slider

Nguyễn Ái Quốc với Báo Người Cùng Khổ (Le Paria) - một cách tiếp cận từ hồ sơ lưu trữ của Pháp

19 Tháng 05 Năm 2022 / 1803 lượt xem

CN. Nguyễn Thị Thu Hà

ThS. Cù Thị Minh

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Trong cuộc đời 79 mùa xuân với hơn 50 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và nhân loại, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Di sản của Người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh để lại cho nhân dân Việt Nam toàn diện và sâu sắc trên mọi lĩnh vực, trong đó có hoạt động báo chí cách mạng.

Với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, báo chí là một phương tiện, một loại vũ khí hành động và tuyên truyền hiệu quả. Trong mạch báo chí cách mạng ở Việt Nam được hình thành từ những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, khơi nguồn, khai sáng và đưa ra những nguyên tắc chuẩn mực cơ bản để các thế hệ những người làm báo Việt Nam học tập và làm theo. Trong suốt chặng đường 50 năm (từ 1919-1969), gắn bó và đồng hành với sự nghiệp cách mạng của Người là khoảng trên 2.000 bài báo được viết bằng nhiều thứ tiếng, đăng ở nhiều quốc gia, dùng hàng trăm bút danh, bí danh, đề cập đến nhiều lĩnh vực gắn với cách mạng Việt Nam, cách mạng thế giới, song đều có chung một “ đề tài”, mục tiêu đó là: Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hòa bình, dân chủ, hữu nghị, hợp tác cùng tiến bộ... Những bài báo đó đã, đang và sẽ mãi là nguồn “tài nguyên” kiến thức rộng lớn, sâu sắc thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều đối tượng, nhiều thế hệ, trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lần nói: Người có “duyên nợ” với báo chí. Nghiên cứu những bài báo, xem cách thực thi trách nhiệm của Người với nghề làm báo cho thấy, dù ở bất kỳ cương vị, vị trí, thời điểm nào, dường như chúng ta đều cảm nhận được nỗi truân chuyên và cả những niềm vui Bác đã thu nhận được từ nghề “duyên nợ” này. Những bài báo của Người luôn thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm, giữa suy nghĩ và hành động, giữa yêu cầu và các chỉ dẫn... Tất cả tạo nên sắc thái riêng của “nhà báo” Hồ Chí Minh.

Để hiểu rõ hơn mối ‘duyên nợ” Hồ Chí Minh với báo chí nói chung, báo Người cùng khổ (Le Paria) nói riêng, chúng ta cùng ngược dòng lịch sử đến với sự ra đời của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa và báo Người cùng khổ thông qua việc đối chiếu với thông tin trong hồ sơ lưu trữ Pháp.

Theo hồ sơ lưu trữ, ngày 07/3/1921 Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Xtêphani (Stéfani), gốc người thuộc địa, đề nghị Người tham gia lập Hội liên hiệp thuộc địa: “Chúng tôi đang bắt đầu tổ chức Hội liên hiệp thuộc địa. Tôi sẽ vui mừng nếu được đồng chí chấp nhận đứng vào hàng ngũ với chúng tôi”. Tiếp đó là 3 cuộc gặp đại diện giữa hai nhóm Châu Phi và Đông Dương bàn bạc những vấn đề có liên quan. Ngày 26/6/1921, Nguyễn Ái Quốc họp với một số đồng chí người Angiêri, Marốc, Tuynidi, Mađagátxca... để thống nhất việc thành lập Hội liên hiệp thuộc địa. Tháng 7/1921, Hội Liên hiệp thuộc địa đi vào hoạt động. Ban đầu, Hội có khoảng gần 200 người, chủ yếu từ Hội Người Việt Nam yêu nước do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu và Hội đấu tranh cho quyền công dân của người Mađagátxca được thành lập ở Pháp từ trước đó. Hội duy trì hoạt động bằng nguồn tài chính do các hội viên đóng góp quỹ Hội theo quy định và kêu gọi quyên góp khi cần thiết. Ban Thường trực Hội gồm 7 người trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Đầu tháng 02/1922, Nguyễn Ái Quốc cùng một số bạn bè, đồng chí trong Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa dự định lập ra Hội hợp tác người cùng khổ và sẽ cùng nhau đóng cổ phần để ra một tờ báo cùng tên(1). Ngày 19/02/1922, tại nhà số 28, đại lộ Acgô (Argo), Paris, hội nghị Ban Thường vụ Hội liên hiệp thuộc địa thông qua quyết định cho ra đời Hội hợp tác Người cùng khổ và tờ báo cùng tên Le Paria theo đề xuất của Nguyễn Ái Quốc.

Tuy nhiên, theo Điều lệ của Hội hợp tác báo Người cùng khổ, vốn cố định cho việc thành lập Hội là 15.000 frăng và mỗi cổ đông đóng phí 100 frăng(2), song số người đóng cổ phần không đủ nên Hội hợp tác báo Người cùng khổ đã không thành lập được. Mặc dầu vậy, với quyết tâm của Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí trong Hội, số đầu tiên của tờ báo Người cùng khổ - “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” (Tribune des Populasions des colonial)(3) đã ra đời ngày 01/4/1922, tại Pari, Pháp. Báo viết bằng tiếng Pháp - ngôn ngữ của “mẫu quốc” cai trị, áp bức, xâm lược quê hương, tổ quốc của Người. Trong lời chào mừng bạn đọc của số đầu tiên báo viết: “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa của Pháp, chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo Người cùng khổ ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Madagascar, Đông Dương, Antilles và Guyam”. Người cùng khổ là tờ báo đầu tiên có mục đích thực hiện nhiệm vụ đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa với nhau, đoàn kết nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân chính quốc đấu tranh chống kẻ thù chung. Để có thể thành công trong việc này, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi mọi người “Hãy gia nhập Hội hợp tác Người cùng khổ và hãy đặt mua dài hạn báo Người cùng khổ”.

Báo Người cùng khổ là tờ báo duy nhất là “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” bởi vậy chính quyền Pháp tìm mọi cách gây áp lực, khó khăn và ngăn chặn phát hành báo. Hồ sơ chính quyền Pháp có ghi chép về việc này như sau: “Đây là những tờ báo được xuất bản ở Paris, những tờ báo như Le Paria được viết bởi người An Nam, được gửi về Đông Dương hàng trăm bản (...) được phân phát rộng rãi trong các cư dân bản địa”(4). “Mỗi lần thư tín từ Pháp chuyển đến đều mang về Đông Dương một số lượng báo Le Paria nhất định. Tác động có hại như vậy của một tờ báo nếu phát hành có thể tạo ra ở các nước thuộc địa sẽ rất nhanh chóng. Song việc phát hành này đã bị các nhà chức trách ở các địa phương ngăn chặn theo các quy định hiện hành”(5). Về vấn đề này cũng được Nguyễn Ái Quốc đề cập tới trong nội dung trao đổi với nhà báo Ô.Mandenxtam tại Mat-x-cơ-va (1923): “Hiện nay ở Paris một nhóm các đồng chí thuộc các nước thuộc địa của Pháp, có 5-6 người Nam Kỳ, Xu đăng, Mađagátxca, Haiti đang xuất bản tờ báo Le Paria để chống lại chính sách thuộc địa của Pháp. Đó là tờ báo nhỏ. Các cộng tác viên phải bỏ tiền túi ra để xuất bản thay cho việc nhận tiền nhuận bút. Cây gậy tre với lời hiệu triệu của báo đã bí mật đến các làng mạc. Nó được chuyển từ vùng này sang vùng khác và đã có sự đồng tình với nhau. Nhưng người An Nam đã phải trả giá đắt cho việc đó. Đã có những bản án tử hình và hàng trăm người đã bị mất đầu”(6).

Có thể nói, trong điều kiện hạn chế về tài chính, về kinh nghiệm quản lý, đối tượng bạn đọc thì xa xôi và phân tan... song việc báo Le Paria xuất bản hàng ngàn bản mỗi số và đến tay đa dạng bạn đọc (chính quyền thực dân, nhân dân Pháp, người dân các nước thuộc địa sinh sống tại Pháp, nhân dân các nước thuộc địa.) là kết quả rất đáng khâm phục. Sơ bộ ghi nhận Nguyễn Ái Quốc có 38 bài, 5 bức tranh vẽ và sử dụng 7 bút danh trên báo Le Paria.

Với Nguyễn Ái Quốc, báo Người cùng khổ - Le Paria ra đời ở thủ đô Paris, thủ đô của nước mẹ “Đại Pháp”, nơi điều hành bộ máy thực dân xâm lược cũng là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Paris không chỉ là địa bàn gắn với hoạt động yêu nước cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc mà còn là nơi chứng kiến những bước ngoặt quan trọng: Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một trong những người đầu tiên, người châu Á duy nhất tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (PCF), chính đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp. Tháng 12/1920 là một bước ngoặt lịch sử có tính quyết định bởi lẽ cùng một lúc Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Yêu Nước trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam đồng thời là người sáng lập chính đảng vô sản Pháp, nơi vốn được coi là trung tâm của cách mạng thế giới, rạng danh khắp toàn cầu bởi đã từng “xông lên đoạt trời” trong cách mạng 1871 với Công xã Paris và sự thiết lập nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới.

Paris cũng là nơi Nguyễn Ái Quốc lần đầu tiên đọc tác phẩm của V.I. Lênin: Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, đăng trên báo L'Humanité, số ra ngày 16 và 17/7/1920. Trong văn kiện này, Lênin phê phán mọi luận điểm sai lầm về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa, lên án mạnh mẽ tư tưởng sô vanh, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ích kỷ, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của các đảng cộng sản là phải giúp đỡ thật sự phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhấn mạnh sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản các nước tư bản với quần chúng cần lao của tất cả các dân tộc để chống kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến. Phải chăng đây chính là điểm mấu chốt để Nguyễn Ái Quốc quyết định rời Paris để đến Mat-x-cơ-va và trở về nước lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc như ý chí đã định của mình?

Thông qua một số hồ sơ lưu trữ của Pháp, đối chiếu với tư liệu để cùng nhìn lại sự ra đời Hội liên hiệp thuộc địa và báo Người cùng khổ, chúng ta nhận thấy:

1.       Thời gian hoạt động không dài (4 năm) song Hội Liên hiệp thuộc địa đã góp phần vào xây dựng khối đoàn kết giữa nhân dân các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chung chống chính sách thực dân cai trị ở các thuộc địa, đồng thời bước đầu xây dựng khối đoàn kết giữa nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân lao động Pháp(7).

2.       Sự ra đời của Báo Người cùng khổ - Le Paria đã khẳng định khối đoàn kết của những người vô sản bản xứ trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc thực dân Pháp xâm lược cai trị, bóc lột và báo là “vật chứng” thuyết phục về tinh thần quốc tế vô sản theo lời kêu gọi của V. Lê Nin: Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại. Báo chỉ phát hành bằng tiếng Pháp và có độ “phủ sóng” rộng tới 4 châu lục trên toàn cầu(8). Những người tham gia làm báo gần như không ai là nhà báo. Qua đó chúng ta thấy sự quyết tâm cũng như lòng dũng cảm, ham học và bản tính chịu thương chịu khó cần cù trách nhiệm của những người làm báo.

3.       Báo Người cùng khổ - Le Paria là tờ báo đầu tiên Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập. Đặc biệt, trong thời gian trực tiếp tác nghiệp(9), Nguyễn Ái Quốc đã kiêm nhiệm nhiều việc nhất. Nói chuyện tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, tại Hà Nội, ngày 16/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ:“Có một thời gian mình làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo của báo Paria. Các đồng chí người Á - Phi viết bài và quyên tiền, còn bao nhiêu công việc mình đều bao hết”(10). Với vai trò là chủ bút kiêm chủ nhiệm, thủ quỹ, xuất bản và liên lạc, Nguyễn Ái Quốc xứng đáng là linh hồn của báo và Hội liên hiệp thuộc địa. Công việc này đã giúp cho Người có nhiều kinh nghiệm để ba năm sau đó, năm 1925, Người sáng lập tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta - Báo Thanh Niên. Hay nói cách khác, từ Le Paria, những tờ báo tiếp theo do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đáp ứng tốt nhu cầu bạn đọc theo đúng định hướng báo đã đề ra.

4.       Việc xuất bản Người cùng khổ - Le Paria đã đạt được những mục tiêu mà nhóm sáng lập đề ra trong bối cảnh khó khăn, hạn chế về mọi mặt, nhất là về tài chính (Báo phải tự cân đối thu chi, gửi miễn phí với số lượng cao)...; duy trì không lâu song báo đã đánh dấu thực tiễn: Trong lịch sử phong trào quần chúng bản xứ ở các thuộc địa của Pháp, đây là tờ báo đầu tiên đảm trách sứ mệnh tố cáo tội ác thực dân xâm lược cai trị, nêu thực trạng đời sống khốn cùng của người dân ở các thuộc địa, đáp ứng nhu cầu biết tin tức ở các thuộc địa đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp để có thể cung cấp thông tin chính xác và khai thác thông tin phù hợp.

5.       Việc nghiên cứu để thấu hiểu vai trò và những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc với báo Người cùng khổ - Le Paria còn rất hạn chế, chừng mực, nhiều câu hỏi về quá trình làm báo Le Paria của Nguyễn Ái Quốc còn bỏ ngỏ. Nhiều bài không ký tên trên báo thể hiện khá rõ “chất giọng”, lời văn của Nguyễn Ái Quốc nhưng chưa thể khẳng định. Có nhà nghiên cứu Pháp xác định Nguyễn Ái Quốc có tới 21 bút danh khi viết bài trên báo Pháp vậy ngoài 7 bút danh đã xác định của báo Le Paria liệu còn thêm bút danh mới nào không? Báo Le Paria xuất bản 38 số, hiện bảo tàng báo chí đã sưu tầm được 36/38 số. Vậy những số Le Paria còn thiếu có thể tìm được ở đâu? Đó là những vấn đề mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu để giải mã về Hồ Chí Minh với báo Le Paria./.

Chú thích:

1.       Ở Pháp, tự do báo chí được nhắc đến từ Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền (1789). Pháp có Luật về tự do báo chí năm 1881, qua nhiều lần sửa đổi vẫn giữ được cơ bản ban đầu, đó là cụ thể hóa quyền hoạt động báo chí và in ấn. Báo chí hoàn toàn độc lập với chính quyền và bộ máy quản lý, các cơ sở báo chí không do cơ quan nhà nước nào cụ thể lãnh đạo, quản lý, điều tiết hay chỉ đạo. Báo chí ở Pháp hoạt động theo luật pháp và các quy chế riêng ở ba cấp độ: luật pháp, doanh nghiệp báo chí, hội đoàn nghề nghiệp.

2.       Statuts de la Societe Cooperative du Journal “le Paria” - Điều lệ thành lập Hội hợp tác báo “Người cùng khổ”.

3.       Từ số 21 (tháng 12/1923) đến số 35 (tháng 8/1925): Diễn đàn của vô sản thuộc địa (Tribune du prolétariat colonial). Từ số 36 - 37 (tháng 9 và 10/1925): Cơ quan của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa (Organe des Peuples Opprimés des colonies). Số 38 (tháng 4/1926): Cơ quan của Hội liên hiệp thuộc địa (Organe de L'Union Intercoloniale).

4.       A.Rucio, Hồ Chí Minh - Những bài viết và tranh đấu, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.181.

5.       Ghi chú về hoạt động tuyên truyền cộng sản ở Đông Dương ngày 6/1/1925. KH: ANOM F7/44516

6.       Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.463.

7.       Điều này gần với thực tế hơn một số bài viết cho rằng Hội Liên hiệp thuộc địa là do Nguyễn Ái Quốc và một số chính khách người Pháp thành lập cũng có ý kiến cho rằng Hội thuộc quyền lãnh đạo của Đảng CS Pháp.

8.       Theo kết quả một nghiên cứu: người đặt mua năm báo Le Paria từ các thuộc địa Pháp ở ba châu Á, Phi và Mỹ Latinh.

9.       Có thể chia hai giai đoạn trước và sau khi Nguyến Ái Quốc rời Pháp đi Liên Xô, tức là giai đoạn từ 4/1922 - 6/1922 và giai đoạn từ 7/1923 - 4/1926.

10.     Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.169.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)