slider

Những tấm gương “Người tốt, Việc tốt” trong thanh niên được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu

15 Tháng 05 Năm 2021 / 1691 lượt xem

ThS. Nguyễn Văn Dương

Phòng Sưu tầm, Kiểm Kê, Tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, khả năng của thế hệ thanh niên của đất nước. Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, là “mùa Xuân của xã hội”, “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(1) và “Thanh niên ta rất hăng hái, ta biết hợp lòng hăng hái đó lại và dìu dắt đúng đắn thì thanh niên sẽ trở thành một lực lượng rất mạnh mẽ”(2). Trở thành lãnh tụ của Đảng, của đất nước, Người luôn dành cho thế hệ trẻ những tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, như lời học giả người Ấn Độ Mô-ham-mat I-xman Mat-Sua đã nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ duy nhất luôn luôn quan tâm đến thế hệ trẻ và đánh giá cao vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3).

Thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh của toàn thể dân tộc ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của các thế hệ thanh niên, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới ra đời phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Trong tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi, động viên và giao nhiệm vụ cho thanh niên cả nước hăng hái đi đầu trong việc kháng chiến, tăng gia sản xuất, xóa nạn mù chữ, thực hành đời sống mới. Ngay trong ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm niềm tin tưởng của mình vào thế hệ trẻ: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(4). Ngày 30/10/1945, trong “Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ”, Người viết: “Trong cuộc chống xâm lăng này các bạn đã là bức Vạn Lý Trường Thành vững chắc, các bạn phải thống nhất mặt trận thanh niên, đoàn kết, nêu cao tinh thần tin tưởng ở sức mạnh của dân tộc. Những gương hy sinh anh dũng của các bạn đã sáng rọi khắp nước, những chiến công oanh liệt của các bạn đã làm cho toàn thể đồng bào thêm kiên quyết”(5).

Không chỉ trong các bức thư gửi thanh niên, trong các dịp trực tiếp gặp gỡ với thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhấn mạnh vai trò to lớn của thanh niên và động viên kịp thời những thành tích thanh niên cả nước đạt được trong mọi lĩnh vực học tập, sản xuất, chiến đấu, tu dưỡng rèn luyện... Người luôn nhấn mạnh vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào cách mạng. Vai trò xung kích trước hết phải được thể hiện ở: “Việc gì khó có thanh niên, ở đâu khó có thanh niên”, nơi nào người khác làm ít kết quả thì thanh niên đến làm tốt hơn. Sự nghiệp cách mạng càng phát triển thì càng đòi hỏi thanh niên thực hiện tốt hơn vai trò xung kích của mình. Người chỉ rõ: “Thời đại này là thời đại vẻ vang của thanh niên. Mà thanh niên phải là đội xung phong trên các mặt trận chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật”(6). Thanh niên muốn xứng đáng với vai trò là người quyết định tương lai của dân tộc thì trước hết phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, có chí tiến thủ, xung phong gương mẫu trong mọi công việc. Đặt niềm tin vào sức mạnh của thanh niên, Bác coi thanh niên là người thân trong gia đình mình, sự hy sinh, mất mát của thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. Tháng 01/1947, khi nhận được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng (Giám đốc y tế Bắc Bộ) anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác đã gửi thư chia buồn rất xúc động: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột... Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn sống với non sông Việt Nam”(7).

Coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội, Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ dẫn thanh niên tham gia phong trào kháng chiến. Thanh niên luôn là lực lượng cơ bản trong bộ đội, công an, dân quân tự vệ, đi đầu trong các phong trào đấu tranh chính trị, xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa... Khí thế, quyết tâm và sức mạnh của thanh niên đã làm dấy lên các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong” (Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch; Xung phong tòng quân và tham gia du kích chiến tranh; Xung phong đi dân công và thanh niên xung phong phục vụ tiền tuyến; Xung phong đấu tranh chính trị và chống bắt lính; Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông hội)... để góp phần cho sự nghiệp “chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi”. Các phong trào được phát triển sâu rộng trong cả nước, thu hút hàng triệu đoàn viên, thanh niên đăng ký tham gia với tinh thần xung kích đi đầu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, sẵn sàng “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” và đóng góp quan trọng cho công cuộc kháng chiến của toàn dân tộc đi đến thắng lợi. Chứng kiến sự cống hiến và trưởng thành của tuổi trẻ Việt Nam, tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 năm ngày thành lập Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, tháng 3/1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lên niềm tin tưởng, phấn khởi của Người đối với thế hệ trẻ: “Là người theo dõi tổ chức thanh niên từ bước đầu hiếm hoi chỉ có tám cháu, ngày nay thấy có hàng triệu đoàn viên thanh niên, hàng triệu cháu bé nhi đồng phát triển mơn mởn như hoa mùa xuân. Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng và thấy như mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang”(8). Để kịp thời động viên, khuyến khích những thanh niên có thành tích trên các mặt trận chiến đấu, học tập, lao động sản xuất,... khi đọc các tờ báo của Trung ương và các địa phương, thấy có những tin, bài viết về gương thanh niên người tốt, việc tốt, Bác ghi chép, đánh dấu lại và thưởng huy hiệu của Người cho những cá nhân xuất sắc đó. Trong bài “Thanh niên Hải Dương” đăng bản tin TTXVN, ngày 22/9/1958, nêu gương anh Trần Quốc Bột, Bí thư đoàn thanh niên xã Phương Hưng, Gia Lộc, Hải Dương đã phá kỷ lục trong phong trào thi đua làm phân “bón thúc và bón đón đòng” cho lúa và được Ủy ban hành chính khu Tả Ngạn nhiều lần tặng bằng khen, Bác dùng bút chì đỏ đánh dấu thưởng huy hiệu cho anh. Bài “Người nữ dân quân họ Hồ”, đăng báo Quân đội nhân dân, ngày 24/5/1960, nêu gương chị Hồ Thị Rai, xã Vĩnh Thượng, Vĩnh Linh, một thanh niên dân tộc Vân Kiều đã vận động được 100% phụ nữ trong xã tham gia huấn luyện dân quân tự vệ, được mọi người gọi là “con gái cụ Hồ” và được bầu là thanh niên điển hình tiên tiến của xã, Bác dùng bút chì xanh đánh dấu bằng chữ Hán thưởng huy hiệu cho chị. Bài “Một người mù làm cho Tổ quốc xanh tươi” đăng báo Nhân Dân số ra ngày 2/9/1962, nêu gương anh Cao Xuân Nhì, 21 tuổi, ở xã Thanh Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc dù mù cả hai mắt vẫn tích cực trồng cây để bảo vệ môi trường, Người đánh dấu thưởng huy hiệu cho anh...

Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1957 đến năm 1969 đã có gần 1299 thanh niên xuất sắc trên các lĩnh vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu(7). Cụ thể: Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho anh Hà Tấn Lạng thuộc xưởng phát điện, Xí nghiệp Điện Yên Phụ, Hà Nội, là đoàn viên thanh niên có nhiều sáng kiến giảm mức tiêu thụ than cho 1KW điện/giờ và luôn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ anh em trong tổ góp phần hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất điện trong năm; Năm 1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho anh Cao Xuân Nhì, đoàn viên thanh niên, xã Thanh Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù bị mù hai mắt nhưng vẫn tích cực tham gia phong trào xung phong tình nguyện, do Đại hội đoàn thanh niên lần III phát động,... ; Năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 26 cá nhân, trong đó có anh Vũ Ngoạn, nhân viên phát hành sách, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, là một thanh niên yêu nghề, tận tuỵ với công việc, luôn đem sách báo đến mọi nơi, bất chấp thời tiết nắng mưa, địa hình khó khăn, hiểm trở để phục vụ bà con nhân dân, nhờ đó giúp nhân dân nâng cao trình độ, áp dụng vào sản xuất, đưa năng suất lao động tăng gấp nhiều lần,.; Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 16 cá nhân như chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên cửa hàng ăn uống mậu dịch ga Hàng Cỏ, đã nhiều lần nhặt được tiền của khách rơi đem nộp lại cho công an để trả lại cho người mất, ...; Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 9 cá nhân trong đó có chị

Phạm Thị Vách, xã Hùng Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên có thành tích trong phong trào làm thủy lợi giỏi toàn miền Bắc. Chị được tuyên dương là “Kiện tướng trên công trường Bắc - Hưng - Hải và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất lúc 22 tuổi,.; Năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 59 cá nhân, trong đó có anh Hoàng Văn Phả, Bí thư đoàn thanh niên xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, tỉnh Hải Phòng, luôn có ý thức xung phong, gương mẫu trong phong trào trồng cây do huyện đoàn phát động, anh đã trồng được 1000 cây và đạt danh hiệu kiện tướng trồng cây. Ngoài ra, anh còn đạt danh hiệu kiện tướng làm phân bón với 14.500 cân/năm,.; Năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 104 cá nhân, có chị Kim Thị Chi, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), 21 tuổi, gương mẫu có nhiều thành tích trong sản xuất như: đào được 4 giếng đất, lát 2 sân phơi và đào được 4 con mương lấy nước cứu hàng chục hecta lúa; chị đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 105 cá nhân, có chị Dương Thị Lụa, thôn Bằng Khê, xã Liên Chung, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, 18 tuổi, luôn biết khắc phục khó khăn để học tập tốt, sản xuất tốt, là một trong những đoàn viên tiêu biểucủa huyện đoàn,...; Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 140 cá nhân, trong đó có chị Dương Thị Tuệ, Trưởng quầy ăn uống chợ Mơ, Hà Nội, 26 tuổi, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý và luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi các cửa hàng khác để tăng năng suất cũng như kỹ thuật chế biến các món ăn; chị đã đạt lao động tiên tiến 2 năm liền 1964, 1965 và được bầu là phụ nữ 3 đảm đang ở thủ đô Hà Nội; Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 180 cá nhân, trong đó có anh Nguyễn Trái ở Vĩnh Linh, là thanh niên trẻ đã dũng cảm ra khơi đánh cá và cứu người bạn đi biển bị thương khi bị trúng bom Mỹ; Mặc cho tiếng súng, tiếng bom đạn bên tai anh vẫn lạc quan hát vang giữa biển khơi để hoàn thành nhiệm vụ đánh cá và cứu bạn an toàn,..; Năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 350 cá nhân, trong đó có anh Trần Xuân Toan, xí nghiệp đúc Tân Long, Hải Phòng, là một đoàn viên thanh niên dám nghĩ, dám làm, say mê nghiên cứu khoa học, trong một năm phát huy 10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất có giá trị về kinh tế,.; Năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 254 cá nhân, trong đó có anh Đào Đức Xuyên, Đội 182, lái xe trẻ, nhưng rất tận tụy với công việc, dũng cảm lái xe dưới bom đạn địch. Anh đã có sáng kiến tăng năng xuất, hàng tháng đều vượt mức kế hoạch vận chuyển từ 130 đến 150%, vượt chỉ tiêu quy định từ 1.200 tấn/km thành 2.800 tấn/km..; Năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng huy hiệu cho 56 cá nhân, trong đó có anh Trần Hữu Hùng, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Bình, thanh niên làm công tác bảo vệ trị an, luôn hết lòng vì tập thể, bảo vệ của công, trong bom đạn ác liệt anh đã dũng cảm xông vào khói lửa để cứu được hàng chục người thoát chết và hàng chục tấn gạo khỏi bị cháy do bom Mỹ đánh trúng,...

Những tấm gương “người tốt việc tốt” trong phong trào thanh niên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ trong số hàng nghìn tấm gương người tốt việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước. Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới đất nước, bên cạnh những thành tựu đạt được trên nhiều lĩnh vực, chúng ta vẫn phải đối diện với những mặt trái của cơ chế thị trường, của “thời đại công nghệ 4.0”, mạng xã hội. trong đó sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên - sinh viên do không làm chủ được bản thân, không chịu khó trau dồi tu dưỡng đạo đức, lối sống, ảnh hưởng xấu đến vị trí, vai trò của người thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, kế thừa truyền thống tốt đẹp, tinh thần xung kích của các thế hệ thanh niên Việt Nam và niềm tin của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền thêm cho thế hệ trẻ nước ta nguồn sức mạnh mới, luồng sinh khí mới tham gia tích cực các phong trào hành động cách mạng “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước phồn vinh”, giữ gìn trật tự, an ninh”, “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hóa, thể thao”, “Công tác xã hội, bảo vệ môi trường”, “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, “Thanh niên tình nguyện”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, với những việc làm cụ thể ... đã làm cho tinh thần và sức trẻ Việt Nam lan tỏa trong cộng đồng, qua đó đã giúp cho đông đảo lực lượng thanh niên đã nhận thức được vị trí, vai trò của mình trong công cuộc xây dựng đất nước, từ đó hàng nghìn tấm gương người tốt việc tốt, thanh niên tiên tiến điển hình đã được vinh danh, đặc biệt luôn đi đầu trong mọi phong trào với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” trên mọi mặt trận và mọi miền Tổ quốc, xứng đáng với lòng tin yêu mà Đảng, Bác Hồ đã dành cho, nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương và nâng cao vai trò, uy tín của thanh niên trong xã hội.

 

Chú thích:

1,       7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.216, 49.

2,       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.331.

3,       Nguyễn Anh Chương, Bác Hồ nói về tính tiên phong của Thanh niên, Nội san thông tin tư liệu Đại học Vinh, số 1 (21), 2004, tr.19.

4,       5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.35, 90.

6.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 13, tr.188.

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.78-79.

9.       Bài viết còn sử dụng một số thông tin từ sưu tập báo cắt dán “Người tốt, việc tốt” hiện đang lưu ở Khu di tích Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)