slider

Những ngày kỷ niệm sinh nhật của Bác Hồ trên đất Trung Quốc

24 Tháng 01 Năm 2013 / 2647 lượt xem
Đặng Quang Huy
Sưu tầm – Kiểm kê – Tư liệu
 
 
          Liền trong ba năm, từ 1960 đến 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đến Trung Quốc trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình.
          Nhân dân Việt Nam luôn mang nặng tình cảm kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi lần sắp đến ngày sinh của Người, các tầng lớp nhân dân Việt Nam đều tưng bừng chuẩn bị nhiều hoạt động để chúc thọ Người. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phong cách giản dị của mình, không mặn mà với những hoạt động đó. Vì vậy, sắp đến kỷ niệm ngày sinh, Người thường đi Trung Quốc để tránh các hoạt động của mọi tầng lớp nhân dân chúc thọ Người.
          Ngày 17.5.1960, sau khi đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu rời Hà Nội được ba ngày, đúng vào lúc nhân dân Việt Nam chuẩn bị chúc thọ Hồ Chủ tịch 70 tuổi, Người lặng lẽ cùng Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ lên máy bay đi Nam Ninh.
          Khi chiếc máy bay sơn màu bạc hạ cánh xuống sân bay Nam Ninh. Đồng chí Vi Quốc Thanh, Chủ tịch Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã chờ sẵn ở đó. Hồ Chủ tịch bước xuống thang máy bay ôm hôn thắm thiết đồng chí Vi Quốc Thanh. Người nói với Đại sứ Hà Vĩ: “Vi Quốc Thanh là bạn cũ của tôi”.
          Tối ngày 19.5, tại nhà riêng, Vi Quốc Thanh tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ có tính chất gia đình, khiêm tốn và không hề ồn ào, chúc mừng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vi Quốc Thanh hiểu rất rõ rằng Hồ Chủ tịch không thích mọi người “khua chiêng gióng trống” để chúc thọ mình.
          Trên bàn tiệc nho nhỏ đó chỉ bày những quả đào thọ và mì mừng thọ (mì để sợi dài, không cắt ngắn). Vi Quốc Thanh cùng phu nhân và các con nâng cốc, nhiệt thành chúc Hồ Chủ tịch mạnh khoẻ, sống lâu. Dưới mái nhà ấm cúng của một người bạn cũ, Hồ Chủ tịch rất vui. Bình thường, Người không uống nhiều, rượu trắng thường không uống quá 3 ly nhỏ, thế mà hôm đó Người đã uống 5 ly đầy rượu Mao Đài.
          Sau bữa tiệc, Hồ Chủ tịch xem các cháu thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Tây biểu diễn văn nghệ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Tây biết Hồ Chủ tịch rất yêu mến thiếu niên nhi đồng nên đã sắp xếp để Người xem các cháu biểu diễn và mỗi lần gặp các cháu Người vui vẻ lạ thường. Hôm nay lại là ngày sinh của Người, trông thấy các cháu bé hồn nhiên ngây thơ, Người càng vui sướng. Mỗi lần các cháu diễn xong một tiết mục, Người lại vỗ tay khen “hay lắm!” Kết thúc buổi biểu diễn, Người bước lên sân khấu, thân thiết bắt tay các diễn viên nhỏ và chia kẹo cho các cháu.
          Sáng sớm ngày 20.5, đồng chí Vi Quốc Thanh đến phòng nghỉ của Hồ Chủ tịch chuyển tới Người bức điện mừng thọ ký tên Chủ tịch Mao Trạch Đông, Uỷ viên trưởng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Chu Đức và Thủ tướng Chu Ân Lai. Bức điện gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người sáng lập và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh tụ kính yêu nhất của nhân dân Việt Nam, chiến sĩ xuất sắc nhất của phong trào cộng sản quốc tế và là người bạn thân thiết nhất của nhân dân Trung Quốc”. Bức điện còn viết: “Mấy chục năm qua, Người đã cống hiến toàn bộ sức lực và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng phong phú của mình, đấu tranh anh dũng, bất khuất, lâu dài cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn nhân dân lao động Việt Nam, giành hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho đất nước Việt Nam và đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Những cống hiến xuất sắc của Người đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, đối với phong trào cộng sản, phong trào công nhân quốc tế và đối với hoà bình thế giới không những được nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân Trung Quốc và các nước trên thế giới kính yêu”. Đồng chí Vi Quốc Thanh còn biếu Người một chiếc gậy đẹp, Người rất vui mừng nhận món quà đó.
          Từ ngày 18.5 đến ngày 20.5, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một số nơi ở Nam Ninh. Người đã đi thuyền du ngoạn sông Ung, thăm nhà trẻ, cửa hàng, một cơ sở ngân hàng và cơ quan nghiên cứu khoa học nông nghiệp. Đến đâu, Người cũng được quần chúng đón tiếp nồng nhiệt. Người chuyện trò thân mật với mọi người như nói chuyện nhà chuyện cửa với người thân của mình. Đến nhà trẻ, các cháu vây quanh Hồ Chủ tịch, ríu rít hô to: “Kính chào Hồ Chủ tịch! Kính chào Hồ Chủ tịch!” Người ôm các cháu, hôn các cháu, dịu dàng nói với các cháu: “Các cháu đừng gọi là Hồ Chủ tịch mà gọi là Bác Hồ, nói “Kính chào Bác Hồ! Chào Bác Hồ!”. Các cháu mừng rỡ reo to: “Chào Bác Hồ! Chào Bác Hồ!”. Người rất vui và cười với các cháu.
          Tháng 5.1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại quyết định đi nghỉ ở Trung Quốc trong dịp ngày sinh 71 tuổi của Người. Trước ngày lên đường, Người gặp riêng đồng chí Hà Vỹ (Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam) để quy định 3 điều: Một là, không được tổ chức sinh nhật Người dưới bất cứ hình thức nào. Hai là, đi đâu cũng không được tổ chức nghi lễ đưa đón (trừ các cháu ra đón). Ba là, những hoạt động trên đất Trung Quốc không phải giữ bí mật nhưng cũng không công khai. Đồng chí Đại sứ Hà Vỹ đã vui vẻ trả lời: “Chúng tôi xin làm đúng như lời dặn của Chủ tịch”.
          Ngày 15.5.1961, Hồ Chủ tịch đáp chuyên cơ từ Hà Nội bay thẳng Quế Lâm. Thành phố Quế Lâm với phong cảnh tuyệt vời vốn là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Ngồi trên máy bay Người nói chuyện với Đại sứ Hà Vỹ về những ngày Người sống và làm việc ở Văn phòng Bát Lộ quân Quế Lâm. Người cảm động nhắc lại: “Thế mà đã hai mươi năm rồi! Quế Lâm ngày nay chắc đẹp hơn nhiều!”.
          Ngay buổi chiều hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui vẻ hào hứng leo lên Điệp Thái Sơn nhìn bao quát thành phố sông và nước đan xen đẹp đẽ này. Người không ngớt tấm tắc khen phong cảnh Quế Lâm đẹp. Sau đó, Người lên thuyền du ngoạn sông Ly Giang. Trên thuyền, Người vịn lan can nhìn phong cảnh xa xa, có lúc Người trò chuyện thân mật với các thuỷ thủ, chụp ảnh lưu niệm. Đến động Quán Nham, Hồ Chủ tịch cùng mọi người rời thuyền lên bờ, vào động để ngắm phong cảnh kỳ thú trong động. Trong động có những dòng nước ngầm nhỏ giọt, những người khác đi giầy da thật bất tiện, còn Hồ Chủ tịch thì đi dép cao su, nói theo cách nói của người Quảng Tây là “dép hải, lục, không”, cứ nước mà lội. Hồ Chủ tịch hóm hỉnh nói với những người cùng đi: “Xem ra đôi dép cao su của mình tiện thật!”. Mọi người đều cười vui vẻ.
          Thuyền dừng lại Dương Sóc, Hồ Chủ tịch leo lên Lầu Vọng Giang với bước đi rất khoẻ khoắn. Người ngắm nhìn phong cảnh Dương Sóc. Sau đó, Người cầm bút lông viết những nét chữ Hán thật rắn rỏi: “Dương Sóc phong cảnh hảo”.
          Cảnh sắc kỳ diệu hai bên bờ Ly Giang đã để lại trong ký ức Hồ Chủ tịch những ấn tượng tốt đẹp, tạo nguồn thi hứng cho Người. Trên thuyền, Người đã ghi lại bài thơ chữ Hán:
                             Quế Lâm phong cảnh giáp thiên hạ,
                             Như thi trung hoạ, hoạ trung thi.
                             Sơn trung tiều phu sướng,
                             Giang thượng khách thuyền quy,
                             Kỳ!
          Dịch thơ:
                             Quế Lâm phong cảnh tuyệt vời,
                             Thơ đan trong hoạ, hoạ cài trong thơ.
                             Tiều phu trên núi hát ca,
                             Dưới sông thuyền khách vào ra: Diệu kỳ!
(Bản dịch của Phan Văn Các).
          Ngày hôm sau, tại khách sạn Dung Hồ, Người đã viết lại bài thơ này trên một tờ giấy quyến lớn (giấy chuyên dùng cho thư hoạ), ghi thêm dòng chữ “Hồ Chí Minh – Ngày 16 tháng 5 năm 1961” và tặng lại khách sạn Dung Hồ – Quế Lâm.
          Ngày 17.5, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Quế Lâm đi Nam Kinh. Người đã đến viếng Lăng cụ Tôn Trung Sơn. Tại đây, Người đã nói với những người cùng đi: Trong quá trình hoạt động cách mạng, cụ Tôn Trung Sơn đã đến Việt Nam mấy lần, nhân dân Việt Nam đều biết tên tuổi cụ Tôn Trung Sơn.
          Rời Nam Kinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm thành phố Vô Tích. Phong cảnh tráng lệ bao la của Thái Hồ đã dấy lên cảm hứng của Người. Người lại cầm bút viết ngay bài thơ chữ Hán:
                             Tây hồ bất tỉ Thái hồ mỹ,
                             Thái hồ cánh tỉ Tây hồ khoan.
                             Ngư châu lai khứ triêu dương noãn,
                             Tang đạo mãn điền hoa mãn sơn.
          Dịch thơ:
                             Tây hồ khôn sánh Thái hồ đẹp,
                             Thái hồ rộng vượt Tây hồ xa.
                             Thuyền cá đi về trong nắng sớm,
                             Ruộng đầy dâu, lúa, núi đầy hoa.
(Bản dịch của Khương Hữu Dụng).
          Rời Vô Tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tỉnh Hồ Nam, còn có tên gọi là “đất nước Phù Dung”. Người đã đến thăm quê hương Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Thiều Sơn Xung thuộc huyện Tương Đàm tỉnh Hồ Nam. Tại ngôi nhà cũ của Mao Chủ tịch, xem kỹ từng hiện vật trưng bày ở đây, Người nói với các đồng chí cùng đi: “Gia đình đồng chí Mao Trạch Đông ở nông thôn, gia đình tôi cũng ở nông thôn. Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm chiếm đất nước tôi, nông dân quê tôi còn nghèo hơn người nông dân ở đây dưới chế độ cũ!”
          Tại thành phố Trường Sa, tỉnh lỵ của Hồ Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh hào hứng và vững bước leo lên núi Nhạc Lộ, thăm đình ái Vãn, thăm hai di tích lịch sử cách mạng là đầm Thanh Thuỷ và trường Sư phạm số 1 tỉnh Hồ Nam. Người ngồi thuyền du ngoạn sông Tương, dạo bước thăm Quất Từ Châu tuyệt đẹp. Người đã đi thăm tất cả những địa danh gắn với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Mao Trạch Đông lúc người còn trẻ.
          Ngày 18.5.1962, một ngày trước kỷ niệm lần thứ 71 ngày sinh của Hồ Chủ tịch, Người lại trở về Nam Ninh. Các bạn bè cũ ở Quảng Tây lại được nồng nhiệt đón Người. Lần này các đồng chí Quảng Tây thực hiện nghiêm túc ý kiến của Hồ Chủ tịch, không tổ chức tiệc chúc thọ Người, chỉ tổ chức một cuộc liên hoan văn nghệ nhỏ vào tối ngày 19 tại nơi ở của Người, nhà số 1 khách sạn Tây Viên.
          Cũng như những lần trước, Người gọi các cán bộ, nhân viên phục vụ ngồi quây quần quanh Người cùng xem biểu diễn văn nghệ. Trong dịp này, một diễn viên tấu nói nổi tiếng là Mã Quý đang biểu diễn tại Nam Ninh và đã được mời đến biểu diễn chúc thọ Người. Mã Quý đã sáng tác riêng một bài tấu nói có nội dung chúc thọ Hồ Chủ tịch và anh đã biểu diễn rất xuất sắc, được mọi người cười vui vẻ và vỗ tay nồng nhiệt. Mỗi khi nghe đoạn nào hay, Hồ Chủ tịch cũng cười vang rất vui vẻ.
          Đêm hôm đó có tiết mục đồng ca “Ca ngợi Hồ Chí Minh”. Biểu diễn xong bài hát, màn đã từ từ khép lại. Lúc này Hồ Chí Minh từ ghế của mình đứng lên, yêu cầu kéo mở màn. Người quay lại phía quần chúng, giơ cao hai tay và nói: “Tất cả mọi chúng ta cùng hát bài Đông Phương Hồng, đồng ý không?”. Mọi người nhiệt liệt vỗ tay tỏ ý tán thành. Thế là Hồ Chủ tịch tự tay bắt nhịp chỉ huy, tiếng hát “Đông phương hồng” sôi nổi vang lên trong hội trường.
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)