slider

TÁC ĐỘNG, ẢNH HƯỞNG CỦA KHÁCH THAM QUAN ĐẾN VIỆC BẢO TỒN MÔI TRƯỜNG CẢNH QUAN KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

16 Tháng 08 Năm 2011 / 1744 lượt xem
Đỗ Hoàng Linh
PGĐ Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
 
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia, thuộc loại hình bảo tàng lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân. Trên diện tích hàng ngàn m2 trải dài theo lộ trỡnh khỏch tham quan, Khu di tích bao gồm một tập hợp các di tích bất động sản (các căn nhà, phòng, hầm,...), các di tích động sản (đồ đạc, bàn ghế, sách, tài liệu,...) và nhất là cảnh quan môi trường (vườn, ao cá, đường đi, các loại hoa, cây cảnh...) chiếm một diện tích rất lớn trong Khu di tích. Vì vậy, công tác duy trì, tôn tạo và bảo vệ cảnh quan Khu di tích có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn, nó đóng vai trò quyết định vào tính nguyên trạng bền vững, ổn định và trên cơ sở đó tạo điều kiện phát huy hết các giá trị đặc biệt về văn hoá, lịch sử, chính trị của Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Theo cách giải thích của các nhà nghiên cứu chuyên ngành, từ cảnh quan về khái niệm mỹ học là phong cảnh, cảnh sắc; về địa lý là tổng hợp của các thành phần sinh vật, địa mạo, thổ nhưỡng, khí hậu; về sinh thái học là sự tụ hợp của các hệ sinh thái khác nhau trong một không gian bao gồm sinh thái tự nhiên, sinh thái nhân tạo và bán nhân tạo. Như vậy, cảnh quan trong Khu di tích có tính đa dạng sinh học rất cao, trong đó những yếu tố đặc biệt quan trọng gồm đất đai, ao cá, cây xanh, đường đi, các công trình xây dựng, những kiến trúc cũ và mới. Để đưa ra một đánh giá tổng quan, khảo sát thực tế cho thấy những yếu tố này đã và đang bị ảnh hưởng, tác động theo chiều hướng tiêu cực khá nghiêm trọng, ví dụ như cảnh quan chung của tổng thể Khu di tích bị phá vỡ do yêu cầu phục vụ cho Văn phòng Phủ Thủ tướng và Văn phòng Chủ tịch nước: hàng rào duối và orô cao 1,5m chạy phía ngoài bị thay bằng hàng rào sắt, di tích đình Hội Đồng bị phá bỏ hoàn toàn, một sân tennis được thiết kế thêm để bày cây cảnh, gara xe ôtô xây nổi khá lộ liễu…; đất đai thường xuyên bị xói mòn, đã bạc màu; ao cá tuy mới được cải tạo và hút bùn nhưng vẫn chưa giải quyết được kỹ thuật tạo khí ôxy cho cá, nước ao còn nhiễm bẩn; cây xanh bao gồm cây cổ thụ, cây di tích và thảm cỏ chiếm vị trí chủ đạo của cảnh quan sinh thái trong khu vực với diện tích xấp xỉ 13 hecta nhưng phần nhiều đã già cỗi và suy thoái, một số cây bị sâu bệnh, mối mọt ăn rỗng ruột, cây ký sinh thân cây và bị đóng đinh sắt, bó đai kim loại; các tuyến đường đi cũng xuống cấp rất nhanh, vệ sinh khu vực chưa đảm bảo, còn ô nhiễm, rác thải… Như vậy, môi trường cảnh quan của Khu di tích đã, đang và sẽ tiếp tục bị tác động, ảnh hưởng và xuống cấp bởi những nguyên nhân: tự huỷ và thoái hoá theo thời gian; cháy, khô hạn; ngập úng; thiên nhiên, thời tiết (ô nhiễm nhiều, bức xạ tăng, nhiệt độ đột biến, ẩm độ cao); côn trùng, động vật gây hại; sự chậm trễ khắc phục, sửa chữa của các bộ phận chức năng và sự vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người tham quan Khu di tích. Trong phạm vi của bài viết này, xin được đề cập đến những ảnh hưởng trực tiếp của khách tham quan- đối tượng vừa là khách thể tạo nên sức sống của Khu di tích, nhưng đồng thời lại là chủ thể gây tác hại đến một số cảnh quan di tích gốc. Vấn đề này sẽ này được trình bày theo tuyến đường thông thường dành cho khách sau khi tham quan nhà trưng bày xe ôtô và nhà 54:
1, Đoạn bờ tường ao cá từ nhà 54 ra phía chuồng công: Đây là khoảng trống nhìn ra toàn cảnh ao cá, nhà sàn không bị cây che chắn nên rất nhiều khách tham quan dừng lại chụp ảnh. Thường để lấy cảnh đẹp tổng thể, khách tham quan đùn đấy nhau trèo lên ngồi trên bờ tường, tạo dáng chụp ảnh đôi. ảnh chân dung. Nhiều nam nữ thanh niên của các đoàn khách Trung Quốc, Đài Loan còn khoác vai nhau đứng thẳng trên bờ tường để chụp ảnh cho tình cảm! Vì vậy, đoạn bờ tường này thường xuyên bị tróc vôi loang lổ, một số cột hoa chắn tường còn bị đạp rạn nứt, vỡ, thậm chí có cột đã bị gãy rời hẳn ra, vừa mất mỹ quan vừa có thể gây nguy hiểm cho những đoàn khách tham quan mang theo trẻ nhỏ
2, Rễ đa của cây đa kiên trì nằm song song với đoạn tường nêu trên, phía nhánh đường nhỏ dẫn ra tuyến đường chính: Rễ đa này nằm cạnh một khoảng trống nên các đoàn khách thường tập trung tại đây nghe giới thiệu về cây đa kiên trì, sau đó tranh thủ nghiên cứu thực tế bằng cách đập, vỗ vào rễ cây, lay, lắc rễ cây, ôm rễ cây chụp ảnh và có những vị khách còn hứng chí bám vào chiếc rễ đánh đu lên như tập thể lực vậy. Chiếc rễ bị bong tróc xước vỏ ngoài và sẽ bị hỏng, gãy, mục nhanh chóng nếu số khách hiếu động như vậy không ngừng tăng thêm mà chúng ta không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
3, Cây bụt mọc cổ thụ cạnh tường ao phía đầu đường xoài: Là một cây bụt mọc to đẹp và cổ nhất trong khu vực với khá nhiều chiếc rễ hình thù ấn tượng và nổi lên trên mặt đất. Các đoàn khách tham quan thường được nghe giới thiệu về nguồn gốc, tên gọi của cây và thi nhau chụp ảnh. Mặc dù đã có vài sợi dây thép làm hàng rào ngăn, nhưng rất nhiều khách trong và ngoài nước vẫn nhảy qua hàng rào mỏng manh ấy đứng sát vào, nắm tay nhau ôm quanh thân cây để ước tính chu vi thân rồi chụp ảnh. Tất nhiên trong lúc luồn lách chọn vị trí, họ không e ngại gì xoa đầu rễ, ngồi lên đầu rễ cây, giẫm thẳng lên trên những chiếc rễ để thoả mãn tính tò mò của mình một cách thô bạo và vô ý thức. Vì thế, khá nhiều rễ cây đã có hiện tượng lở ra, cụt phần đầu rễ, lụi dần đi và trong tương lai gần sẽ trở thành những rễ cây chết.
4, Đường linh cữu nối từ đường xoài vào phía sau nhà sàn: Con đường này dài 46m20 và rộng 2m30, được trải sỏi. Vì đầu đường cắm biển cấm nên chỉ một số đoàn khách hạn chế mới đi theo con đường này vào và ra nhà H67 (một thời gian khá dài trước kia, vì căn cứ vào ý nghĩa tên gọi, con đường này bị cấm đi lại hoàn toàn). Tuy hiện nay khách ít đi lại nhưng thành phần khách đi theo đường này đa dạng, trong đó có nhiều gia đình. Các cháu nhỏ thường vừa đi vừa sục sỏi lên, đá lung tung, nhặt sỏi ném chơi hoặc bỏ túi đem về nên lượng sỏi thường xuyên bị giảm đáng kể. Một số khách, nhất là phụ nữ đi guốc, giày cao gót sợ bị trượt ngã trên đường sỏi nên đã cẩn thận đi xuống vệ cỏ hai bên đường, kết quả sáng kiến này khiến cỏ không mọc được, tạo thành 2 vệt lối mòn vẹt cỏ xơ xác dọc bên đường linh cữu.
5, Một số cột gỗ tầng dưới nhà sàn (4 cột ở phía góc bể cá, lối lên cầu thang sắt và 4 cột ở phía bàn để điện thoại, lối xuống cầu thang sắt): Vì tiện đường lên, xuống cầu thang sắt nên khách tham quan thường nấn ná dừng lại, hành động vô ý thức là sờ tay, cạo móng tay vào cột nhà để xem có phải là gỗ thật hay không hoặc gõ ngón tay, đập cả bàn tay thình thịch vào cột xem gỗ có chắc không? Chính những hành động này đã làm cho 8 cột gỗ trên luôn bị bạc màu vecni, tạo ra sự tương phản khác biệt giữa các cột và làm cho phần giữa những cột gỗ này bị ẩm hơi người, ướt mồ hôi nên xuống cấp nhanh chóng, thậm chí có chỗ tạo thành vết lõm rõ rệt trên thân cột.
6, Ao cá Bác Hồ: Vì điểm cầu ao trước nhà sàn chỉ là nơi dừng hạn chế dành cho các đoàn có hướng dẫn nên đa số khách tham quan sau khi ra khỏi nhà sàn sẽ tụ tập trên cầu xi măng để thử vỗ tay gọi cá. Và dù cho có gọi được cá hay không, dù cá vàng hay cá đen thì họ vẫn nhiệt tình ném thức ăn xuống ao cho cá nào bánh mỳ, bánh ngọt, kẹo, có người còn chạy đi mua bim bim ở quần dịch vụ sang cho con em mình thả xuống ao; một số em nhỏ không có gì cho cá ăn được thì vứt cả lá cây, cành cây, cục đất… xuống ao để nghịch cá. Bởi vậy, chất lượng nước ao sẽ liên tục bị ô nhiễm và cá trong ao sẽ dễ dàng bị lây bệnh từ bên ngoài.
7, Bãi cỏ bên hàng bụt mọc dầm chân ngay đầu cầu xi măng cũng là nơi có cảnh đẹp nên thơ và rễ cây mọc thành cụm dày với các hình thù rất thú vị nên du khách thường chọn để chụp ảnh với rễ bụt mọc. Mặc dù cũng có vài sợi dây thép chăng làm hàng rào nhưng không thể ngăn được khách tham quan, chủ yếu là khách nước ngoài trèo vào nằm ngả ngốn trên bãi cỏ chụp ảnh. Có người hứng chí đứng dựa hẳn vào thân cây bụt mọc, chân đạp vào rễ cây để chụp ảnh cho tăng phần độc đáo. Phần bãi cỏ này cũng luôn bị trơ đất và một số rễ cây bụt mọc cũng chung tình trạng với rễ của cây bụt mọc cổ thụ phía bên kia bờ ao.
8, Con đường quanh ao cá chạy từ đầu cầu xi măng đến cầu ao đối diện nhà sàn: Đây là con đường duy nhất để du khách sau khi tham quan nhà sàn đi ra ngoài. Đường dài 107,50m và rộng 1,50m, ven đường phía bên phải là hàng rào dâm bụt cao hơn 1m, phía bên trái là hàng bỏng nổ cao 0,20m. Tuy du khách đi một chiều, nhưng với lưu lượng khá lớn và liên tục nên vẫn có những lúc bị ùn tắc. Trong lúc tạm dừng đợi đi tiếp thì không ít du khách bứt lá cây, bẻ cành dâm bụt, nhảy vào bãi cỏ nghịch hoa liễu, đè hỏng cả hàng cây bỏng nổ và đạp chân làm bửa cả vỉa gạch kè đường. Đến bờ ao đối diện nhà sàn thì tranh thủ chụp ảnh tự do, quần khoảng cỏ hai bên cầu ao đến trơ đất.
9, Hầu hết những cây quả, hoa cảnh nằm trên đường khách tham quan đều bị vin cành, hái hoa, bẻ cây như cây bưởi trước phòng họp Bộ Chính trị, mấy giò lan trước nhà trưng bày xe ôtô, mấy chậu hoa cảnh ở cầu ao đối diện nhà sàn, cây ổi ven bờ ao cạnh phòng y tế, cây bưởi cạnh máy nước đầu phòng y tế, những giò hoa phong lan trên cây tại khu dịch vụ và trước quầy nước…
10, Khách tham quan còn thiếu ý thức, phi văn hoá đến mức phá hỏng liên tục một số công trình kỹ thuật và tiện ích phục vụ công cộng, không giữ vệ sinh môi trường chung như: nhảy qua rào ngăn vào sát chuồng chim công; mở nước dùng xong không khoá vòi, để nước chảy hàng giờ; bẻ gãy các đầu khoá rôbinê; đập vỡ nắp bồn cầu nhà vệ sinh; đánh hỏng các đầu cảm nhiệt; bóc cả những hộp thuốc bẫy mối ra xem mặc dù đã ghi rõ chữ bên ngoài; vứt rác bừa bãi từ kẹo cao su, túi nilong, chai nước ngọt, bình sữa đến vỏ bao thuốc lá, giấy kẹo trên đường đi tạo điều kiện thuận lợi cho côn trùng, sâu bọ phát triển.
Thêm nữa, bản thân chúng ta, những người chăm sóc và giữ gìn Khu di tích cũng đã và đang vô tình hoặc cố ý góp phần làm xuống cấp một số cảnh quan di tích như:
-         Đánh đai sắt một số thân cây để chống bão nhưng quá khít nên cây vừa không phát triển được, vừa hỏng ngoài thân cây
-         Đóng đinh vào thân cây bụt mọc để giữ đầu dây thép chăng bên bờ ao cá ngăn không cho khách xuống bãi cỏ
-         Không kịp thời kiểm tra, phát hiện những thân cây bị sâu mọt ăn hoặc bị mối xông rỗng bên trong và khi phát hiện ra cũng không có những biện pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả
-         Phục vụ đồ ăn, nước giải khát cho khách tham quan nhưng chưa nhắc nhở kịp thời và thu dọn rác thải nhanh chóng nên vẫn để tình trạng rác vương vãi trong khu vực khách tham quan
Trước thực trạng tình hình đã nêu trên, xin kiến nghị một số giải pháp có thể tiến hành thực hiện ngay như sau:
1, Cần dịch những nội quy bảo vệ cảnh quan môi trường trong quá trình tham quan di tích sang một số ngôn ngữ chính như: Anh, Pháp, Trung, Hàn, rồi phát cho các hướng dẫn viên các đoàn khách nước ngoài mỗi khi vào mua vé để họ phổ biến cho đoàn khách của mình. Đối với những khách nước ngoài tham quan lẻ thì cũng tuỳ ngôn ngữ phát kèm theo tờ gấp khi họ vào cổng mua vé.
2, Tăng cường thêm các chốt bảo vệ tại các điểm tham quan hiện nay vẫn thiếu hoặc chưa đủ người
3, Tất cả cán bộ nhân viên, người lao động của các phòng trực tiếp liên quan đến khách tham quan như phòng Môi trường, phòng Bảo quản, phòng Tuyên truyền và lực lượng bảo vệ tại chốt đều phải có trách nhiệm nhắc nhở, góp ý với khách tham quan bảo vệ cảnh quan di tích nói chung cũng như cảnh quan tại điểm di tích mà khách đang thăm
4, Cơ quan và các cấp quản lý từ phòng trở lên đều phải có tinh thần sâu sát với thực tế, năng động đề ra biện pháp và linh hoạt trong xử lý những trường hợp khách tham quan cố tình vi phạm những quy định về cảnh quan môi trường.
5, Cải tiến phương pháp thu dọn vệ sinh dọc tuyến đường khách tham quan, tốt nhất là thu dọn ngay, nhặt rác thường xuyên trong thời gian khách tham quan thay vì đợi đến đầu giờ và cuối giờ. Nhân viên phục vụ trong các nhà vệ sinh công cộng cũng phải thường xuyên kiểm tra nhắc nhở ý thức bảo vệ tài sản công cộng của khách tham quan.
6, Bộ phận quản lý dịch vụ và các nhân viên bán hàng cũng cần có ý thức giữ vệ sinh và thường xuyên nhắc nhở khách tham quan vứt rác, bao bì, vỏ hộp nước ngọt, thực phẩm thừa và giấy kem vào đúng chỗ quy định…/
 
 

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)