slider
Phát triển kinh tế số

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài: Tết trồng cây: Ý NGHĨA LỜI KÊU GỌI “TẾT TRỒNG CÂY” CỦA BÁC HỒ VỚI VIỆC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG HIỆN NAY

28 Tháng 06 Năm 2010 / 13985 lượt xem
Nguyễnn Dương
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê-Tư liệu
 
Hiện nay, bảo vệ môi trường đang là chủ đề nóng được cả thế giới và Việt Nam hết sức quan tâm. Môi trường tự nhiên là tổng thể các yếu tố tự nhiên vốn có quanh ta gồm khí quyển, nước, động vật, thực vât, thổ nhưỡng… Đặc biệt, rừng cây xanh là yếu tố quan trọng, là bộ phận cơ bản của môi trường sống, nó tác động đến mọi vật: địa hình, khí hậu, đất đai, nước, không khí... và có ý nghĩa sống còn đối với đời sống của con người. Khả năng và tốc độ tăng trưởng của rừng cây xanh càng cao thì tác dụng lập lại thế cân bằng ổn định trong tự nhiên, chống lại và hạn chế những dao động không có lợi trong thiên nhiên càng lớn. Vì thế, người ta đã gọi thế giới cây xanh là nguồn sống, là lá phổi của trái đất. Ở Việt Nam hiện nay, việc quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng cây xanh tự nhiên ngày càng có xu hướng bị thu hẹp do bởi chính con người, dẫn đến thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra... làm cho đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn. Thực trạng đáng buồn trên khiến chúng ta càng nhớ tới phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động cách đây nửa thế kỷ với mục đích vừa góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ đầu tiên quan tâm thường xuyên và sâu sát đến vấn đề trồng cây gây rừng. Với Người, trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa sâu sắc là giáo dục đạo đức lao động cho nhân dân; đặc biệt là giáo dục ý thức cho con người trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Từ chặng đường hoạt động cách mạng khó khăn gian khổ, Người đã chú ý tìm kiếm, lựa chọn và tạo ra một môi trường cây xanh quanh nơi mình sống, làm việc. Những ngày đầu kháng chiến, tại căn cứ địa Việt Bắc, nơi ở của Bác thường gắn với tranh, tre, lá, nứa, cây rừng... và có một mảnh đất để tăng gia trồng rau… Dù trong gian khổ, Bác Hồ đã có ý thức trong việc trồng cây, bảo vệ rừng và bảo vệ thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên để xây dựng căn cứ địa lâu dài phục vụ cho công cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Cuộc sống của Người luôn gắn bó, gần gũi với thiên nhiên. Người coi thiên nhiên như một người bạn thân thiết. Trở về Hà Nội làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch sau ngày kháng chiến thành công, Bác Hồ đã sống và làm việc trong ngôi nhà sàn giản dị ở giữa vườn cây xanh mát. Người đã trồng cây, nuôi cá ở giữa Thủ đô và ngay giữa những lúc bận rộn trăm công nghìn việc vì nước, vì dân, giữa những ngày đất nước còn bị chiến tranh chia cắt, Bác vẫn sống hoà mình với thiên nhiên, như để tìm cái ung dung tự tại, sự bình tĩnh thanh thản ứng xử với mọi biến cố phức tạp. Cũng từ đó Bác đã đưa ra nhiều quan điểm về môi trường, đặc biệt là vấn đề trồng cây góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên, của cây xanh đối với đời sống con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới việc gìn giữ, bảo vệ và xây dựng một môi trường sống trong lành cho nhân dân từ rất sớm. Và Người đã chọn việc bảo vệ và trồng cây xanh làm điểm tựa, đòn bẩy cho hoạt động bảo vệ môi trường. Vì vậy, ngày 28-11-1959, hướng tới kỷ niện 30 năm ngày thành lập Đảng và đón Tết cổ truyền của dân tộc, Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Người nêu rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng t­ươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...” (1). Nhân dịp về thăm Quảng Ninh vào ngày 9-5-1961, trong Bài nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô (Hải Ninh), Ngườicăn dặn: Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp. Ngày 27-1-1963, Bác Hồ viết bài “Tết trông cây” với bút danh TL, đăng trên Báo Nhân dân. Người nhấn mạnh ý nghĩa to lớn về chính trị của Tết trồng cây: “Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa về kinh tế, mà còn có ý nghĩa về chính trị to lớn, khi Mĩ - Diệm dùng thuốc độc phá hoại cây cối ở miền Nam. Thì ở miền Bắc nhân dân ta đang thi đua trồng cây gây rừng. Chỉ việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”(2). Ngày 1-1-1965, trong bài Hãy nhiệt liệt tổ chức tết trông cây đăng trên Báo Hà Đông, Người chỉ rõ: “muốn xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng lại nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ có việc đó cũng đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây.... Ngoài ra cũng nên ra sức trông cây để chống gió cát, bảo vệ ruộng, chống xói mòn...”(3). Sau đó, Người kết luận: “Nơi nào mà cấp bộ Đảng từ tỉnh đến chi bộ trực tiếp lãnh đạo, có kế hoạch đầy đủ, có biện pháp rõ ràng (hạt giống, vườn ươm...), có kiểm tra cận thận, khéo động viên quần chúng, khéo dựa vào lực lượng phụ lão và thanh niên nhi đồng thì nơi đó phong trào tết trồng cây phát triển tốt” (4). Trong nhiều bài nói và viết, Bác luôn luôn căn dặn nhân dân ta, bên cạnh việc tích cực trồng cây, gây rừng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng và chớ lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Người xót xa trước cảnh rừng bị tàn phá, khai thác bừa bãi và cho rằng, “những cây gỗ to bị chặt để đốt hay để cho mục nát thì không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Người cảnh báo nhân dân ta về sự nguy hại của việc chặt, phá khai thác rừng bừa bãi, dẫn đến sự phá vỡ cân bằng môi trường sinh thái, ảnh hưởng nhiều đến khí hậu, đến đời sống sản xuất. Đồng thời, Người kêu gọi nhân dân phải có kế hoạch trồng rừng và phải tích cực bảo vệ rừng... như bảo vệ nhà cửa của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi toàn dân tham gia phong trào trồng cây gây rừng qua các bài nói, viết, mà còn bằng những hành động, việc làm cụ thể của Người. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, Người lại tham gia trồng cây. Mùa xuân năm 1960, Bác đã tham gia trồng cây với nhân dân Thủ đô ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội. Ngày 3-2-1963, Người về thăm và tham gia trồng cây trong hội Tết trồng cây thống nhất của đồng bào huyện Đông Anh. Mùa Xuân năm kỷ Dậu 1969, sáng mồng Một Tết, tuy lúc đó sức khoẻ yếu đi nhiều, nhưng Bác vẫn lên chúc tết đồng bào Sơn Tây và tham gia trồng cây lưu niệm ở đồi Vật Lại - Ba vì, và căn dặn bà con: “Đất nước bây giờ là của ta, cho nên ta phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi...”. Đến mùa thu năm ấy Bác, Bác ra đi vào cõi vĩnh hằng. Trong Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Bác lại một lần nữa nhắc tới trồng cây bên nhà tưởng niệm Người vì môi trường tốt đẹp hữu ích: …Ai đền thăm thì trông một cây lưu niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.
 Hưởng ứng lời kêu gọi và noi theo tấm gương của Người, phong trào Tết trồng cây đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Sau 5 năm (1960-1965), toàn miền Bắc đã trồng được hơn 375 triệu cây các loại, ngoài ra còn có hơn 200 triệu cây bảo vệ đê ở vùng biển. Đã xuất hiện nhiều điển hình gương mẫu như: các hợp tác xã Lạc Trung, Ngọc Long, Vĩnh Quang...; các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái bình, Thanh Hoá, Nghệ An... phong trào dần dần lan toả rộng khắp và mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cuộc sống của con người. Để kịp thời động viên, khuyến khích phong trào này, Bác Hồ đã tặng huy hiệu cho một số cá nhân trồng cây xuất sắc như: Ngày 25-7-1960, đồng chí Đinh Công Hoan, Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp I xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai; Ngày 30-1-1961, ông Đỗ Đăng Hoè, xã Hoà Nam, huyện Ứng Hòa; Ngày 19-2-1969, cụ Nguyễn Thị Tịch, xã viên hợp tác xã Cam Toàn, xã Đường Lâm, huyện Ba Vì...
 Trong khu vực Phủ Chủ tịch, những cây trồng trong vườn Bác cũng cho chúng ta thấy vấn đề trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa và tác dụng sâu sắc đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Vì màu xanh của thành phố và để cho những người công nhân quét đường đỡ vất vả, Bác Hồ đem cây xanh 4 mùa từ Trung Quốc về trồng. Cây xanh 4 mùa đặc điểm là lá thư­ờng xanh quanh năm, cây thay lá rất đều và không rụng lá về mùa đông. Bác mong muốn nếu cây này thích hợp với điều kiện khí hậu của nư­ớc ta thì đem nhân rộng ở nhiều địa phương, đặc biệt ở thành phố để cho những người lao động đỡ vất vả trong những ngày đông giá rét và về mùa đông thành phố vẫn xanh tươi. Điều đó cho chúng ta thấy Bác Hồ không chỉ lo cho người cán bộ mà lo cả cho người công nhân quét đường, lo đến màu xanh của đất nước, muốn cho thành phố văn minh xanh sạch đẹp. Tháng 5-1966, khi đi thăm đảo Hải Nam, Trung Quốc, Bác thấy ở đây có loại cây cọ có thể lấy quả ép dầu làm thực phẩm cho con người. Nghĩ đến đời sống của đồng bào mình vẫn còn quá nhiều khó khăn, Bác nói với đồng chí đi cùng: “Vùng này, đất và khí hậu cũng giống nước ta, ta có thể xin lấy giống cây cọ dầu vùng này về trồng thử. Nếu cây phát triển tốt, sau này đề nghị ngành nông nghiệp nhân giống và phát triển loại cây này để lấy quả ép dầu cho nhân dân dùng” (5). Bác đã cho đem ba cây cọ dầu về nước và trồng trong khu vườn Phủ Chủ tịch.
Quan điểm trồng cây của Bác Hồ đã để lại cho chúng ta hiện nay những bài học quý báu, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi môi trường sống đang bị đe dọa, huỷ hoại nghiêm trọng. Nhịp độ xây dựng, kiến thiết ở nhiều quốc gia và sự tăng trưởng nhanh chóng nền công nghiệp hoá, hiện đại hoá, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trên thế giới…, môi trường sống của con người bị huỷ hoại nghiêm trọng, tài nguyên kiệt quệ, nước và tầng sinh quyển bị ô nhiễm nặng nề; nhiều khu rừng bị chặt phá bừa bãi, ở thành phố người dân đang phá cây lâu năm để lấy chỗ kinh doanh, xây nhà cao tầng. Nhiều địa phương cũng hô hào trồng cây nhưng rồi lại bỏ mặc, thiếu người chăm sóc. Những công viên, con đường trước đây vốn rợp mát bóng cây xanh, nay lại trơ trụi, thưa thớt, thiếu sức sống, làm cho bầu không khí ngày càng dày đặc khói và bụi ảnh hưởng không nhỏ sức khoẻ của con người...
Thống kê cho thấy, diện tích rừng trên trái đất trước thập kỷ 60 chiếm khoảng 50% bề mặt các lục địa, đến nay chỉ còn hơn 3500 triệu héc ta. Như thế, gần 200 triệu héc ta rừng bị mất đi. Mới đây, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), tính từ năm 1990 đến nay, thế giới mất đi gần 3% diện tích rừng, có nghĩa là mỗi năm mất 13 triệu ha rừng do nạn chặt phá rừng tràn lan. Diện tích rừng còn lại hiện chỉ chiếm 36%, nhưng cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng vì hằng năm có khoảng 6 triệu ha rừng có nguy cơ bị phá hủy. Hiện có 76 nước trên thế giới không còn rừng nguyên sinh. Ở Việt Nam, trước năm 1945, diện tích rừng chiếm ½ diện tích cả nước. Đến năm 1980, rừng chỉ còn chiếm 1/3 diện tích, chừng 6 triệu héc ta rừng đã mất đi. Đặc biệt, theo Tổng cục Thống kê, ước tính 5 tháng đầu năm 2009, cả nước bị mất 489 héc ta rừng, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó diện tích rừng bị cháy là 244 héc ta (tăng 68%), diện tích rừng bị chặt phá là 245 héc ta. Hiện nay, diện tích rừng cây xanh che phủ chỉ còn khoảng 37,7% . Trước tình hình đó, năm 1968 Uỷ ban khoa học các vấn đề về môi trường bắt đầu hoạt động. Năm 1972, Liên hợp quốc lập ra một chương trình nghiên cứu quốc tế về môi trường và xây dựng pháp chế bảo vệ môi trường. Đồng thời, ngày 5-6 được chọn làm Ngày môi trường của thế giới. Mọi hoạt động nhằm bảo vệ môi trường giữ mãi màu xanh cho trái đất được triển khai ở nhiều quốc gia.
Nhận thức được giá trị thiết thực và ý nghĩa cao đẹp từ bài học Tết trồng cây mà Bác Hồ phát động cách đây tròn 50 năm, ngày nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức hưởng ứng thông qua những hành động cụ thể, với nội dung ngày càng cao hơn, toàn diện hơn bằng việc tiếp tục duy trì và phát động phong trào trồng cây, gây rừng rộng rãi từ các địa phương đến bản làng và người dân thông qua kế hoạch rừng xanh; tuần lễ xanh.... Chiến dịch này là một nỗ lực gắn kết khu vực thành thị với nông thôn, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Những người dân thành thị quyên góp tiền trồng cây, còn nông dân góp sức để trồng với mục đích phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ngăn chặn lũ lụt, thiên tai; mang lại bầu không khí trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cho cuộc sống của con người. Đây cũng là một trong những hành động thiết thực góp phần vào phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay./
 
Chú thích:
1,2. Báo Nhân dân số 2082, ngày 28-11-1959; số 3228, ngày 27-1-1963.
3, 4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG 2002, tập XI, tr 357
5. Chuyện cây trong vườn Bác Hồ, Nxb. Thanh niên, H. 2005, tr.28.

Ảnh: Bác Hồ tham gia Tết trồng cây ở Cổ Loa, xã Tiên Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội (31/1/1965)





       

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)