NHỮNG NGƯỜI NẤU ĂN PHỤC VỤ BÁC HỒ
29 Tháng 11 Năm 2010 / 5590 lượt xem
Nguyễn Thị Bình
Phòng Sưu tầm-Kiểm kê- Tư liệu
Di tích Bếp A là nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ năm 1955 đến năm 1969. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhà bếp vẫn tiếp tục được bảo quản nguyên trạng. Nhưng việc lập hồ sơ cho tất cả các tài liệu, hiện vật của nhà bếp cũng như để biết được cụ thể về những đồng chí đã từng nấu ăn cho Bác thì chưa được đầy đủ. Để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu của nhà bếp và để hiểu thêm về những người đã từng được nấu ăn, phục vụ cho Bác, chúng tôi đã nghiên cứu các nguồn tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, đặc biệt là đã tranh thủ hỏi các đồng chí nhân chứng trước đây có vinh dự phục vụ Người để hỏi về xuất xứ, cũng như về ý nghĩa của các hiện vật đã dùng để nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Tuy các nguồn thông tin chưa được đầy đủ như mong muốn, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi cũng đã phần nào biết được nội dung công việc cũng như sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm của các đồng chí đã từng phục vụ nấu ăn cho Bác khi sinh thời:
1. Hoàng Văn Lộc: Được Bác Hồ đặt tên là Đồng. Thời kỳ Bác Hồ hoạt động ở Xiêm (Thái Lan), Hoàng Văn Lộc làm nhiệm vụ phục vụ Bác. Ông lo lương thực, hậu cần và nấu ăn cho Bác. Bác Hồ và ông đi bộ hàng trăm cây số khắp vùng đông bắc Thái Lan để tuyên truyền cách mạng trong bà con Việt kiều. Ông giúp Bác mang vác những đồ dùng, tư trang và kiêm luôn nhiệm vụ liên lạc, giúp Bác liên hệ với các tổ chức đoàn thể của bà con Việt kiều ở Thái Lan. Sau khi Bác về nước, hoạt động tại Cao Bằng, Hoàng Văn Lộc lại trở về giúp Bác và cơ quan. Ông lo việc hậu cần và nấu ăn cho Bác. Cách mạng Tháng Tám thành công, theo đề nghị của Bác, một số đồng chí ở lại tiếp tục gây dựng cơ sở cách mạng để đề phòng sau này chiến tranh xảy ra, đại quân trở lại núi rừng, cơ sở vẫn được củng cố mạnh hơn. Đồng chí Lộc xung phong ở lại bám trụ núi rừng xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đầu tháng 5-1948, đồng chí Lộc không may qua đời do cơn sốt rét ác tính.
2. Thúy Bách (Phương Triều An): Đồng chí là người dân tộc Nùng, quê ở Cao Bằng. Đồng chí tham gia cách mạng từ năm 1927, làm công tác in báo Cờ Đỏ. Sau đó đồng chí được đồng chí Vũ Anh (Trịnh Đông Hải) hướng dẫn đi thóat ly hoạt động, làm cấp dưỡng cho các lớp huấn luyện cách mạng. Thời kỳ Bác ở Pác Bó, đồng chí Thúy Bích thường cùng đồng chí Lộc lo hậu cần nấu cơm cho Bác và anh em cơ quan.
3. Tống Minh Phương (Trần Việt Hoa): bà sinh ra ở làng Kim Liên cũ (Đống Đa, Hà Nội). Gia đình làm thợ (bố làm thợ, mẹ nhuộm vải). Về sau do gia đình khó khăn nên phiêu bạt sang Côn Minh kiếm sống từ khi mới 15 tuổi. Năm 1944, khi Bác sang Côn Minh đã ở lại nhà bà (lúc đó là tiệm cà phê) để chữa bệnh và chờ liên lạc với phe Đồng Minh. Sau đó từ khoảng năm 1947- 1950, bà về chiến khu Việt Bắc và chăm lo thêm việc ăn uống, sinh hoạt của Bác.
4. Dương Thúy Liên (vợ của bác sĩ Lê Văn Chánh- người bảo vệ sức khỏe của Bác Hồ): Thời kỳ kháng chiến, bà là người giúp việc ở Văn phòng Bác (từ 1949-1954), làm những công việc như nấu ăn, khâu vá và tập hợp tặng phẩm của các nơi gửi đến Bác và tặng phẩm của Bác gửi đi.
5. Nguyễn Thị Bích Thuận (vợ đồng chí Lê Văn Lương): nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh vệ, người phụ trách công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩmcho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
6. Ông Lê Văn Nhương (tức Lê Cần) sinh năm 1918, mất năm 1992, quê ở Nghệ An, nhân viên CQ41, là người phục vụ nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1950-1969, nguyên là cán bộ phòng kiểm kê Bảo quản Ban Di tích viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông kể: năm 1966 do yêu cầu phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh để tiếp khách, cơ quan Văn phòng Phủ Chủ tịch đã mua ở cửa hàng cung cấp một số đồ dùng, trong đó có loại bát ăn cơm có chỉ vàng của Trung Quốc sản xuất. Số bát mua về các đồng chí phục vụ lấy ra một chiếc để Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng ăn cơm hàng ngày, một chiếc phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Số bát còn lại được cất vào kho.
Ông Nhương còn cho biết, do yêu cầu phục vụ sinh hoạt ăn uống của Hồ Chủ tịch và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, các ông đã được cử đi mua một số đồ dùng ở chợ Đồng Xuân về để phục vụ bữa ăn hàng ngày và để Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách. Một số đồ dùng đó được mua vào khoảng năm 1955. Số còn lại mua ở chợ giời (chợ tự do ở đường Đê La Thành) năm 1958, một số mua ở chợ Đồng Xuân, một số mua ở cửa hàng cung cấp số 12 Bờ Hồ - Hà Nội, một số được anh em bạn bè tặng, và một số do Cục Chuyên gia nhượng lại cho Văn phòng Phủ Chủ tịch theo đề nghị của văn phòng nhân dịp Cục Chuyên gia mua một số đồ dùng về để phục vụ các đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước anh em tới dự Đại Hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 3 vào tháng 9-1960 để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người tiếp khách…
7. Ông Đặng Văn Lơ: Là nhân viên của tổ cấp dưỡng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Lơ cho biết: Năm 1949 ông vào bộ đội, từ năm 1960 đến 1969 ông được nấu cơm phục vụ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ổng Cẩn là bếp trưởng, Ông Lơ là bếp viên. Ông Lơ cho biết về tuổi đời thì ông Cẩn là bậc đàn anh, còn về nghệ thuật nấu ăn và kỹ thuật phục vụ Bác thì ông Cẩn cũng là bậc thầy của ông Lơ. Công việc hàng ngày của ông Lơ là giữ kho tài sản như bát đĩa ăn âu và kho hàng khô (gia vị,...). Ngoài ra ông còn đảm nhiệm cả việc đi chợ mua hàng, cả hàng cung cấp và hàng tự do. Ngoài việc nấu ăn, ông Lơ còn giặt là khăn ăn, khăn bàn của Bác mỗi khi dùng phục vụ họp Bộ Chính trị. Có những hôm chỉ có 2 người nấu xong chuyển ra nhà lớn để Bác tiếp khách mãi đến khuya 2 người mới dọn dẹp để về. Cho dù rất bận nhưng 2 ông luôn động viên nhau làm việc cho chu đáo, hàng tuần phục vụ Bộ Chính trị họp có ăn phở, ăn cháo cá, bánh cuốn, mì vắn thắn…

Bữa ăn của Bác luôn được nhà bếp thay đổi cho Bác dễ ăn. Các gia vị như: chanh, ớt, nước mắm, cà muối thì không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày của Bác. Ăn xong, Bác thường uống một cốc nước chè đã được pha loãng. Khi ăn xong, ông Lơ và ông Cẩn dọn bát đĩa, 2 người xem món nào thì Bác ăn hết và món nào còn thừa để còn rút kinh nghiệm cho những bữa sau. Với nước canh và súp nếu mang lên mà thấy Bác ăn không hết thì lần sau các ông sẽ múc vào cái bát bé hơn để Bác ăn được hết và không bỏ thừa. Ông Lơ cho biết: Bác rất thích ăn cháy nấu bằng chiếc xoong pha gang, nên ông Cẩn thường đốt to lửa để lấy cháy, thỉnh thoảng các ông để một miếng cháy lên trên cặp lồng cơm cho Bác dùng. Các món ăn của Bác được các ông chế biến như sau:
Canh rau củ quả hầm với xương thì nước phải trong, có hương vị thơm tự nhiên. Nấu súp bột ngô non cũng phải giữ được hương vị thơm của bắp ngô, món rau ngồng cải xào lòng gà, rau muống, cà xứ nghệ thì phải bổ đôi trộn với ớt đường và được dầm vào tương Bần. Còn các món thịt hoặc cá, nếu là cá quả thì phải rút hết xương, nếu là chân giò thì phải cạo sạch rồi lấy nhíp nhổ hết lông, rau thì phải nhặt từng ngọn để tránh có lẫn rác, tóc hoặc sâu rau. Nấu cơm thì gạo phải nhặt kỹ hết sạn, hạt đen và thóc… Các món ăn được nấu theo mùa trong năm. Mùa nóng thì thường xuyên phải nấu món mát như rau ngót, rau mồng tơi với cua, bí bầu và canh cá chua… Mùa rét thì các ông nấu các món nóng sốt. Bát để thức ăn phải được luộc nước sôi, sau đó vớt ra rồi múc thức ăn lên để giữ được ấm lâu. Thỉnh thoảng có khách thì các ông nấu một nồi lẩu để Bác cùng khách ăn cho ấm áp.
8. Ông Đinh Văn Cẩn: Tên thật là Đinh Văn Hộ, sinh năm 1921, ở xã Hà Liễn- huyện An Dương - tỉnh Kiến An-Hải Phòng. Ông mất năm 1981. Ông Cẩn là nhân viên CQ41, phục vụ nấu ăn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1951 đến 1969 là bếp trưởng nhà bếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhiệm vụ của ông là nấu ăn hàng ngày cho Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông cho biết ngày làm việc của ông kể cả ngày chủ nhật, bắt đầu từ 4 giờ sáng cho đến 12 giờ 30 mới nghỉ. Buổi chiều làm từ 3 giờ đến 19 giờ. Những hôm có việc đột xuất phải chuẩn bị đi công tác hay khi có khách thì làm việc không kể ngày đêm, làm bao giờ xong việc thì mới về. Có những hôm việc bận thì làm thâu đêm, quên cả ngủ. Lại có những hôm đến sát bữa ăn lại có khách mời… Nhưng ông luôn vui vẻ không hề kêu ca phàn nàn. Cấp trên giao cho nhiệm vụ gì, ông đều hoàn thành tốt nhiệm vụ đó. Hàng ngày các món ăn luôn được ông thay đổi đảm bảo vệ sinh, nóng sốt cả khi Bác ở nhà cũng như khi Bác đi công tác. Món ăn được thay đổi luôn, bữa ăn thường dùng 3 món, nhưng trong một tuần cố gắng để không làm những món trùng nhau. Ngay cả bữa điểm tâm cũng luôn thay đổi để Bác ăn được ngon miệng. Ông luôn có ý thức tiết kiệm khi nấu ăn hàng ngày cũng như khi có khách. Món ăn luôn được tính toán cho vừa đủ, không thừa, không thiếu, sao cho vừa ý Bác. Chính vì thế nên nhiều khi có khách trong nước và cả khách Quốc tế, nhưng Bác vẫn muốn anh em trong cơ quan tự nấu. Về vệ sinh hàng ngày, ông luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp, thường xuyên lau chùi, hàng tuần tổng vệ sinh, nên bếp không có bụi, không có ruồi trong lúc làm thức ăn.
Là một đảng viên được giao làm công tác nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt từ những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến khi Người qua đời đó là một vinh dự lớn của đời ông Cẩn. Sự tận tâm và tấm lòng thành kính của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua việc nấu ăn hàng ngày, Ông không để xảy ra sai sót gì trong công việc mà đặc biệt còn được Bác rất hài lòng. Ông luôn gắn bó với công việc, toàn tâm, toàn ý, với tinh thần trách nhiệm cao, chăm lo việc ăn uống hàng ngày để đảm bảo sức khỏe của Hồ Chủ tịch và một số đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy ông được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng bằng khen vì đã tận tụy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người còn sống. Các đồng chí công tác gần gũi với ông cho biết: Đồng chí Cẩn luôn mang trong mình tình cảm và lòng yêu quý, kính trọng lãnh tụ, có trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với tinh thần trách nhiệm, mặc dù nhà bếp không còn được sử dụng hàng ngày vào việc nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh như trước, nhưng ông Cẩn vẫn thường xuyên chăm lo, bảo quản giữ gìn nhà bếp chu đáo như xưa. Đầu năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc, ông đã trực tiếp lo việc phân loại, xếp sắp đóng gói tất cả các loại đồ dùng trong nhà bếp để khi cần có thể đưa đi sơ tán được ngay.
Tuy chưa lập hồ sơ khoa học cho từng tài liệu hiện vật ở Di tích nhà bếp A để giới thiệu trong phạm vi bài viết này, nhưng chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục nghiên cứu tiếp để hoàn thiện hồ sơ cho các tài liệu hiện vật là đồ dùng đã từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời để đưa lần lượt ở những số nội san sau.
Thông qua hiện vật nấu ăn của nhà bếp, qua trưng bầy mâm cơm ở Di tích nhà 54, đã phần nào giúp người xem hiểu được những sinh hoạt đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng nhưng những bữa ăn hàng ngày của Bác thật đơn giản, một bát ăn cơm có hình cây dừa, một bát đựng canh, một thìa canh, bát đựng mắm, ớt đĩa đựng thức ăn, một cốc uống rượu đều bằng sứ. Một cốc uống sữa bằng thủy tinh, một đôi đũa ngà, một thìa cà phê bằng inốc. Một phin pha cà phê bằng kim loại. Một cặp lồng đựng cơm bằng nhôm. Một mâm đựng thức ăn bằng nhôm,… Không phải là những đồ dùng được làm bằng vàng, bạc đựng các thức ăn như cao lương mỹ vị mà là những bát canh rau ngót, rau mồng tơi, khúc cá kho, quả cà muối dầm tương…
Ảnh: Ông Đặng Văn Lơ là nhân viên tổ cấp dưỡng phục vụ Bác Hồ, đang tái hiện lại trước đây đã từng làm.