slider
Phát triển kinh tế số

Nguyễn Ái Quốc - cụ Phan Bội Châu

15 Tháng 09 Năm 2011 / 3710 lượt xem
Trịnh Tố Long
 
Trước ngày gặp mặt
Năm 1923, ngày 13/6 Nguyễn ái Quốc bí mật rời Paris đi Liên Xô. Ngày 30 sau đó đến Pêtrôgrad, rồi lên Moskva trong biên chế của Quốc tế cộng sản (QTCS). Mãi 25/9/1924, ông Nguyễn mới được giải quyết theo nguyện vọng khẩn thiết: sớm về gần Tổ quốc hơn. Ngày 11/11 thì về ở Bào công quán - trụ sở của Trưởng phái bộ cố vấn chính trị M.M.Bôrôđin ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, bên cạnh Trung ương Quốc dân đảng Tôn Dật Tiên. Văn phòng của ông Nguyễn đặt ngay dưới tầng một, với danh nghĩa phóng viên hãng ROSTA và phiên dịch riêng của Bôrôđin, mang tên Lý Thụy; Còn đại diện QTCS và trong tổ chức nội bộ gọi đồng chí Vương.
Cùng hoạt động, quen biết nhau ở QTCS, Bôrôđin cho biết, có một ông già An Nam vẫn đến Trường quân chính Hoàng phố nhờ các chuyên gia Liên Xô giúp: nhận người của ông vào học…Thì ra, là cụ Phan Bội Châu…người lập ra Duy Tân hội, mời Kỳ ngoại hầu Cường Để đứng đầu để dễ bề chiêu dụ trăm họ muôn dân xây dựng một triều đình độc lập tự do cho đất nước. Cầu viện không được thì du học, gần 4 năm, 200 người của Đông Kinh Nghĩa Thục đã sang Nhật. Nghe đâu người xứ hoa Anh đào hết sức giúp đỡ, hai năm đầu Chính phủ “tưởng người Tàu”, không để ý, sau chịu sức ép của thực dân Pháp, họ trục xuất học sinh An Nam…Cụ Phan định chạy vạy nhờ cậy Đức để đuổi Pháp thì Đức lại bại trận…
Duy tân hội lỗi thời, cụ đổi sang Việt Nam quang phục hội cũng không ổn: Quốc dân đảng của Tôn Dật Tiên lại thắng thế, cách mạng Nga thành công. Cụ lại đổi tên cho hợp trào lưu: Việt Nam Quốc dân đảng…
 
Sáng mắt ấm lòng vị tiền bối
Người gác cổng “Hàng Châu quân sự báo” nơi cụ Phan đang làm việc, lễ phép đưa Tiên sinh tấm danh thiếp bẩm có người xin gặp. Cụ lau mắt kính xem kỹ cả ba ngữ: Hán, Nga, Anh: Đoàn cố vấn…Liên bang…Xô Viết. Cục Thông tin ROSTA… Lý Thụy
Chỉ một thoáng bỡ ngỡ, Phan Tiên sinh nhận ra ngay đứa cháu ngày nào: khuôn mặt hơi dài, sống mũi thẳng, vầng trán cao… Đúng là con trai anh Nguyễn Sinh Sắc. Mới đó, năm 1905, bạn chí thân cùng Vương Thúc Quý tiễn cụ bí mật xuất dương trên cầu Hữu Biệt, chân núi Độc Lôi… Chỉ đôi mắt sáng, sáng hơn hẳn anh Sắc…
Hai bác cháu gặp nhau đây mà mừng mừng tủi tủi, không hỏi nhau được về gia đình, chuyện làng quê Kim Liên, Đan Nhiệm…Với cụ Phan, ngót nghét 20 năm rồi còn gì, cháu ít hơn, 15 năm đi khắp chân trời góc biển…vì nước quên thân…
- Dạ thưa bác, - Lý Thụy cung kính trả lời, ngày đó bác Đặng Thái Thân ghé qua Huế định dìu dắt cháu nối gót bác, nhưng phần vì gia cảnh chưa cho phép, rồi sau cháu lại nẩy ý nghĩ khác. Muốn đánh thắng kẻ thù phải hiểu kẻ thù. Thế là cháu tìm cách sang Pháp, rồi đi các nước Âu Mỹ.
- Này anh, anh đừng gọi tôi là bác thì hơn. Tôi kém thầy anh tới 5-6 tuổi. Gọi chú, cháu cho thân mật…Anh ở Paris hồi nào, có gặp Hy Mã Phan Chu Trinh không?
- Dạ, có. Năm 1911 cháu sang Pháp thời gian ngắn thôi, năm 1919 mới trở lại Paris, ở đến năm 1923 thì sang Nga La Tư. Cháu có dịp được hầu chuyện bác Hy Mã, bác Phan Văn Trường. Nhưng nay không rõ các bác đang ở đâu.
- Vậy anh có diễm phúc được gặp Nguyễn ái Quốc Tiên sinh không? Ông ấy là ai vậy? Người viết “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi liệt cường năm Kỷ Mùi ấy?
- Dạ thưa chú, đó chỉ là cái tên chung cho các nhà yêu nước thôi.
- Nhưng, ít nhất ngài ấy cũng là người dự thảo, ai vậy?
- Dạ, là ý kiến chung của bác Trinh, bác Trường và cháu nữa ạ! Cháu phác thảo ý chích, cùng thêm bớt, rồi bác Trinh dịch ra Hán văn, bác Trường thảo ra Pháp văn. Hai bác bảo cháu khởi xướng thì phải đứng tên ạ.
Cặp mắt cụ Phan sáng bừng, lòng không nén nổi vẻ sung sướng: - Trời đất! Hóa ra Nguyễn ái Quốc đây rồi! Mấy năm nay anh em cứ dò tìm, chỉ mong được gặp người dẫn đường chỉ lối để dẫn dắt, hỏi han, cùng lo toan việc lớn… Bậc tiền bối vừa nói vừa ngắm nhìn, thật sự dâng trào tự đáy lòng niềm tự hào, ngưỡng mộ, kính phục và bỗng thấy người ngồi trước mình không còn là “anh cháu” thủa nào nữa, mà là một tầm cao khó ngờ tới…
- Vậy là ông Nguyễn ái Quốc! Xin hỏi, ông tới Trung Hoa từ bao giờ, bằng cách nào…, và liệu rằng người già này có may mắn được ông mở mang đôi chút tầm mắt, tức là chỉ cho sự tất yếu con đường cách mệnh và đất nước phải kinh qua?
- Dạ thưa chú, cháu không dám! Cháu là kẻ hậu sinh. Cháu không cho phép mình mạo muội trước một bậc tiền bối uyên thâm từng trải như chú. Chỉ có điều, được chú cho phép, vì lợi ích tối cao của sự nghiệp thiêng liêng trước giống nòi, cháu xin thành thật đúng sai thế nào cứ nói để chú tham khảo, may ra có chút bổ ích…
Thưa chú, cháu lên tàu hỏa Mạc Tư Khoa đi Hải Sâm Uy (Vlađivostok) đáp tàu thủy về Quảng Châu hôm 11 vừa rồi. Hiện cháu làm phiên dịch cho ông Bào La Đình (Bôrôđin) cố vấn đoàn của Tổng thống Tôn Trung Sơn, phóng viên cho hãng ROSTA của Cục Thông tin Liên Xô, lấy tên Lý Thụy. Để giữ bí mật trong tổ chức, cháu còn tên là Vương, ông Vương, đồng chí Vương…
- Hay lắm, hay lắm! Thôi thế này đi ông Vương! Tôi mời ông ở lại đây vài hôm, còn nhiều chuyện đàm đạo lắm.
 - Dạ, thưa chú, cháu xin vâng ạ!
… Hai ngày, chỉ hai ngày cụ Phan giải bày tâm sự và như nuốt từng lời của đồng chí Vương mới thực sự “hậu sinh khả úy”. Xác đáng! xác đáng: bọn thực dân đế quốc xâm lăng, bóc lột, tàn ác như nhau. Có thể chỗ này, chỗ nọ vì lợi ích nhất thời mà chúng nó mâu thuẫn nhau thôi. Còn “bóng ma cộng sản”, phong trào cách mạng, dù ở đâu nhen nhóm lên, chúng đều ngấm ngầm hoặc công khai hợp lực, thẳng tay “diệt cỏ tận gốc”. Đồng chí Vương phân tích thật đúng đắn, nhờ Nhật, Đức đánh Pháp khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước báo cửa sau”. Phải tự mình giải phóng cho mình. Mình là giác ngộ quần chúng công nông binh làm giường cột, chìa bàn tay lôi kéo mọi lực lượng có thể lôi kéo để cô lập kẻ thù. Một đảng mạnh cần trước hết đội ngũ cán bộ được huấn luyện, tổ chức, kỷ luật sắt, xây dựng quanh mình các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, công đoàn, nông hội… như đảng của Lênin ở Nga và nay Quốc dân đảng của Đại soái Tổng thống Tôn Dật Tiên. Lại cần liên kết, hỗ trợ cách mạng ngoài biên giới mỗi nước …
Tiền đề tạo bước ngoặt
Nỗi đau về sự qua đời của Tổng thống Tôn Trung Sơn vì bạo bệnh trên đường Bắc phạt (12.3.1925) vừa đó thì (trưa 11.5) tin dữ liền theo cụ Phan bị bắt ở Thượng Hải đến với anh em ta hoạt động tại Trung Quốc. Đây là hậu quả tất yếu báo trước tình hình sẽ xấu đi, là thử thách đối với các lực lượng yêu nước cách mạng, lại là nguy cơ đe dọa chưa từng có trước đó với chủ nghĩa đế quốc thực dân nói chung và nền đô hộ Pháp ở Đông Dương nói riêng. Mối đe dọa mà ai cũng biết hết sức to lớn là kể từ khi xuất hiện tên tuổi và hoạt động gây chấn động Paris của Nguyễn ái Quốc.
Nguyễn ái Quốc tận dụng cơ hội đang thuận lợi, bàn với người cùng về với mình từ Moskva là Trương Thái Lôi, cả Chu Ân Lai, và Bôrôđin, nhờ tích cực giúp đỡ: tiếp tục mở các khóa huấn luyện riêng, gửi người sang học Trường võ bị Hoàng Phố, vạch các phương án dự kiến tình hình xấu, cài anh em mình vào hàng ngũ Quốc dân đảng đã do Tưởng Giới Thạch thao túng. (Nhờ vậy, Trương Vân Lĩnh trong Bộ Công an đã kịp thông báo cho Phái bộ Bôrôđin kịp rời về Vũ Hán, ông Nguyễn và nhiều anh em tránh được cuộc chính biến đẫm máu ngày 15.4.1927 tại Quảng Châu).
Ngọn cờ chí sĩ họ Phan đang kỳ vọng đổi mới Quốc dân đảng Việt Nam đến đây coi như chấm hết vai trò lịch sử. Nguyễn ái Quốc suy tính ngay đến một kế hoạch toàn diện, cơ bản là sớm thành lập cho Việt Nam một đảng cộng sản mà hạt nhân là hơn một trăm cán bộ ba khóa chính trị và hai chục học viên trường Hoàng Phố đã được tung về ba kỳ trong nước cùng một số cơ sở cần thiết cho sau này ở hải ngoại.
Người bí mật trở về Moskva đề nghị QTCS quyết định cho ra đời tiểu tổ cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Trường cộng sản Phương Đông mang tên Stalin. Hiện hồ sơ QTCS đã công bố trong Thông cáo đề ngày 25-6-1927 này có chữ ký của Nguyễn ái Quốc cùng G.Humbe Ban bí thư La Tinh của QTCS. Tổ gồm 5 đảng viên: Phou Shon (Bùi Lâm), Le Man (Nguyễn Thế Rục), Jiao (Bùi Công Trừng), Min Khan (Ngô Đức Trì), và Lequy (Trần Phú) được cử làm bí thư.
Tổ chức cộng sản sớm nhất này là hạt giống “vạn sự khởi đầu nan” để đến đúng ngày Xuân mồng Năm tết Canh Ngọ, lãnh tụ Nguyễn ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất một Đảng cộng sản Việt Nam - ngày khởi điểm bước ngoặt cho lịch sử sang trang của dân tộc - ngày 3.2.1930.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)