slider

Những bài viết của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Le Paria (1922 - 1925)

18 Tháng 05 Năm 2022 / 515 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

PGĐ Phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Từ ngày báo Le Paria ra đời đến khi đình bản (1/4/1922 đến tháng 4/1926) thì Nguyễn Ái Quốc là một trong những người lãnh đạo chủ yếu của tờ báo. Người làm chủ nhiệm, chủ bút, thủ quỹ, kiêm phát hành và đôi khi còn trực tiếp đi bán báo, tuy nhiên Người vẫn là cây bút chính viết các bài báo dưới nhiều hình thức khác nhau: xã luận, bình luận, tin tức, dịch thuật, tiểu phẩm, truyện ký và cả vẽ tranh châm biếm. Sau đây là những bài viết của Người đăng trên báo Le Paria trong thời gian Người ở Pháp và sau khi rời nước Pháp:

1.       Bài viết Động vật học, đăng trên báo số 2, ngày 1/5/1922. Bài báo cho biết, trong giới động vật ngày nay, còn có một loài vật “có thể được liệt vào hàng đầu” do số lượng và chất lượng của nó. Loài động vật này có nguồn gốc lâu đời như nguồn gốc loài người, da màu vàng hoặc đen chứ ít khi trắng, đi bằng hai chân, sống ở một địa bàn rất rộng trên trái đất, thịt của nó không ăn được, nhưng máu và mồ hôi của nó lại là “những thứ không thể thiếu để làm béo những cái máy làm dồi thịt”. Cái giống vật kỳ dị đó, có tên khoa học là Dân bản xứ thuộc địa (Coloniae Indigéna) nhưng tuỳ theo từng vùng mà có tên gọi khác nhau: Annamít, Mangasơ, Angiêriêng, Anhđiêng, v.v... ”.

2.       Bài Diễn đàn Đông Dương đăng trên báo số 4, ngày 1/7/1922. Bài viết tố cáo những hành vi bỉ ổi, những sự tàn bạo không thể tưởng tượng nổi của Những nhà khai hóa ở cái nơi mà thế giới báo chí tử tế gọi là “nước Pháp hải ngoại”.

3.       Bài Thù ghét chủng tộc đăng báo số 4, ngày 4/7/1922. Bài viết cho biết: chỉ vì nói đến đấu tranh giai cấp và sự bình đẳng giữa con người mà đồng chí Luson, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, bị kết án là “thù ghét chủng tộc”. Trong khi đó “tình thương yêu giữa các chủng tộc” đã được những tên thực dân, những nhà truyền giáo như Darles, Bert, Bret, Zeffi.. “thể hiện” bằng những tội ác dã man đối với dân bản xứ Đông Dương thì chẳng có tên nào bị kết tội, cũng chẳng có ai dám dụng tới chúng. Đó là chưa nói đến tội ác của chính quyền thực dân đã dùng rượu cồn và thuốc phiện để đầu độc và làm ngu muội nhân dân.

4.       Bài Sở thích đặc biệt, bút danh NG.A.Q. Tác giả mượn lời giải thích của Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anbe Xarô về những “Sở thích đặc biệt” của “Đức vua Khải Định” để tố cáo sự trác táng của vị “Hoàng đế nước An Nam này”.

5.       Bài Khai hóa giết người, bút danh Nguyễn A. Q., đăng ngày 1/8/1922. Tác giả kể lại cái chết thảm thương của ông Lê Văn Tài, 50 tuổi, có 25 năm làm công cho Sở hỏa xa Nam Kỳ, để tố cáo: “Trong lúc ở Mácxây, người ta triển lãm cảnh phồn thịnh chính thức của xứ sở Đông Dương thì, ở xứ An Nam, đang có người bị chết đói. Ở bên này, người ta ca tụng lòng trung thành, còn ở bên kia, người ta giết người!”. Và đặt câu hỏi: “Như vậy các ngài bảo cho thế là thế nào, hỡi đấng chí tôn Khải Định và cụ lớn vô cùng lớn Xarô?”.

6.       Bài Phụ nữ Việt Nam và chế độ đô hộ của Pháp, đăng ngày 1/8/1922. Bài viết thuật lại vụ lính Pháp thay nhau hãm hiếp một em bé 8 tuổi và hai phụ nữ Việt Nam rồi giết hại một cách man rợ những chị em này để cướp tư trang.

7.       Bài Lá thư gửi ông Anbe Xarô, thượng thư Bộ thuộc địa, đăng ngày 1/8/1922. Lá thư ngỏ tố cáo hàng loạt “hành động nhân ái” của Anbe Xarô đối với dân thuộc địa nói chung, và đối với dân Việt Nam nói riêng, dưới quyền cai trị của ông ta. Đó là những ty rượu, ty thuốc phiện, là sự bắn giết bắt bớ, là nhà tù, là công trái, là sự làm ô uế những nơi linh thiêng, v.v... Đó còn là “cơ quan đặc trách” do ông ta thiết lập ngay ở Pari để theo dõi những người bản xứ cư trú trên đất Pháp, đặc biệt là theo dõi những người Đông Dương.

8.       Bài Nhân đạo thực dân, đăng số 6-7, tháng 10/1922. Bằng những dẫn chứng về tội ác và âm mưu mới xảy ra ở Đông Dương, bài báo vạch trần thực chất của cái gọi là “nhân đạo thực dân” được núp dưới những danh từ hoa mỹ “văn minh”, “khai hóa”, “bác ái”... mà bọn thực dân đang cố nhồi nhét vào đầu óc nhân dân các nước thuộc địa.

9.       Bài Tuynidi, vụ hành hạ Amduni và Ben Benkhia, đăng số 8, ngày 1/11/1922. Kể về tội ác của một tên chủ người Pháp đã đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với hai người công nhân bản xứ giúp việc chỉ vì “hai anh này hình như đã có lấy trộm vài chùm nho”, tác giả tố cáo ách thống trị dã man tàn bạo, sự lật lọng tráo trở của bọn thực dân Pháp đối với nhân dân Tuynidi.

10.     Bài Về câu chuyện Xikim, đăng số 9, ngày 1/12/1922. Bài báo thuật lại vụ Siki, đấu thủ da đen người Xênêgan - một thuộc địa của Pháp ở Châu Phi, đã đánh thắng đấu thủ người Pháp tên là Carpentier đoạt giải vô địch quyền Anh. Nhưng sau đó bị phạt treo giò 9 tháng không được dự tất cả các võ đài Pháp với lý do đã lăng mạ một người Pháp khác tên là Cuni. Qua đó, bài báo bình luận và châm biếm chủ nghĩa vị chủng hẹp hòi, bất bình đẳng của thực dân Pháp.

11.     Bài Dân bản xứ hợp thị hiếu, đăng ngày 15/1/1923. Bài báo viết: Những người dân bản xứ nếu còn sống sót sau Đại chiến Thế giới thứ Nhất, đều “có thể tự hào rằng vì chính nghĩa, vì dân chủ, vì lợi ích của chủng tộc cao đẳng, họ không những đã hiến đời mình, xương máu mình, mà còn hiến cả niềm tin của mình nữa”.

12.     Bài Lá thư ngỏ gửi Ô. Lêông Ácsembô, đăng ngày 15/1/1923. Bài viết đã vạch trần và lên án những hành vi bất công, những chuyện xấu xa bỉ ổi, những việc làm khinh rẻ coi thường dân thuộc địa của bọn thực dân Pháp; và chất vấn Leon Aschimbaud về những điều đã biện bạch cho những tội ác ấy khi ông ta đọc diễn văn tại Hạ nghị viện và khi viết bài đăng trên báo La Rappel.

13.     Bài Cầm thú đăng ngày 1/2/1923. Nhân việc mấy “ông bà” người Pháp thành lập cái tổ chức “Hội bảo trợ các loài vật” mặc dù theo tác giả “hiện nay còn có biết bao nhiêu là con người cùng khổ đang đòi hỏi được người ta chăm sóc đến họ một chút mà cũng chẳng được”, tác giả đã nêu lên một số con vật tượng trưng cho một số nước đế quốc và một số người trong chính giới, qua đó vạch trần và phê phán tính chất phản động, tham nhũng, cướp bóc của bọn tư bản thực dân đế quốc, đồng thời nêu lên nỗi khổ của người dân thuộc địa đang rất cần được cứu trợ.

14.     Bài Y như nước mẹ đăng ngày 1/2/1923 cho biết: Trên thế giới chỉ có thành phố Tulle ở tây nam thủ đô nước Pháp là nơi nổi tiếng vì những bức thư nặc danh. Vậy mà ở cái xứ thuộc địa Nam Kỳ này cũng lại xảy ra câu chuyện thư nặc danh y như ở nước Pháp: Một viên “hương cả” bị bắt giam oan uổng không phải vì đã lạm dụng thư nặc danh (như trường hợp ở Pháp), mà bị thư nặc danh tố cáo ông ta giết chết gia nhân của mình. Sự thật là gia nhân này chết vì bọn cướp bắn, và thân quyến của người bị nạn đã làm đơn minh oan cho ông “hương cả”, nhưng ông ta vẫn tống giam và hiện “vẫn còn nằm trong bóng tối để chờ ánh sáng của công lý”.

15.     Bài Lòng ngay thẳng của chính phủ thuộc địa, đăng ngày 1/2/1923. Bài viết đã dẫn chứng: “Trong thời chiến vinh quang, để có được những “tình nguyện quân”, người ta đã hứa trời hứa biển với dân bản xứ. Chiến tranh hết, những lời hứa trang trọng ấy cũng được trang trọng quên đi”. Cũng như trong vụ công trái vừa qua, dân bản xứ đã “hưởng ứng một cách tự nguyện và với tấm lòng sốt sắng và phấn khởi” vì “ngoài những biện pháp thúc ép, người ta còn hứa với những người mua, phẩm hàm, hoàn tiền dễ dàng và hàng lô cái khác nữa”. Đến bây giờ, khi lòng trung thành của đám dân bản xứ đã được chứng tỏ, họ mới được vào xiếc “phiếu” trở thành “phiệu” cả.

16.     Bài Viện hàn lâm thuộc địa, đăng số 12 tháng 3/1923 và đăng tiếp trên số 14 tháng 5/1923. Với lối chơi chữ hóm hỉnh và những mẩu đối thoại đầy tính châm biếm, tác giả mỉa mai cái gọi là “Viện hàn lâm khoa học thuộc địa” của Pháp mới được thành lập và những thành viên của nó gồm toàn những người “lương thiện”, “liêm khiết”, “yêu nước” mà theo tác giả “đúng là những người đại diện vừa cho quyền lợi thật sự của cử tri ở Quốc hội Pháp, vừa cho quyền lợi và nền văn hóa Pháp của thuộc địa”.

17.     Bài Tinh hoa của xứ Đông Dương, đăng số 13, tháng 4 năm 1923. Tác giả kể lại chuyện: Trong đám tang Toàn quyền Lông, một ông tiến sỹ luật học kiêm tiến sỹ khoa chính trị học và kinh tế học nọ, tòng sự tại Tòa biện lý Sài Gòn và ông kỹ sư kia là chủ tịch “Hội những người Đông Dương” đã thành tâm than khóc và tán dương địa vị, công lao, đức độ của Lông bằng những lời lẽ rất chi là mỹ miều.

18.     Bài Các vị thống trị của chúng ta, đăng số 14, tháng 5/1923. Nhân vụ Martial Melin, nguyên Toàn quyền Tây Phi thuộc Pháp sắp được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương để cai trị một đất nước mà Ngài không biết gì về nó cả, tác giả bài báo đã vạch trần tâm địa của “các vị thống trị của chúng ta”, nhất là tâm địa của Anbe Xarô trong việc bổ nhiệm viên “tân thái thú” này.

19.     Bài Không đùa đấy chứ, đăng số 15, tháng 6/1923. Nhân một “kiến nghị khôi hài” của các ông nghị thỉnh cầu Chính phủ Pháp cho tất cả các trường học các cấp phải dạy rằng “nước Pháp là một nước 100 triệu dân. Không hơn không kém một người”, bài báo bàn về những hậu quả sẽ như thế nào nếu quả thực kiến nghị ấy được chấp thuận đối với các quan chức trong Bộ thuộc địa, các vị thống soái và những nhà chính trị, v.v... Còn đối với nhân dân bản xứ, chắc họ “cũng hết sức hoan nghênh nó” vì “một khi chúng tôi là người Pháp, lập tức chúng tôi sẽ gửi một đoàn khai hoá đến khắp nước Pháp... chúng tôi sẽ làm lại ở đây tất cả những gì mà những kẻ nguyên là bề trên của chúng tôi đã làm trên đất nước chúng tôi, cho chúng tôi, trước khi chúng tôi hóa ra là người Pháp”.

20.     Bài Diễn đàn Đông Dương, đăng tháng 6/1923. Bài viết tố cáo ông Baudoin giả mạo giấy tờ, ông Đáclơ ăn hối lộ, ông Théard tham nhũng, ông Boudineau nhét túi số tiền lời của một chợ phiên, đòi đút lót khi cấp một giấy phép hay một loại giấy tờ gì đó... nhưng rốt cục, họ vẫn giữ chức quyền không ai làm rầy rà gì họ cả. Tác giả kết luận: “Bao giờ người ta cũng vì uy tín chủng tộc, mà xá tội cho lũ “vô lại khả ố”. Bao giờ người ta cũng nhân danh nhân dân Pháp mà bắt công lý làm đĩ bợm. Văn minh là như thế đó!”.

21.     Bài Trò Méclanh, đăng tháng 6/1923. Bài viết vạch trần một trò hề mà Merlin đã làm trước khi sang nhận chức ở Đông Dương. Bữa đó, “quan lớn”. Meclanh ra lệnh cho một nhóm thanh niên Anammít được trợ cấp, đi theo Ngài đến Vườn Người chết ở Nojent trên sông Marne để đọc một bài diễn văn do “quan lớn” dàn ý. Tác giả mỉa mai: “Cố nhiên, bài diễn văn xào nấu trong các thứ nước cốt của quan lớn như vậy, thì hương vị của lòng trung thành và lòng ái mộ bất diệt đối với nước Pháp phải xông lên đến ngạt mũi. Nếu người chết nói được, như bọn đồng cốt bảo thế, thì những hồn ma An Nam ở Nôgiăng sẽ lên tiếng: “C...ám ơn, ối Toàn quyền, ối, nhưng xin làm ơn... cút đi cho!”.

22.     Bài Chế độ độc đoán ở Đông Dương - Người được bảo hộ và người đi bảo hộ, đăng số 16, tháng 7/1923. Tác giả thuật lại việc một “ông cẩm” (cảnh sát) ở Đà Lạt (cậy quyền thế, bắt một nhà buôn gỗ phải nộp gỗ ván cho hắn. Nhà buôn này không nghe, đòi phải trả tiền. Viên cẩm bèn sai lính đến bắt nhà buôn. Nhà buôn sợ quá, mặc dù đang ốm cũng phải chạy trốn sang tỉnh khác. Một thầy thuốc người Âu thấy thế can thiệp, liền bị đổi đi, bị đày lên Kontum, một nơi mà người Âu rất sợ. “Viên thầy thuốc đó đang đền cái đại tội thân người bản xứ của ông”. Còn nhà buôn người Việt Nam kia thì “bị ghi tên vào sổ những người bị tình nghi, liệt vào hạng “ghét Tây”, vào số những kẻ coi cần theo dõi”.

23.     Bài Ách áp bức không từ một chủng tộc nào, đăng tháng 8/1923. Sau khi thuật lại đám tang của phái viên Liên Xô bị bọn phát xít ám sát ở Lausanne - Thụy Sỹ và đám tang một người công nhân Tuynidi bị cảnh sát giết ở Pari, bài báo nêu nhận xét: “Tất cả những liệt sỹ của giai cấp công nhân, người ở Lôdannơ cũng như người ở Pari, những người ở Lơ Havrơ cũng như những người ở Máctiních, đều là những nạn nhân của cùng một kẻ sát nhân: chủ nghĩa tư bản quốc tế. Và hương hồn của những người bị hy sinh này bao giờ cũng tìm thấy nguồn an ủi cao nhất ở lòng tin vào sự nghiệp giải phóng những anh em của họ bị áp bức - không phân biệt chủng tộc hay xứ sở”.

24.     Bài Tình cảnh nông dân An Nam, đăng số 21, tháng 12/1923. Bài báo viết về tình cảnh của nông dân Việt Nam dưới “công ơn bảo hộ” của nước Pháp. Phân tích, tố cáo những thủ đoạn chiếm đoạt ruộng đất, áp bức, bóc lột của bọn đế quốc, phong kiến và địa chủ nhà chung, bài báo đi tới kết luận: “Người nông dân Việt Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa vừa bằng cây thánh giá của Hội Thánh đĩ bợm”.

25.     Bài Ông Anbe Xarô và Bản tuyên ngôn nhân quyền, đăng số 23, tháng 1/1924. Bài viết vạch trần luận điệu xảo trá trong diễn văn của Anbe Xarô đọc tại Trường Thuộc địa khi nói đến “nhân quyền”. “Nhà ảo thuật tu từ học” ấy, trơ trẽn tuyệt vời, lại dám nói đến văn bản thiêng liêng nhất, cao quý nhất của Đại cách mạng Pháp. Theo tác giả, đây “không còn là một sự giả nhân giả nghĩa nữa. Đây là một tội “đại bất kính”.

26.     Bài Châu Phi phải được tự trị, (dịch), đăng số 22, tháng 1/1924. Bài viết giới thiệu về Đại hội III Ban Chấp hành Liên Phi họp ở London và Lisbone.

27.     Bài Đông Dương và Thái Bình Dương, đăng số 24, tháng 4/1924, với các phụ đề: Lò lửa của cuộc chiến tranh thế giới sắp tới - Nước Pháp muốn khai thác các thuộc địa - Các thuộc địa Pháp sống lay lắt như thế nào? - Người Việt Nam bị bóc lột nặng nề thêm. Tác giả khẳng định vấn đề Đông Dương và Thái Bình Dương có liên quan chặt chẽ đến giai cấp công nhân châu Âu, và đó là “vấn đề mà tất cả mọi người vô sản nói chung đều phải quan tâm đến”.

28.     Bài Đoàn kết giai cấp, đăng số 25, tháng 5/1924. Bài viết kể lại vụ xử án anh công nhân da de đen Hôxê Lêanđờrô Đa Xinva ở Braxin. Anh tham gia bãi công, bị cảnh sát bắt, đánh đập tàn nhẫn, rồi bị đưa ra tòa và bị kết án 30 năm tù khổ sai. Được tin đó, lập tức “anh em công nhân cách mạng lập ngay một ủy ban bảo vệ” và “một chiến dịch vận động đấu tranh ủng hộ Hôxê được tiến hành mạnh mẽ suốt ba năm”. Dư luận công chúng công phẫn, buộc nhà chức trách phải xử lại... và cuối cùng tòa xử trắng án.

29.     Bài Sự phá sản của chế độ thực dân Pháp, đăng số 25, tháng 5/1924. Bài viết bình luận: “Việc cách chức này một lần nữa lại chứng tỏ chúng ta thấy rằng chế độ thực dân Pháp đã phá sản”. Đồng thời, bằng những số liệu cụ thể, tác giả muốn chứng minh: “Chế độ thực dân Pháp chỉ làm lợi cho một bọn đầu cơ, cho những tên chính khách bất lương và vô tài ở chính quốc, cho bọn buôn rượu và thuốc phiện, cho lũ con buôn vô liêm sỉ và bọn lý tài xấu xa”.

30.     Bài Lênin và các dân tộc phương Đông, đăng số 27, tháng 7/1924. Tác giả viết về vai trò của Lênin đối với các dân tộc Phương Đông: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc Châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”... “Lênin là hiện thân của tình anh em bốn bể”.

31.     Bài Những cái tốt đẹp của nền văn minh Pháp, đăng số 27, tháng 7/1924. Bài viết vạch trần và châm biếm những luận điệu bịp bợm mà bọn thực dân Pháp thường khoe khoang về nền văn minh Pháp, về “một số đức tính bất hủ của nước Pháp”. Song tất cả những lời lẽ huyênh hoang giả dối đó, như tác giả bài báo nói, vẫn không “ngoài cái đức tính rất cương quyết khai hoá dân bản xứ bằng đại bác và lưỡi lê”.

32.     Bài Tình hình những người lao động ở Đông Dương, bút danh Un Annamite (Một người Annam), đăng số 28, tháng 8/1924. Nội dung bài báo là bản tham luận của tác giả đọc tại Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội Đỏ ngày 21.7.1924 đã được tác giả sửa chữa và bổ sung thêm một số câu.

33.     Bài Cái dã man của Bônsêvích, đăng số 29, tháng 9/1924. Tác giả giới thiệu chương trình giáo dục của Chính phủ Xôviết đã thực hiện ở Liên Xô nhằm nói rõ sự quan tâm chăm sóc của Nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới đối với việc không ngừng nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân.

34.     Bài đầu đề tiếng Anh Hands off Chian!, đăng số 30, tháng 10/1924. Bài viết tố cáo hành động xâm lược của các đế quốc đối với nước Trung Quốc, phân tích những mâu thuẫn và tham vọng của các nước đế quốc trong quá trình xâu xé Trung Quốc.

35.     Truyện ngắn Con rùa, đăng số 32, tháng 2 và 3/1925. Qua câu chuyện viên xã trưởng nọ dâng lên quan Sứ một con rùa để làm quà đấm mõm cho y, tác giả vạch trần tâm địa ty tiện nhỏ nhen của bọn quan lại thực dân ở thuộc địa.

36.     Bài Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Đông Dương - Varen và Đông Dương, đăng số 35, tháng 8/1925. Tác giả đã phân tích những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng Xã hội Pháp trước nguy cơ chia rẽ, tình hình nghiêm trọng ở Đông Dương và quanh Đông Dương, vạch trần những tính toán của Painlevé trong quyết định đưa Varence sang làm Toàn quyền Đông Dương.

37.     Bài Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, đăng số 36, 37, tháng 9-10/1925. Thông qua một câu chuyện tưởng tượng, tác giả dựng lại “một cuộc chạm trán”, “một cuộc đối mặt”, “một tấn kịch” giữa Toàn quyền Đông Dương Varen, “con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, ... kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình”, với Phan Bội Châu, “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập...” của nhân dân Việt Nam.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)