slider

Nguyễn Ái Quốc và các tổ chức chính trị trên hành trình tìm đường cứu nước (1911-1930)

22 Tháng 09 Năm 2021 / 4133 lượt xem

ThS. Vũ Kim Yến

Phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Tư liệu

Quá trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc cũng là quá trình đi từ người yêu nước trở thành người cộng sản, chiến sĩ quốc tế. Người đã tham gia thành lập hoặc trực tiếp thành lập một số tổ chức chính trị mà thông qua hoạt động trong các tổ chức đó, Người đã góp phần to lớn cho sự đoàn kết của các dân tộc thuộc địa, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam vào đầu năm 1930.

1.       Nguyễn Ái Quốc và Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp

Sau một chặng đường dài bôn ba trên hành trình tìm đường cứu nước kể từ ngày 05/6/1911, cuối năm 1917 Nguyễn Ái Quốc đã trở lại Pháp. Người tham gia Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và nhanh chóng trở thành linh hồn của phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản Yêu sách của nhân dân An Nam viết bằng tiếng Pháp, gồm 8 điểm, đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của các dân tộc, trong đó có Việt Nam. Dưới bản Yêu sách, Người ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trên diễn đàn chính trị quốc tế. Bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam không được Hội nghị Vécxây xem xét. Đối với dư luận Pháp, Yêu sách cũng không có tiếng vang như mong muốn, nhưng lại tác động mạnh mẽ đến người Việt Nam trong nước và nước ngoài. Thực dân Pháp bắt đầu chú ý tới người có tên Nguyễn Ái Quốc. Viên mật thám Pháp Paul Arnoux chuyên theo dõi người Việt Nam sống ở Pari, tận mắt chứng kiến Nguyễn Ái Quốc đang phân phát truyền đơn in bản Yêu sách cho những người có mặt tại một buổi nói chuyện, đã phải thốt lên dự cảm: “Con người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”(1).

Đối với những người Việt Nam yêu nước, từ đây Nguyễn Ái Quốc đã được biết đến như một biểu tượng của lòng yêu nước. Một người Việt Nam với tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã dũng cảm đưa vấn đề chính trị của Việt Nam ra quốc tế, đòi cho Việt Nam có những quyền cơ bản chính đáng, thiết thực. Đây là dấu hiệu mới của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trên đường đi tới độc lập dân tộc. Qua việc bản yêu sách không được chấp nhận, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, như sau này Người đã viết: “Chủ nghĩa Uynxơn chỉ là một trò bịp bợm lớn”(2) và “muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”(3).

2.       Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa

Sau khi đến Pháp, Nguyễn Ái Quốc không chỉ hòa nhập ngay vào phong trào đấu tranh của những người Việt Nam yêu nước mà còn tìm cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè quốc tế như người Pháp, người dân của các thuộc địa khác như Tunisia, Maroc, Mad¬agascar, Algérie, Triều Tiên v.v.. Tháng 7 năm 1920, sau khi đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ở đó con đường cứu nước, giải phóng dân tộc: con đường cách mạng vô sản. Đó là cơ sở để Người vững bước đi theo con đường cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp

(tháng 12 năm 1920), Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế thứ ba (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và Người cũng trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Cũng chính từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực, hướng mọi hoạt động, kiên trì và quyết tâm truyền bá lý luận Mác - Lênin, tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga về nước, tiến hành cuộc vận động đấu tranh giải phóng dân tộc theo đường lối cách mạng vô sản.

Sứ mệnh này một phần được thực hiện gắn với những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, tổ chức được thành lập năm 1921 - một hình thức mặt trận của các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị, liên minh với giai cấp vô sản ở chính quốc cùng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Như cuộc họp ngày 28/5/1922 thông qua Tuyên ngôn của Hội do Nguyễn Ái Quốc viết và nhấn mạnh: “Chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em. Hội Liên hiệp thuộc địa thành lập chính là để giúp đỡ anh em trong công cuộc ấy... Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”(4), Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa là một hiện tượng có một không hai trong lịch sử, đó là một liên minh chống chủ nghĩa thực dân ra đời và hoạt động ngay tại chính trung tâm chính trị của nước Pháp thực dân.

Thời gian đầu (1922 - 1923), Hội Liên hiệp thuộc địa có khoảng 200 hội viên, hoạt động mạnh mẽ, sôi nổi và có ảnh hưởng rộng rãi. Hội những người Việt Nam yêu nước là một đoàn thể trong Hội Liên hiệp thuộc địa. Tuy nhiên, thời gian sau, do nhiều nguyên nhân tác động như: Sự cản trở và phá hoại của Bộ Thuộc địa, sự eo hẹp về tài chính... hoạt động của Hội giảm dần. Đến tháng 6 năm 1926, Hội Liên hiệp thuộc địa ngừng hoạt động.

Từ những hoạt động và đóng góp của mình, Nguyễn Ái Quốc đã được bầu vào Ban Chấp hành Hội Liên hiệp thuộc địa. Khi Hội xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ) làm cơ quan ngôn luận, Người được phân công làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút của tờ báo. Từ khi ra đời (1/4/1922) cho đến lúc đình bản (4/1926), báo Le Paria ra được 38 số, trong những điều kiện hết sức khó khăn về tài chính và phương tiện hoạt động, lại luôn bị cảnh sát theo dõi, đe dọa, gây khó dễ. Nguyễn Ái Quốc đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của báo bằng cách viết nhiều bài cho báo, thậm chí còn dành cả phần tài chính eo hẹp của mình cho báo. Với vai trò là chủ bút, Nguyễn Ái Quốc đã có gần 40 bài viết, có số Người viết đến 4 bài. Những bức tranh, ký họa của Người đăng trên báo ký tên Nguyễn Ái Quốc và một số bút danh khác. Nội dung các bài viết này tập trung vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội... đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương và các thuộc địa khác.

Mặc dù hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và báo Le Paria đã đạt được những kết quả tốt. Như Nguyễn Ái Quốc đã nhận xét: “Nó đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái”(5). Thực tiễn đấu tranh và hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt là những đóng góp của Người tại Đại hội I và II của Đảng Cộng sản Pháp, tại Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa cùng với việc xuất bản báo Le Paria đã được Đảng Cộng sản Pháp đánh giá cao. Uy tín và vai trò của người cộng sản Đông Dương đã được Quốc tế Cộng sản biết đến và Người được Đảng Cộng sản Pháp cử đi Mátxcơva (Liên Xô) dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Một chương mới trên hành chính giải phóng dân tộc đã được mở ra với Người.

3.       Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức

Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến Pêtơrôgrát và ít ngày sau Người lên xe lửa đi Mátxcơva. Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người Việt Nam đầu tiên có mặt ở quê hương của Cách mạng tháng Mười vĩ đại. Trên đất nước của Lênin, Nguyễn Ái Quốc tích cực hoạt động, học tập để hướng tới con đường giải phóng dân tộc và góp phần phát triển tư tưởng độc lập tự do cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Những hoạt động và kinh nghiệm tích lũy được đã thôi thúc Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, gánh vác sứ mệnh trọng đại mà lịch sử đã lựa chọn và giao phó cho Người: chuẩn bị về chính trị và tư tưởng để tiến tới thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam. Cuối tháng 10 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc rời Mátx- cơva và đến Quảng Châu ngày 11/11/1924.

Trong thời gian này, Quảng Châu được gọi là “Mátxcơva của Trung Quốc”, trở thành trung tâm cách mạng của Trung Quốc. Với tư cách là cán bộ Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á. Để tiện cho công việc hoạt động, Người được bố trí làm phiên dịch cho Bôrôđin, nhà hoạt động cách mạng Xôviết, được nhà lãnh đạo Tôn Trung Sơn

mời sang Trung Quốc làm cố vấn chính trị cho Ban Chấp hành Trung ương Quốc dân đảng. Trên cương vị của mình, Nguyễn Ái Quốc đã có những hoạt động thực tiễn góp phần đáng kể vào phong trào cách mạng Trung Quốc và các nước thuộc địa phương Đông. Một trong những công việc có ý nghĩa quan trọng đó là việc Người đã cùng với các đồng chí Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên tích cực vận động thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (09/7/1925). Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức là một đoàn thể mang tính chất quốc tế giống như Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa nhằm đoàn kết các dân tộc nhỏ yếu, bị áp bức trong một tổ chức cách mạng để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, đưa các dân tộc bị nô lệ vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong Ban lãnh đạo Hội, Nguyễn Ái Quốc được bầu làm bí thư kiêm phụ trách công việc tài chính đồng thời là người trực tiếp phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội. Người được giao soạn thảo “Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức”. Tuyên ngôn tố cáo sự áp bức bóc lột của bọn đế quốc và kêu gọi nhân dân các thuộc địa đoàn kết đấu tranh, liên minh với công nhân thế giới và kêu gọi nhân dân thuộc địa, công nhân thế giới đoàn kết đấu tranh: “Đoàn kết của chúng ta sẽ làm nên sức mạnh. Nó đủ để đánh tan bọn đế quốc. Muốn vượt qua vòng nô lệ, chúng ta chỉ có thể cậy vào sức của mình mà thôi. Toàn thể các dân tộc bị áp bức, toàn thể thợ thuyền trên trái đất đang bị cướp công, hãy kết đoàn với chúng tôi làm cuộc cách mạng tối thượng”(6).

4.       Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên

Ngay khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời liên lạc với phong trào của những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động ở đây. Nhờ sự tích cực chắp mối liên lạc của Hồ Tùng Mậu, khoảng tháng 12 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã gặp các thành viên chủ chốt của Tâm tâm xã - một tổ chức gồm những thanh niên đầy nhiệt huyết và chí khí, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì nghĩa lớn để thức tỉnh đồng bào.Tuy nhiên, vì chưa có người tổ chức và hướng dẫn nên họ chưa biết làm gì ngoài hành động mưu sát cá nhân mà tiêu biểu là vụ mưu sát Toàn quyền Đông Dương Merlin ngày 19/6/1924 tại Quảng Châu. Tiếp xúc với những thanh niên hăng hái nhất trong tổ chức Tâm Tâm xã, tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được chỗ dựa, hình thành được nhóm trung kiên, bí mật. Từ nhóm bí mật, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6 năm 1925) - một tổ chức có tính chất quần chúng “có khuynh hướng mácxít”, nhằm tập hợp những thanh niên yêu nước ở trong và ngoài, với hạt nhân là

 

KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

 

 

Cộng sản đoàn (gồm 5 người đầu tiên là Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Quảng Đạt và Lâm Đức Thụ).

Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là một sáng tạo, có chủ đích của Nguyễn Ái Quốc, nhằm đưa chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng mới vào phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta. Mục đích của Hội là: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mạng dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại được độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”(7). Nhiệm vụ của hội viên là đi sâu vào quần chúng để “hoàn thành những công tác có lợi cho Hội”; tổ chức quần chúng, giáo dục nhân dân đứng lên làm cách mạng; tố cáo những hành động và tội ác của thực dân Pháp và bọn phản động; học tập và giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là tổ chức “vô sản hóa” cho những hội viên không xuất thân từ thành phần công nhân. Thông qua những nội dung hoạt động của mình, Hội đã thu hút đông đảo các lực lượng vào tổ chức cách mạng của mình, đồng thời có ảnh hưởng tích cực đến các tổ chức chính trị cùng thời khác.

Sau khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thành lập, Tổng bộ Hội quyết định ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của mình. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc, báo Thanh niên đã thấm nhuần những nguyên tắc của báo chí vô sản do Lênin đề ra. Báo đã trở thành ngọn cờ tiên phong của báo chí cách mạng Việt Nam. Báo ra mắt số 1 ngày 21/6/1925. Nguyễn Ái Quốc là cây bút chính đồng thời cũng là người tổ chức in ấn, phát hành, mà chủ yếu là gửi về trong nước để tuyên truyền. Dòng tư tưởng của thời đại, nhiệm vụ tập hợp lực lượng cách mạng, cách thức tổ chức các đoàn thể, phương pháp Đảng cách mạng và đặc biệt là việc nêu rõ tính tất yếu phải có Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng ... được nêu rõ trong các số báo đã góp phần quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí Việt Nam nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới.

Với việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã có một tổ chức, một điểm tựa, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện chính trị để chuẩn bị xây dựng một đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho việc tuyên truyền những nguyên lý cơ bản của học thuyết Mác-Lênin về trong nước. Từ cuối năm 1925 đến tháng 4 năm 1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch cụ thể của Nguyễn Ái Quốc, các thanh niên Việt Nam yêu nước, xuất thân từ học sinh, trí thức, có một vài người là tú tài nho học, đã đến Quảng Châu tham gia vào lớp tập huấn chính trị. Tổng số học viên cho đến tháng 4 năm 1927 là 10 lớp với khoảng

250-300 học viên, trong đó Nguyễn Ái Quốc trực tiếp huấn luyện 75 học viên. Kết thúc khóa học, có người được giữ lại ở nước ngoài công tác, có người được cử đi học tiếp ở Trường Đại học Phương Đông tại Mátxcơva hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu)... còn phần đông thì được cử về nước hoạt động, gây dựng và tổ chức, phát triển các phong trào cách mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tiến lên một tầm cao mới. Lần lượt trong nước đã xuất hiện các tổ chức cộng sản và đầu năm 1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã diễn ra, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Như vậy là, từ thời điểm ra đi năm 1911 cho đến năm 1930, là cả hai thập kỷ cho một hành trình Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm kiếm, khảo nghiệm trong thực tiễn nguồn sáng chân lý cách mạng: Chủ nghĩa Mác-Lênin. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam ta. Gắn với thời kỳ này, là những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tham gia, sáng lập các tổ chức chính trị có tính chất quốc tế, mà thông qua đó, Người đã có nhiều cống hiến quan trọng cho cách mạng Việt Nam, cho sự nghiệp giải phóng của các dân tộc thuộc địa và cho sự nghiệp cách mạng chung của thế giới.

Chú thích:

1.       Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.81.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.441.

3.       Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1969, tr.30.

4.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 1, tr.128-129.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1,tr.208.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr.500.

7.       Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Các tổ chức tiền thân của Đảng, Hà Nội, 1977, tr.82.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)