slider

SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ TRONG QUÁ TRÌNH TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

02 Tháng 11 Năm 2011 / 9591 lượt xem
Lê Ngân Mai
Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước vĩ đại, đồng thời là nhà quốc tế chủ nghĩa cao đẹp, hiện thân của tư tưởng về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Cuộc hành trình tìm đường cứu nước qua khắp các nước Á, Âu, Phi, Mỹ đã tạo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách nhìn mới về thế giới, về mối liên hệ giữa Việt Nam và thế giới. Người đã vượt qua tầm nhìn hạn hẹp của các nhà yêu nước tiền bối để hướng ra bên ngoài, gắn kết giữa sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc với công cuộc cách mạng của toàn thể các dân tộc đang bị áp bức.
Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi phong trào yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở trong cảnh “dường như trong đêm tối không có đường ra”, bị bế tắc, khủng hoảng cả về lãnh đạo và đường lối cứu nước. Tìm hiểu nguyên nhân thất bại của phong trào yêu nước kể trên, một trong những yếu tố đầu tiên mà Người phát hiện là: chính âm mưu “chia để trị” mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam là một cản trở lớn cho việc củng cố và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết dân tộc. Người vạch rõ: “Lợi dụng một cách xảo trá sự chia cắt ấy, người ta hi vọng làm nguội được tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau”([i]).
Trước âm mưu chia cắt đất nước và sự đàn áp dã man của thực dân Pháp đối với các cuộc đấu tranh, nhiều lãnh tụ của phong trào yêu nước đã bị bắt hoặc bị mua chuộc. Số còn ý chí đi tìm động lực đấu tranh, tìm chỗ dựa ở nước ngoài. Nguyễn Tất Thành trân trọng mọi công phu, tìm kiếm, khâm phục tâm huyết của các bậc tiền bối nhưng Người thấy rõ những con đường đã được chọn đó đều không hiệu quả: “Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương… điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”, “Cụ Phan Bội Châu hi vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”([ii]). Tâm nguyện của Người là phải đi tìm con đường khác thì mới có hy vọng cứu được đất nước, cứu được nhân dân thoát khỏi xiềng xích nô lệ.
Tháng 6-1911, người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã bước chân xuống tàu Đô đốc La-tút-xơ Tơ-rê-vin sắp nhổ neo ở cảng Sài Gòn để bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước với đích hướng là phương Tây. Khác với mục đích "cầu viện" dựa vào sự giúp đỡ nước ngoài để đánh Pháp giành độc lập cho dân tộc như Phan Bội Châu và một số nhà yêu nước khác. Với Nguyễn Tất Thành, như Người đã nói: "Tôi muốn ra ngoài xem”([iii]). Có thể, do tìm hiểu lịch sử nước Pháp, tìm hiểu những tư tưởng của các nhà khai sáng vĩ đại Pháp như Rútxô, Môngtétxkiơ,… và do tính bẩm sinh thường có ở những trí tuệ thiên tài, đã hình thành nên trong Người suy nghĩ rằng, chỉ có ở châu Âu, nơi đã diễn ra nhiều cuộc cách mạng lớn, trong đó có Đại cách mạng Pháp 1789 và công xã Pari, nơi lần đầu tiên đã vang lên những chữ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”, nơi có khoa học – kỹ thuật phát triển mạnh mẽ hơn so với các lục địa khác – chỉ có nơi đó mới giúp Người tiếp thu được những tri thức cần thiết và tìm ra được con đường giải phóng Tổ quốc. nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta
Khởi đầu từ năm 1911, 10 năm tiếp theo đó, Nguyễn Tất Thành đã tới nhiều nước thuộc địa cũng như nhiều nước tư bản chủ nghĩa, ở cả châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Với ý chí kiên cường và lòng yêu nước nồng nàn, Người đã sống cuộc đời của người lao động, hoà mình vào phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, của các dân tộc bị áp bức bóc lột ở thuộc địa. Người đã chứng kiến cảnh cùng cực, khốn cùng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đồng thời cũng thấy rõ cảnh sống xa hoa của bọn tư sản. Qua những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm đó, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những biến chuyển mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với nhân dân lao động, với các dân tộc cùng cảnh ngộ bị áp bức như dân tộc mình. Người đã đưa ra kết luận quan trọng: ở đâu, dù ở các nước thuộc địa, phụ thuộc hay chính quốc, những người lao động đều bị bóc lột, áp bức nặng nề, ở đâu bọn đế quốc thực dân cũng tàn bạo độc ác: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tính hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản"([iv]). Kết luận trên vô cùng quan trọng, là khởi đầu của tư tưởng đoàn kết quốc tế Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người lao khổ, cần lao trên thế giới. Từ kết luận này, Người đã phân biệt rõ hơn bọn thực dân đế quốc với nhân dân lao động ở chính quốc: thực dân đế quốc là kẻ thù chung của các dân tộc bị áp bức ở thuộc địa và cũng là kẻ thù của nhân dân lao động chính quốc.
Đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc tìm được con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành chiếc cẩm nang thần kỳ, là mặt trời soi sáng con đường mà dân tộc ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Năm 1923, Người đã chỉ ra rằng: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hoà thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và yêu thương nhau”([v]). Như vậy cũng có nghĩa là, chỉ có đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác-Lênin thì mới đảm bảo sự đoàn kết thực sự chân chính.
Cũng từ quá trình 10 năm trải nghiệm thực tiễn ở nhiều nước, Nguyễn Ái Quốc cũng rút ra một kết luận rất quan trọng: “nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU”([vi]). Vì vậy, Người chỉ ra sự cần thiết của việc xây dựng khối đoàn kết chiến đấu giữa các dân tộc bị đoạ đày, đau khổ: chủ nghĩa đế quốc hiện tại đặt nền móng trên sự bóc lột hàng triệu người lao động ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Bởi thế, nó chỉ tan rã hoàn toàn và vĩnh viễn khi nào chúng ta phá bỏ được nền móng đó của lâu đài đế quốc chủ nghĩa. Vì lẽ đó, các nước thuộc địa và phụ thuộc muốn được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản thì chỉ bằng cách đoàn kết chặt chẽ để chống kẻ thù chung. Người kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa Pháp rằng: "Thật ra những người gây ra sự lầm than cho các bạn và giữ các bạn trong cảnh khổ đó để lợi dụng chỉ là một số ít, chúng có quyền hành vì chúng giàu. Chúng tôi là số đông và đang đấu tranh chống lại chúng vì chúng tôi cũng như các bạn là nạn nhân sự tàn bạo của chúng… Chúng tôi yêu cầu các bạn giúp đỡ chúng tôi trong nhiệm vụ đó, vì các bạn và chúng tôi, chúng ta cùng chung một lợi íchMối quan hệ giữa chúng tôi với các bạn sẽ là những mối quan hệ đoàn kết và liên minh"([vii]). Trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa, Người nêu: "Hỡi các bạn bị áp bức ở chính quốc! Giai cấp tư sản trong nước các bạn đã lừa dối các bạn, dùng các bạn làm công cụ đi xâm lược đất nước chúng tôi. Ngày nay, vẫn dùng cái chính sách quỷ quyệt ấy giai cấp tư sản nước các bạn lại định dùng chúng tôi để đàn áp mọi cố gắng tự giải phóng của các bạn. Đứng trước chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, quyền lợi của chúng ta là thống nhất, các bạn hãy nhớ lời kêu gọi của Các Mác: "Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!"([viii]). Nhận thức đó của Người còn thể hiện bằng hành động cụ thể: Tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng xã hội Pháp ở Tua (tháng 12-1920), Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ đây, Người đã đặt nền móng cho tình đoàn kết chiến đấu giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp, tạo sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới.
Là người dân từ một nước thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc thấy được khả năng tiềm tàng của sức mạnh đoàn kết của các dân tộc thuộc địa và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh của họ. Người nói:Cách mệnh Việt Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trên thế giới đều là đồng chí của dân Việt Nam cả. Vì vậy, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, một mặt Người nhấn mạnh tư tưởng phải "lấy sức ta mà giải phóng cho ta", mặt khác Người kêu gọi phải tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ và phối hợp nhịp nhàng cuộc đấu tranh của vô sản ở chính quốc với vô sản ở thuộc địa, như hai cái cánh của một con chim. Trong lý luận cũng như trong hoạt động thực tiễn, Người luôn luôn nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít giữa cách mạng ở thuộc địa và cách mạng ở chính quốc. Người viết: "Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi"([ix]). Người kêu gọi giai cấp công nhân các nước phương Tây phải đẩy mạnh việc ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Trong những bài phát biểu tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, Người nói: "Tất cả các đồng chí đều biết rằng, hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng"([x]).
Để thực hiện sự đoàn kết giữa nhân dân lao động chính quốc và nhân dân lao động thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu các Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân ở chính quốc phải có hiểu biết đúng về thuộc địa và có sự giúp đỡ thiết thực đối với những người anh em thuộc địa. Trên tinh thần đó, Người đã nghiêm khắc phê phán một số Đảng Cộng sản chưa có chính sách và hành động tích cực giúp đỡ các thuộc địa. Trong thời gian ở nước ngoài Người đã tham gia tích cực phong trào cách mạng của công nhân Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc... từng bước xây dựng nhiều tổ chức quốc tế như: Hội Liên hiệp thuộc địa (1921), Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông (1925)... là nhà cách mạng hoạt động tích cực trong Đảng Cộng sản Pháp, Quốc tế III, các Quốc tế Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ... thường xuyên mở rộng với nhiều chính khách, các nhà hoạt động xã hội... Tất cả hoạt động nói trên của Người đều hướng vào mục tiêu tăng cường thêm bạn bè, đồng chí cho cách mạng Việt Nam.
          Qua những phân tích trên ta có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế có một vai trò cực kỳ quan trọng. Thực tiễn cách mạng Việt Nam 81 năm qua đã chứng minh hùng hồn sức sống kỳ diệu và sức mạnh vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết quốc tế. Kể từ khi nước Việt Nam DCCH ra đời, trong suốt 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chăm lo xây dựng, giữ gìn và phát triển tình đoàn kết gắn bó giữa Việt Nam với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác; với nhân dân và các dân tộc Á, Phi, Mỹ La-tinh… Người chủ trương tăng cường đoàn kết quốc tế, thêm bạn bớt thù, “giúp bạn là tự giúp mình”; coi trọng thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ của nhân dân thế giới và các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam; gắn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Ngay đối với Mỹ là nước đưa quân sang xâm lược Việt Nam, Người cũng phân tích rõ ràng để nhân dân ta biết phân biệt sự khác nhau giữa những người Mỹ xâm lược và nhân dân Mỹ, như thông qua bức thư gửi nhân dân Mỹ tháng 1-1962, trong đó nêu rõ: Nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam không thù oán gì nhau. Nhân dân Việt Nam kính trọng các bạn là nước đầu tiên phất cờ chống chủ nghĩa thực dân và chúng tôi mong muốn có quan hệ hữu nghị với các bạn.
          Xúc động biết bao khi trong bản Di chúc gửi lại cho muôn đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn trăn trở: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em”. Biết rằng không thể tiếp tục làm vị “thiên sứ cách mạng” nữa, nên trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”.
          Thế kỷ XXI với những thời cơ và thách thức đan xen nhau đang thường xuyên tác động đến khối đại đoàn kết dân tộc và quá trình hội nhập với thế giới. Hơn lúc nào hết, thực tiễn đất nước đòi hỏi chúng ta phải quán triệt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, phải vận dụng sáng tạo và tiếp tục phát triển những quan điểm ấy, phù hợp với những biến đổi của tình hình mới. Thực tế cho thấy, âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ dân tộc, kích động tôn giáo… đang và sẽ thất bại trước sức mạnh đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Rõ ràng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc sẽ ngày càng phát triển, hoàn thiện cùng với thực tiễn biến đổi của đất nước. Tư tưởng ấy vẫn là ngọn nguồn tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam để đi tới thắng lợi hoàn toàn và triệt để của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.


[i] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2002, t.2, tr.116
[ii] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, H.1984, tr.13
[iii] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, H.1970, tr.11
[iv] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.266
[v] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.461
[vi] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.263
[vii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.449-450
[viii] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr128
[ix] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.298
[x] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.274

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)