NGUYỄN ÁI QUỐC – NHÀ CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN Ý THỨC VỀ SỰ CẦN THIẾT PHẢI THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
17 Tháng 08 Năm 2011 / 5593 lượt xem
Nguyễn Thị Bình
Phòng Tuyên truyền- Giáo dục
Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam 3/2/1930 là một kết quả tất yếu của lịch sử Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX. Tính tất yếu này chính là ở chỗ Đảng cộng sản Việt Nam đã đáp ứng đúng yêu cầu phát triển khách quan của phong trào yêu nước và phong trào công nhân nước ta lúc bấy giờ. Sự ra đời của Đảng cũng gắn liền với vai trò của người cộng sản đầu tiên của Việt Nam: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Học thuyết về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân đã được Lênin đưa ra ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX. Trong bài “Tên Đảng của chúng ta phải như thế nào để được chính xác về mặt khoa học và để góp phần soi sáng ý thức chính trị của giai cấp vô sản” (1) Lênin đã khẳng định “chúng ta phải lấy tên là Đảng cộng sản, như Mác và Ăngghen đã gọi”. Lênin cũng đưa ra một hệ thống các quan điểm về Đảng cộng sản-Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Nhưng nhận thức và vận dụng những tư tưởng đó của Lênin vào phong trào cộng sản, phong trào công nhân quốc tế và đặc biệt vào phong trào giải phóng dân tộc của từng nước không phải là điều dễ dàng. Thực tiễn của nhiều quốc gia cho thấy, những vận dụng này có những đúng, sai, thành bại khác nhau nhưng có thể nói, vào thời điểm đó, một quốc gia thuộc địa và phụ thuộc với những đặc điểm như Việt Nam thì việc vận dụng tư tưởng của Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của nước mình không phải là điều dễ dàng.
So với các chính đảng tư sản, các Đảng cộng sản và công nhân xuất hiện muộn hơn, đó là vào những năm 30 của thế kỷ XIX. Cho đến những năm 20 của thế kỷ XX, dưới tác động của Quốc tế III do Lênin sáng lập năm 1919, nhiều Đảng cộng sản đã được thành lập như Đảng cộng sản Pháp (12/1920); Đảng cộng sản Italia, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Nam Phi (1922); Đảng cộng sản Chi Lê, Braxin, Nhật Bản (1922)...
Cùng thời gian này, ở Việt Nam, tuy phong trào yêu nước diễn ra rất sôi nổi, rộng khắp và không kém phần quyết liệt nhưng theo Nguyễn Ái Quốc, đó là một phong trào “hỗn hợp giữa chủ nghĩa phản đế, chống Công giáo và phong trào Cần Vương” và “không có một tổ chức nào như một Đảng”. Đây là một nhận định hết sức đúng đắn, sát hợp của Nguyễn Ái Quốc về tình hình thực tế của Việt Nam lúc bấy giờ. Điểm qua một số hội, tổ chức yêu nước ở Việt Nam trước 1925 ta thấy:
Năm 1905, sau chiến thắng của “người anh cả da vàng” Nhật Bản trước đế quốc Nga, Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du và lập ra “Duy Tân hội” theo gương Nhật Bản “nhằm khôi phục nước Việt Nam độc lập, ngoài ra chưa có chủ trương gì khác”(2). Tuy là một hội tuyên truyền của phong trào Đông Du nhưng hội Duy Tân không chứng tỏ được vai trò của mình, chỉ nặng về “danh” mà không có “thực”. Bằng chứng là sau khi thực dân Pháp câu kết với Nhật trục xuất Phan Bội Châu và những lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản về nước thì cùng với phong trào Đông Du, hội Duy Tân cũng tan rã.
Dưới ảnh hưởng của cách mạng Tân Hợi 1911, Phan Bội Châu tiếp tục lập ra “Việt Nam Quang phục hội” vào tháng 5 năm 1912. Khác với hội Duy Tân trước đây, Việt Nam Quang phục hội đã có tôn chỉ, mục đích rõ ràng là “đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam, thành lập Việt Nam cộng hoà dân quốc”. Mặc dù vậy, điểm yếu nhất của Việt Nam Quang phục hội là không có cơ sở vững chắc trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là không lưu tâm đến nông dân- giai cấp đông đảo nhất của xã hội và là đối tượng chính của những kẻ bóc lột thực dân, đế quốc. Chính Phan Bội Châu cũng đã thừa nhận: “hội mới lọt lòng mẹ đã khó sống lâu rồi”. (3) Thực tế cho thấy sau khi cụ Phan bị bắt ở Trung Quốc “hội viên đã bảy rơi tám rụng, Quang Phục hội chỉ thành một bậc thần vị để tế ở trên bàn mà thôi”(4).
Nhưng là một người thức thời, ít lâu sau Phan Bội Châu đã có ý định cải tổ Việt Nam Quang phục hội thành “Việt Nam Quốc dân đảng” theo chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn. Xa hơn nữa, sau này cụ Phan đã viết một cuốn sách nhan đề “chủ nghĩa xã hội” khi thấy phong trào cách mạng thế giới có xu hướng chuyển theo trào lưu này. Dự định của cụ Phan chưa thực hiện được thì cụ đã bị bắt, đưa về Huế và mất tại đó năm 1940. Nhận xét về “Duy Tân hội” và “Quang phục hội”, Giáo sư Trần Văn Giàu đã rất đúng dắn khi cho rằng: “đảng của Phan Bội Châu không có tổ chức cơ sở, không có hệ thống, chẳng qua là một số đồng chí hẹn nhau cùng làm một việc lớn, việc cứu nước theo một đường lối nhất định. Một hội, một Đảng như thế dễ lập mà cũng dễ tan, điều chắc chắn là không tạo ta nổi thực lực bền bỉ, không khơi lên nổi phong trào lâu dài. Thất bại là không tránh khỏi.”(5)
Một nhà yêu nước khác cũng rất nổi tiếng hoạt động cùng thời với Phan Bội Châu là Phan Chu Trinh cũng đã từng nói: “Ngày nay muốn độ lập, tự do phải có đoàn thể”. “Đoàn thể” mà Phan Chu Trinh nói đến ở đây có thể hiểu là một tổ chức lãnh đạo thống nhất phong trào yêu nước nhưng Phan Chu Trinh mới chỉ dừng lại ở “ý tưởng” mà chưa xác lập trên thực tế.
Trước 1925, đáng chú ý nhất có lẽ là “Đảng Lập Hiến” của Bùi Quang Chiêu. Đáng chú ý vì so với các “hội” trước đây nay đã có một “Đảng” nhưng có lẽ Đảng Lập Hiến cũng chỉ có vậy. Theo Nguyễn Ái Quốc, đây không phải là một Đảng có tổ chức mà chỉ là một nhóm các nhà trí thức có một chút hiểu biết về các chính thể Phương Tây, theo đó mà đặt tên Đảng, về thực chất không có đường lối rõ ràng, không thể lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc.
Khâm phục Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh nhưng không tán thành cách thức của họ, Nguyễn Ái Quốc đã tự mình tìm ra một lối đi riêng. Sau nhiều năm bôn ba nhiều nơi (1911- 1920), tiến hành một cuộc khảo nghiệm chính trị, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản theo Lênin và cách mạng tháng Mười, mà sau này Người đã đúc kết: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.(6)
Tại Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp (tháng 12 năm 1920), cùng với những người cách mạng chân chính của nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Đây là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng nước ta. Hành động này đã đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, một sự thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng và lập trường chính trị của Người: “từ một người yêu nước tiến bộ thành một chiến sĩ xã hội chủ nghĩa” (7). Người cũng đã nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản theo chủ nghĩa Mác- Lênin đó là đảng cộng sản. Và cũng từ đây, Người đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin vào Việt Nam và chuẩn bị cho việc thành lập Đảng cộng sản tại Việt Nam.
Sau những năm sống, học tập tại trung tâm cách mạng thế giới, được làm việc tại Quốc tế cộng sản, được đấu tranh và rèn luyện trong phong trào cộng sản quốc tế, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu(Trung Quốc) để chuẩn bị về tổ chức, chính trị, tư tưởng cho sự ra đời một đảng mác xít ở Việt Nam. Ngay sau khi đặt chân đến Quảng Châu không lâu, tháng 6 năm 1925, tập hợp những thanh niên yêu nước trong và ngoài nước, Người đã lập ra tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên với cơ cấu, mục đích, chương trình, điều lệ,…hoạt động rõ ràng với cơ cấu, mục đích, chương trình, điều lệ,…hoạt động rõ ràng. Đây là một tổ chức quá độ, là một sáng tạo có chủ đích của Nguyễn Ái Quốc, phù hợp với điều kiện Việt Nam khi đó. Hội được lập ra nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác- Lênin, đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng mới vào phong trào cách mạng trong nước, tạo những tiền đề đầu tiên cho việc thành lập đảng cộng sản tại Việt Nam.
Cuối năm 1925, để chuẩn bị đội ngũ cán bộ chính trị nòng cốt, Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện chính trị cho những thanh niên Việt Nam yêu nước. Trong lớp học này, Người đã đặt vấn đề “Cách mệnh trước hết phải có gì ?”. Người trả lời: “Trước hết phải có Đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi...Đảng có vững, cách mệnh mới thành công”(8). Mặt khác, Người chỉ ra Đảng muốn vững bền thì “phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư (Mác) và Lênin, phải lấy công nông làm gốc, phải thống nhất, phải bền gan hy sinh”(9).
Như vậy, Nguyễn Ái Quốc chính là người đầu tiên nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết phải có một chính đảng để lãnh đạo cách mạng hơn nữa Người còn nêu bật được sự khác biệt căn bản về chất của Đảng kiểu mới của Lênin so với các “hội” các “Đảng” trước đây. Đó là:
Về nền tảng: Đảng phải lấy công nông dân chúng làm gốc trên cơ sở được trang bị chủ nghĩa Mác-Lênin.
Về tổ chức: Đảng phải được tổ chức tốt, phải có tinh thần đấu tranh cao, không quản hy sinh.
Về cách đấu tranh: Đảng phải biết liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản trên thế giới.
Những điều này, các nhà hoạt động cách mạng trước Nguyễn Ái Quốc chưa ai nhận thức được và cũng vì vậy chưa ai đề ra được một “mô hình” Đảng cách mạng đầy đủ và rõ ràng như vậy. Những phương pháp và quan điểm nói trên thể hiện một tư duy chính trị sắc sảo hiếm thấy của Nguyễn Ái Quốc, thể hiện một sự trội vượt, một sự vượt xa những tư tưởng đương thời, kể cả tư tưởng của Lênin, của Quốc tế cộng sản trên một số mặt. Đây là yếu tố quan trọng làm nên bản sắc và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh-Người đặt nền móng, tạo tiền đề, sáng lập và xây dựng Đảng ta.
Với một lòng yêu nước nồng nàn, với một tư duy trí tuệ sáng suốt và đặc biệt với một vốn kinh nghiệm thực tiễn hết sức phong phú đã tiến hành những bước đi thận trọng, đúng đắn, vận dụng một cách sáng tạo những tư tưởng của Lênin và cách mạng Nga vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong quá trình vận động thành lập một chính Đảng vô sản của giai cấp công nhân. Chính bằng tài năng của Nguyễn Ái Quốc và những học trò xuất sắc của Người, ngay từ khi mới ra đời, Đảng cộng sản Việt Nam đã thực sự là một Đảng cách mạng chân chính nhất, Mác-xít nhất, là đại diện ưu tú của giai cấp công nhân và của toàn thể dân tộc Việt Nam. Và chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng là người phát triển và làm phong phú thêm học thuyết Đảng kiểu mới của Lênin ở một nước Phương Đông thuộc địa nửa phong kiến. Do vậy, trên bình diện là người mở đường đưa chủ nghĩa vô sản vào Việt Nam và trực tiếp tuyên truyền vận động thành lập Đảng, vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là hết sức to lớn.
Chú thích:
(1) Lênin toàn tập, tập 31”Nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng của chúng ta”, NXB Sự thật, Hà Nội, 1963, tr 219.
(1) Lênin toàn tập, tập 31”Nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng của chúng ta”, NXB Sự thật, Hà Nội, 1963, tr 219.
(2) Dẫn theo Trần Văn Giàu : Sự phát triển tư tưởng ở Việt Nam, tập 2, NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1993 tr 26
(3) Dẫn theo Trần Văn Giàu từ “Phan Bội Châu niên biểu”
(4) Dẫn theo Trần Văn Giàu từ “Phan Bội Châu niên biểu”
(5) Trần Văn Giàu, sđd, tr151.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,2000, t9, tr.314..
(7) Hồ Chí Minh toàn tập, Sdd, tập 10, tr.241..
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr 267, 268.
(8) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr 267, 268.
(9) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tr 280