slider

Sự quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua các tài liệu hiện vật tại Khu di tích Phủ Chủ tịch

20 Tháng 05 Năm 2021 / 613 lượt xem

ThS. Phan Thị Hoài

Phòng Tuyên truyền, giáo dục

Ra đi tìm đường cứu nước lúc còn trẻ và những năm tháng bôn ba ở nước ngoài đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh có được cách nhìn nhận toàn diện về vai trò của thanh niên. Người viết: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”. Người cũng khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ trong sự phát triển và trường tồn của dân tộc: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Chính vì vậy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho thanh niên. Những tình cảm đó được thể hiện rõ nét qua những tài liệu, hiện vật trong quãng thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch.

Khu di tích tại Phủ Chủ tịch là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối đời (từ tháng 12 năm 1954 đến ngày 2 tháng 9 năm 1969). Tổng số tư liệu, hiện vật vốn có tại Khu di tích: 1.675. Hiện vật đang trưng bày ở các nhà di tích: 968. Toàn bộ vườn cây có: 1.922 cá thể. 135 loài, 54 họ (số liệu điều tra năm 2017). Các di tích, tài liệu hiện vật cũng như cảnh quan môi trường nơi đây là những minh chứng sinh động nhất về tư tưởng, đạo đức và phong cách và đặc biệt là tình cảm sâu nặng Bác dành cho thanh niên.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, vừa mới trở về Thủ đô Hà Nội, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ vẫn là một trong những chiến lược hàng đầu mà Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Theo Người, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể hoàn thành sứ mệnh “người chủ tương lai của nước nhà”, có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc, quê hương, việc đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến là vấn đề học tập. Bởi sự học, trình độ học vấn liên quan đến vận mệnh dân tộc, thể hiện sự mạnh, yếu của một dân tộc: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, mặc dù lúc này đất nước vừa mới bước ra khỏi chiến tranh, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn song Người vẫn ra lời kêu gọi: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”(1). Vào mỗi dịp năm học mới, từ ngôi Nhà 54 trong Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư mừng khai giảng tới các trường đại học, cao đẳng, phổ thông... động viên khuyến khích thầy trò vượt qua khó khăn để “Thầy dạy tốt, trò học tốt”.

Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo đến việc xây dựng đội ngũ thanh niên trí thức mới, đủ năng lực đảm đương và gánh vác những nhiệm vụ mới của đất nước. Năm 1951, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã gửi khóa học sinh đầu tiên sang Liên Xô học tập. Những năm sau này, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược diễn ra ác liệt, nhân dân ta còn rất khó khăn, nhưng Nhà nước ta vẫn tiếp tục gửi học sinh sang học tập tại các nước Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hunggari, Rumani, Bungari... các nước có nền văn hóa, khoa học, kỹ thuật tiên tiến, phát triển. Đó là một trong những chính sách đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Từ năm 1954 cho đến năm 1969, hàng ngàn thanh niên đã được lựa chọn và gửi đi đào tạo ở các nước bạn. Tại phòng ăn Nhà 54 vẫn còn lưu giữ chiếc đài rađio là quà tặng của thực tập sinh về rađio và vô tuyến điện truyền hình khóa 1967¬1969 tại Hungari lắp tặng Người nhân dịp sinh nhật lần thứ 79, báo cáo lên Bác thành quả học tập của mình.

Trong vấn đề học tập, Bác nhắc nhở trước hết thanh niên phải xác định được mục đích học tập. Học không phải vì cá nhân chật hẹp “vinh thân phì gia”, mũ cao áo dài, cân đai võng lọng, mà học có một mục đích ý nghĩa cao đẹp, tràn đầy lý tưởng nhân văn cao cả, là để làm người, để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh...”(2). Trong thời gian 15 năm sống và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên đến thăm hỏi, viết thư động viên các phong trào của thanh niên. Ngày 18/12/1954, Bác đã đến thăm các thầy, cô giáo và học sinh các trường Nguyễn Trãi, Trưng Vương, Chu Văn An. Tại đây, Bác đã khẳng định: “Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”(3). Trong thư gửi các học sinh trường Sư phạm miền núi Trung ương nhân dịp khai giảng (1955), Người viết: “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tập để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”(4). Trong một lần khác, nói chuyện tại Lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I, ngày 12 tháng 6 năm 1956, Người nói: “Mục đích của giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc...”(5). Có thể thấy, xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh không có mục đích học nào hơn mục đích học để làm người, giúp đời, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Đó cũng chính là mục đích học của người cách mạng, của những con người thấm đẫm trong mình lý tưởng cộng sản, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Chính thấm nhuần lý tưởng đó mà hàng vạn thanh niên trí thức dưới chế độ mới, kể cả những trí thức được đào tạo ở Pháp (chế độ thực dân cũ) đã ra sức phấn đấu học hỏi, nắm bắt khoa học, kỹ thuật phục vụ sự nghiệp kháng chiến và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhiều người đã từ bỏ trời Tây hoa lệ, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở về “đồng cam cộng khổ”, cùng nhân dân phục vụ kháng chiến, kiến quốc, tiêu biểu như: bác sĩ Đặng Văn Ngữ, kỹ sư Phạm Quang Lễ (anh hùng Trần Đại Nghĩa) và nhiều trí thức dưới chế độ cũ đã sẵn sàng ra gánh vác việc nước, như: Tiến sĩ Nho học Huỳnh Thúc Kháng, nhân sĩ Vũ Đình Hòe...

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Theo Người, thanh niên muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, muốn làm được những việc lớn thì trước hết phải được giáo dục một cách đầy đủ về phẩm chất đạo đức, về bản lĩnh và ý chí cách mạng. Vấn đề này được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm rất sớm, nhấtquán và xuyên suốt. Người khẳng định, đạo đức như gốc của cây, nguồn của sông, “người cách mạng phải có đạo đức làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Trong suốt 15 năm sống và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch, Bác đã viết rất nhiều tác phẩm bàn về vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng. Tháng 6 năm 1955 tại Nhà 54, Người viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, trong đó Người phân tích rõ khái niệm, mục đích, phương pháp rèn luyện đạo đức cách mạng. Theo Người, một người giỏi giang mà không có nhân cách tốt thì vẫn là kẻ vô dụng. Bác cũng cho rằng, đạo đức cần tới một quá trình thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng chứ không phải là thứ sẵn có. Người chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Thanh niên cần phải hiểu được giá trị của đạo đức, để thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng. Có như vậy, thanh niên mới trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội. Bằng không, dù có kiến thức cao siêu vẫn chỉ là “vô dụng” cho đất nước.

Vấn đề đạo đức cách mạng được Bác tiếp tục đề cập đến trong bài “Đạo đức cách mạng” (đăng trên Tạp chí Học tập, số 12 năm 1958) viết tại Nhà Sàn trong Khu Phủ Chủ tịch. Trong bài viết, Người nêu rõ: “Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng”. Ngày đêm Người chăm lo bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng cho thanh niên. Giáo dục ý thức làm chủ và đào tạo họ thành người làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng, một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân nhân, đều nhằm mục đích xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.

Tháng 5 năm 1965, vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình, tại Nhà Sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt bút viết những dòng Di chúc đầu tiên để lại cho đồng bào, đồng chí. Trong muôn vàn tình thương của Bác, có một mối quan tâm đặc biệt được thể hiện trong Di chúc thiêng liêng đó là Đoàn viên thanh niên. Người đánh giá: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”. Đồng thời, Bác căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Trong Di chúc, đoàn viên thanh niên được Bác đặt ở vị trí những người “thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”, là lực lượng cách mạng cho tương lai rất quan trọng và cần thiết. Đó là sự quan tâm, tầm nhìn chiến lược của Bác cho tương lai của Đảng và đất nước. Đó cũng là kỳ vọng rất đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đoàn viên thanh niên trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho các thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương bao la, sâu sắc nhất. Tình cảm đó được thể hiện trong mỗi lời nói, mỗi việc làm và cả trong cuộc sống đời thường của Người. Có lần Bác đi công tác xa hơn một tháng, lúc trở về, Bác lại ngồi bên cầu ao vỗ tay gọi cá đến để cho ăn... nhưng hôm ấy Bác không thấy con cá gáy vây đỏ đến ăn. Mấy chiều hôm sau nữa, cứ đúng giờ Bác cho cá ăn đôi mắt Người đăm đăm dường như chờ đợi. Khoảng mười ngày sau, ngồi bên ao cá Bác bảo đồng chí thư ký Vũ Kỳ: “Kìa, chú coi, con cá gáy vây đỏ miệng đỏ đã đến rồi đấy”. Bác nói thêm: “Các chú ở nhà chắc không cho cá ăn đều và đúng giờ cho nên nó mới phải đi kiếm ăn lăng băng như thế”. Rồi Bác hạ giọng như tự nói với mình: “Đối với con người cũng thế, nhất là tuổi thanh niên, không quan tâm giữ nếp sống tốt thì cũng như thế”. Những việc làm, những lời nói của Bác thật tự nhiên, chân thành nhưng đó là sự quan tâm chu đáo, tỉ mỉ của vị Chủ tịch nước đối với sự trưởng thành và lớn mạnh của thanh niên.

Đánh giá cao vai trò của thanh niên nên Bác Hồ rất yêu, hiểu và tin tưởng. Với những thanh niên lầm đường lạc lối, mắc phải sai lầm, khuyết điểm Người nâng niu khuyến khích mặt tốt, mặt thiện trong con người, lấy đó là biện pháp giúp đỡ những người có thói hư tật xấu vươn lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng”. Bác thường lấy những việc rất giản dị trong cuộc sống thường ngày để giáo dục cán bộ, giáo dục thanh niên. Câu chuyện về cây bụt mọc bên bờ ao là một ví dụ. Khi phát hiện cây bị mối xông đã hỏng đến quá nửa thân, các đồng chí trong cơ quan quyết định chặt bỏ cây. Nhưng Bác lại đề nghị: “Chặt bỏ một cây hỏng thì dễ dàng thôi, nhưng trồng được một cây mới thì rất khó. Bởi vậy các chú hãy tìm cách chữa cho cây đi đã”. Rồi Bác chỉ cho anh em kinh nghiệm chữa cây. Anh em đã làm theo lời Bác và kết quả sau một thời gian thì cây bụt mọc sống lại và phát triển tốt. Bác ví đó như việc tìm cách khắc phục khuyết điểm cho cán bộ, cho thanh niên thay vì trừng phạt hay trù dập họ. Bác nhìn nhận khuyết điểm, nhược điểm một cách bình tĩnh như hiểu cái lẽ tự nhiên “bàn tay có ngón ngắn ngón dài”. Bác không nói trẻ hư, không nói người hỏng mà chỉ nhận xét có một số chậm tiến, có một số cụ thể có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời(6).

Với tầm nhìn chiến lược về việc xây dựng con người mới trong toàn thể nhân dân, Người quan niệm: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(7). Để đào tạo ra lớp sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, trong giáo dục cần thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt. Hồ Chí Minh cho rằng: Nêu gương người tốt, việc tốt “là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục lớn”(8). Có thể nói rằng trong ngôi nhà Sàn từ tầng 1 đến tầng 2, từ phòng ngủ đến phòng làm việc đâu cũng có những cuốn sách nói về gương người tốt, việc tốt của các giới, các ngành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm như: “Dân tộc anh hùng giai cấp tiên phong” của công nhân; “Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ” của nông dân; “Thế hệ anh hùng” của thanh niên... Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết rất nhiều bài biểu dương những gương người tốt, việc tốt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, để mọi người học tập và noi theo, nhất là đối với thế hệ trẻ. Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua làm việc tốt đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng huy hiệu của Người. Từ năm 1958-1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng thưởng gần 4000 huy hiệu trong đó có hơn 1.200 thanh niên xuất sắc trên các lĩnh vực đã được nhận huy hiệu của Người. Tiêu biểu như thanh niên lái máy bay Nguyễn Văn Cốc đã được Bác thưởng đến chiếc huy hiệu thứ 9 với mong muốn: “Bác mong có nhiều Cốc hơn nữa”. Đến nay tuy Người đã đi xa nhưng phong trào thi đua làm việc tốt vẫn rất có ý nghĩa trong đời sống xã hội của đất nước.

Coi sự lớn mạnh của tuổi trẻ là thành công của Đảng, là thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, là sự trường tồn phát triển của xã hội, Bác luôn dày công chăm lo giáo dục thanh niên trở thành những con người mới của xã hội, chuẩn bị những tiền đề vững vàng để thanh niên sẵn sàng đón nhận sứ mệnh làm chủ nước nhà. Theo Người, trong cuộc sống, công việc, lao động, học tập khó khăn luôn hiện diện quanh ta nhưng cũng chính những thử thách ấy là nơi tôi luyện con người. Bác Hồ đã từng dạy: “Không có cái gì dễ, mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là có dễ đi nữa thì phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì mới thắng lợi...”. Chính vì vậy, phải kiên trì làm từ những việc nhỏ, đến việc lớn, từ những việc đơn giản đến phức tạp. Điều này thể hiện rất rõ trong câu chuyện Cây đa kiên trì: Vào năm 1965, anh em làm vườn phát hiện một chùm rễ đa nhỏ từ trên cành rủ xuống lơ lửng. Lo chùm rễ đa phát triển sẽ làm vướng đường đi, mọi người định cắt bỏ. Biết được ý định đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không tán thành và Người đã gợi ý cách kéo rễ đa xuống đất để vừa không vướng lối đi vừa tạo cho cây có một thế vững chắc và đẹp. Làm theo cách Người hướng dẫn, sau gần 3 năm anh em mới đưa được rễ cây xuống đất. Khi hoàn thành công việc, anh em đến báo cáo kết quả với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người nói: Đưa rễ đa xuống đất tuy là việc nhỏ nhưng để thực hiện được cũng không dễ dàng mà cần phải có lòng kiên trì và quyết tâm. Mọi công việc khác cũng vậy, khi đã có mục đích, có quyết tâm và kiên trì phấn đấu thì ắt sẽ thành công. Bác đã dạy chúng ta phải vượt qua hoàn cảnh, số phận để vươn lên. Đó là bài học mà bất cứ ai, dù làm gì, ở lứa tuổi nào cũng cần học tập và làm theo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam là một quá trình đấu tranh lâu dài, khó khăn, đầy hy sinh gian khổ và thanh niên là lực lượng to lớn của cách mạng nên phải có quyết tâm lớn, lòng kiên trì cao mới có thể đưa sự nghiệp cách mạng đi tới thắng lợi. Vì vậy, Bác luôn mong lớp lớp thanh niên sẽ không chùn bước trước những khó khăn trước mắt, luôn vững chí bền tâm vượt qua thử thách để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn như bài thơ Bác tặng thanh niên xung phong năm 1951:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”(9)

Thông qua mỗi di tích, tài liệu, hiện vật cùng với những câu chuyện gắn liền với những tư tưởng và tình cảm của Bác dành cho thế hệ trẻ Việt Nam là tài sản tinh thần vô giá, trở thành nguồn cổ vũ động viên, soi đường chỉ lối cho mỗi bước đi, hành động của lớp lớp các thế hệ thanh niên hôm nay và mãi mãi mai sau. Sự nghiệp cách mạng và con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước nhà vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, đất nước đang cần lắm những bàn tay, khối óc của tuổi trẻ, của những thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Với tinh thần “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác” thanh niên Việt Nam hãy xiết chặt tay nhau, tích cực học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, cùng đem tài năng, trí tuệ của mình phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp sức xây dựng đất nước ta ngày càng“đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như khát vọng cháy bỏng mà Đảng ta và Bác Hồ hằng mong ước.

Chú thích:

1.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.403.

2.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.178.

3.       Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tập 5, tr.447.

4.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.496.

5.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.183.

6.       118 chuyện kể Bác Hồ, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2008, tr.86.

7.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.284.

8.       Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.665.

9.       Bác Hồ với thanh niên, Nxb. Văn hóa thông tin, 2011, tr.11.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)