slider

Phát biểu của ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh

15 Tháng 11 Năm 2018 / 1726 lượt xem

Ths Lê Thị Thanh Loan
Phòng TTGD dịch

Bài phát biểu của ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trong Lễ khai mạc triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất”

Một vài tháng trước vào cuối mùa hè, gia đình tôi đến Việt Nam để bắt đầu một chương mới trong cuộc đời. Chúng tôi đến đây với niềm vui dù chưa bao giờ từng tới đất nước này. Tất cả bạn bè, người thân và đồng nghiệp đều nói với chúng tôi rằng “bạn sẽ yêu quý nơi này và sẽ hạnh phúc khi tới đây”. Và quả thực là vậy. Một điều quyết định không nhỏ tới cảm giác này đó chính là sự thân thiện và ấm áp của người dân nơi đây. Với một cảm giác về một xã hội đoàn kết, an toàn và ổn định vốn là những thứ rất quan trọng đối với một người làm cha như tôi thì thực sự đây là một nơi rất ấn tượng. Nhưng thiện cảm về xã hội cộng hưởng bởi những tín hiệu hòa bình lại càng thêm mạnh mẽ khi nhìn từ góc độ của một người đã từng dành hầu hết sự nghiệp của mình để sống và làm việc ở những nước đã từng hứng chịu xung đột và nội chiến.
Tôi đã làm việc ở những nước như vậy qua suốt 2 thập kỷ, những nơi mà những nỗ lực chính của Liên hiệp quốc và UNESCO đã đổ ra chỉ để cố gắng đảo ngược tình hình, ngăn chặn hay ít nhất là hạn chế sự sụp đổ các cấu trúc xã hội. Và cũng có nhiều lần tôi và những đồng nghiệp đã từng nghi ngờ về tính hiệu quả của cách mà chúng tôi tiếp cận. Không chỉ bởi vì chúng tôi cảm thấy phương pháp không hiệu quả mà còn vì giữa những khổ đau và sự tàn phá như vậy, thường thì người ta cảm thấy hình như văn hóa chiến tranh còn mạnh mẽ hơn văn hóa hòa bình. Và chúng tôi thậm chí chưa bao giờ dám nói ra nhưng trong thâm tâm ai cũng băn khoăn về điều này.
Sau vài tháng sống ở Việt Nam tất cả những băn khoăn này trong tôi đã bắt đầu thay đổi. Tôi nói vậy bởi tôi tin vào điều này kể từ khi chúng tôi đến đây và gặp gỡ người dân, chúng tôi có thể thấy bằng nhiều cách tính hiệu quả của một nền văn hóa hòa bình. Và khi chúng tôi đi tìm hiểu về nguồn gốc của điều này, về cách làm thế nào để mô hình này được tiếp nhận và được phát triển một cách hiệu quả thì ngay lập tức chúng tôi liên tưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi tiếng là một anh hùng giải phóng và lãnh tụ chiến tranh hiếm có trong lịch sử đương đại, nhưng rõ ràng ông đã cống hiến sức mình cho các chiến lược vì hòa bình. Qua những nghiên cứu ban đầu về tiểu sử và sự nghiệp của ông, tôi thực sự ấn tượng về những quan tâm đến mọi mặt xã hội được thể hiện quá rõ ràng trong tầm nhìn dài hạn của ông – đặc biệt với tôi là người đã từng bị ám ảnh nhiều về xung đột và chia rẽ. Đối với tôi, thiên tài Hồ Chí Minh là một người không hề dễ để hiểu và so sánh bởi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc lâu dài trước khi cuộc chiến nổ ra mà bên cạnh đó ông còn quan tâm và đòi hỏi một nền hòa bình cho tương lai và kết hợp các yếu tố này lại khi đưa ra các quyết định của mình. Đây là một trí tuệ hiếm thấy của một người có sự hiểu biết sâu sắc về nhân loại và sự thật lịch sử.
Vậy tinh thần lạc quan ấy xuất phát từ đâu và điều gì đã tạo cảm hứng cho tinh thần lạc quan đó? Tất nhiên, tôi không thể biết chắc được nhưng nếu tôi phải đoán, tôi sẽ cho rằng nó có liên quan nhiều tới kinh nghiệm trải nghiệm, bôn ba nhiều nơi từ khi còn là một thanh niên. Tôi biết lờ mờ rằng ông đã từng đi ra nước ngoài nhưng chỉ tới khi tôi tới thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh thì tôi mới thực sự hiểu được bản chất sâu xa của quá trình này – và tôi nghĩ đây thực sự là một trải nghiệm hiếm có ở thời kỳ đó – rất ít người ở đầu thế kỷ XX từng đi nhiều như vậy. Với quan điểm giải phóng và tự do là trên hết, rõ ràng Hồ Chí Minh đã bị thôi thúc bởi những gì ông chứng kiến trong suốt thời gian ở Bắc Mỹ, Châu Phi, Châu Âu và Châu Á. Tầm nhìn rộng lớn này đã mang lại cho ông sự tự tin của một con người hành động dựa trên một phương pháp khoa học – ông có thể nắm chắc về phương pháp tiếp cận của mình bởi ông hiểu bản chất cơ bản ẩn sâu trong hành động và lô gích của mình.
Và tôi có thể rút ra điều gì? ít nhất đối với riêng tôi, điều quan trọng nhất của di sản Hồ Chí Minh cũng là những gì tôi nghĩ có liên quan nhất đến ngày nay mà chúng ta chứng kiến nó ở mọi nơi trên đất nước này. Nó cũng là điều đã làm cho tôi, một người làm việc cho các tổ chức Liên Hiệp quốc, một lần nữa tin vào hòa bình và sự phát triển bền vững. Đó chính là nền văn hóa của hòa bình. Trong một thế giới quá dễ để thấy tuyệt vọng vì bất công tràn lan và nỗi đau nhân loại vẫn đang tiếp diễn thì lịch sử cận đại và xã hội Việt Nam có nhiều điều để bàn về điều gì sẽ xẩy ra khi nửa tốt đẹp kia đã thắng thế và khi lý lẽ và sự thấu hiểu cùng với quan điểm lịch sử đã mang lại lòng nhân ái, sự bao dung và sự chấp nhận lẫn nhau.
Đối với tôi đây chính là di sản thực sự của Hồ Chí Minh, và cũng chính là lý do vì sao ông xứng đáng với danh hiệu mà Nghị quyết của UNESCO năm 1987 đã ghi nhận. Với tư cách là những người anh, người chị, người con, người cha, người mẹ và là những người con, tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể một lần nữa tin rằng dù đói nghèo, áp bức, tù đày và chiến tranh tưởng chừng có thể hủy hoại tâm hồn và thế chất của ông nhưng điều ngược lại vẫn có thể xẩy ra; Hồ Chí Minh đã tìm thấy trong bóng tối của loài người những chân lý có thể giải thoát cho dân tộc và đất nước mình. Tầm nhìn của ông và ảnh hưởng của nó có thể đảm bảo rằng sự phát triển của Việt Nam không bị trói buộc vào chiến thắng trong chiến tranh mà còn là chiến thắng trong hòa bình. Nghị quyết của UNESCO đã chỉ rõ điều này khi viết rằng: “Sự đóng góp nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật đã soi sáng truyền thống của dân tộc Việt Nam kéo dài hàng ngàn năm, và tư tưởng của Người hiện thân cho khát vọng của nhân dân trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự hiểu biết.”
Cuộc đời của Hồ Chí Minh là một khát vọng sống, điều đó thì hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nhưng đối với tôi, khát vọng thực sự nằm ở chỗ nó nói gì về bản thân cuộc đời và thông điệp mà nó vẫn tiếp tục vang vọng như thế nào. Trên tất cả, Hồ Chí Minh và thông qua Người, Việt Nam đã mang lại cho chúng tôi những tấm gương về nguyên lý phát triển bền vững và tiềm năng của một nền văn hóa hòa bình.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)