slider

TA PHẢI HY SINH ĐẾN GIỌT MÁU CUỐI CÙNG ĐỂ GIỮ GÌN ĐẤT NƯỚC

22 Tháng 01 Năm 2013 / 5001 lượt xem
        
Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

           N
hững thoả thuận ngừng bắn trongTạm ước 14-9 không được phía Pháp tôn trọng. Trung tuần tháng 11, sau một buổi làm việc, Bác Hồ hỏi: “Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ trong bao lâu?”, đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời: “Phải cố giữ thì ít nhất là nửa tháng. Thời gian qua, cơ quan tham mưu đã chuẩn bị xây dựng một kế hoạch chiến đấu ở thành phố trong trường hợp địch gây chiến”. Với việc thực dân Pháp bội ước đánh chiếm Lạng Sơn, Hải Phòng, chúng bắt đầu chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh quy mô lớn chống lại Chính phủ Việt Nam. Trong buổi họp Thường vụ TƯ ra nghị quyết cả nước chuẩn bị nhất tề đứng lên chiến đấu chống quân xâm lược, Bác nhấn mạnh: “Trong khi hết sức tích cực, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, tuyệt đối không sa vào âm mưu khiêu khích để địch lợi dụng đánh ta sớm. Ở thành thị, biến mỗi đường phố thành một chiến hào. Ở nông thôn, mỗi làng thành một pháo đài. Kháng chiến của ta sẽ là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến”.
Tình hình Hà Nội căng thẳng như một thùng thuốc súng sắp nổ vì kẻ thù tìm mọi cách khiêu khích ta nhiều hơn, chúng theo dõi sát sao những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thậm chí còn bố trí súng máy chĩa vào cửa sổ Bắc Bộ Phủ, nơi Người thường làm việc. Sau khi nắm được tin mật của địch chỉ thị cho quân đóng ở các địa phương lập ra những đội biệt kích gọn nhẹ, giả trang sẵn sàng bắt cóc và thủ tiêu cán bộ cốt cán của ta, Thường vụ TƯ Đảng quyết định đưa Bác lánh ra ngoại thành. 7h30 tối 26/11/1946, trong một chiếc xe Ford cũ mui vải, Bác bí mật rời Hà Nội qua cầu Hà Đông, rẽ hướng Sơn Tây về Đại Mỗ gần ngã tư Canh.
Ngày 29/11: Đảng ta ra lời kêu gọi: “Hỡi toàn quốc đồng bào! Những hành động của Pháp xâm phạm chủ quyền Việt Nam rất có thể lan rộng. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Hãy sẵn sàng chiến đấu để tự vệ bất cứ nơi nào và chỗ nào”. Theo Hiệp định sơ bộ 6-3 thì Pháp được đưa ra miền Bắc 15.000 quân nhưng họ đã tăng trái phép lên gấp đôi. Tại Hà Nội, quân Pháp tập trung đông nhất và đầy đủ các binh chủng chủ lực như không quân, thuỷ quân, pháo binh, tăng giáp với 6.500 lính chiến và 7000 Pháp kiều được trang bị vũ khí. Trong lúc đó, lực lượng ta ở đây có khoảng 2515 vệ quốc quân và trên 8000 tự vệ chiến đấu và công an xung phong. Nhưng khó khăn nhất chính là chênh lệch về vũ khí giữa ta và địch. Toàn mặt trận Thủ đô chỉ có khoảng 2250 súng trường và khai hậu, đạn rất ít, còn trung bình 2 chiến sỹ có một quả lựu đạn. Tuy vậy, Bộ Tổng chỉ huy quyết định trận đánh tại Thủ đô nước Việt Nam DCCH phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước và giam chân quân địch ít nhất là một tháng, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến đấu lâu dài. Tại những nơi quân địch tương đối yếu như Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vinh, các chiến sỹ khu 2, 3, 4, 12 được trao nhiệm vụ tiêu diệt hoặc gây thiệt hại nặng những đơn vị địch đồn trú. Trong trường hợp có lệnh toàn quốc kháng chiến của Trung ương, tín hiệu sẽ được phát đi từ Bộ Tổng chỉ huy cho tất cả các chiến khu. Lần đầu tiên, chúng ta có một kế hoạch tác chiến trên quy mô cả nước mà mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính nên ở đây, kế hoạch tác chiến được vạch ra cụ thể, tính kỹ số lượng đạn dược, lương thực, nước uống của bộ phận cố thủ tại Liên khu I.
Ngày 2/12: Quân Pháp từ các nơi được điều về Hà Nội nhiều hơn, chúng lập ổ chiến đấu ở các nhà Pháp kiều. Báo chí Pháp ở Hà Nội cũng công khai nói xấu Chính phủ ta, xuyên tạc các sự kiện. Bọn tây mũ đỏ kéo đến phá phách nhà thông tin Tràng Tiền. Ba đêm liền, xe lính Pháp đi rải truyền đơn khắp thành phố. Nhân dân Hà Nội được lệnh tản cư về các vùng nông thôn. 3/12: 6h sáng, Bác rời Canh ra Bắc Bộ Phủ, Người làm việc đến 18h thì tiếp Sainteny- đại diện chính trị Chính phủ Pháp để thỏa thuận một số điều khoản. Thấy Bác xin lỗi phải nằm tiếp khách vì bị mệt, nét mặt Sainteny lộ rõ niềm vui mừng với ý nghĩ sẽ nắm được thế chủ động trong thời điểm nước sôi lửa bỏng này. 7h tối Bác lại về nghỉ tại làng Vạn Phúc. Trong ngày, bọn Pháp trắng trợn treo cờ tam tài trên tường nhà thông tin Tràng Tiền. 4/12: Bác duyệt lại thư gửi Quốc hội cùng Chính phủ Pháp: “Tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp. Vì vậy, tôi thiết tha kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp nghĩ đến quyền lợi chung tối cao của hai dân tộc”. 5/12: Tại Bắc Bộ Phủ, Bác gặp và giao nhiệm vụ cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa chuẩn bị quân dụng vũ khí cho cuộc kháng chiến. 9/12: Pháp đưa thêm hơn 800 lính lê dương vào Đà Nẵng. Tinh thần chiến đấu của quân dân ta lên rất cao. Gần 1 triệu thanh niên nam nữ đã xung phong vào các đội du kích, cùng bộ đội và dân quân đêm ngày luyện tập. Các làng chiến đấu cũng được xây dựng khẩn trương. Ta cũng quyết định tiến hành một cuộc nghi binh lớn: suốt một tuần liền, hai nghìn dân quân tự vệ từ những vùng ngoại thành rầm rập kéo vào thành phố, tăng cường những vị trí đóng quân, nhưng đến quá nửa đêm lại lặng lẽ rút đi.12/12: Pháp tấn công ta ở Tiên Yên, Đình Lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của các đại biểu giới báo chí: “Việt Nam quyết lòng không để cho ai chinh phục bằng âm mưu hoặc bằng vũ lực”. 13/12: Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Chính phủ Pháp và Đô đốc D’ Argenlieu phản đối việc quân Pháp vào Đà Nẵng. Người cũng trả lời phỏng vấn báo Pari-Sài gòn: “Dân tộc Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do”. 14/12:
Pháp đưa thêm 400 lính lê dương vào Hải Phòng. Bác tiếp chuyện 2 phóng viên của thời báo NewYork. Cùng ngày, Người đưa ra chỉ đạo cho cuộc chiến ở Nam Bộ. 15/12: Pháp tổ chức chuyển quân gấp từ Macxây sang Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Thủ tướng Pháp đề ra một số điều kiện để giải quyết tình hình quan hệ Pháp - Việt. 16/12: Cao ủy Pháp D’ Argenlieu ngang nhiên tuyên bố Hà Nội - Hải Phòng - Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp. Cả Hà Nội sục sôi khí thế chiến đấu. Nhiều ụ đề kháng được nhanh chóng dựng thêm. 17/12: Máy bay Pháp bay thám thính cả ngày trên bầu trời Hà Nội. Tướng Pháp Morliere đem quân và xe ủi đất phá các ụ chiến đấu của ta ở Lò Đúc, một xe tải Pháp bị tấn công rồi xung đột xảy ra. Lính Pháp bao vây trụ sở công an ta ở phố Hàng Đậu, đốt nhà khu Trúc Bạch, nã đại bác vào phố Hàng Bún, bắt cóc phụ nữ vào thành... 18/12: Quân địch vẫn bao vây trụ sở công an Hàng Đậu, chúng yêu cầu phía ta phá các ụ chiến đấu. Quân địch còn dùng xe tăng chiếm Nha Tài chính, đưa tối hậu thư cho ta đòi đến ngày 20 sẽ đảm nhận việc giữ gìn trị an ở Hà Nội. Tình hình càng xấu hơn khi một toán quân nhảy dù đi tìm xác đồng đội bị ném lựu đạn và quân Pháp phản công lại. Đêm hôm đó, ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc rất khuya, Người đã hoàn thành Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến lịch sử.
19/12: Từ sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho Thủ tướng Pháp L. Blum. Buổi sáng, quân Pháp gửi tiếp tối hậu thư đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động kháng chiến, giao nộp vũ khí và đe dọa trong vòng 24 giờ không thực hiện thì chúng sẽ hành động. Chính phủ ta đã bác bỏ tối hậu thư láo xược ấy, Trung ương ra chỉ thị: Tất cả hãy sẵn sàng. Từ 14h30 đến 15h15, Bác họp với các đồng chí Trung ương ở Vạn Phúc, thông qua Lời kêu gọi kháng chiến và thống nhất khi trên đài phát đi câu: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Xin trân trọng mời đồng bào cả nước nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, đó sẽ là hiệu lệnh tổng tấn công toàn quốc. Khoảng 16h, các chỉ huyquân sự chủ chốt của ta họp ở Bạch Mai nghe phổ biến quyết định tấn công. Nhưng lúc 17h, một người Âu lai á tên là Fernand Petit, vốn là nhân viên cơ quan phản gián đặc biệt chui được vào hàng ngũ tự vệ của ta từ nhiều tháng trước, đã báo cho Ban tham mưu của Tướng Morliere thông tin khẩn cấp: Quân Việt Minh sẽ tấn công đêm nay bằng ba sư đoàn quân cùng các lực lượng tự vệ chiến đấu. Vì thế,các trại lính Pháp đã cấp tốc tập trung quân để sẵn sàng đối phó. Đến 18h45, Bác thu xếp tài liệu và rời Vạn Phúc đi Xuyên Dương. Đúng 20h03’, công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, đại bác của ta từ các pháo đài Láng, Xuân Tảo, Canh tới tấp dội bão lửa vào trại lính Pháp trong thành Hà Nội; các lực lượng vũ trang của ta đồng loạt tấn công các vị trí của địch; tự vệ nổ mìn đánh gục hàng loạt cây to và cột đèn, công nhân lật nghiêng toa xe điện, xe lửa ở các ngã ba, ngã tư làm chướng ngại vật; nhân dân quăng đồ đạc, giường tủ, ấm chén, chăn bông ra cản đường giặc; dân quân ngoại thành nổi trống liên hồi kỳ trận, thúc giục tự vệ tiến vào các cửa ô tiếp ứng cho bộ đội tại các điểm đề kháng...Xe của Sainteny đang trên đường đến Dinh Uỷ viên cộng hoà bị trúng mìn trên phố Tràng Thi, ông ta bị thương nặng, may được viện binh chuyển đến bệnh viện phẫu thuật kịp thời. Các lực lượng Pháp tấn công thẳng vào Bắc Bộ Phủ với hy vọng sẽ bắt được Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tá Herkel, chỉ huy khu vực Hà Nội kể: “Trong lúc nơi ở của ông Hồ Chí Minh bị tấn công, những người bảo vệ đã vừa chiến đấu vừa hát cho đến người cuối cùng và một trong số họ trên sân thượng vẫn chơi đàn măngđôlin cho đến khi bị bắn thẳng vào ngực ngã xuống mới thôi. Tại trại lính người bản xứ, họ cũng chiến đấu quyết liệt như vậy. Bị bao vây, họ quyết không chịu hàng...”. Mệnh lệnh tấn công từ Hà Nội sau đó đã đến các nơi khác, Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương đều nhất loạt tấn công quân Pháp, cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh đã lan ra toàn quốc. Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi khắp đất nước và thế giới: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”.            Trưa ngày 20/12, bản tin chiến sự truyền về Paris, ngay đầu giờ chiều, Thủ tướng L. Blum nhờ Tướng Valluy gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh một bức điện rất xã giao, có đoạn: “Trong khi M. Mutet, phái viên Chính phủ sửa soạn lên đường đi Đông Dương nhằm đánh tan những hiểu lầm và tìm cách trở lại trạng thái hoà bình, đáp ứng lời kêu gọi của Ngài trong bức công hàm ngày 16, chúng tôi được tin những hành động chiến tranh nghiêm trọng đã xảy ra và ông Uỷ viên Sainteny đã bị trọng thương. Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Ngài ra lệnh tức khắc để ngăn chặn ngay chiến sự. Phái viên của Chính phủ chúng tôi sắp đến. Chúng tôi mong muốn duy trì hoà bình và thực hiện các hiệp định nếu là một nền hoà bình trung thực”. Ngày 23/12,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã điện trả lời: “Tôi vui mừng được biết tin Bộ trưởng Mutet, phái viên Chính phủ Pháp đã lên đường sang Việt Nam. Nhờ một sự may mắn vô cùng, tôi đã thoát khỏi những làn đạn của quân đội Pháp tấn công vào dinh tôi. Ông Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của chúng tôi bị thương trong cuộc tấn công này... Chúng tôi cũng như Ngài, rất mong muốn giữ vững hoà bình và thi hành thành thực những thoả hiệp đã ký kết, như tôi đã từng nói rõ trong nhiều lời kêu gọi gửi đến Ngài. Chúng tôi mong các nhà chức trách Pháp ở Hà Nội phải rút quân đội về những vị trí trước ngày 17/12 và phải đình chỉ những cuộc hành binh mệnh danh là tảo thanh, để cho cuộc xung đột chấm dứt ngay”. Nhưng các thế lực diều hâu khôngchịu từ bỏ tham vọng quyền lợi ích kỷ, để một cuộc chiến tranh khốc hại kéo dài đến 9 năm mà sau này Paul Mus, tình báo kiêm đặc phái viên của Cao uỷ Pháp E. Bollaert đã phải thừa nhận: “Những người phương Tây chúng ta đã ra sức ngăn cản chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, bởi vì họ coi đó là một thứ ảnh hưởng chính trị phi pháp, có thể và cần phải thủ tiêu bằng vũ lực. Thế nhưng, lịch sử đã chứng minh, những người cộng sản Việt Nam đã tạo ra sức mạnh của mình, kiên quyết lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập, dẫn đến việc thủ tiêu chủ nghĩa thực dân và tạo ra một nước Việt Nam thống nhất... Độc lập dân tộc được coi như lý tưởng không bao giờ tách rời tâm trí người Việt Nam”.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)