slider
Phát triển kinh tế số

Những thông tin về cuốn sách đầu tiên Bác Hồ Viết năm 1920?

19 Tháng 09 Năm 2011 / 3367 lượt xem
P. h. Đ
Phòng Tuyên truyền- Giáo dục
 
Trong thời gian hoạt động ở Pháp (1917-1923), Nguyễn ái Quốc bị chính quyền thực dân theo dõi rất gắt gao, bọn mật thám luôn theo sát Người từng bước. Mặc dù ở vào hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm nhưng Nguyễn ái Quốc vẫn tìm mọi cơ hội để thông tin rộng rãi về vấn đề thuộc địa ở Đông Dương để dư luận Pháp và thế giới biết rằng: nhân dân Đông Dương đang sống lầm than tủi nhục bởi những chính sách thực dân vô cùng tàn bạo.
Tháng 5 năm 1920, Nguyễn ái Quốc đã cho ra đời cuốn sách với nhan đề Những người bị áp bức (Les opprimés). Đây được coi là cuốn sách đầu tiên mà Nguyễn ái Quốc viết tại Pháp nhưng tới nay còn ít người biết đến. Để có thêm thông tin về tác phẩm này, xin trích giới thiệu với bạn đọc những bản báo cáo mật có liên quan đến cuốn sách này do một mật thám chuyên theo sát anh Nguyễn ký tên Jean gửi về văn phòng Bộ thuộc địa Pháp từ tháng 1.1920 đến tháng 5.1920 (do các tác giả Thu Trang và Trần Thái Bình dịch từ nguyên bản tiếng Pháp):
- Báo cáo ngày 19-1-1920
Tối hôm ấy, vào 8 giờ phó quản Lâm và Quốc đi xem hát ở rạp Nouveau Lyrique. Trong khi chờ đợi mở màn và trong giờ nghỉ họ đã trao đổi với nhau:
          Lâm: Anh đã làm gì từ mấy hôm nay?
          Quốc: Vẫn là việc đi tìm sách.
          Lâm: Bao giờ anh sẽ viết xong quyển ấy?
          Quốc: Tôi không thể trả lời ngay được, vì tôi rất cần nhiều tài liệu. Tôi không muốn tự mình viết lấy, vì như thế không có giá trị trung thực. Tôi sẽ dùng những đoạn văn trong số sách đã viết về thực dân Pháp. Tôi sẽ cố gắng làm đậm nét những đoạn ấy. Sự sắp đặt quyển sách sẽ có 4 phần:
Phần I: Tình trạng của Đông Dương trước khi Pháp chiếm đóng
Phần II: Họ đã đem lại những gì cho Đông Dương.
Phần III: Tình trạng Đông Dương hiện tại.
Phần IV: Đông Dương trong tương lai
          Lâm: Anh làm thế nào để xuất bản? Anh biết việc ấy cần có nhiều tiền chứ?
          Quốc: Tôi sẽ làm rất giản dị thôi. Khi nào tôi hoàn thành xong quyển sách ấy, tôi sẽ đem bản thảo tới một đảng viên Xã hội hay bất cứ ai khác. Sau khi biết giá tiền để in, tôi sẽ bán thân tôi cho họ như một người đày tớ. Chả nhẽ tôi không biết đánh giày hay dọn bàn hay sao?
- Báo cáo ngày 21-1-1920
Lâm đã dẫn Nguyễn ái Quốc vào rạp hát Abri, phố Montmartre. Câu chuyện trao đổi giữa hai người như sau:
Lâm: Khi nào anh xong cuốn sách?
Quốc: Hai tháng hoặc lâu hơn chút nữa.
Lâm: Người ta bảo tôi: Có những hội kín cung cấp tiền cho những người lưu vong Trung Hoa và Nhật Bản.
Quốc: Tôi cần gì một hội kín? Tôi có một nguyên tắc của tôi “Tự lực cánh sinh”. Một hội kín? Cũng đẹp đấy. Mỗi người một ý kiến. Mỗi người một lời hứa. Và cuối cùng mỗi người tự rút lui… Không, tôi chỉ trông vào bản thân mình. Khi tôi viết xong cuốn sách, tôi sẽ đem bán nó cho nhà xuất bản. Đó là kế hoạch hiện nay của tôi. Tôi thường tự hỏi làm sao mình có thể chuyển nó về nước.
Lâm: Đây là điều khó khăn hơn cả. Nhưng rồi chúng ta sẽ có thời gian để toan tính từng bước. Tôi không đi ngay bây giờ. Tôi đề nghị lui thêm hai, ba tháng nữa.
Quốc: Còn tên cuốn sách, ta nên đặt nó là gì đây? Gọi là “Những người bi áp bức” được chứ?
Lâm: Nên nhè nhẹ thôi, đừng lúc nào cũng mạnh quá. Mạnh quá rồi nó sẽ dẫn mình đến đâu? Hãy đặt là “Annam: xưa và nay”. Như thế nó có vẻ sử học, có vẻ tiểu thuyết. Chỉ cái tên như thế mới hấp dẫn được mọi người.
Quốc: Không! Tôi giữ cái tên “ Những người bị áp bức”.
Lâm: Cứ cho là cái tên ấy đập vào sự chú ý của những người trong đảng Xã hội. Nhưng liệu các nhà xuất bản có cho phép anh lấy những trích dẫn từ các cuốn sách mà anh đã lấy làm cơ sở để viết cuốn của anh? Hãy coi chừng! Các nhà xuất bản họ sẽ kiện anh đấy!
Quốc: Tôi có gì mà họ kiện tôi? Tôi sẽ đi từ tòa án này đến tòa án khác để tuyên truyền cho chính mình. Đấy lại là dịp may để tôi làm quảng cáo, làm tuyên truyền, trước mặt các quan tòa và dân chúng đứng trước các tòa án!
-Báo cáo ngày 27-1-1920
Lúc 8h, phó quản Lâm đã mời ông Quốc và ông Hộ đến rạp hát Đế Chế. Ông Quốc đã nói về những tâm phim ảnh chụp Stêrêô về Đông Dương mà ông đã mua ở nhà Richard. Ông đã có ý định sẽ cho chiếu những ảnh về Đông Dương ấy lên màn ảnh để cho dân chúng Pháp làm quen được một chút với Đông Dương.
Ông Quốc đã đề nghị ông Lâm cho đánh máy những trích đoạn cuốn sách ông đã viết.
- Báo cáo ngày 29-1-1920
Ông Khánh Ký vừa đi xa về; ông đã đến ông Quốc cùng với Lâm, lúc 7h tối. Ông Khánh Ký đã nhận được tin cho 2000 lính Bắc Kỳ đã đổ bộ lên Marseille có lẽ sẽ được gửi sang Nga, để dẹp những người bônsêvich. Ông Quốc đã đưa cho ông Lâm những trích đoạn đã xong của cuốn sách của mình. Ông đã bảo ông này sắp xếp cho có thứ tự. Ông Quốc sẽ đi Saint – Denis ngày 1-2-1920 để dự bữa tiệc mừng thắng lợi của những đảng viên đảng xã hội.
- Báo cáo ngày 3-2-1920
Lúc 9h30’, ông Lâm đã đi đến nhà ông Quốc để sắp xếp thứ tự cho những đoạn trích mà ông đã làm cho cuốn sách của ông Quốc. Ông Quốc đã gói một gói, có lẽ là quần áo, để gửi cho ông Phan Chu Trinh ở Pons… Họ đã chia tay nhau lúc 11h45… Ông Lâm đã hẹn gặp ông Quốc buổi chiều tối, vào lúc 7h. Ông Lâm đã đến nhà ông Quốc và họ đã cùng đi đến rạp Athénée.
Ông Quốc đã nói về cuộc họp của các đảng viên xã hội ngày chủ nhật 1-2 ở Saint Denis. Ông đã không nói được gì, bởi ghi tên quá muộn và người ra đã không có đủ thì giờ để trình bày xong các diễn văn. Chỉ có một vài đảng viên xã hội có uy tín có thể phát biểu. Nhưng - như ông nói - tôi không có thể nói được, nhưng tôi đã có thể phân phát những tờ yêu sách!
…Ông Quốc nói ông đang thiếu những báo cáo của ông Messimy và ông Violette lấy trích dẫn, đưa vào cuốn sách của ông. Ông đã bảo ông Lâm đi lùng ở các quán sách cũ bên bờ sông Seine.
- Báo cáo ngày 11-2-1920
Ông Quốc vẫn đang soạn cuốn sách, mặc dù thiếu tiền. Quốc chưa biết làm thế nào để in, hiện đang tìm cách nhưng chưa biết cách nào.
Ông Quốc nghĩ là cuốn sách in xong, thế nào Bộ trưởng Bộ Thuộc địa cũng đút tiền cho những nhà xuất bản mà ông đã trích dẫn sách của họ để họ đi kiện. Ông sẽ có dịp đi từ tòa án này đến tòa án khác để tuyên truyền.
Ông Quốc muốn đi sang ý trong 2 tháng tới để dự hội nghị quốc tế các đảng xã hội. Tôi không thể tin rằng ông có khả năng đi được bởi tình trạng tài chính của ông hiện giờ.
- Báo cáo từ 9 đến 16-3-1920
Ông Quốc đã viết xong cuốn sách. Ông sẽ đi gặp các ông Cachin, Longuet để đề nghị viết cho lời tựa. Ông dự tính in cuốn sách bằng tiền của chính mình. Ông đã bảo ông Lâm rằng ông có số tiền tiết kiệm được 300 Frăng sẽ dùng cho in lần đầu. Ông sẽ đi làm ở Pons đểkiếm tiền tiết kiệm cho lượt in lần thứ hai.
Hiện nay ông đang lấy từ cuốn “Tinh thần pháp luật” ( L’esprit des lois) của Montesquieu dịch ra tiếng Annam.
Theo hiểu biết của tôi, thì ông Quốc không được một hội kín tài trợ. Ông ta rất tự trọng, muốn cuốn sách được in ra bằng tiền tiết kiệm của chính ông.
- Báo cáo từ 10 đến 23-3-1920
Ông Nguyễn ái Quốc bây giờ đang nghỉ ngơi. Ông ít khi đến thư viện. Những buổi trưa, ông thường đến các bảo tàng, đi cùng với phó quản Lâm. Ông chưa có lời tựa của ông Louguet cho cuốn sách của ông. Ông nói rằng ông Louguet đang mắc nhiều việc bận.
- Báo cáo từ 23 dến 29-3-1920
Ông Nguyễn nhờ một đảng viên Xã hội trẻ, làm nghề họa sĩ, vẽ bìa cho cuốn sách của ông. Ngày thứ ba 25-3, người họa sĩ mang đến cho ông bản vẽ phác thảo, trong đó Đông Dương (trên bản đồ) được vẽ thành một con vật đẫm máu và bị xiềng xích, một tên lính thuộc địa đánh đập nó bằng một chiếc dùi cui.
- Báo cáo ngày 29-4-1920
Hôm nay Nguyễn ái Quốc đã viết xong phần kết luận của cuốn sách, trong đó ông nói về sự vô ích và gây phiền nhiễu cho nước Pháp vì đã có thuộc địa.
- Báo cáo ngày 15-5-1920
Nguyễn ái Quốc đã đưa cuốn sách của ông đến cho ông Cachin ngày thứ năm 13 tháng 5 để xin đề tựa. Ông này sẽ chuyển cho bà Chủ tịch hội Phụ nữ để có một lời tựa nữa của bà Chủ tịch.
Ông Quốc nói rằng ông Trưởng ban trị sự báo L’humanité (Nhân Đạo) đã hứa sẽ xuất bản cuốn sách mà không lấy tiền. Cuốn sách sẽ được L’humanité đứng ra bán để trang trải cho những kinh phí in ấn.
Trên đây là những thông tin về cuốn sách được Nguyễn ái Quốc viết từ năm 1920 tại Pháp. Tuy nhiên cho tới nay chúng ta vẫn chưa thấy bản thảo hoặc bản in nào của cuốn sách này được công bố? Cũng có giả thiết cho rằng đây là bản sơ thảo của cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” xuất bản năm 1925. Nhưng qua những tư liệu trên, có thể thấy nội dung hai cuốn sách khác hẳn nhau, vì vậy chắc chắn đây là một tác phẩm riêng biệt. Vấn đề cần xác minh là liệu cuốn sách này có được xuất bản không (Vì cũng có thông tin nói rằng bản thảo này đã bị mật thám Pháp lấy mất)? Nếu không thì nhà xuất bản nào phát hành? Và bản thảo cuốn sách hiện đang lưu giữ ở đâu? 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)