Ngôi nhà sàn trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch - vẻ đẹp về cuộc sống giản dị, gần gũi với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh
ThS. Mai Lệ Huyền
Phòng Bảo quản, Môi trường Di tích
Ai đã một lần đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954-1969) đều dừng chân lắng lại trước vẻ đẹp mộc mạc, đơn sơ, giản dị, gần gũi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của ngôi Nhà sàn - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ 17/5/1958 - 17/8/1969.
Những năm tháng trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí giúp việc phải di chuyển qua nhiều địa điểm để bảo đảm an toàn, bí mật. Bác cùng các đồng chí giúp việc chỉ dựng tạm những căn lán nhỏ vừa đủ ở, dưới tán cây cao, gần sông, suối... Và cứ thế những túp lều - “ngôi nhà” được dựng từ tre, nứa, lá đã gắn bó với Bác trong suốt hành trình kháng chiến gian khổ ở chiến khu Việt Bắc. Ngôi nhà sàn đầu tiên Bác ở là Lán Khuổi Nặm (Pác Bó, Cao Bằng) được dựng theo kiểu nhà của người dân tộc Tày tỉnh Cao Bằng, tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng là nơi nuôi dưỡng những ý chí lớn lao, nơi Bác đã triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng, nơi tổ chức “Việt Nam độc lập đồng minh” (gọi tắt là Việt Minh) và tờ báo Việt Nam Độc Lập, cơ quan ngôn luận chính thức của Mặt trận Việt Minh ra đời. Đến năm 1945, Bác rời Pác Bó về Tân Trào, Tuyên Quang. Tại đây, Lán Nà Nưa (Nà Lừa) được Bác chỉ đạo cán bộ địa phương xây dựng với tiêu chí riêng thuận lợi cho quá trình hoạt động cách mạng. Cũng tại đây, Bác đã đưa ra nhiều quyết sách cho cách mạng Việt Nam như thành lập Khu giải phóng bao gồm 6 tỉnh (Cao Bằng- Bắc Kạn- Lạng Sơn- Hà Giang- Tuyên Quang- Thái Nguyên); thống nhất các lực lượng vũ trang, lấy tên chung là Quân giải phóng; triệu tập Hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác... Khi về ATK Định Hóa (Thái Nguyên) cùng Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác cũng đã lựa chọn và xây dựng nhà sàn ở các địa điểm Khau Tý, Tỉn Keo, Khuôn Tát đảm bảo đáp ứng các tiêu chí giữ bí mật và dân vận tốt... Tuy mỗi ngôi nhà sàn Bác ở đều được làm theo kiểu ngôi nhà của đồng bào dân tộc miền núi nhưng mỗi ngôi nhà được xây dựng trong hoàn cảnh khác nhau, với những mục đích khác nhau, nhưng đều thể hiện phong cách giản dị, gần gũi với nhân dân và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.
Kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, tháng 10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô Hà Nội. Bác được bố trí ở và làm việc trong Khu Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh Viện Hữu nghị Việt Xô). Khi đó nơi đây cũng là trụ sở của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Phủ Chủ tịch. Tuy cũng đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt và làm việc thường ngày nhưng không đảm bảo để Bác đón tiếp khách và đối ngoại trên cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Sau 2 tháng, Bác được tổ chức bố trí về ở và làm việc trong Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), nhưng Bác đã từ chối và dành Phủ Chủ tịch là nơi để tiếp khách và hội họp. Bác đã chọn một ngôi nhà nhỏ, trước là nơi ở của người công nhân thợ điện từng phục vụ cho toàn quyền để ở và làm việc. Bác về ở từ năm 1954 nên ngôi nhà được đặt tên gọi là Nhà 54. Bác đã ở và làm việc tại đây 4 năm (từ ngày 19/12/1954 - 17/5/1958).
Đầu năm 1958, Bác đi thăm Hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, trên đường về, Bác được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn dọc hai bên đường, gợi nhớ về những ngày tháng Bác đã gắn bó với chiến khu năm xưa. Cũng đã rất nhiều lần các đồng chí trung ương xin phép làm một ngôi nhà riêng để Bác ở và làm việc nhưng Bác đều chối từ. Nhưng lần này, trở về sau chuyến công tác Thái Nguyên, Bác đề xuất nguyện vọng muốn làm một ngôi nhà sàn ở bên kia bờ ao (đối diện Nhà 54 nhìn sang) trong khu vườn Phủ Chủ tịch để ở và làm việc. Bác dặn: Ngôi nhà của Bác làm theo kiểu nhà của bà con dân tộc Việt Bắc, dựng gần bờ ao cho thoáng mát; diện tích nhỏ, vừa đủ để ở, gỗ làm nhà nên sử dụng loại gỗ bình thường. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh, khi ấy là Cục trưởng Cục kiến thiết - Bộ Kiến trúc được giao nhiệm vụ đã tiếp thu những ý tưởng của Bác thiết kế còn các đồng chí trong Đoàn 5, Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần) chịu trách nhiệm thi công.
Ngày 15/4/1958, ngôi nhà sàn được khởi công xây dựng và sau một tháng thi công thì hoàn thành. Nhà có hai tầng, chiều dài 10,5m, rộng 6,2m. Tầng một rộng rãi, thoáng mát, chính giữa có bộ bàn ghế lớn là nơi Bác thường làm việc với Bộ Chính trị, gặp cán bộ đầu ngành đến báo cáo công việc, bàn quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và thỉnh thoảng Bác tiếp thân mật một số đoàn khách trong và ngoài nước. Bác đã rất tâm lý khi cho xây các bệ xi măng xung quanh mặt sàn tầng một, bên trên mặt có lát các ván gỗ để khi nhà Bác đông khách hoặc các cháu thiếu nhi đến vui chơi vẫn có đủ chỗ để ngồi. Tầng 2 có hai phòng, một phòng ngủ và phòng làm việc, có hành lang xung quanh. Giữa hai phòng ở tầng 2 có vách ngăn nhưng Bác cũng yêu cầu tận dụng làm giá sách. Xung quanh ngôi nhà là không gian hài hòa, sinh động: có vườn cây rợp bóng mát, hương thơm của hoa lá với đủ loại khác nhau hội tụ từ những vùng miền xa xôi của đất nước; phía trước nhà sàn là một ao cá, vừa để tăng gia cải thiện đời sống, vừa đảm bảo cảnh quan môi trường. Tất cả hài hòa trong một bức tranh thiên nhiên xinh xắn, yên bình gần gũi và giản dị với mỗi người dân. Ngôi nhà hoàn toàn được thi công bên ngoài sau đó được vận chuyển đưa vào lắp ráp trên nền móng đã được xây dựng xong. Công trình được tiến hành khẩn trương sau một tháng thi công và hoàn thành vào ngày 17/5/1958. Vào đúng dịp sinh nhật 19/5/1958, Bác đã chuyển từ Nhà 54 sang ở và làm việc tại Nhà sàn (nhưng hàng ngày Người vẫn thường đi bộ về Nhà 54 để dùng cơm, sử dụng các phương tiện sinh hoạt cá nhân).
Phải chăng sau những năm tháng rời chiến khu Việt Bắc, Bác vẫn luôn hướng về đồng bào các dân tộc. Những tình cảm, sự sẻ chia khó khăn, gian khổ cùng đồng bào trong những năm kháng chiến để quyết giành lại độc lập cho đất nước, đem lại tự do cho nhân dân vẫn luôn đau đáu trong tim Bác. Sống ở chiến khu, Bác được gần gũi với thiên nhiên, ở trong những ngôi nhà sàn bằng tre nứa của đồng bào dân tộc, ở cùng đồng bào và Người đã quen, đã yêu thích kiến trúc ấy, không gian ấy. Bởi vậy, Người muốn giữa lòng Thủ đô Hà Nội có một ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào các dân tộc, vừa thể hiện tình cảm, niềm tin vào sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân, và đặc biệt Bác muốn gửi gắm sự trân trọng dành cho những hy sinh, cống hiến của đồng bào các dân tộc thiểu số cho cách mạng. Ngay từ tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư biểu dương tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc kháng chiến cứu nước. Người cảm ơn đồng bào và trân trọng hứa: “Đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, Tổ quốc và Chính phủ luôn ghi nhớ những công lao của các đồng bào”(1). Lời Bác hứa, Bác đã thể hiện theo cách riêng: xưa, Bác cùng Trung ương Đảng, Chính phủ được đồng bào chở che, bảo vệ, thì nay Bác được sống trong ngôi nhà quen thuộc, như có sự hiện hữu của núi rừng, của đồng bào các dân tộc luôn bên Bác.
Ngôi nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội là ngôi nhà sàn cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc. Nơi đây đang bảo tồn, gìn giữ và phát huy tác dụng các tài liệu, hiện vật minh chứng sinh động, thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, phong cách giản dị, gần gũi, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng, hạnh phúc của nhân dân. Dễ dàng nhận thấy những đồ dùng của Người trong ngôi nhà sàn là những đồ dùng thiết yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Như nhà thơ Cuba Phê-lích Pi-ta Rô-đri-ghết đã nhận xét: Người chỉ sử dụng cho mình những cái gì tối cần thiết, chứ không phải là bất cứ cái gì cần thiết, mỗi đồ vật trong ngôi nhà sàn đều được sắp xếp rất ngăn nắp, gọn gàng và khoa học. Trên bàn làm việc, vẫn còn những cuốn sách Bác đã và đang đọc trước lúc đi xa. Tuy đọc rất nhiều sách nhưng Người giữ lại không nhiều bởi Bác luôn quan niệm: Sách hay phải đến tay người đọc, mỗi khi đọc thấy cuốn sách hợp với ngành nào Bác thường để riêng và Bác nhắc các đồng chí phụ trách văn phòng gửi cho ngành hoặc các đồng chí phụ trách đầu ngành có liên quan, còn Người chỉ giữ lại những cuốn thật cần thiết, cần nghiên cứu. Những năm tháng ở và làm việc tại Nhà sàn, Người dành phần lớn thời gian và trí tuệ để suy nghĩ về cách mạng miền Nam, cách mạng miền Bắc, về công cuộc xây dựng đất nước. Người khẳng định: “Còn non, còn nước còn người, thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Câu nói của Người thể hiện sự quyết tâm, chắc thắng của quân và dân ta. Điều này thể hiện qua bản Di chúc Người đã viết tại Nhà sàn. Bản di chúc là một tác phẩm công phu, cẩn trọng của Người, được Người nghiền ngẫm suốt từ năm 1965 cho đến năm 1969. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác cho biết, Bác đã: “chọn đúng vào một ngày tháng Năm nhân dịp ngày sinh của mình, chọn đúng vào lúc 9 giờ, giờ đẹp nhất của một ngày, chọn đúng vào lúc sức khoẻ tốt nhất trong những năm gần đây... để viết về ngày ra đi của mình”2. Bản Di chúc được Người cân nhắc từng câu, từng chữ, là tình yêu thương Bác dành cho dân, cho nước, là trách nhiệm nặng nề của một lãnh tụ trước vận mệnh lớn lao của dân tộc. Người bày tỏ niềm tin chắc thắng vào cuộc kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh đoàn kết của dân tộc: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”(3). Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn chăm lo xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với các dân tộc trên thế giới và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em và bè bạn khác cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Những món quà, kỷ vật Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng gìn giữ đang trưng bày tại Nhà sàn đã thể hiện tình cảm yêu quý, sự kính trọng và biết ơn của Người đối với bạn bè quốc tế. Đồng thời, những trang báo, bài viết, những dòng cảm tưởng đầy xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã vun đắp nên tình hữu nghị bền vững giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới, là một món quà tinh thần vĩ đại luôn hiện hữu tại ngôi Nhà sàn thể hiện tình cảm của bạn bè quốc tế đối với Người: Bộ trưởng Nông nghiệp Liên bang Mianma viết: “Được tham quan ngôi nhà này, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về con người Hồ Chí Minh và những đức tính nổi bật của Người giản dị, cần cù, dũng cảm, tận tụy, bền bỉ cống hiến. Chúng tôi thật lòng tôn kính nhân cách của Người và ao ước phấn đấu theo Người. Nhân dân Việt Nam thật tự hào có một lãnh tụ như vậy”; Bà Julia Helen, du khách người Anh đã chia sẻ: “Tôi thực sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi tới thăm ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi không thể hình dung một lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia lại sống giản dị và đơn sơ như vậy. Bác Hồ quả là một nhân cách đáng kính trọng”(4).
Cho đến nay, ngôi Nhà sàn trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được xây dựng tròn 65 năm, đã đón tiếp, phục vụ các đoàn khách Trung ương, Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế đến tham quan, học tập và sinh hoạt chính trị. Trung bình mỗi năm Khu Di tích đón tiếp hơn một triệu lượt khách tham quan. Mỗi một hành trình tham quan là một hành trình du khách trải nghiệm, cảm nhận và tự học hỏi, trau dồi cho bản thân mình. Đặc biệt mỗi lần đến thăm ngôi nhà sàn của Bác Hồ là mỗi lần cảm xúc riêng: Bạn Nguyễn Huy Quang Vinh - Trường Đại học Cần Thơ đã để lại những dòng cảm tưởng: “Từ miền Nam xa xôi, lần đầu tiên con có cơ hội được viếng Lăng Bác, thăm nơi ở và làm việc của Bác đến những ngày cuối đời, thật đơn sơ, giản dị và gần gữi biết bao! Có thật nhiều cảm xúc và con biết ơn Người. Cả cuộc đời hy sinh vì nước vì dân. Qua đó con mới thấy, trách nhiệm thế hệ trẻ ngày nay cần học tập, rèn luyện để cống hiến, xây dựng đất nước hùng cường vững mạnh”; Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc dân chủ Hàn Quốc viết: “Thăm ngôi nhà giản dị này, chúng tôi cảm nhận được hình ảnh tuyệt vời của một nhà lãnh đạo vĩ đại đã cống hiến cả đời mình cho độc lập thống nhất của Tổ quốc và phồn vinh của dân tộc mình. Ngôi nhà này là nơi học tập truyền thống cách mạng quý báu và là trường học giáo dục tư tưởng cho đời sau”; Một Việt kiều Thái Lan chia sẻ: “Được tận mắt chứng kiến nơi Bác Hồ sống và làm việc, đặc biệt là khi nhìn thấy chiếc đài do kiều bào Thái Lan tặng vẫn để trên bàn làm việc trong ngôi nhà sàn, chúng tôi cảm thấy rất tự hào và tự nhủ sẽ hòa mình cùng đồng bào cả nước góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển”(5). Những dòng cảm tưởng ấy càng khẳng định giá trị tinh thần vô giá của ngôi nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc sống sinh hoạt đời thường giản dị, mang đậm phong cách dân tộc và là biểu tượng cao đẹp của tinh thần đoàn kết dân tộc và tình hữu nghị quốc tế.
Trong bài kỷ niệm lần thứ 80 ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Cái nhà sàn của Bác vẻn vẹn chỉ có vài ba phòng, và trong lúc tâm hồn của Bác lộng gió thời đại, thì cái nhà nho nhỏ đó cũng luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn. Một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao”(6). Bác đã đi xa, nhưng ngôi Nhà sàn đơn sơ, mộc mạc nằm trong khuôn viên Khu Di tích Phủ Chủ tịch vẫn ấm áp tình yêu thương bao la của Người. Hàng ngày, ngôi Nhà sàn và tất cả những di tích, tài liệu hiện vật trong Khu Di tích không chỉ được bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị với tất cả tình cảm, tấm lòng của các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động Khu Di tích Phủ Chủ tịch, mà còn góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sự hiện diện sức mạnh của sự đoàn kết và hội tụ nét đẹp về văn hóa và con người Việt Nam.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2006, tập 4, tr.52.
2. 35 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.6.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H.2000, tập 12, tr.509.
4, 5. Trích sổ cảm tưởng Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
6. Kể chuyện Lăng, Nhà sàn, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nxb. Lao động, H.2005, tr.62.