slider

SƯU TẬP CHIẾU CÓI Ở KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI PHỦ CHỦ TỊCH

22 Tháng 04 Năm 2010 / 2835 lượt xem
                                                                    
                                                                                          Nguyễn Thị Bình
                                                                     Phòng Sưu tầm - Kiểm kê - Tư liệu
 
Hiện nay trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội đang trưng bày tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có trưng bày 3 chiếc chiếu cói tại các Di tích nhà Sàn, Di tích nhà 54, Di tích nhà H67, mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng. Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, xuất phát từ yêu cầu bảo quản các di vật lịch sử có liên quan tới Người, 3 chiếc chiếu cói này đã được cất giữ, bảo quản vào kho cơ sở của Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, thay vào vị trí vốn có của chúng là những hiện vật được làm lại khoa học chính xác.
Việc bảo quản những hiện vật này đã được tiến hành kịp thời, nhưng việc nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho những hiện vật này thì chưa được đầy đủ. Để hoàn thiện hồ sơ cho tất cả các tài liệu, hiện vật hiện đang trưng bày tại các nhà Di tích, chúng tôi đã triển khai công tác thu thập tài liệu để bổ sung cho hồ sơ của 3 chiếc chiếu cói là một trong những đồ dùng quen thuộc hàng ngày của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch. Tuy việc thu thập, xác minh chưa được đầy đủ, những tài liệu cần thiết về những chiếc chiếu cói, nhưng chúng tôi đã dựa trên kết quả nghiên cứu bước đầu về nguồn gốc hiện vật và dựa trên lời kể của các đồng chí nhân chứng là những người có được vinh dự phục vụ Bác khi sinh thời. Qua những nguồn tư liệu quý giá như vậy, chúng tôi đã có thêm những cơ sở khoa học để tạm thời kết luận rằng 3 chiếc chiếu cói này là hiện vật gốc và đã có mặt tại các nhà Di tích khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chiếc chiếu ở nhà 54 có số kiểm kê: BTHCM/ 359- DD-16, chiếu hình chữ nhật, làm bằng cói mầu trắng nhạt không nhuộm, dài 2m, rộng 1m. Có bản ghi chép ngày 4-12- 1970, biên bản số 13 đề ngày 12-12-1970, chiếu dùng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 12-1954 đến ngày 17-5-1958.
- Chiếc chiếu ở nhà Sàn có số kiểm kê: BTHCM/ 942- DD- 64, chiếu hình chữ nhật, chiếu để mầu trắng nhạt không nhuộm, dệt bằng cói sợi nhỏ, dày, đầu cói cắt sát rộng 2m dài 1m có bản ghi chép ngày 18-12-1970 thuộc biên bản số 33 đề ngày 19-12-1970, chiếu dùng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 17-5-1958 đến ngày 24-8-1969.
- Chiếc chiếu ở nhà H67 có số kiểm kê: BTHCM/ Đ-1056/ DD–101 chiếu hình chữ nhật mầu trắng nhạt, làm bằng cói, rộng 2m, dài 1m có bản ghi chép ngày 23-12-1970, biên bản số 39 đề ngày 28-12-1970, chiếu dùng để phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 7-1967 đến tháng 8-1969.
         Theo hồ sơ của viện Bảo tàng Hồ Chí Minh viết về 3 chiếc chiếu cói này gồm: bản ghi chép bước đầu năm 1970, được lập ngay sau khi Bác mất gần một năm, ảnh chụp sau ngày Bác mất 14 ngày; sổ kiểm kê bước đầu, và đặc biệt là lời kể của các đồng chí nhân chứng, là những người đã được vinh dự phục vụ Bác lúc sinh thời như đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Cù Văn Chước, đồng chí Phạm Đỉnh…Các đồng chí đều cho biết: Năm 1960 đồng chí Cù Văn Chước đã trực tiếp giao cho ông Phạm Đỉnh là người có vinh dự được bảo vệ Bác, về Thái Bình nhờ chị Định lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình đặt làm của hợp tác xã thủ công nghiệp Đồng Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (Ông Phạm Đỉnh cùng quê ở Thái Bình). Khi dệt xong chiếu, Văn phòng Trung ương nhờ Tỉnh uỷ Thái Bình mang chiếu lên, người mang chiếu lên cũng chính là chị Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình, tên là Định. Các đồng chí còn cho chúng tôi biết thêm, ngoài ra mỗi lần đi công tác, chị Định còn hay mang thêm cả gạo ngon đặc sản của tỉnh Thái Bình để biếu Bác.
Nhà 54: Tháng 12-1954, Bác chính thức trở về thủ đô Hà Nội và Người đã chọn cho mình ngôi nhà của người công nhân thợ điện phục vụ Toàn quyền Đông Dương. Đó là ngôi nhà 54, đầu nhà 54 khi Bác về ở là có máy phát điện, vì thế mới có cột điện ở đầu nhà 54, đầu nhà Bác tiếp khách, hay còn gọi là nhà BK1. Trong nhà, trên sàn đang còn để một bộ phận máy nổ, dầu mỡ còn vấy bẩn ra sàn. Cũng vì thế giải thích vì sao mà nhà 54 trước đây là nơi ở của người công nhân thợ điện để trông coi chiếc máy phát điện này (theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, Cù Văn Chước). Ngay sau khi Bác về ở thì các đồ dùng cần thiết trong nhà cũng được các đồng chí phục vụ chuẩn bị, trong đó có chiếc giường 1m2  đã được các đồng chí phục vụ Bác lấy từ nhà khách Tây Hồ, còn về chiếc chiếu Cói có ý kiến cho rằng chiếu mua ở phố Hàng Chiếu, hoặc cửa hàng cung cấp 12 Bờ Hồ Hà Nội, nhưng lại có ý kiến cho biết khi giường được kê vào, và chưa có chiếu, một đồng chí cảnh vệ đã ra dốc Hàng Than mua về một chiếc chiếu có in hoa đỏ, xanh ở giữa và có trang trí họa tiết ở 4 góc. Bác không dùng và đề nghị thay chiếu khác. Đây là ý kiến mà chúng tôi đã hỏi các đồng chí trước kia được vinh dự phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là các đồng chí: Vũ kỳ, Cù Văn Chước, Phạm Đỉnh, Lê Hữu Lập…Còn cụ thể mua ở nhà số bao nhiêu? Ai là người bán thì các đồng chí cũng không nhớ. Về vấn đề này, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu thêm để đang làm rõ xuất xứ chính xác của chiếc chiếu cói đầu tiên khi Bác trở về Thủ đô Hà Nội tháng 12-1954.
Nhà Sàn: Sau khi làm xong ngôi nhà Sàn, ngày 17-5-1958, Bác chính thức chuyển sang ở và làm việc bên đó, nhưng hàng ngày Bác vẫn về nhà 54 để ăn cơm, tắm giặt, kiểm tra sức khoẻ và tiếp khách… Trong thời điểm này ở nhà Sàn và nhà 54 vẫn dùng chiếc chiếu mua ở phố Hàng Chiếu, cửa hàng cung cấp 12 Bờ Hồ Hà Nội, hoặc dốc Hàng Than. Cho tới năm 1960, đồng chí Cù Văn Chước đã trực tiếp giao cho ông Phạm Đỉnh là người bảo vệ Bác về Thái Bình nhờ chị Định lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình đặt làm của Hợp tác xã thủ công nghiệp Đồng Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình sản xuất.
Chiếc chiếu cói được đặt làm bằng thứ cỏ mùa, cỏ nhỏ và óng. Đây là loại cói cao cấp dùng để xuất khẩu vì cói có 2 loại: Cói mùa và cói chiêm. Các đồng chí còn cho chúng tôi biết thêm, những chiếc chiếu cói này được đặt riêng về kích thước, đặc biệt chiếu được dệt trơn không pha mầu đỏ, hoặc xanh, chiếu dệt dày và để nguyên mầu trắng của cói chứ không nhuộm. Những chiếc chiếu cói này do hợp tác xã thủ công nghiệp Đồng Lâm, Huyện Tiền Hải, Tỉnh Thái Bình sản xuất vào năm 1960 và được đặt nhiều cái. Sau khi mang chiếu về các đồng chí phục vụ đã thay chiếc chiếu ở nhà Sàn và thay cả chiếc chiếu ở nhà 54, và cũng từ năm 1960 nhà 54 cũng trải chiếc chiếu được đặt làm ở Thái Bình.
Các đồng chí nhân chứng còn cho biết thêm …Khi khánh thành nhà Sàn, Bác được biếu những cặp chiếu to, rộng, dệt đẹp lắm, chắc là anh em đã phải cẩn thận lựa chọn từng sợi cói để dệt những cặp chiếu ấy. Cặp nào cũng có hoa cả, giữa chiếu còn vẽ một chữ thọ đỏ to tướng. Tất cả những chiếc chiếu ấy khi nhận về đều được nằm trong kho, Bác không dùng mà Bác để tặng cho bệnh viện hoặc tặng cho nhà trẻ, Bác nói: Bác chẳng quen nằm chiếu hoa đâu các chú ạ, cho Bác một chiếu trơn thôi .Và cho đến khi Bác qua đời giường nằm của Bác bao giờ cũng chỉ trải những chiếc chiếu trơn mà thôi. Ngoài cái chiếu trơn, ở đầu giường Bác có một cái gối trơn không thêu, một cái chăn đơn và một chăn len Bác dùng vào mùa rét.
Nhà H67: Năm 1966, đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc rất ác liệt. Bộ tư lệnh Công binh cũng đã làm cho Bác và Bộ Chính trị một chiếc hầm nổi kiên cố có tên là H67 cạnh nhà Sàn để tránh bom. Ngôi nhà nhỏ tiếp giáp nhà Sàn, hầm là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ và làm việc trong những ngày đêm máy bay Mỹ đánh phá miền Bác. Thi công nhà từ ngày 1-5-1967 và hoàn thành vào ngày 30-6-1967. Do tình hình sức khoẻ của Bác yếu nên nhóm các bác sĩ chăm sóc đề nghị Bác không nên xuống cầu thang nhà Sàn hàng ngày nữa mà ở hẳn trong nhà H67 để điều trị bệnh, do đó các đồng chí phục vụ đã kê thêm một chiếc giường gỗ đưa từ Văn phòng Trung ương về trang bị cho nhà H67, để Người nằm nghỉ trưa nghỉ đêm khi có báo động và chiếc chiếu Cói này cũng có mặt từ thời điểm đó. Chiếc chiếu lấy từ bộ chiếu được đặt làm ở Thái Bình từ những năm 1960 cùng với những chiếc chiếu ở nhà Sàn và nhà 54. Đặc biệt khi Bác mệt nặng, chiếc giường đã dùng để nằm chữa bệnh. Chiếc chiếu Cói là một trong những hiện vật đã gắn bó với Người trong những năm tháng cuối đời tại nhà H67. Chiếc chiếu này Bác đã dùng từ tháng 7-1967. Từ ngày 28-8-1969, khi Bác mệt nặng, các bác sĩ mời Bác lên giường sắt để tiện việc nâng lên đặt xuống, truyền thuốc cho Bác. Từ ngày 28-8-1969 chiếc chiếu Cói ở giường gỗ đã được xếp lại và không dùng nữa.
Qua nghiên cứu các nguồn tư liệu của viện Bảo tàng, và nhất là qua ý kiến của các đồng chí nhân chứng là những người trực tiếp giao nhiệm vụ đặt chiếu, và cũng là người được vinh dự trực tiếp thi hành nhiệm vụ về Thái Bình đặt làm chiếu. Chúng tôi đã căn cứ vào những nguồn tư liệu quý giá đó, đối chiếu, so sánh và tạm rút ra kết luận như sau: Sau khi Bác về thủ đô Hà Nội tháng 12-1954 cho đến ngày 2-9-1969, tại nơi ở và làm việc Người đã dùng chiếu ở hai nơi. Chúng tôi tạm thời chia ra thành 2 giai đoạn
- Giai đoạn đầu từ năm 1954 đến 1959, Bác dùng loại chiếu được mua ở phố Hàng Chiếu, hoặc cửa hàng cung cấp 12 Bờ Hồ, hoặc dốc Hàng Than, về chiếc chiếu dùng trong giai đoạn này, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu
- Giai đoạn 2 từ 1960 đến 1969, Bác dùng loại chiếu được các đồng chí phục vụ Bác đặt làm ở tỉnh Thái Bình năm 1960, từ đó cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, các nhà Di tích đều dùng loại chiếu đặt làm ở Thái Bình năm 1960.
Sau khi Bác qua đời, tất cả tài liệu hiện vật nơi đây được bảo quản nguyên trạng như cũ. 3 chiếc chiếu Cói mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng hiện nay được làm lại khoa học chính xác, và đang được trưng bày như khi Người còn sống.
         Vào thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hôm nay, chúng ta thấy mỗi tài liệu hiện vật ở nơi đây đều gắn liền với những câu chuyện vô cùng cảm động về Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Là Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, nhưng Bác sống rất giản dị, đồ dùng của Bác là đôi dép cao su, cái quạt lá cọ, hòn sỏi dùng để chặn giấy. Và đặc biệt chiếc giường nhỏ dùng để nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng không phải là nhung lụa, gấm vóc, chạm khảm, vàng mà giường của Bác chỉ là chiếc gường bình thường được làm bằng gỗ mang từ nhà khách Tây Hồ về để Người sử dụng. Trên giường trải một chiếc chiếu được dệt bằng cói hết sức mộc mạc, giản dị của nhân dân tỉnh Thái Bình đã có được vinh dự dệt nên những chiếc chiếu để Bác dùng. Với những chiếc chiếu này, nhân dân Thái Bình muốn được gửi gắm tình cảm yêu thương, trân trọng nhất, muốn được nâng niu giấc ngủ của Người.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)