slider

Những kỷ niệm không quên bên Nhà sàn Bác Hồ

07 Tháng 02 Năm 2024 / 1717 lượt xem

Đỗ Hoàng Linh

Nguyên PGĐ phụ trách Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Sau khi được ông Vũ Kỳ sát hạch sơ khảo và đến tận nhà để tìm hiểu thực tế gia cảnh, ngày 1/6/1988 tôi nhận quyết định chính thức trở thành cán bộ Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Ông Nguyễn Văn Đoàn (phụ trách Khu Di tích) đón tôi vào giới thiệu với phòng Thuyết minh Khu Di tích và giao tôi cho phụ trách phòng Trương Xuân Mai hướng dẫn nghiệp vụ (sư phụ tập sự). Theo quy định chung, tôi phải sang phòng Bảo quản làm việc trong 3 tháng để làm quen với các di tích, đặc biệt là di tích Nhà sàn cùng các hiện vật, tài liệu trưng bày trong nhà. Đó là mấy tháng bỡ ngỡ, khá bận rộn nhưng rất thú vị vì được tận mắt, tận tay chạm tới những hiện vật của Bác Hồ mà trước đó chỉ được đọc qua sách báo. Chỉ một tuần sau, ông Vũ Kỳ đã gọi tôi ra sân trước nhà họp Bộ Chính trị, ngồi nói chuyện trên chiếc ghế gỗ dài. Sau vài lời thăm hỏi về gia đình tôi, ông Vũ Kỳ nói: “Mình thấy cậu trông giống cha cố đạo đấy…”. Sau khoảng 10 phút trò chuyện, ông Vũ Kỳ căn dặn: “Phải tìm hiểu thật kỹ về Nhà sàn Bác Hồ để thuyết minh cho hay; Phải cố gắng để được kết nạp vào Đảng ngay sau khi hết tập sự một năm; Phải luôn rèn giũa tiếng Anh để khi cần mình còn giao việc”. Thế mà thấm thoắt thời gian trôi nhanh quá, đến hôm nay đã là 35 năm tôi công tác tại Khu Di tích. Hầu như mọi diễn biến sự kiện, những thay đổi, thăng trầm, các thế hệ đồng nghiệp nối tiếp đến rồi đi, những cách sống và ứng xử tôi đều được ít nhiều chứng kiến, trải nghiệm và thấu hiểu. Trong từng ấy năm phục vụ trong Khu Di tích, tôi cũng đã kịp gom góp được những hồi ức không thể nào quên, mỗi khi nhìn ngôi Nhà sàn lại nhớ đến các sự kiện tuần tự diễn ra chầm chậm, rõ nét, sinh động như mới ngày hôm qua…

Năm 1990, sau khi UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, Xưởng phim thời sự- tài liệu Trung ương tiến hành quay gấp rút bộ phim: Hồ Chí Minh- chân dung một con người (đạo diễn Bùi Đình Hạc, quay phim Lê Mạnh Thích) để công chiếu kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Bác Hồ. Vì phải hoàn thành bộ phim trong thời gian nhanh nhất nên đoàn quay phim cần tác nghiệp tại Khu Di tích một số buổi muộn đến tận 20-21h, thế là sư phụ và tôi cũng được ở lại vừa hướng dẫn, vừa cùng phục vụ đoàn. Đấy cũng là dịp đầu tiên tôi được tận hưởng những đêm cuối xuân đầu hè vô cùng sôi động và ấn tượng, nhất là khi chiêm ngưỡng phong cảnh ngôi Nhà sàn buổi đêm trời đầy sao, nhìn từ bên kia bờ ao sang: ánh đèn bàn phòng làm việc tỏa sáng lung linh hắt ánh sáng mờ ảo xuống ao cá, gió đẩy nhè nhẹ mùi dạ hương cuộn vào rèm cửa lay động như thể có bóng Người vừa mới buông bút, rời khỏi bàn… Đột nhiên, quay phim Lê Mạnh Thích chạy đến bảo: “Cảnh đẹp, thời tiết tuyệt hảo thế này mà quay mấy đúp vẫn chưa thấy rõ sóng nước ao! Muốn về sớm thì em phải giúp anh tạo sóng?”. Thế là theo hướng dẫn của các nghệ sĩ, tôi ra ngồi sát bờ ao đối diện Nhà sàn, thò tay xuống ao cá khuấy mạnh để tạo ra sóng nước. Thế nhưng do ao rộng, tay tôi phải gạt nước liên tục cũng mỏi nhừ, sóng yếu dần, chỉ lăn tăn vài đợt sát bờ rồi hết. Đạo diễn sốt ruột hét toáng lên: Vẫn chưa được! Quay phim cũng bồi thêm: Thanh niên gì mà yếu thế? Tôi đành đổi kiểu, ngồi ra sát mép cầu ao thò tay đẩy nước trước để tạo từng con sóng nhỏ lăn tăn đuổi nhau trước, sau đó dùng chân đẩy nước mạnh hơn, cuối cùng bê một hòn đá ném ùm xuống!

Quả nhiên cảnh hiện ra đạt tiêu chuẩn, đúng ý đạo diễn và quay phim: sóng ào ào nhấp nhô hồi lâu mới hết (cảnh này khi xem phim thấy rất rõ). Sau khi đóng máy, hậu cần đoàn phim bồi dưỡng cho mỗi người một cái bánh mỳ kẹp thịt, khi tôi vừa đi đến đầu vườn bưởi, quay phim Lê Mạnh Thích chạy theo, hổn hển: “Anh phải về xưởng ngay làm bản nháp cho phim, anh mời em cốc bia hơi cho mát nhé!”, rồi giúi vào tay tôi một khoản đủ cho cả bia kèm lạc.

Năm 1992, Khu Di tích trở thành một đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin. Ông Vũ Kỳ (đã tự viết đơn xin thôi chức Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh ngay sau ngày Bảo tàng khánh thành tháng 5/1990 để tập trung nghiên cứu về Hồ Chí Minh) hàng ngày vào làm việc hẳn trong Khu Di tích, tại căn buồng nhỏ đầu ao cá (nay là phòng y tế). Chúng tôi vẫn hay đi qua, lại căn phòng đó nhưng ít khi gặp vì ông vào làm việc từ rất sớm (khoảng 6h30 sáng) và đi bộ về nhà số 2 Thụy Khuê rất muộn (tầm 8-9 giờ tối), thi thoảng nhìn thấy ông mở cửa phòng ra đón khách hoặc nhận công văn, giấy tờ. Một buổi trưa, khi tôi vừa xếp cặp lồng cơm lại (hồi đó mọi người đều mang cơm từ nhà đi để ăn trưa, đến giờ nghỉ thì bày hết ra bàn cùng ăn, người này mời người kia nếm thử món của nhà mình cho biết), đột nhiên ông Vũ Kỳ xuất hiện trước cửa phòng, vẫn quen thuộc trong bộ nâu sồng, chân đi đôi dép lốp quai hậu, vẫy tay: “Cậu ra đây mình bảo cái này”. Hai bác cháu lại ra chiếc ghế dài đặt trước cửa phòng họp Bộ Chính trị, ông Vũ Kỳ trao cho tôi một tập tài liệu đánh máy, trang đầu có ghi vài chữ tiếng Anh gửi đích danh tên ông: “Đây là tài liệu từ kho lưu trữ quốc tế cộng sản, tay phóng viên này mua được, gửi tặng mình. Cậu dịch cho mình tất cả nội dung càng sớm càng hay, nhớ tuyệt đối không được kể với ai”. Một tuần dịch, sửa câu chữ, đánh máy lại, tôi gõ cửa phòng ông Vũ Kỳ giao bản dịch hoàn chỉnh, ông lại dặn: “Cậu không được kể với ai những nội dung này nhé! Mà lỡ có lúc ngứa mồm thì cậu biết chuyện tay thợ cắt tóc với vua mọc tai lừa chưa, đấy cứ thế!”. Chuyện cổ tích anh thợ cắt tóc không giữ được bí mật nhà vua Midas có đôi tai lừa quả nhiên có tác dụng, vì cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tiết lộ nội dung bản dịch đó.

Năm 1993 (tính đến nay vừa tròn 30 năm), tôi còn ghi rõ là đúng 14h ngày 22/3/1993, ông Vũ Kỳ bắt đầu các buổi nói chuyện về Bác Hồ (chủ yếu cung cấp tư liệu thuyết minh cho cán bộ khoa học Khu Di tích), nhưng không vào phòng họp mà ông chọn địa điểm ngồi ngay tại tầng 1 Nhà sàn để như ông giải thích: cho sinh động và ý nghĩa hơn. Mọi người đều mang theo bút, sổ tuy nhiên cách nói chuyện của ông Vũ Kỳ khá ngẫu hứng, nhiều nội dung không theo mạch hay chủ đề gì nên cũng khó ghi chép thành bài, ai nhớ được chuyện gì thì tốc ký chuyện đấy, ai ghi không kịp thì bỏ cách quãng, chuyển sang ghi chuyện khác. Buổi nói chuyện đầu tiên, ông Vũ Kỳ kể rằng: “Bác Hồ là người rất đúng giờ, hàng ngày đều đặn cứ 5h30 sáng là Bác dậy, cho dù đêm có mất ngủ hay thức trước giờ đó thì Bác vẫn nằm suy nghĩ công việc cho đến đúng giờ thì dậy. Có lần sang Liên Xô, vì lệch múi giờ, khó ngủ, sợ không đúng thời gian biểu nên Bác bảo anh em tìm một con gà trống để nó gáy sáng đều đặn sẽ dậy đúng giờ”. Rồi ông nói tiếp: “Khi Bác sang thăm Trung Quốc những năm đang diễn ra đại cách mạng văn hóa, hàng sáng mọi người thức dậy đều phải đọc Mao tuyển (cuốn sổ nhỏ bìa đỏ có in các câu nói của Mao Trạch Đông) xong thì hô vạn tuế ba lần. Bác thấy vậy nên bảo anh em chỉ hô một lần thôi. Anh em thắc mắc thì Bác giải thích: Sống được trăm tuổi là tốt lắm rồi, chứ sống ba vạn tuổi thì quá lắm. Đối với anh chị em phục vụ, hàng năm đến 27 Tết Bác đều dặn làm bữa cơm tất niên để ăn chung với mọi người. Từ năm 1967, Bác lại dặn trong khoảng từ 23 đến 30 Tết thì thu xếp cho các cháu miền Nam cùng gia đình vào ăn cơm với Bác”. Rồi ông lại quay về kể chuyện Nhà sàn: “Khi Thủ tướng Triều Tiên sang thăm Việt Nam, đoàn có 6 khách đề nghị được đến tham quan Nhà sàn Bác Hồ. Bác bảo phải lên dần, hai người một lượt, vì các đồng chí to lớn quá, cùng lên một lượt thì sập nhà”. Kể xong mấy câu chuyện, ông Vũ Kỳ chợt hỏi: “Các đồng chí có biết tại sao Bác cho dựng Nhà sàn không? Có hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của Nhà sàn Bác Hồ không? Các đồng chí phải học cách tuyên truyền, nói chuyện làm sao để đồng bào thấy rõ không những Bác là một tấm gương hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, Tổ quốc và Nhân dân mà có tầm ảnh hưởng quốc tế rộng lớn, nhưng Bác lại sống giản dị, khiêm tốn, thanh cao tại cái Nhà sàn này!”.

Sau đó một tuần, chúng tôi lại quây quần dưới tầng 1 Nhà sàn để nghe ông Vũ Kỳ nói chuyện Bác Hồ. Tôi ghi chép được tổng số 8 buổi nói chuyện (sau đó tiếp tục các buổi nói chuyện của ông Trần Văn Phát- cảnh vệ phục vụ Bác những năm 1964 - 1967), trong đó một buổi bị hoãn vì ông Vũ Kỳ bận tiếp một nhà báo Pháp tại bậc thềm bờ ao cá trước Nhà sàn. Hồi đó, tôi còn được giao cả nhiệm vụ chụp ảnh tư liệu nên cũng đứng hóng được một số câu hỏi, đáp của hai bên và thú vị nhất là khi nhà báo hỏi: “Theo ông, nếu như còn sống thì Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ nói gì về chính sách phát triển đất nước Việt Nam hiện nay?”. Ông thư ký Vũ Kỳ, vẫn tự nhận mình là tiểu đồng của Bác Hồ, ném một vốc bỏng ngô xuống ao cho đàn cá rồi mới thủng thẳng: “Câu hỏi của nhà báo khó thật đấy, nhưng dễ trả lời thôi. Đợi tôi đi gặp Cụ Hồ để hỏi xem Cụ nghĩ gì, rồi tôi sẽ kể lại với nhà báo nhé?”. Ông phóng viên nghe dịch xong thì giơ cả hai tay lên trời, như kiểu chào thua!

Năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thăm Khu Di tích. Sau một vòng tham quan Nhà sàn cùng vườn cây ao cá, ông rẽ vào phòng khách uống trà, nói chuyện với một số anh chị em cán bộ Khu Di tích có mặt hôm đó. Trong câu chuyện cởi mở, thân mật, ông vẫn đau đáu về một tương lai không xa, đất nước Việt Nam sẽ phát triển, giàu mạnh, đời sống ấm no hạnh phúc như mong muốn của Bác Hồ và đến lúc đó, ông khẳng định: “Sẽ trao lại cho các đồng chí quản lý, để phát huy tác dụng toàn diện cái Phủ Chủ tịch.

Hiện nay đất nước còn khó khăn nên Đảng, Nhà nước tạm thời sử dụng tòa nhà này phục vụ công tác đối nội, đối ngoại”. Cái tương lai ấy chưa biết bao giờ đến, nhưng cứ nghĩ đến viễn cảnh ấy chúng tôi lại thấy háo hức hơn và cho đến bây giờ  cũng vẫn còn đang háo hức. Năm 2000, sau những sôi nổi vì sự cố máy tính YK2 khi chuyển giao thế kỷ xong thì đầu mùa hè, tôi đón và hướng dẫn một gia đình tỷ phú Mỹ gồm 4 người trong ngành xuất bản tham quan Khu Di tích. Lên xem tầng 2 Nhà sàn, ông tỷ phú chăm chú quan sát, chụp ảnh và hỏi rất kỹ về thiết kế nhà, công dụng và chọn vị trí dựng nhà. Ra đến bờ ao cá, sau khi chụp ảnh, ông bố và cậu con trai lớn chụm đầu bàn bạc rất căng thẳng, trong khi tôi mải giới thiệu cái vườn quả cho mấy thành viên còn lại nên cũng không để ý. Đến khi chia tay, ông tỷ phú đột nhiên nói với tôi: “Vừa rồi, con trai tôi có đề nghị là khi về nước, chúng tôi nên theo mẫu Nhà sàn Cụ Hồ để dựng một cái ngay tại New York, tôi không tán thành nên nó không vui”. Tôi liền hỏi ngay: “Chắc ông phải có lý do để không đồng ý chứ?”. Ông tỷ phú gật đầu, đưa tay sửa lại cặp kính dày: “Cho dù chúng tôi có thể dựng một ngôi nhà gỗ như vậy ở New York nhưng rồi lại lắp máy điều hòa nhiệt độ vào thì ngôi nhà đó không còn ý nghĩa nữa. Kiểu nhà này rõ ràng không phù hợp với một đại đô thị với tỷ phú, nhà chọc trời và ô nhiễm!”. Triết lý thực tế của một nhà tỷ phú là vậy.

Năm 2005, sau một thời gian lâm bệnh nặng kéo dài, ông Vũ Kỳ đi gặp Bác Hồ. Sau tang lễ ông, anh Bá Ngọc ở Bảo tàng Hồ Chí Minh vào gặp lãnh đạo và mấy anh chị em trong ban biên tập Khu Di tích bàn về việc làm một cuốn sách tổng hợp những hồi ký, chuyện kể của ông Vũ Kỳ để vừa công bố tư liệu về Bác Hồ, vừa để kỷ niệm sinh nhật ông tháng chín năm đó. Lúc đó ban biên tập sách cũng đang gấp rút hoàn thành một bộ 3 cuốn sách đầu tiên lấy tên của Khu Di tích nên khá bận, nhưng vì ý nghĩa của sự kiện, lại là sáng kiến hay nên chúng tôi tăng tốc, làm miệt mài tại cơ quan, rồi đến cả nhà xuất bản Chính trị quốc gia để chỉnh sửa bản thảo và ảnh tư liệu. Đây cũng là lần đầu tiên, Khu Di tích phối hợp với nhà xuất bản chính trị hàng đầu này. Cuối cùng thì trong năm đó, cả 3 cuốn sách đầu tiên của ban biên tập Khu Di tích và cuốn Thư ký Bác Hồ kể chuyện đều hoàn thành đúng thời hạn. Riêng cuốn của ông Vũ Kỳ được tái bản 5 lần (chưa kể những cuốn Khu Di tích chỉnh sửa, bổ sung, rút gọn). Trên đà xuất bản thành công, tôi đề xuất ra mắt cuốn Thông tin tư liệu của Khu Di tích in một năm hai số và đến nay đã được 33 số, đổi tên là Đặc san Thông tin tư liệu có chỉ số ISSN…

Năm 2009, kỷ niệm 40 năm hình thành, bảo tồn và phát huy tác dụng, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Từ đó Khu Di tích bắt đầu một chu trình phát triển mới, thay đổi về cả hình thức lẫn nội dung, chất lượng hoạt động và đặc biệt bổ sung thêm nhiều trang thiết bị kỹ thuật số: website, kios tra cứu, mạng wifi, audioguide, đến bây giờ là vé điện tử và con người phục vụ ở di tích cũng phải học hỏi, thay đổi, thông thạo về số nhiều hơn…Nhưng dù thế nào Nhà sàn cũng vẫn vậy, lặng lẽ, trầm tư, lộng gió trên mảnh vườn xưa như một chứng tích lịch sử về một cuộc đời, một trí tuệ phi thường, một Người Con vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ sự bình dị mà trở thành: nhất đại vĩ nhân- quang vinh điển hình!.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)