NHỮNG NGƯỜI LÁI XE PHỤC VỤ BÁC HỒ
31 Tháng 08 Năm 2011 / 5416 lượt xem
Vũ Thu Hằng
Phòng sưu tầm-kiểm kê-tư liệu
Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng trở về thủ đô Hà Nội. Lúc đó cơ quan Văn phòng Phủ Thủ tướng và bộ phận phục vụ Bác Hồ được tổ chức để nhận nhiệm vụ mới.
Bác Hồ là lãnh tụ tối cao của Đảng và của dân tộc. Người luôn có tác phong lãnh đạo sâu sát quần chúng. Người đi nhiều địa phương, cơ sở, đơn vị để kiểm tra tình hình thực tế và động viên nhân dân, cán bộ, chiến sĩ tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Điểm khác biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều lãnh tụ nguyên thủ quốc gia trên thế giới là ở đạo đức, tác phong làm việc. Bộ phận phục vụ bên Người rất gọn nhẹ, mỗi người đều được đặt đúng vị trí, công việc cụ thể. Những người phục vụ bên Bác vinh dự được mang tên “cơ quan 41”, “chi bộ 41”- kỷ niệm năm 1941, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Một bộ phận phục vụ Bác có từ ngày đầu Bác Hồ mới về nước cho đến những năm cuối đời là các đồng chí lái xe cho Người. Nhớ lại những kỷ niệm những ngày được phục vụ Bác Hồ, họ ghi lại những dòng ký ức sâu sắc, làm sống lại trong mỗi chúng ta về những năm tháng Bác Hồ đã sống, đã nêu tấm gương đạo đức trong sáng, phong cách làm việc khoa học, dân chủ của Người.
1. Đồng chí Phạm Văn Nền, sinh năm 1911, mất năm 1996. Quê quán: làng Tám, Thanh Trì, Hà Nội. Đồng chí lái xe cho Bác Hồ từ cuối năm 1945 đến năm 1947 và sau năm 1954.
Ngày khởi nghĩa năm 1945, đồng chí làm ở phòng thuế quan Hà Nội, sau đó sang lái xe cho báo Cờ giải phóng. Ở đó đồng chí đã gặp đồng chí Nguyễn Lương Bằng và được cử đi nhận nhiệm vụ mới - lái xe phục vụ Bác Hồ. Lúc mới nhận nhiệm vụ, đồng chí chưa được trực tiếp lái xe cho Bác mà lái xe đi khắp các đường phố Hà Nội để đánh lạc hướng theo dõi của mật thám. Buổi tối đồng chí mới đưa Bác đi các cửa ô. Lúc nào đồng chí cũng phải quần áo sẵn sàng ở trong xe, có lệnh gọi là đi ngay.
Cuối năm 1946, tình hình rất khó khăn, Bác hay phải đi đêm và hay thay đổi chỗ ngủ. Đồng chí Nền xác định phải chuẩn bị xe thật tốt, con người phải thật tỉnh táo để đưa Bác đi cho tốt. Tết Nguyên Đán năm 1947, đồng chí Nền đưa Bác đi chùa Thầy để Bác lên Đài phát thanh chúc Tết đồng bào. Cuối năm đó, Bác có vào thăm Thanh Hoá, rồi mới lên Việt Bắc, khi đó đường miền núi bị phá nhiều không chạy xe được nên đồng chí chuyển sang làm giao liên.
Cuối năm 1954, đồng chí lại được trở lại phục vụ Bác khi Bác ở khu Phủ Chủ tịch. Thời gian này Bác đi thăm nhiều nơi, các cơ quan, đơn vị, trường học ở địa phương. Đồng chí Nền có vinh dự lái xe cho Bác đi thăm nhà thương Bạch Mai, khi Hoà Bình rồi đưa Bác về thăm quê, đi thăm mỏ than Hòn Gai.
2. Đồng chí Nguyễn Tiến Khiếu sinh năm 1929, mất năm 1995. Quê quán: Lý Nhân, Hà Nam. Đồng chí Khiếu cũng lái xe cho Bác Hồ từ năm 1947 ở Việt Bắc. Lúc đó ở Việt Bắc có đội xe của Đoàn xe 12, đồng chí Khiếu là đội trưởng đội xe và phụ trách chuyên môn. Khi hoà bình lập lại, trở về Hà Nội sau năm 1954, đồng chí Khiếu không phụ trách đoàn xe 12 nữa, đồng chí chuyển sang lái xe đón khách của Bác Hồ. Đồng chí không lái trực tiếp phục vụ Bác Hồ mà lái trong đoàn xe Bác Hồ tiếp khách. Khách của Bác thường là các đoàn trong nước, quốc tế sang thăm, làm việc tại nước ta. Đồng chí thường hay lái xe zip mui trần.
3. Đồng chí Hoàng Thanh sinh năm 1929, hiện đang sinh sống tại xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đồng chí Thanh công tác tại đội xe của Văn phòng Chính phủ và là người trực tiếp lái xe phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ tháng 2 năm 1960 đến năm 1969. Từ năm 1980 đến năm 1985, đồng chí là Phó phòng Quản trị Văn phòng Chính phủ, phụ trách công tác quản lý tài sản của cơ quan. Trong buổi gặp các đồng chí đã được phục vụ Bác Hồ tại cơ quan Khu di tích Phủ Chủ tịch tháng 5 năm 2010, đồng chí Thanh kể đã trực tiếp lái xe phục vụ Bác Hồ khi đưa Người đi sơ tán lên Kim Bôi, Hoà Bình, sau đó lái xe đưa Bác Hồ về K9 ở Ba Vì. Lần lái xe đó để lại cho ông nhiều kỷ niệm cảm động, khó quên vì lần đó Bác Hồ bị sốt, mệt. Bác không muốn để anh em lo lắng, phiền lòng. Đồng chí còn lái xe đưa Bác Hồ đi Đền Hùng, Phú Thọ ngày 19-8-1962.
4. Đồng chí Đỗ Văn Nguyên sinh năm 1932, hiện đang sinh sống tại xã Hồng Tuyến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí Nguyên về công tác tại cơ quan Văn phòng Chính Phủ từ năm 1956 đến năm 1993 thì nghỉ hưu. Đồng chí Nguyên là lái xe thường xuyên cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong tổ xe của Văn phòng Chính Phủ nên không lái xe chính thức cho Bác Hồ. Khi Bác Hồ đi công tác, đồng chí Mùi lái xe cho Bác Hồ, đồng chí Nguyên lái xe sau vừa làm nhiệm vụ bảo vệ đề phòng bất trắc, vừa có thể ứng cứu khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho Bác. Vào dịp Tết Nguyên Đán, Bác đi thăm chợ Đồng Xuân cũng thường đi 2 xe, một xe do đồng chí Mùi lái trực tiếp cho Bác Hồ, một xe đồng chí Nguyên lái đi phía sau.
Trong buổi gặp các đồng chí đã được phục vụ Bác Hồ tại cơ quan Khu di tích Phủ Chủ tịch tháng 5 năm 2010, đồng chí Nguyên kể đã trực tiếp lái xe phục vụ Bác Hồ trong dịp đưa Người đi Thái Nguyên khánh thành lò cao số 1 và số 2. Dịp đó đoàn công tác của Bác nghỉ lại nhà khách Tỉnh uỷ Thái Nguyên, nghỉ ăn trưa tại Nhà văn hoá của tỉnh. Khi đến nhà máy Bác đi thăm ngay nhà trẻ, nhà bếp rồi mới vào họp với các đồng chí lãnh đạo nhà máy. Hôm đó Bác đi xe Pôbêđa là chiếc xe đang trưng bày tại Khu di tích Phủ Chủ tịch. Kỷ niệm của đồng chí khi lái xe cho Bác Hồ là thường ăn tập thể, ngủ tập thể, khi đi công tác hay mang theo cơm nắm, muối vừng vì Người không quan cách hay muốn làm phiền dân phải lo đón tiếp Người.
Thời gian cuối tháng 8 năm 1969 khi Bác mệt nặng, đồng chí Nguyên là người lái xe đưa đón các y tá, bác sĩ đến thăm khám cho Bác, khi đó đồng chí phải trực 24/24 h.
5. Đồng chí Nguyễn Văn Mùi sinh năm 1931, hiện đang sinh sống tại tập thể Văn phòng Chính Phủ, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp đồng chí công tác tại Sở kho thóc Trung ương, lúc đầu là lái phụ sau lái chính chiếc xe chở gạo ở chiến khu Việt Bắc. Sau khi chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi, đồng chí được cử sang công tác tại Văn phòng Thủ tướng, lái xe cho cố vấn Trung Quốc sang giúp ta lúc đó. Năm 1954, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông được giao nhiệm vụ lái chiếc xe chở chiến sĩ bảo vệ trong đoàn xe gồm 6 chiếc đưa đoàn cán bộ đặc biệt từ Việt Bắc về xuôi. Khi đoàn xe dừng lại ở Đền Hùng, Phú Thọ, đồng chí Mùi mới biết mình đã được lái xe bảo vệ Bác Hồ về tiếp quản Thủ đô Hà Nội.


Từ ngày 30-12-1954, ông nhận nhiệm vụ lái một chiếc xe com-măng-ca chở các chiến sĩ bảo vệ luôn đi sau chiếc xe chở Bác Hồ, mỗi khi Người đi công tác. Thời gian này người lái xe chính của Bác Hồ là ông Phạm Văn Nền.
Ngày 5-3-1961, sau khi ông Nền được cử đi học, ông Nguyễn Văn Mùi chính thức được giao nhiệm vụ lái xe cho Bác Hồ. Từ đó đến khi Bác mất, hơn 8 năm liền, ông trở thành lái xe riêng của Bác. Ông chăm chút chiếc xe từng li từng tí, luôn lái xe an toàn, không để xảy ra một sai sót nào, dù là nhỏ nhất. Ông nhớ rất nhiều kỷ niệm về Bác, nhất là không sao quên được đức tính tiết kiệm của Bác. Nhiều lần các đồng chí lãnh đạo muốn thay xe ôtô cho Bác vì cả hai chiếc xe Bác đi đều đã cũ, Bác không đồng ý. Nhiều lần đi công tác nghỉ trưa dọc đường, Bác cùng các đồng chí bảo vệ, lái xe ăn cơm nắm độn ngô do ông Cẩn, cấp dưỡng chuẩn bị trước mang theo. Ông còn nhớ, mỗi lần Bác đi công tác nước ngoài về, ông cũng như các đồng chí phục vụ đều nhận được quà của Bác dù chỉ là cái bánh, cái kẹo hay điếu thuốc lá nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương của Bác dành cho.
Kỷ niệm mà ông nhớ nhất không thể nào quên có lẽ là việc Bác Hồ nhờ ông dạy lái xe. Một hôm, sau khi đưa Bác đi tiếp khách về, như thường lệ, ông Mùi đã dừng xe, nhưng thấy Bác vẫn nán lại, chỉ vào mấy bộ phận trước tay lái, hỏi ông:
- Chú nói cho Bác biết cái này là gì? Thế còn cái kia? Muốn khởi động máy thì phải làm thế nào? …
Ông Mùi ngạc nhiên trước các câu hỏi của Bác, giải thích tỉ mỉ tính năng, tác dụng của từng bộ phận trong xe cho Bác. Nghe xong, Bác dặn:
- Chú về vẽ các bộ phận trong xe ra giấy cho Bác. Mỗi ngày chú dạy Bác một chút, Bác sẽ học lái xe theo chú.
Thế rồi ông Mùi đã cẩn thận vẽ từng bộ phận trong xe đưa cho Bác. Một lần khi mời đồng chí Đoót-ti-cốt, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba sang thăm nước ta, ngồi cùng xe, Bác đã kể chuyện học lái xe cho đồng chí nghe. Bản vẽ các bộ phận trong xe của ông Nguyễn Văn Mùi để Bác học lái xe ấy đã trở thành một tài liệu độc đáo hiện được lưu giữ trong Khu di tích nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Sau khi Bác Hồ mất, ông được giao nhiệm vụ lái xe cho Bác Tôn Đức Thắng, Chủ tịch nước kế nhiệm Bác Hồ. Nhiều năm được lái xe phục vụ Bác Hồ, Bác Tôn, ông học tập ở hai vị lãnh tụ kính yêu nhiều đức tính tốt đẹp, luôn sống khiêm tốn, giản dị, mẫu mực, được mọi người quý trọng.
Đã nhiều năm Bác Hồ đi xa nhưng những câu chuyện cảm động về những kỷ niệm của các đồng chí đã từng lái xe phục vụ Bác Hồ như vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Mỗi kỷ niệm là một bài học Bác Hồ để lại mãi toả sáng trong lòng dân tộc.