slider

NHỮNG NGƯỜI CHỤP ẢNH BÁC HỒ

20 Tháng 07 Năm 2012 / 6093 lượt xem
Vũ Thu Hằng
Phòng ST-KK-TL 
 
Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng trở về thủ đô Hà Nội. Lúc đó cơ quan Văn phòng Phủ Thủ tướng và bộ phận phục vụ Bác Hồ được tổ chức để nhận nhiệm vụ mới. Văn phòng Phủ Thủ tướng được đổi tên thành Văn phòng Phủ Chủ tịch. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn phòng Phủ Chủ tịch đã từng bước hình thành 3 bộ phận công tác:
-         Bộ phận tham mưu giúp việc cho các bộ trưởng, thứ trưởng.
-         Bộ phận trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Vũ Kỳ và Hoàng Hữu Kháng phụ trách với 9 đồng chí.
-         Bộ phận hành chính –quản trị phục vụ ăn, ở, đi lại, các điều kiện làm việc của Văn phòng Chính phủ, Bộ ngoại giao, Bộ nội vụ.
Điểm khác biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều lãnh tụ nguyên thủ quốc gia trên thế giới là ở đạo đức, tác phong làm việc. Do đó, bộ phận phục vụ bên Người rất gọn nhẹ, mỗi người đều được đặt đúng vị trí, công việc cụ thể. Những người phục vụ bên Bác vinh dự được gọi là cán bộ “cơ quan 41” và đảng viên “chi bộ 41”. “41” là kỷ niệm năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Một trong những bộ phận phục vụ Bác có từ ngày đầu Bác Hồ mới về nước cho đến những năm cuối đời là các đồng chí làm nhiệm vụ chụp ảnh cho Người. Tổ chụp ảnh có đồng chí Đinh Đăng Định (chụp ảnh từ thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc), sau đó có đồng chí Kim Côn, Vũ Năng An, Vũ Đình Hồng và Nguyễn Đăng Thọ (chuyên tráng ảnh). Tất cả những người phục vụ bên Bác luôn luôn đoàn kết gắn bó trở thành một tập thể mẫu mực. Mỗi người mỗi việc ai cũng hết lòng làm tốt công việc của mình để Bác không phiền lòng. Nhớ lại kỷ niệm những ngày được phục vụ Bác Hồ, họ ghi lại dòng ký ức sâu sắc. Đặc biệt, những tác phẩm ảnh chụp của các nghệ sĩ đã làm sống lại trong mỗi chúng ta về những năm tháng Bác Hồ đã sống, đã nêu tấm gương đạo đức trong sáng, phong cách làm việc khoa học, dân chủ của Người.
1. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định sinh ngày 10 tháng 4 năm 1920 tại thôn Kiêu Kỵ, một làng nghề truyền thống chuyên dát vàng bạc thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Vào năm 16 tuổi, ông theo học nghề vẽ bản đồ tại trường bay Bạch Mai, Đồng Hới. Sau đó ông ra ngoài làm công nhân tại nhà ảnh Belphoto, một hiệu ảnh lớn ở phố Hàng Bài, Hà Nội. Sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định tham gia Hội ái hữu thợ ảnh Hà Nội, một nghiệp đoàn dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng bí mật thời kỳ Mặt trận Bình dân (1936-1939). Ông được giao phụ trách sinh hoạt Câu lạc bộ của Hội ở phố Hàng Gà, Hà Nội. Đó là nơi tập hợp những thanh niên thợ ảnh nhiệt huyết. Họ bàn nhau sử dụng nghề của mình giúp ích cho công việc tuyên truyền cách mạng của Việt Minh.
Sau lễ tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, đồng chí là một trong bốn nhà nhiếp ảnh Hà Nội được đoàn thể chọn vào Bắc Bộ phủ chụp ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh làm tài liệu giới thiệu cho quốc dân đồng bào. Thời gian ở chiến khu Việt Bắc, sự nghiệp nhiếp ảnh của Đinh Đăng Định chuyển sang một bước ngoặt mới. Đó là những năm tháng theo chân Bác Hồ, ghi lại những hình ảnh hoạt động cũng như đời thường của Bác thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, thời kỳ về tiếp quản thủ đô, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đồng chí Đinh Đăng Định chụp ảnh Bác Hồ nhiều và rất đa dạng đã được đăng tải và xuất bản hơn nửa thế kỷ qua. Một số tác phẩm gắn với tên tuổi ông như: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đền thờ các vua Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương Nghệ An năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc tết một gia đình lao động ở phố Lê Thái Tổ nhân dịp Tết Nhâm Dần 1962
Năm 1964, từ cơ quan Văn phòng Phủ Thủ tướng, ông được chuyển về Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, giữ chức vụ Tổng thư ký Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, kiêm Tổng biên tập tạp chí nhiếp ảnh. Ông còn là tác giả của 11 triển lãm ảnh cá nhân ở cả trong và ngoài nước. Nghệ sĩ tâm đắc nhất là triển lãm 100 bức ảnh về Bác Hồ tại Hà Nội nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Trong dịp này, ông còn chọn 50 bức ảnh phóng sự về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại Pháp. Với bộ 5 bức ảnh “Bác Hồ ở Việt Bắc” được đánh giá là nổi tiếng nhất, đem lại vinh quang cho nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định: giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Ông là một trong năm nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được nhận giải thưởng cao quý này và còn nhận được nhiều Huân, Huy chương các loại, cùng 30 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước và quốc tế. Nghệ sĩ Đinh Đăng Định tâm sự “là người có may mắn được tổ chức phân công chụp ảnh Bác Hồ, là tác giả của hàng nghìn bức ảnh về Bác Hồ. Đó là tài sản quý của Đảng, của đất nước, hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh và các cơ quan lưu trữ của nhà nước”.
2. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An sinh ngày 15-5-1916 tại Nam Định. Ông hoạt động nhiếp ảnh từ rất sớm và chính môi trường nghệ thuật này đã đưa ông đến với cách mạng. Trong những ngày sôi sục giành chính quyền về tay nhân dân tháng Tám năm 1945, nghệ sĩ Vũ Năng An có mặt ở Hà Nội và ông đã ghi lại được nhiều tấm ảnh quý giá hiện còn được lưu giữ trong Bảo tàng Cách mạng Việt Nam như bức ảnh chân dung Bác Hồ (chụp ngày 3-9-1945). Bức ảnh chụp màu đen, trắng, ánh mắt Người thật hiền từ, nhân ái như tấm lòng của Bác với nhân dân. Chính bức ảnh này được in, sao và Bác thường dùng để ký tặng các nguyên thủ quốc gia trên thế giới và bạn bè của Người.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nghệ sĩ Vũ Năng An vinh dự được ở gần Bác và chụp ảnh Người. Với tấm lòng kính yêu Bác và niềm say mê nghệ thuật nhiếp ảnh, Nghệ sĩ đã ghi lại được vẻ đẹp hần thái của Bác trong các tác phẩm nghệ thuật. Trong giới nghệ thuật nhiếp ảnh, ông được tôn vinh là một nghệ sĩ tài năng luôn chớp được những khoảnh khắc thần kỳ của nhân vật và sự kiện. Tấm ảnh chụp Bác ở chiến dịch Biên giới khi quân ta đánh Đông Khê vào ngày 16-9-1950. Khi chụp tấm hình đó, ông là phóng viên của Bộ tư lệnh mặt trận cho nên được theo Bác lên trạm tiền tiêu, ghi được cảnh Bác quan sát đồn giặc. Bác ngồi trên mỏm đá ở đỉnh dãy núi Phía Lăng với sự quắc thước toả ra ở khuôn mặt, ánh mắt. Hay tấm ảnh chụp Bác thăm hồ Y-xức, bên dãy Thiên Sơn hùng vĩ vào tháng 7-1959 ở Ka-dắc-xtan. Bác thật ung dung như hoà lẫn vào một vùng núi non, mây trời bát ngát ở Thiên Sơn, con người và thiên nhiên hoà quyện với nhau.
Từ năm 1953, nghệ sĩ Vũ Năng An chuyển hẳn sang hoạt động điện ảnh. Ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam cho đến năm 1979 thì nghỉ hưu. Hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh và điện ảnh, ông đã tạo được những điểm mốc nghệ thuật vững chắc, thể hiện được chân dung một nhà quản lý điện ảnh tài năng, biết khơi nguồn cho không ít tài năng phát triển. Những bộ phim ông tham gia có tiếng vang lớn, được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: Việt Nam trên đường thắng lợi, Cải cách ruộng đất, Thành phố lúc rạng đông, Qua cầu Công lý…Ông cũng là một trong năm nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam được nhận giải thưởng cao quý: giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.   
3. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Côn sinh tại xã Đằng Giang, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng. Ông là một trong số những nghệ sĩ nhiếp ảnh có vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ từ rất sớm tại chiến khu Việt Bắc năm 1950. Khi kháng chiến toàn quốc, ông công tác ở Ban kiểm tra 12(mật hiệu của Văn phòng Chính phủ) làm công tác nhiếp ảnh. Ông còn nhớ kỷ niệm tấm ảnh đầu tiên ông chụp Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc khi ông mới chập chững vào nghề đã được Bác Hồ góp ý để sửa lại cho đẹp.
Sau một đêm gần như thức trắng để phóng xong bộ ảnh, kịp gửi đến các cơ quan và các đơn vị bộ đội. Trời vừa hửng sáng, Kim Côn vớt mẻ ảnh vừa phóng đưa ra thác Rẫng-nơi Văn phòng Chính phủ đóng tại Việt Bắc- xả nước. Ông cảm thấy buồn vì trong số ảnh vừa rọi, có những chiếc phủ một màu xám xịt. Đang mải mê suy nghĩ để tìm xem lỗi ở khâu nào? Bỗng nghe tiếng động có chân người bước đến, Kim Côn vội nhìn lên, miệng lắp bắp: - Chào Bác ạ. Thì ra khi tập thể dục xong, biết Kim Côn đang xả nước rửa ảnh, Bác đã lặng lẽ đến xem. Như hiểu được nỗi băn khoăn của người thợ ảnh, Bác bảo: - Tấm ảnh này bị gờ-ri (xám) là tại chú rọi sáng non quá, phải ngâm lâu trong thuốc hiện. Kim Côn kể lại câu chuyện này cho ông Vũ Đình Huỳnh- Bí thư của Bác- nghe. Ông cười hóm hỉnh và cho hay: Năm xưa khi đến Paris, ở tại số nhà 9 ngõ Côngpoanh, Bác kiếm sống bằng nghề thợ ảnh để hoạt động cách mạng. Nói rồi ông chậm rãi kể cho Kim Côn nghe, cụ Phan Châu Trinh là người dẫn Bác đến học nghề ảnh với ông Khánh Ký, vốn người làng Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội, một nhiếp ảnh gia hàng đầu tại Paris, chẳng bao lâu sau Bác đã làm thành thạo, từ khâu chụp, buồng tối, đến chấm sửa phim ảnh.
Kim Côn được ở lại làm việc tại Ban kiểm tra 12 đến khi về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Sau đó ông được vào làm phóng viên nhiếp ảnh của Bác Hồ do nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định làm tổ trưởng chuyên trách chụp ảnh Bác. Kim Côn chuyên chụp ảnh Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Lúc Bác Hồ đi công tác, nếu ông Đinh Đăng Định bận việc khác thì Kim Côn đi với Bác. Cũng như khi chụp ảnh Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi công tác mà Kim Côn không đi được thì ông Định chụp thay. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Côn là tác giả của các bức ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Phạm Văn Đồng vẫy chào nhân dân Hà Nội đón Người đi thăm các nước xã hội chủ nghĩa về năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy cơ khí Hà Nội tại cuộc mít tinh ngày 2-9-1958 của nhà máy, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem mô hình quy hoạch xây dựng Thủ đô năm 1959, phóng sự ảnh Bác Hồ kéo lưới với ngư dân Sầm Sơn, Thanh Hoá (năm 1960)...Nghệ sĩ Kim Côn không chỉ là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng, mà còn là giảng viên những khoá đào tạo nghệ sĩ nhiếp ảnh và quay phim đầu tiên của Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh. Ông còn là hội viên sáng lập Hội Điện ảnh Việt Nam và Hội Nhiếp ảnh Việt Nam. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Côn đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, huy chương Vì sự nghiệp Điện ảnh Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam…
4. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng quê làng Lai Xá, Hoài Đức, Hà Nội – một địa danh có nghề làm ảnh truyền thống. Ông công tác tại Thông tấn xã Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Pháp. Năm 1964 ông là một trong ba người được chọn vào chụp ảnh phục vụ Bác Hồ trong khu Phủ Chủ tịch cùng với ông Đinh Đăng Định, ông Võ Năng An. Ông Hồng ngoài công việc chụp ảnh cho Bác Hồ còn tham gia làm tư liệu về ảnh, sắp xếp theo chuyên đề để phục vụ công tác lưu trữ và tuyên truyền khi cần thiết. Sau khi Bác Hồ qua đời ông còn ở lại công tác trong Văn phòng Phủ Chủ tịch chụp ảnh phục vụ bác Tôn đức Thắng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến khi về hưu. Ông cũng là hội viên sáng lập Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và có nhiều tác phẩm nổi tiếng chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh khi ở trong nước và công tác nước ngoài: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ma-li Mô-đi-bô Cay-ta cùng phu nhân trong khu Phủ Chủ tịch năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Hải Dương năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu cử Hội đồng nhân dân tại trụ sở Công ty công viên ở phố Thuỵ Khuê, Ba Đình, Hà Nội năm 1968…
5. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam nguyên là phóng viên ảnh báo Tiền Phong. Trong cuộc đời hoạt động báo chí của mình, ông may mắn có nhiều dịp được gặp, được chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không giống như các nghệ sĩ nhiếp ảnh khác như Đinh Đăng Định, Vũ Đình Hồng là những người được phân công ở Phủ Chủ tịch chuyên chụp ảnh Bác Hồ, nhà báo, nghệ sĩ Mai Nam chỉ được chụp Bác trong những kỳ họp quốc hội, các hội nghị hay các cuộc mít tinh, kỷ niệm lớn. Tuy vậy ông cũng đã chụp được gần 200 ảnh về Bác Hồ, trong đó có những bức ảnh hết sức quý giá như: Bác Hồ kiểm tra máy cày, Bác Hồ tại Hội nghị thanh niên ba sẵn sàng, Bác Hồ đi thăm làng Lỗ Khê, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi…Đặc biệt nghệ sĩ Mai Nam là người có vinh dự chụp bức ảnh Hồ Chủ tịch- Người công dân số 1 bỏ lá phiếu đầu tiên Quốc hội khoá II ngày 8-5-1960, một bức ảnh được đánh giá cao về tính thời sự và nghệ thuật đã gắn với tên tuổi của ông.
Một trong những điều khiến ông hết sức cảm phục ở Bác là tác phong giản dị, gần gũi quần chúng và luôn chủ động tạo không khí vui vẻ, phấn khởi với mọi người trong các cuộc tiếp xúc với Bác. Chính từ điều này nên ông luôn tâm niệm làm sao để chụp được những hình ảnh sinh động nhất về Bác, đặc biệt là với thanh niên. Bởi vậy, những hình ảnh ông chụp Bác Hồ đều hết sức sinh động và gần gũi với quần chúng như Người đến với con cháu.
Cách đây 6 năm, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 115 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo, nghệ sĩ Mai Nam đã mở một triển lãm với 79 bức ảnh về Bác Hồ lần đầu tiên được công bố. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Năm nay ở vào tuổi 90 ông vẫn còn giữ những tấm ảnh Bác Hồ như báu vật của đời mình.
6. Đồng chí Nguyễn Đăng Thọ sinh năm 1936, quê ở xã Hoàng Quang, huyện Hoàng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Đồng chí Thọ tuy không phải là người chụp ảnh Bác Hồ nhưng cuộc đời đồng chí lại gắn bó với những tấm ảnh chụp Bác Hồ suốt gần 50 năm qua. Ngày 19-5-2011, trong buổi gặp gỡ với các đồng chí làm công tác bảo vệ và phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Khu di tích Phủ Chủ tịch Hà Nội, đ/c Thọ đã kể về công việc thầm lặng nhưng vô cùng vinh dự của mình.
Cuối năm 1953, đ/c Thọ bắt đầu lên Việt Bắc tham gia kháng chiến, được tổ chức phân công làm công tác tạp vụ phục vụ trong Văn phòng Phủ Thủ tướng. Tháng 9-1954, đ/c được về công tác tại tổ ảnh cùng đ/c Đinh Đăng Định, Kim Côn để phục vụ việc tráng rửa ảnh, cắt và in ảnh phục vụ Bác Hồ. Công việc chính của đ/c Thọ là sau khi in ảnh xong đưa ảnh lên báo cáo đ/c Vũ Kỳ, thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để cho ý kiến về những ảnh cần in tiếp thì phải làm ngay để gửi đi các báo. Từ năm 1954, đ/c Thọ là người trực tiếp sắp xếp theo chuyên đề các mẫu ảnh tốt nhất để làm tư liệu và hiện những mẫu ảnh này còn lưu ở kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thời bấy giờ đ/c Thọ có sáng kiến bảo quản ảnh bằng gạo rang gói bọc trong giấy báo, phim và ảnh để lên trên, hoặc lấy vôi cục gói giấy báo lót dưới đáy hòm gỗ. Sau này bảo quản ảnh bằng hạt chống ẩm, ảnh để trong hòm sắt hoặc tôn. Thời kỳ máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc năm 1964-1965, để đảm bảo an toàn các đồng chí còn phải đưa phim và ảnh lên cất giữ ở K9 Đá Chông để dưới hầm sau này bảo quản thi hài Bác, chỉ giữ lại một số phim phục vụ tuyên truyền. Đến năm 1968 mới đưa số phim ảnh này về Hà Nội.
Nhiều năm làm công tác in rửa ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đ/c Thọ nhớ mãi kỷ niệm lần được gặp Người khi Tổng thống Mali sang thăm Việt Nam năm 1962. Bác Hồ giao cho đ/c Thọ làm quyển ảnh to để Bác ký tặng Tổng thống. Hôm đó từ 6 giờ sáng, đ/c  Thọ đã đến Thông tấn xã Việt Nam để nhận ảnh đưa vào cho Bác Hồ khi đó đang làm việc ở ngôi nhà 54. Xem ảnh xong, Bác nói không được vì ảnh đen quá, họ là da đen nhưng phải rửa cho sáng, đẹp hơn vì da Bác lại trắng hơn nhiều. Lúc đó thời gian rất gấp vì khách sắp đến rồi không thể quay lại Thông tấn xã để làm lại ảnh nên đ/c Thọ đã dùng hoá chất tẩy nhẹ cho da sáng hơn để trông Bác Hồ với Tổng thống không khác biệt quá. Bức ảnh đã đạt yêu cầu để Bác Hồ tặng khách.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, đ/c Thọ tiếp tục làm công việc xác minh tư liệu ảnh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đến năm 1992 thì nghỉ hưu. Sau đó đ/c Thọ vẫn làm công việc sắp xếp tư liệu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tháng 3-2010 mới nghỉ hẳn. Niềm vinh dự và tự hào mà đ/c Thọ chia sẻ hôm nay là được Nhà nước tặng bằng khen do Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký vì đã có thành tích “Tận tuỵ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh”.    
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng những bức ảnh của Người là tư liệu quý giá mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh đã ghi lại trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Nó cũng khẳng định tấm lòng kính yêu Bác Hồ của các nghệ sĩ và thông qua những bức ảnh giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp Bác Hồ. Những bức ảnh đó là những tư liệu quý đang được lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cuộc sống hôm nay.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)