôi rất xúc động trước sự giản dị của chốn cư ngụ khiêm nhường bậc nhất này – nơi vốn được Hồ Chí Minh chọn để sống và làm việc. Tình cảm yêu mến của Người dành cho Ấn Độ luôn được người dân chúng tôi ấp ủ, cũng như vẫn được duy trì ở Việt Nam. Tôi chân thành chúc cho tình hữu nghị và mối quan hệ anh em lâu đời giữa Ấn Độ và Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh lên trong những năm sắp tới.”[6] (2014). Tổng Thống Nga Vladimir Putin bày tỏ: " Vô cùng thú vị khi được biết về cuộc sống của người thầy vĩ đại của Việt Nam, của một vĩ nhân mà tên tuổi đã được lưu danh trong lịch sử nhân loại. Tôi kính chúc nhân dân Việt Nam có một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc và phồn vinh"[7] (2001). Thủ tướng nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Lý Bằng cảm tác hai câu thơ: “Một sự nghiệp vĩ đại; Một cuộc đời vinh quang[8] (1992).Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kay Sỏn Phom Vi Hản xúc động bày tỏ: “Viếng thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi càng thấm thía sâu sắc rằng: Bác Hồ thật sự là một lãnh tụ vĩ đại. Sự vĩ đại đó không chỉ được khẳng định bằng sự nghiệp cách mạng cao cả của Người mà còn được minh chứng qua lối sống thanh bạch, giản dị. Đây là một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư mà tất cả các nhà cách mạng Lào chúng tôi đều noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp cách mạng và tình đoàn kết đặc biệt của hai dân tộc Lào – Việt[9] (1990). Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Nancy Pelosi đã khẳng định: “Chúng tôi rất cảm kích vì có cơ hội thăm Ngôi nhà sàn của Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về Lãnh tụ, tính kỷ luật, triết lý sống và quyết tâm của Người dành cho nhân dân Việt Nam.Khoảng đầu những năm 1950, Hồ Chí Minh đã đề xuất với Tổng thống chúng tôi về việc thiết lập quan hệ Việt - Mỹ. Tầm nhìn của Người đang trở thành hiện thực.[10] (2015). Sự thực tình hữu nghị ấy  ngày càng đơm hoa kết trái bằng những Hiệp định thương mại, hoạt động ngoại giao nhân dân và đặc biệt là các cuộc viếng thăm cấp nhà nước của nguyên thủ quốc gia. Tới thăm Nhà Sàn các vị Tổng Thống Mỹ như Bil Clinton, Barak Obama đều để lại những dòng cảm xúc chân thành: “Chúc cho tình hữu nghị hai dân tộc ngày càng nồng ấm” (2016)[11]. Tất cả những dòng cảm xúc này được lưu giữ và dày lên theo tháng năm, được sẻ chia hàng ngày trên trang thông tin điện tử của Khu Di tích.

Thông qua dòng cảm xúc của khách thăm quan trong và ngoài nước không thể phủ nhận giá trị lịch sử, văn hoá vô giá của Khu Di tích. Các di tích bất động sản cùng với những di vật ẩn chứa trong đó có sức cảm hoá kỳ diệu, đưa những con người không cùng giai cấp, dân tộc, quốc gia,...xích lại gần nhau và cùng chung một ước vọng về thế giới đại đồng. Khu Di tích thực sự là nơi hội tụ của nhân dân Việt Nam, kiều bào và bạn bè trên thế giới và Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hướng dẫn viên du lịch, Khu Di tích đã phối hợp với Sở Du Lịch Hà Nội tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu Di tích cho hàng trăm hướng dẫn viên du lịch thuộc các công ty lữ hành tại Hà Nội của 20 tỉnh, thành phố trong cả nước (năm 2007). Bên cạnh đó, Khu Di tích còn tổ chức Hội thi “Hướng dẫn viên du lịch tại điểm – Khu di tích Phủ Chủ tịch” (năm 2011, 2017, 2024) với sự tham gia hàng trăm sinh viên khoa du lịch của các trường cao đẳng và đại học trên địa bàn Hà Nội. Thông qua Hội thi Hướng dẫn viên du lịch tại điểm, các thí sinh-hướng dẫn viên du lịch tương lai được bồi dưỡng kiến thức về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nội dung lịch sử Khu Di tích và rèn luyện kỹ năng thuyết trình, góp phần hỗ trợ tích cực Khu Di tích lan tỏa sâu rộng giá trị di sản Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, hàng năm Khu Di tích phối hợp với Trung tâm giáo dục truyền thống và lịch sử, các tổ chức, các đơn vị, nhà trường tổ chức lễ báo công, lễ kết nạp đảng viên mới, lễ phát thẻ đảng viên và giao lưu nhân chứng lịch sử… ngay tại không gian nơi Bác Hồ đã sống và làm việc càng tăng thêm ý nghĩa cho các sự kiện, tác động trực tiếp tới cảm xúc cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên thêm tự hào và kính yêu Bác Hồ.

(3) Công tác xuất bản các ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được Khu Di tích rất quan tâm. Từ năm 2007, Khu Di tích đã triển khai biên tập, xuất bản nội san “Thông tin tư liệu” và mỗi năm 02 số. Ngoài ra, trung bình mỗi năm đơn vị xuất bản 05 đầu sách tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có những cuốn sách có giá trị sâu sắc như: “Hồ Chí Minh- biểu tượng của thời đại”, “5 bảo vật quốc gia”, “Hồ Chí Minh-79 mùa xuân”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an Nhân dân Việt Nam’’. “Tiểu sự sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Giới thiệu nơi ở và làm việc Khu di tích Phủ Chủ tịch”, “Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giai đoạn 1954-1969”, “Tài liệu tuyệt đối bí mật”...  Nhiều ấn phẩm được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc để tuyên tuyền và làm tặng phẩm dành cho các đoàn chính khách quốc tế, đặc biệt cung cấp cho Đại sứ quán Việt Nam tại các nước làm “Góc Việt Nam” hoặc “Không gian Việt Nam - Hồ Chí Minh”; đồng thời Khu Di tích còn tặng sách cho các cơ quan, địa phương và các trường học ở vùng sâu, vùng xa lập “Tủ sách Hồ Chí Minh”.

(4) Công tác thông tin, truyền thông: Trước sự thay đổi của công nghệ 4.0, việc bắt kịp để đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được lãnh đạo Khu Di tích Phủ Chủ tịch quan tâm. Trước kết phải kể đến việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là hình thức truyền thông có sức lan tỏa rộng rãi và khắc phục được hạn chế về khả năng, điều kiện của hình thức tuyên truyền trực tiếp. Khu di tích phối hợp với các báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình Trung ương, Hà Nội, các địa phương xây dựng các chương trình giáo dục từ xa “Mỗi kỷ vật một câu chuyện”, xây dựng các phóng sự tuyên truyền vào các dịp kỷ niệm lớn của dân tộc (ngày tháng lập Đảng 3/2, kỷ niệm chiến thắng miền Nam và ngày lao động quốc tế 30/4, 1/5; ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5, Quốc khánh 2/9...) như phóng sự “Không gian nhân văn Hồ Chí Minh”, “Hồn quê trong vườn Bác”,“Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thể dục Thể thao”, “Bác Hồ tình yêu bao la”, “Nhiệm vụ thiêng liêng và rất đỗi tự hào”, “Bác Hồ với thơ chúc Tết”, “Những kỷ vật của Bác Hồ với nước Nga”, “Xuân quê hương”…Ngoài ra, Khu Di tích còn cung cấp tư liệu và phục vụ hàng trăm Đài truyền hình nước ngoài (Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Ý, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản,Cu Ba, Mexico, …) quay phim tại khu di tích Phủ Chủ tịch tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trang thông tin điện tử được thành lập và luôn được nâng cấp, bổ sung nhiều tiện ích. Nhờ đó, cho đến hôm nay trang thông tin điện tử đã trở thành một trang thông tin thân thiết với độc giả, luôn nhận được sự quan tâm của bạn đọc gần xa, lượng truy cập ngày càng tăng cao, trung bình hàng năm lượng độc giả gần 2 triệu lượt truy cập. Tính đến thời điểm 04/6/2024 website có 20.792.727 lượt truy cập. Đăng tải thông tin về Khu di tích trên website du lịch quốc tế (kayak.com). Bên cạnh đó, Khu Di tích còn tổ chức các cuộc triển lãm và giáo dục di sản trên nền tảng kỹ thuật số (online). Thông qua đó, khách tham quan gần xa dễ dàng tiếp cận được thông tin về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhanh chóng và thuận tiện.

(5) Hoạt động hợp tác quốc tế: Nhằm tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm các nước bạn về quản lý, bảo tồn và phát huy tác dụng di sản văn hóa, Khu Di tích đã tổ chức ký kết hợp tác giao lưu văn hóa với các nước như Trung Quốc (Bảo tàng Mao Trạch Đông, các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu...); với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (Bảo tàng Cay xỏn Phôm vi hản)... Tổ chức các chuyến sưu tầm tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cộng hòa Pháp, Trung quốc. Tổ chức cho cán bộ viên chức thăm quan học tập tại châu Âu, Châu Á, trong đó chú trọng các nước trong cộng đồng ASEAN.

Khu Di tích còn tổ chức lễ trao tặng cây và cá trong vườn cây ao cá Bác Hồ cho các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Thái Lan. Những sự kiện này được tổ chức long trọng trước sự chứng kiến của đại sứ quán Việt Nam, kiều bào và nhân dân, các quan chức địa phương của nước sở tại.

Ghi nhận những kết quả hoạt động và thành tích trong 55 năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng cho tập thể cán bộ, công nhân viên và người lao động của Khu Di tích Phủ Chủ tịch nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Với trách nhiệm, lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, viên chức và người lao động Khu Di tích ngày nay không chỉ tiếp tục nỗ lực hết mình trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn các di vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ cho thế hệ mai sau mà còn phải đổi mới tư duy,nâng cao công tác phát huy giá trị di sản của Người góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Từ khi đất nước tiến hành đổi mới và từng bước hội nhập quốc tế, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động là không thay đổi mà chuyển sang hình thái mới, phương thức, thủ đoạn mới hết sức tinh vi xảo quyệt. Các thế lực thù địch và phản động lợi dụng Internet, báo điện tử, trang mạng xã hội, các website, các nền tảng công nghệ phổ biến: blog, Facebook, Youtube, Zalo… để tổ chức các chiến dịch phá hoại trên nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực cả lý luận và thực tiễn. Mục tiêu cơ bản của chúng là đả phá, công kích những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội; âm mưu phủ nhận, loại bỏ nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

          Để nâng cao chất lượng công tác phát huy giá trị Khu Di tích đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của nhân dân, đồng thời góp phần đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Khu Di tích cần lưu ý một số nội dung sau:

(1) Tiếp tục chỉnh lý, bổ sung trưng bày nội thất các di tích nhằm đảm bảo tính nguyên trạng, tái hiện tính chân thực lịch sử vốn có của các di tích.Từ thực tiễn công tác phát huy giá trị ở Khu Di tích Phủ Chủ tịch, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi cần phải nghiên cứu làm rõ thêm các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các di sản vật thể và phi vật thể gắn liền với Người. Những tài liệu, hiện vật đã, đang và sẽ trưng bày bổ sung cùng kết hợp với các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại trưng bày tại các di tích sẽ góp phần phản ánh trọn vẹn, chân thực và sinh động về những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại khu Phủ Chủ tịch.

Bên cạnh đó, Khu Di tích cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các triển lãm chuyên đề trên nền tảng công nghệ số, sản xuất video 3D giới thiệu về các di tích động sản và bất động sản... Việc tổ chức hoạt động truyền thông trên nền tảng công nghệ số cho phép tiếp cận một lượng lớn người xem trên khắp thế giới. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng ở xa, chưa có điều kiện tới tham quan, học tập tại Khu Di tích song vẫn có thể  tiếp cận và nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh-vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, góp phần quảng bá về đất nước, con người Việt Nam thông qua di sản văn hóa Hồ Chí Minh.

(2) Khu Di tích cần chủ động xây dựng chương trình, hoạt động giáo dục di sản vàphải thực hành thường xuyên nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng đặc biệt là thế hệ trẻ. Chương trình giáo dục di sản nhất thiết phải được xây dựng trên cơ sở tích hợp di sản Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch với chương trình giáo dục của nhà trường, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, các cấp học và đa dạng các môn học (Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Toán học, Sinh học,…) đảm bảo mục tiêu, đáp ứng chuẩn kiến thức, chuẩn kỹ năng cho từng môn học. Để đạt được hiệu quả nêu trên, Khu Di tích cần phải liên kết chặt chẽ với ngành giáo dục và các trường phổ thông để thực hiện mục tiêu này một cách bền vững.

(3) Khách tham quan Khu Di tích đa dạng về thành phần, quốc tịch, tôn giáo...Vì vậy, cán bộ làm công tác giáo dục di sản không chỉ thường xuyên nâng cao kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ mà còn phải trau dồi đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phù hợp với nội dung môn học, ngành học; khai thác những khía cạnh, nội dung phù hợp với trình độ và nhu cầu tìm hiểu của công chúng. Việc giới thiệu không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ ra hiện vật này là “cái gì”, mà phải lý giải “tại sao lại như vậy” và quan trọng hơn là phải nêu được ý nghĩa và liên hệ với thực tiễn đời sống hiện nay.

(4)Khu Di tích cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.Yếu tố đầu tiên quan trọng quyết định việc ứng dụng công nghệ là cơ sở dữ liệu. Vì vậy, Khu Di tích sớm triển khai thường xuyên nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu, số hoá di sản trong đó ưu tiên tư liệu, hình ảnh cho giáo dục di sản và truyền thông. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản Hồ Chí Minh phải phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của Khu Di tích để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản Hồ Chí Minh trong không gian số. Tuy nhiên, cần phải lưu ý vấn đề bảo mật thông tin về di sản Hồ Chí Minh khi đã được số hóa.

(5) Để thực hiện hiệu quả những ứng dụng công nghệ trong công tác phát huy giá trị nêu trên, Khu Di tích, một mặt cần từng bước nâng cấp trang thông tin điện tử (tốc độ, giao diện, tính bảo mật thông tin, dung lượng), mặt khác cần nâng cao nguồn lực cán bộ về công nghệ thông tin và công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm đảm bảo có khả năng vận hành công nghệ và thiết kế xây dựng các chương trình giáo dục, truyền thông di sản Hồ Chí Minh.

(6) Khu Di tích duy trì và phát huy tổ chức Hội thảo, toạ đàm, tham gia đề tài các cấp (cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước) qua đó chia sẻ, học tập các kinh nghiệm từ lý thuyết đến thực tiễn về phương pháp giáo dục truyền thông trong mạng lưới bảo tàng và di tích để học hỏi và vận dụng.

Ngày nay, Khu Di tích Phủ Chủ tịch đã đi vào tiềm thức người dân Việt Nam như một di sản văn hóa quí báu của dân tộc.Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại. Nơi ở và làm việc của Người cũng đi vào huyền thoại, là biểu tượng của phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, là nhịp cầu hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thông qua công tác phát huy giá trị di sản đã góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến, xây dựng đất nước phồn vinh như Bác hằng mong ước./.


[1] Chủ tịch Hồ Chí Minh- từ Nhà sàn Việt Bắc đến Nhà sàn Hà Nội, NXB Thông tin và Truyền thông, H.2018, tr.3

[2] Sổ ghi cảm tưởng khách tham quan Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

[3]Quyết định 208/QĐ-TTg, ngày 14/2/2011 về “Chiến lược ngoại giao văn hoá đến năm 2020” và Quyết định 2013/QĐ-TTg, ngày 30/11/2021 về “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030” .

[4] Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb CTQG, H.1998, tr.70

[5] Hồ Chí Minh sống mãi với dân tộc Việt Nam và bầu bạn quốc tế, NxbQĐND, HN. 2004, tr.77

[6] Sổ Ghi cảm tưởng khách thăm quan năm 2014(Khu di tích Phủ Chủ tịch)

[7] Sổ Ghi cảm tưởng khách thăm quan năm 2012(Khu di tích Phủ Chủ tịch)

[8] Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, Nxb CTQG, H.1998, tr.25

[9] Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, tr29

[10] Hồ Chí Minh gương sáng đời đời, tr26

[11] Sổ Ghi cảm tưởng khách thăm quan năm 2014(Khu di tích Phủ Chủ tịch)

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)