slider

SƯU TẬP SÁCH LÊNIN TOÀN TẬP VÀ TUYỂN TẬP BẰNG TIẾNG PHÁP Ở DI TÍCH NHÀ SÀN

19 Tháng 09 Năm 2011 / 3291 lượt xem
Vũ Thu Hằng
                                                                Phòng Sưu tầm -Kiểm kê- Tư liệu
 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích) là một khu lưu niệm lịch sử văn hoá có không gian rộng, giàu về nội dung, phong phú về loại hình hiện vật. Trên phạm vi diện tích 22.400 m2 của toàn khu vực, Khu di tích có 36 di tích bất động sản ngoài trời là sân, vườn, đường, ao cá, cây xanh, cây ăn quả…,15 di tích bất động động sản là những ngôi nhà, căn phòng, hầm trú ẩn…với hàng nghìn tài liệu, hiện vật có trong đó.
Ở các di tích, bên cạnh các sưu tập hiện vật đã tồn tại cùng với di tích còn có các sưu tập hiện vật được sưu tầm trên cơ sở nghiên cứu các sự kiện thông qua thời gian, địa điểm, nhân chứng và tài liệu hiện vật gốc cụ thể. Có thể kể đến hàng chục các sưu tập tại các di tích. Đối với hiện vật thể khối thì sưu tập hiện vật vô cùng phong phú: sưu tập trang phục của Bác tại phòng ngủ nhà 54, sưu tập các đồ dùng phục vụ bữa ăn hàng ngày tại phòng ăn nhà 54, các sưu tập đồ gỗ, sưu tập xe ôtô, sưu tập các tặng phẩm quốc tế tặng Bác, sưu tập về những chiếc máy điện thoại, sưu tập các dụng cụ y tế phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh …Đối với các sưu tập hiện vật là đồ giấy ở các di tích có: sưu tập bản đồ, sưu tập các quyển sách tiếng Nga, Anh, Pháp, Trung…, sưu tập thiếp chúc Tết, sưu tập bản tin, báo…Di tích nhà sàn là di tích trung tâm của Khu di tích nên các sưu tập hiện vật được lưu giữ, bảo quản tương đối đầy đủ và hiện đang được trưng bày phát huy tác dụng giáo dục tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, về cuộc sống đời thường giản dị, cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh như sưu tập sách Lênin toàn tập và tuyển tập bằng tiếng Pháp gồm 10 cuốn hiện đang trưng bày trên giá sách phòng làm việc nhà sàn.
Các cuốn sách đều có bìa cứng, bọc vải giả da màu xanh đậm, có kích thước 14 x 20,5 cm, mặt ngoài bìa trước có in hình nổi chân dung V.I.Lênin. Bên ngoài sách có một tờ bọc bìa màu trắng, in tên tác giả, tên sách, trong sách có ảnh chân dung V.I.Lênin. Những cuốn sách này đều có bản ghi chép hiện vật ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 17.2.1970 trong hồ sơ số 30.
Từ trước năm 1930 ở Liên Xô (cũ) Nhà xuất bản Chính trị quốc gia của Viện Mác-Lênin trực thuộc Ban Chấp hành TW Đảng cộng sản Liên Xô đã cho xuất bản các tác phẩm kinh điển trong đó có các tác phẩm của Lênin và Nhà xuất bản Ngoại văn Mátxcơva đã cho dịch các tác phẩm kinh điển đó sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung. Sau Đại chiến thế giới lần thứ hai (1945) các loại sách của Nhà xuất bản Ngoại văn đều có bày bán ở Nhà sách Hữu Nghị trên Đại lộ Goócki ở Mátxcơva.
Về nguồn gốc, xuất xứ của cuốn sách tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã liên hệ nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân chứng và được biết như sau: Theo ông Phạm Thành, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội, trưởng Ban biên tập sách kinh điển của nhà xuất bản, nay đã nghỉ hưu ở phòng 203,C3 khu tập thể Thanh Xuân Bắc, kể ngày 21-11-2006 thì từ năm 1951 ông đã công tác ở Nhà xuất bản Sự thật Hà Nội. Trong kháng chiến ở chiến khu các ông đã làm việc ở Ban biên tập sách kinh điển và ông là người tham gia trực tiếp dịch các tác phẩm của Lênin từ tiếng Pháp ra tiếng Việt như "Hai sách lược", "Nhà nước và cách mạng". Để có sách kinh điển để dịch, các ông thường nhờ các đoàn công tác ra nước ngoài tìm sách đưa về Việt Nam. Sách đưa về lúc đó chủ yếu là tiếng Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận nhiều công việc nhưng Người rất quan tâm đến việc dịch sách kinh điển. Nhiều lúc Người đến kiểm tra xem anh em dịch có đúng và sát ý không và có khi còn sửa cho anh em. Sách dịch xong nhà xuất bản đưa in để phục vụ cho kháng chiến, gửi các đồng chí trong Trung ương và các cơ quan Trung ương. Sau khi thủ đô Hà Nội giải phóng, nhà xuất bản chuyển về Hà Nội thì mới có sách tiếng Nga, tiếng Trung. Nhà xuất bản cử người đi học các thứ tiếng đó để về dịch.
Như vậy, có nhiều khả năng những cuốn Lênin toàn tập và tuyển tập này được đưa về từ Liên Xô vì nhiều lẽ: sách do Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản. Sách xuất bản trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều chuyến công tác Liên Xô dài ngày, Người cũng đã nghỉ lại Matxcơva.
- Từ ngày 20-1-1959 đến 14-2-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam sang Liên Xô dự Đại hội lần thứ 21 Đảng Cộng sản Liên Xô.
- Từ ngày 2-7-1959 đến ngày 26-8-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm 15 nước Cộng hoà Liên Xô và Trung Quốc.
-         Từ ngày 7 đến 20-8-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô và Trung Quốc.
-         Từ ngày 2-11-1960 đến ngày 6-12-1060, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta sang Liên Xô dự kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga.
-         Từ ngày 12 đến 30-8-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô.
-         Từ ngày 29-5-1962 đến ngày 10-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô. 
Theo đồng chí Vũ Kỳ, nguyên là thư ký riêng của Người, được đi cùng Người nhiều chuyến ra nước ngoài cho biết thì sau mỗi chuyến đi Người hay đem sách, báo, tạp chí về theo. Những cuốn Lênin toàn tập và tuyển tập đang trưng bày trên giá sách phòng làm việc nhà sàn gồm có:
1.V. Lênin tuyển tập- tập 1- phần 1. Số kiểm kê: 803/G-617.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1954, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ năm 1894 đến tháng 3 năm 1917.
2. V. Lênin tuyển tập- tập 1- phần 2. Số kiểm kê: 804/G-618.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1954, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ tháng 4 năm 1917 đến tháng 3 năm 1923.
3.V. Lênin toàn tập- tập 4. Số kiểm kê: 805/G-619.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1959, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ năm 1898 đến năm 1901.
4.V. Lênin toàn tập- tập 14. Số kiểm kê: 806/G-620.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1962, gồm các tác phẩm của Lênin viết năm 1908.
5.V. Lênin toàn tập- tập 22. Số kiểm kê: 807/G-621.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1960, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ tháng 12 năm 1915 đến tháng 7 năm 1916.
6..V. Lênin toàn tập- tập 23. Số kiểm kê: 808/G-622.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1959, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ tháng 8 năm 1916 đến tháng 3 năm 1917.
7.V. Lênin toàn tập- tập 28. Số kiểm kê: 809/G-623.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1961, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ tháng 7 năm 1918 đến tháng 3 năm 1919.
8. V. Lênin toàn tập- tập 29. Số kiểm kê: 810/G-624.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1962, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ tháng 3 năm 1919 đến tháng 8 năm 1919.
9. V. Lênin toàn tập- tập 31. Số kiểm kê: 811/G-625.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1961, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ tháng 4 năm 1920 đến tháng 12 năm 1920.
10. V. Lênin toàn tập- tập 36. Số kiểm kê: 812/G-626.
Nhà xuất bản Xã hội Pari và Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcơva xuất bản năm 1959, gồm các tác phẩm của Lênin viết từ năm 1900 đến năm 1923.
Tìm hiểu về những cuốn sách kinh điển là các tác phẩm của V.I.Lênin và các sách, báo, tạp chí có liên quan đến Lênin và đất nước Xô Viết quê hương của Người, chúng tôi thấy trong các nhà di tích ở khu Phủ Chủ tịch có rất nhiều: nhà 54 có 28 cuốn là các tác phẩm của Lênin đều xuất bản bằng tiếng Pháp do Nhà xuất bản Ngoại văn Matxcova xuất bản trong các năm 1952, 1954 trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: Liên minh công nông, Sự phá sản của Đệ nhị quốc tế, Cuộc cách mạng và tên phản bội Cauxki, Cương lĩnh của chúng ta, Bàn về nhà nước, Nhà nước và cách mạng, Thư từ phương xa…Nhà BK1 có 26 cuốn là các tác phẩm của Lênin xuất bản bằng tiếng Pháp như: Mác-Ăngghen và chủ nghĩa Mác, Báo cáo đọc tại Đại hội toàn Nga lần thứ II, Chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản…Đặc biệt có những tác phẩm của Lênin xuất bản bằng tiếng Trung như: Tuyển tập Lênin (tập 1,2,3,4), Chuyện về Lênin (tập 1,2). Nhà sàn có 18 cuốn ngoài 10 cuốn Lênin toàn tập và tuyển tập nêu trên còn có những cuốn sách bằng tiếng Nga, Trung, Việt về Lênin và nước Nga như: Tờ bưu thiếp có hình Lênin (Nga), Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô (Nga), Bàn về cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại (Nga), Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô (Trung), Hoạ báo Liên Xô (Việt)…Các tác phẩm này có những cuốn trùng nhau ở các nhà di tích. Như vậy, có thể thấy ở những nơi Người ở và làm việc đều có sách kinh điển để tiện cho việc nghiên cứu, làm việc khi cần. Đặc biệt ở các nhà di tích còn lưu giữ được những tặng phẩm về Lênin do nước bạn tặng Người trong những lần Người đi thăm đất nước Liên Xô như: Tờ bưu thiếp có hình Lênin, Phù điêu Lênin (nhà sàn), Tranh Lênin, Tượng đứng Lênin, Tháp điện Kremli (nhà 54), Phù điêu Lênin hình tròn, Mô hình giá để bút hình tên lửa, Tượng đứng Lênin (nhà BK1). Khi xây dựng hồ sơ khoa học cho những cuốn Lênin toàn tập và tuyển tập này chúng tôi đã thống kê được danh mục các bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Lênin trong cuốn "Hồ Chí Minh toàn tập" gồm 82 bài, danh mục các sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký về việc tặng thưởng huân chương, danh hiệu cho các tập thể và cá nhân anh hùng của Liên Xô là 22 sắc lệnh. Việc xây dựng hồ sơ khoa học cho những cuốn sách này đã góp phần vào công tác nghiên cứu khoa học của Khu di tích Phủ Chủ tịch.
Chúng ta có thể lý giải việc có nhiều sách của Lênin tại nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các tác phẩm của Người viết về Lênin. Với Người Lênin là bậc thầy chỉ lối dẫn đường cho Người tìm ra con đường cách mạng chân chính phù hợp với điều kiện chính trị, lịch sử của Việt Nam. Ngay từ những ngày bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã được đọc nhiều tác phẩm của Lênin trên đất Pháp. Và ngay từ năm 1924, Người đã viết bài ca ngợi Lênin: "Lênin và các dân tộc phương Đông" với bút danh Nguyễn Ái Quốc đăng báo Le Paria số 27, "Lịch sử cách mạng Nga" ca ngợi sự đóng góp của Lênin (năm 1927). Từ năm 1952, vào dịp kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh của Lênin Người đều có bài viết đăng báo Nhân Dân. Năm 1952 Người viết bài "Sự nghiệp vĩ đại của Lênin". Năm 1960, Người viết bài "Con đường dẫn tôi tới chủ nghĩa Lênin". Năm 1962, Người viết bài "Lênin người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam". Trước lúc đi xa, tháng 11 năm 1967, Người đã viết bài cho báo Pravđa của Liên Xô nhân kỷ niệm 50 năm cách mạng tháng Mười vĩ đại ký tên "Hồ Chí Minh" với nhan đề "Cách mạng tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc" để ca ngợi công lao của Lênin đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử nhân loại mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên xã hội xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, những cuốn sách này được đưa vào bảo quản tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh để gìn giữ lâu dài và đã được xây dựng hồ sơ khoa học. Còn thay vào vị trí trước đây của nó là những cuốn sách làm lại khoa học chính xác để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Phủ Chủ tịch.   

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)