slider
Phát triển kinh tế số

RAYMOND AUBRAC- NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ NHÂN DÂN VIỆT NAM

24 Tháng 01 Năm 2013 / 3275 lượt xem
Th.s Phạm Hoàng Điệp
                                                            Phòng TT-GD
 
Raymond Aubrac tên thật là Raymond Samuel, sinh ngày 31/7/1914 tại Vesoul, thuộc vùng Haute-Saône (miền Tây nước Pháp). Sau khi tốt nghiệp trường Cầu đường danh tiếng của Pháp, ông tiếp tục học thạc sĩ Khoa học tự nhiên tại trường Đại học Harvard (Mỹ). Tại đây ông đã gặp bà Lucie - người sau này trở thành vợ cũng đồng thời là bạn chiến đấu của ông. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vợ chồng ông đã tham gia vào phong trào kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của quân Đức trên đất Pháp và Chính phủ Vichy (Chính phủ thân Đức do Pétain đứng đầu). Ông là thành viên sáng lập ra phong trào Giải phóng miền Nam nước Pháp và là một trong những nhà lãnh đạo cuối cùng của phong trào kháng chiến thống nhất, sát cánh bên người anh hùng kháng chiến Jean Moulin.
Không chỉ nổi tiếng trong phong trào đấu tranh chống phát xít Đức chiếm đóng, với nhân dân Việt Nam, ông R.Aubrac còn được biết đến qua mối quan hệ thân thiết với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những đóng góp của ông đối với nền hòa bình của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập và thống nhất đất nước. Ngoài ra, ông còn có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước của Việt Nam cũng như trong việc vun đắp tình hữu nghị và hợp tác Việt-Pháp.
Vào những năm 1944, 1945, ông R.Aubrac làm đại diện Chính phủ Pháp tại Marseille. Khi đó có nhiều thanh niên Việt Nam được Chính phủ Pháp tuyển mộ sang từ năm 1939 để thay thế cho thanh niên Pháp nhập ngũ, họ được tập trung trong các trại lính thợ. Phát hiện ra trong các trại này, lính thợ Việt Nam thường bị bọn côn đồ đàn áp, ông đã giải tán Ban chỉ huy, đưa những người tốt lên thay thế và cho anh em tự bầu ra một Ban tư vấn bên cạnh Ban chỉ huy. Từ đó vào mỗi dịp lễ tết, anh em Việt Nam đều mời ông tham dự, đó cũng là lý do ông được mời đến dự chiêu đãi ở Vườn hồng Bagatelle và tại đây lần đầu tiên ông R.Aubrac được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà theo như ông nói: cuộc gặp gỡ này đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời ông.
Đó là vào năm 1946, sau khi Hiệp định Sơ bộ được ký kết nhưng thực dân Pháp vẫn trì hoãn thi hành những điều khoản đã ký, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm nước Pháp với tư cách là khách mời của Chính phủ Pháp. Trong thời gian ấy, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu cũng có mặt tại Paris để tham dự Hội nghị Phontainebleau nhằm giải quyết những vấn đề giữa Việt Nam và Pháp. Ngày 27/7/1946, Việt kiều ở Pháp đã tổ chức một buổi chiêu đãi để chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi hôm đó ông R.Aubrac đã được giới thiệu đến gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó ông mời Người về ở nhà riêng của mình tại Soissy sous Monmorency cách Thủ đô Paris 25km về phía Bắc. Ông Aubrac kể lại:  Trong buổi chiêu đãi tại Vườn hồng Bagatelle do Việt kiều tổ chức, một người việt Nam rất trẻ đã giới thiệu tôi với Chủ tịch. Người thân mật khoác tay tôi, vừa đi vừa nói chuyện. Khi tôi hỏi về chỗ ăn ở của Chủ tịch, Người nói rằng Người không thật thích thú sống trong tòa lâu đài lộng lẫy mà Chính phủ Pháp dành cho, vì ở đấy không có vườn. Khi tôi nói rằng nhà tôi có vườn thì Người rất phấn khởi và đề nghị đến thăm và uống trà trong vườn nhà tôi vào thứ ba tuần sau. 5 giờ chiều hôm đó, Chủ tịch cùng một số người giúp việc có đoàn xe môtô hộ tống đã đến nhà tôi. Vài ngày sau, Chủ tịch và ba người bạn đến ở tầng 2 trong ngôi nhà cổ xưa và thiếu thốn tiện nghi của tôi. Bỗng nhiên tôi thấy mình có trách nhiệm lớn và thực sự gắn bó với Chủ tịch. Tôi đề nghị Tổng giám đốc cảnh sát chỉ canh gác ở vòng ngoài, còn bên trong, công tác bảo vệ được đồng đội kháng chiến của tôi đảm nhận. Lúc đó bà mẹ vợ tôi từ vùng nông thôn Bourgogne lên chăm sóc vợ tôi là Lucie sắp sinh nở. Tôi thường vắng nhà vì bận việc. Hàng ngày, Chủ tịch nói chuyện với Lucie và mẹ vợ tôi. Những lúc nghỉ ngơi, Chủ tịch thường dẫn Jean Pierre, con trai đầu lòng của tôi, lúc đó 7 tuổi, đi dạo chơi trong làng, nói chuyện với một ông lão trồng hoa. Có hôm vợ chồng tôi nhìn thấy hai ông cháu nằm ngủ trưa trên bãi cỏ trong vườn. Tôi cứ suy nghĩ mãi về hình ảnh ấy, một vị Chủ tịch nước Việt Nam với một cháu bé Pháp như hai ông cháu bên nhau trong khi mà Pháp và Việt Nam chưa phải là bạn bè.
Trong thời gian đó, nhân dịp sinh nhật ông R.Aubrac (ngày 31-7), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông một bức tranh “Mẹ con” của họa sĩ Vũ Cao Đàm- một trí thức Việt kiều yêu nước. Bức tranh vẽ một bà mẹ ôm đứa con mới sinh trong lòng, một cánh tay đang vươn ra vuốt ve đầu con. Theo ông R.Aubrac thì đó là bức họa đẹp nhất trong nhà ông. Tháng tám năm đó, bà Aubrac sinh người con gái út đặt tên là Elisabeth, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến nhà hộ sinh Port- Royal thăm, tặng hoa bà và nhận làm cha đỡ đầu của bé Babette (tên thân mật của Elisabeth). Người cũng không quên chia quà cho các nhân viên y tế. Hơn 20 năm sau khi ông Aubrac gặp lại các y, bác sĩ đó họ vẫn xúc động nhắc đến vị Chủ tịch của nước Việt Nam. Từ đó trở đi, năm nào đến dịp sinh nhật Elisabeth Người cũng đều gửi quà mừng. Trong cuốn sách “Òu S’attarde la mémoire” (Những gì để nhớ), xuất bản năm 1946, ông Aubrac đã kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc giữa gia đình ông với Bác Hồ kính yêu.
Sau năm 1946, ông R.Aubrac được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần nữa. Một lần vào năm 1955, khi ông sang công tác ở Trung Quốc. Một hôm, tình cờ đọc báo ông được biết Chủ tịch Hồ chí Minh cũng đang ở Bắc Kinh, ông đã gọi điện đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh gửi lời chào đến Người. Không ngờ, sáng hôm sau Hồ Chủ tịch đã cho xe đón ông đến gặp Người. Tại buổi gặp đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông sang Hà Nội gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng để giúp giải quyết khó khăn trong việc ký hiệp định thương mại Việt Nam và Pháp. Ông R.Aubrac kể lại lần gặp đó như sau: Người ôm hôn tôi, hỏi thăm cháu Babette và gia đình tôi. Khi được biết tôi tới Bắc Kinh để làm một công việc thương mại, Người liền đề nghị tôi sang ngay Hà Nội để giải quyết các trở ngại trong việc ký kết Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp. Một mình tôi đáp xe lửa liền 5 ngày. Trên tàu, nhân viên phục vụ không ai biết tiếng Anh, tiếng Pháp nên tôi phải vẽ hình quả trứng trên giấy. Tôi ăn trứng liền trong 5 ngày. Tới Hà Nội tôi gặp gỡ đoàn Việt Nam, rồi đoàn Pháp. Chỉ sau 5 phút, một giải pháp đơn giản được đưa ra. Hiệp định được ký kết. Lần đó ông Aubrac đã ở lại Việt Nam nửa tháng, ông đã đi thăm Hà Nội và Vịnh Hạ Long.
 Lần cuối ông R.Aubrac gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là vào tháng 7-1967. Trước đó một tháng, Hội đồng thường trực các nhà bác học thế giới họp ở Paris đề nghị ông chuyển một bức thông điệp đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận nhiệm vụ, ông đã cùng Viện trưởng Viện Pasteur Herbrt Marcovitch tới Phnôm Pênh. Ngay sau khi nhận được bức điện khẩn của Đại sứ quán Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cấp thị thực cho đoàn của ông. Sau khi xuống sân bay, một chiếc xe quân sự đưa họ vào Hà Nội giữa tiếng bom đạn dữ dội. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp ông tại ngôi Nhà sàn trong khu Phủ Chủ tịch. Sau 12 năm xa cách, ông lại được gặp Bác Hồ và đây cũng là lần cuối cùng ông gặp Người. Trong dịp này, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đưa ông đi thăm một số bệnh viện. Ông vô cùng xúc động khi được tận mắt chứng kiến cảnh tượng những em bé Việt Nam bị thương do bom bi của Mỹ. Sau chuyến thăm này ông đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động nhằm kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom vô điều kiện xuống Việt Nam. Ông cũng đã nhiều lần sang Mỹ gặp Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger, tổng thư ký Liên hiệp quốc Kurt Waldheim và gặp Giáo hoàng Jean Paul 6 để tìm các giải pháp hòa bình cho Việt Nam.
Sau cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam giành thắng lợi, ông Aubrac với vai trò là đại diện cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã thực hiện chương trình trợ giúp cho Việt Nam thống nhất (năm 1976), yêu cầu Mỹ chấp thuận chuyển giao cho Việt Nam sơ đồ các bãi mìn ở vĩ tuyến 17 (năm 1979) và thực hiện nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giúp Việt Nam của Liên Hiệp quốc và của tổ chức Lương nông thế giới (FAO). Những đóng góp thiết thực và quý báu của ông đã giúp Việt Nam đạt được những thắng lợi có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong sự nghiệp tái thiết và đổi mới đất nước.
Năm 2008, Raymond Aubrac cùng cô con gái Elisabeth sang thăm Việt Nam với tư cách là khách mời danh dự của Chủ tịch nước, ông đã được đề cử là công dân danh dự của thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2010, ông lại được mời sang dự kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4 và 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để ghi nhận và tôn vinh những công lao của ông đối với Việt Nam, ngày 1-3-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh. Ông trở thành người nước ngoài đầu tiên vinh dự được tặng thưởng huân chương cao quý này. Sáng ngày 10-4, các cơ quan chức năng bàn kế hoạch tổ chức lễ trao tặng huân chương, thì ngay buổi chiều nhận được tin ông qua đời tại Bệnh viện trung ương quân đội Val de Grace.
Raymond Aubrac ra đi để lại sự tiếc nuối khôn nguôi trong lòng nhân dân Việt Nam về một người bạn thân thiết, thủy chung. Ông không còn nữa, nhưng tình cảm sâu sắc của ông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những đóng góp của ông cho nền hòa bình và sự phát triển của dân tộc Việt Nam vẫn mãi mãi được ghi nhớ như một minh chứng điển hình của tình hữu nghị bền chặt giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)