slider

Phong trào “Trống Bắc Lý” - một điển hình sáng tạo của phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh trong các nhà trường phổ thông

14 Tháng 09 Năm 2022 / 841 lượt xem

Nguyễn Thị Thu Hằng

Phòng Hành chính, Tổng hợp

 

Anh Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) năm 20 tuổi, trên đường vào Nam đã dừng lại dạy học một thời gian ngắn ở trường Dục Thanh (Bình Thuận). Hằng ngày, thầy Thành dậy sớm, quét dọn nhà cửa, gánh nước, tưới cây với học trò. Những buổi lên lớp, thầy luôn giảng bài rất kỹ. Thầy không bao giờ đánh mắng học trò. Giờ nghỉ học, thầy thường đưa học trò đi dọc bờ sông hay bờ biển, giảng về địa lý, lịch sử, khoa học cho các em nghe. Thầy là người khởi xướng phong trào tập thể dục, thể thao ở trường. Lúc ấy trường Dục Thanh là trường duy nhất có phong trào tập thể dục, thể thao.

Câu chuyện giáo dục ngắn trên là dấu ấn đáng nhớ trong năm tháng tuổi trẻ đầu đời của Nguyễn Tất Thành. Sau này khi trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người tiếp tục giảng dạy tại nhiều lớp huấn luyện, bồi dưỡng chính trị cách mạng quan trọng. Là người có những khoảng thời gian nhất định gắn bó với giảng dạy lại đặc biệt coi trọng vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm, nhắc nhở: vì lợi ích trăm năm trồng người. Dưới sự chăm lo của Người, ngành giáo dục trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đã phát động được nhiều phong trào sôi nổi, một trong số đó là phong trào “Hai tốt” với khởi nguồn từ một ngôi trường cấp II điển hình mang tên Bắc Lý.

1.            Phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh trong nhà trường phổ thông

Ngay từ khi đất nước còn đang kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu xây dựng trường học kiểu mới: “Các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Các trò nên đua nhau học”(1). Kháng chiến thành công, miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tư tưởng giáo dục của Người có điều kiện thực hành rộng rãi hơn và Bắc Lý chính là ngôi trường đầu tiên đã sáng tạo mô hình dạy và học theo đúng phương pháp giáo dục của Người chỉ dạy. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện một nền giáo dục mới trong các nhà trường phổ thông, cần phải có phương pháp giáo dục mới, đó là:

Thứ nhất, học kết hợp với hành, lời nói đi đôi với việc làm, lý luận gắn liền với thực tiễn lao động sản xuất, với đời sống. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉ ra hạn chế của ngành giáo dục là mới dừng lại ở chú trọng đào tạo con người về phần trí tuệ, chưa thực hiện được sự kết hợp giữa sản xuất và học tập. Theo quan điểm của Người, “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”(2). Người yêu cầu: “Chúng ta đào tạo các cháu thành những con người biết cải tạo đời, yêu lao động. Học để cải tạo đời mà không tham gia lao động sản xuất thì không cải tạo đời được. Yêu lao động mới yêu nhân dân, yêu khoa học, yêu Tổ quốc, yêu đạo đức”(3).

Thứ hai, giáo dục phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi người đều phải nhận trách nhiệm góp phần vào việc giáo dục, phải lôi cuốn, phải kết hợp được tất cả các lực lượng trong sự nghiệp giáo dục những chủ nhân tương lai của nước nhà: “Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương cho các em trước mọi việc”(4). Người mong muốn “các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”(5) vì “giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn”(6).

Thứ ba, phải có đối thoại, tranh luận trong quá trình dạy - học và tùy theo đối tượng, lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học. Đối với nhà trường phổ thông, Người yêu cầu thầy cô giáo “cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế”(7). Thông qua đối thoại, tranh luận, thầy cô giáo phải khơi mở được giá trị cốt lõi tốt đẹp trong mỗi học sinh ở lứa tuổi đã bắt đầu nhận thức rõ ràng về trách nhiệm đối với gia đình, xã hội. “Trong trường cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải cá đối bằng đầu”(8). Những lời Bác dạy bao giờ cũng ngắn gọn nhưng luôn là đòi hỏi rất sâu sắc. Ngẫm kỹ, nghĩ sâu để thực hiện cho được lời dạy của Người chắc chắn phải là câu chuyện lâu dài của giáo dục phổ thông nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Theo phương pháp giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm miền Bắc xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa đã xuất hiện một gương điển hình đầu tiên được cả nước biết đến. Đó là trường cấp II Bắc Lý, điểm sáng của ngành giáo dục, ngôi trường khởi nguồn của phong trào thi đua “Hai tốt” lúc bấy giờ.

2.            Những thành tích đạt được trong dạy và học ở trường cấp II Bắc Lý đã theo đúng phương pháp giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn nhân rộng trong các nhà trường phổ thông.

Trường cấp II Bắc Lý được thành lập năm 1953, lúc đầu được đặt tại vùng căn cứ phía Bắc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ năm 1958, trường chuyển về địa điểm thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân. Đây chính là ngôi trường khởi đầu của những cách làm hay trong giáo dục phổ thông và đã trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục trong phong trào thi đua yêu nước của hậu phương miền Bắc theo lời kêu gọi của Bác Hồ.

Phương pháp dạy và học của Bắc Lý chính là dạy học kết hợp với thực hành nên học trò dễ học, dễ nhớ lại lâu quên. Ví dụ như: dạy về chăn nuôi, sau khi thầy giảng cho trò nắm vững lý thuyết, thầy trò sẽ xuống ngay các trại chăn nuôi xem xã viên chăm sóc lợn, gà; Học về giống lúa, trường nhận ruộng của xã để học sinh tự làm giống, gieo trồng, thu hoạch; Học về toán, học sinh được chỉ dẫn đo đạc ngay tại ruộng vườn. Học hóa thì được ra lò nung vôi, học sinh cùng gánh vôi với nông dân đi chống chua, rửa mặn cho đất,... Phương pháp dạy và học gắn với thực tiễn đã giúp thầy trò trường Bắc Lý vừa củng cố được kiến thức vừa góp sức lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh việc gắn học tập với thực hành, trường Bắc Lý lập kế hoạch duy trì nghiêm túc nền nếp. Lý Nhân là vùng đất thuần nông, học sinh ngoài giờ đến trường phải giúp đỡ gia đình, nhiều em vì việc nhà mà quên việc học. Để giúp các em có điều kiện học tập, nhà trường đã ký với hợp tác xã, giao cho các đội sản xuất cùng gia đình sắp xếp chỗ học, lên thời gian biểu học tập vào buổi tối cho con em. Cụ thể, học sinh lớp 1-2 học từ 19-20 giờ; lớp 3-6 học từ 19-21 giờ; lớp 7 trở lên học từ 19-21 giờ. Đến giờ học, đội trưởng sản xuất đánh trống, giáo viên và cán bộ xã sẽ kiểm tra đột xuất. Những gia đình có góc học tập đúng quy định, con học đúng giờ, kết quả học tập tốt được cộng công điểm, có thưởng, ngược lại, bị trừ thi đua.

Từ một ngôi trường mới thành lập, chỉ sau ít năm, Bắc Lý vinh dự xếp hàng đầu danh sách thi đua của ngành giáo dục miền Bắc. Đó là nhờ công sức, tâm huyết của tập thể thầy trò nhà trường và cả nhân dân trong vùng. Thời đó, hàng trăm người dân cùng toàn thể thầy trò đã đào đất, đắp nền, góp sức xây trường; cải tạo, san lấp ao hồ thành lập vườn trường. Các thầy cô tìm thêm nhiều loại cây độc đáo làm phong phú vườn trường, chế tạo thêm những giáo cụ trực quan để bài giảng sinh động... Tất cả những nỗ lực này đã đem lại thành quả xứng đáng, trường cấp II Bắc Lý được công nhận là tấm gương điển hình và vinh dự được Bác Hồ quan tâm, chú ý. Tháng 8/1963, khi tổng kết thành tích giáo dục, Người nhắc tên, khen ngợi Bắc Lý: “Những kết quả đó là do có Đảng lãnh đạo, được đông đảo nhiệt tình ủng hộ và do tinh thần cố gắng rất nhiều của các chiến sĩ ngành Giáo dục mà tiêu biểu là trường Bắc Lý”(9).

Tính từ năm 1945, khi bắt đầu xây dựng nền giáo dục của một nước độc lập, dưới sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự đồng lòng, chung tay góp sức của nhà trường, gia đình, xã hội, ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu. Điều này được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết lại trong bài viết “Một thành tích vẻ vang”, bút danh T.L. đăng trên báo Nhân dân ngày 07/9/1961 khi Người so sánh thành tựu to lớn về giáo dục của nhân dân ta ở miền Bắc với nền giáo dục thực dân thời thuộc Pháp trên toàn xứ Đông Dương. Cũng trong bài báo, để làm đòn bẩy cho giáo dục tiếp tục vươn tới những đỉnh cao mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị năm học 1961-1962 vào đúng năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, ngành nên phát động trong cả nước phong trào thi đua “Hai tốt”, tức là dạy thật tốt, học thật tốt. Từ đây, ngành giáo dục khắp miền ngược đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn bước vào thời kỳ thi đua sôi nổi, vượt qua khó khăn, vượt qua bom đạn để đạt những thành tích tự hào.

3.            Phong trào thi đua “Hai tốt” của ngành giáo dục và việc vận dụng sáng tạo phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh trong nhà trường phổ thông hiện nay

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/10/1961, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội nghị tổng kết kinh nghiệm giáo dục tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Hội nghị tuyên dương Bắc Lý là lá cờ đầu của toàn ngành và phát động thi đua “Hai tốt” với khẩu hiệu: “Tích cực thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đuổi kịp và vượt Bắc Lý”. Tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã mời đại diện nhà trường đánh hồi trống mở màn. Sau hai năm phát động, nhiều điển hình tiên tiến đã xuất hiện như trường cấp I Hải Nhân (Thanh Hóa), cấp III Chu Văn An và cấp III Đống Đa (Hà Nội), cấp III Ngô Sỹ Liên (Hà Bắc), cấp II Tán Thuật (Thái Bình),... Tháng 8/1963, hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự. Phát biểu tại hội nghị, Người khẳng định thành tích của ngành trong những năm qua về cả số lượng và chất lượng và nhắc lại yêu cầu “cần phát triển kiểu dạy, kiểu học của trường Bắc Lý và các trường thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa”, “thực hiện tốt phương châm nhà trường gắn chặt với xã hội, học đi đôi với hành”(10).

Quan tâm, theo dõi phong trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi tặng huy hiệu Bác Hồ để động viên, khen thưởng những giáo viên dạy tốt và học sinh học tốt. Người còn đề nghị thiết kế cuốn sổ “Giải thưởng của Bác Hồ” để các cháu vừa có phần thưởng, vừa có giấy để viết. Từ năm 1962-1963, ngành giáo dục hàng năm đều lựa chọn những giáo viên, học sinh tiêu biểu thi đua “Hai tốt” để Bác tặng giải thưởng. Đến hết năm học 1967-1968, ngành giáo dục đã nhận được 6.210 giải thưởng của Bác Hồ, trao tặng cho 423 giáo viên giỏi và 5.787 học sinh giỏi(11). Đây là phần thưởng quý không chỉ của giáo viên, học sinh được tặng mà còn là niềm tự hào của mỗi nhà trường, mỗi gia đình. Riêng với Bắc Lý, nhiều năm tiếp theo, trường tiếp tục dẫn đầu phong trào thi đua “Hai tốt” và trở thành điển hình thi đua yêu nước. Ông Trần Tiến Cảnh - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam và từng là học sinh của trường nhớ lại: “Hầu như đi đến đâu, người ta cũng nói về Bắc Lý và phong trào “Hai tốt”. Mỗi học sinh Bắc Lý lúc đó được đeo một chiếc huy hiệu hình bông hoa, trên đó có ghi chữ Hai tốt, rất vinh dự”(12).

Nhìn lại, trong thời đại Hồ Chí Minh, những năm tháng lịch sử hào hùng đã ghi dấu rất nhiều phong trào thi đua sôi nổi, xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, trở thành niềm tự hào của biết bao thế hệ và “Trống Bắc Lý” là một trong số đó. Hiện nay, chỉ tiêu cụ thể của phong trào đã có sự thay đổi phù hợp với tình hình thực tế nhưng tinh thần “dạy thật tốt, học thật tốt” mà Bác Hồ đã khơi dậy cho ngành giáo dục thì chắc chắn còn tiếp tục nung nấu, lan tỏa mãi về sau. Với tình hình dịch bệnh COVID - 19 thời gian vừa qua, phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh trong nhà trường phổ thông và tinh thần khắc phục khó khăn “biến không thành có”, “biến thiếu thành đủ” của trường cấp II Bắc Lý những năm 60 của thế kỷ trước đặt ra cho ngành những trăn trở, suy ngẫm. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hình thức học tập trực tuyến không còn là câu chuyện tạm thời thì cần tìm giải pháp đảm bảo chất lượng dạy và học lâu dài. “Trước đây, ngành Giáo dục mất nhiều năm để xây dựng thói quen theo kế hoạch đồng bộ cả nước nhưng dịch bệnh nếu cứng nhắc thì lại thất bại. Do đó sự linh hoạt tối đa dành cho các địa phương, thậm chí từng trường, từng tổ chuyên môn vì phải linh hoạt tối đa đến phạm vi từng trường, từng quận, huyện. Linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai thực hiện nội dung, dựa theo đầu ra và tính cốt lõi”(13). Hoàn cảnh mới đòi hỏi người thầy phải tâm huyết, linh hoạt, phát huy tính chủ động tối đa để đạt được mục tiêu về chất lượng giáo dục; học sinh cần nâng cao tính chủ động, tự giác; gia đình và nhà trường phải tăng cường trao đổi để nắm bắt kết quả học tập, nhắc nhở các con. Như vậy, sau mấy chục năm, chúng ta hôm nay đều nhận thấy cốt lõi của phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh trong nhà trường phổ thông vẫn còn nguyên giá trị thời sự để ngành giáo dục tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo.

Thực tế hình thức học trực tuyến thời gian vừa qua đã kéo theo nhiều đổi mới về phương pháp dạy và học. Đây có thể xem như một điều kiện chưa từng có tiền lệ để thử nghiệm những mô hình dạy và học khác nhau trong giáo dục phổ thông hiện đại. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Trong khó khăn của dịch bệnh, việc triển khai nhiệm vụ của từng năm học nói riêng và mục tiêu của cả nhiệm kỳ mới nói chung vừa là thách thức vừa mở ra cơ hội để ngành giáo dục tiếp tục ghi vào phong trào “Hai tốt” - một phong trào gắn với lịch sử tự hào của ngành, phong trào Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời rất quan tâm, động viên - những thành tích xứng đáng với truyền thống cha anh, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Bác Hồ. Để làm được điều này, chắc chắn phải trông đợi, phải đòi hỏi rất nhiều vào nỗ lực, sáng tạo từ chính các nhà trường - những điển hình tiên tiến như Bắc Lý của thế kỷ XX.

Chú thích:

1.            https://hochiminh.vn/book/tac-pham- ve-ho-chi-minh/tac-pham-trong-nuoc/ cuon-sach-doi-song-moi-325.

2.            Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, Báo Nhân dân, số 2360, ngày 4/9/1960.

3.            Đỗ Hoàng Linh - Vũ Kim Yến, Phong cách Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2014, tr.48.

4.            Thư gửi các em học sinh, Báo Nhân dân số 600, ngày 24/10/1955.

5.            Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Báo Nhân dân, số 610, ngày 3/11/1955.

6.            Hồ Chủ tịch bàn về giáo dục, Nxb. Giáo dục, H.1962, tr.168.

7.            Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Báo Nhân dân, số 610, ngày 3/11/1955.

8.            Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2001, tập 9, tr.266.

9.            https://dangcongsan.vn/doi-moi-can-ban -va-toan-dien-giao-duc-dao-tao/chu- nghia-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh- ve-giao-duc-dao-tao/bai-noi-tai-hoi-nghi- tong-ket-phong-trao-thi-dua-day-tot-hoc- tot-cua-nganh-giao-duc-pho-thong-va-su- pham-347651.html.

10.          Trích bài tường thuật trên báo Nhân dân, số 3425, ngày 13/8/1963.

11.          Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Những kỷ niệm cảm động về Bác Hồ, Nxb.Văn hóa thông tin, H.2008, tr.125.

12.          https://dantri.com.vn/giao-duc-huong- nghiep/tieng-trong-bac-ly-van-con-vang- vong-1184759446.htm.

13.          Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)