slider

TÁC ĐỘNG, ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ BIÊN ĐỔI KHÍ HẬUĐỐI VỚI VIỆC BẢO TỒN MÔI TRƯỜNG CẢNH QUANCỦA KHU DI TÍCH PHỦ CHỦ TỊCH

30 Tháng 08 Năm 2011 / 3115 lượt xem
Nguyễn Thị Thu Thuỷ
                                       Phòng Bảo quản di tích
                                                       
Trong nội dung của “Luật di sản văn hoá và nghị định hướng dẫn thi hành” (xuất bản năm 2002, mục 1, điều 28 ) đã ghi rõ Di tích lịch sử văn hoá phải có các tiêu chí sau: Công trình xây dựng, địa điểm gắn với thân thế và sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân của đất nước. Khi bước vào một công trình kiến trúc truyền thống ( di tích) chúng ta thường có cảm giác dễ chịu và “an bình”. Nơi có sự cảm nhận rõ nhất là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, một di tích duy nhất trong hệ thống các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn giữ nguyên được các yếu tố gốc. Tất cả các di tích, cảnh quan môi trường được giữ nguyên hiện trạng và trưng bày như khi sinh thời Bác. Thực trạng Khu di tích có không gian rộng, phong phú về động sản, bất động sản và đa dạng về loại hình tài liệu hiện vật. Nhưng cũng là một vấn đề rất khó khăn và phức tạp của công tác bảo tồn môi trường cảnh quan di tích hiện nay với sự biến đổi khí hậu đã tác động và ảnh hưởng tới nó.
Công tác gìn giữ, bảo quản, tôn tạo và phát huy giá trị di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần nhằm thực hiện trách nhiệm tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước và Cách mạng mà còn đáp ứng đòi hỏi tình cảm của đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt nam cũng như bè bạn Quốc tế đối với Bác Hồ.
Bảo quản di tích ngoài trời với yêu cầu bảo tồn nguyên trạng là công việc vô cùng khó khăn. Biện pháp bảo quản phòng ngừa luôn được đặt lên hàng đầu, vì vừa tiết kiệm được kinh phí vừa gìn giữ lâu dài di tích, nhưng cũng đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề kỹ thuật rất phức tạp. Còn biện pháp bảo quản xử lý chỉ trong trường hợp bất khả kháng.
I. Tác động, ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu:
Như chúng ta hiểu, môi trường sinh thái là một mạng lưới chỉnh thể gồm các yếu tố có mối liên quan chặt chẽ với nhau như đất, nước, không khí và các cơ thể sống trong phạm vi toàn cầu. Sự tương tác hoà đồng giữa các hệ thống của thiên nhiên tạo ra môi trường tương đối ổn định.
Biến đổi khí hậu (climate change) đặc trưng hiện tượng thời tiết bất thường và được đánh giá bằng thay đổi những thông số thời tiết tại một vùng nhất định trong một khoảng thời gian dài được quan sát, đo đạc và đánh giá bằng nhiệt độ trung bình, lượng mưa trung bình cùng chế độ gió... Biển hiện dễ nhìn thấy nhất của biến đổi khí hậu là sự ấm lên toàn cầu và nước biển dâng: trong 50 năm qua, nhiệt độ bình quân của nước ta đã tăng khoảng 0,5oC và mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Với một suy luận đơn giản thì có thể thấy rằng khi nhiệt độ gia tăng sẽ làm cho nước biển ấm hơn khiến bão có khả năng mạnh hơn và có thể xảy ra ngay ở khu vực có vĩ độ thấp hơn. Nhiệt độ tăng sẽ làm cho nước bốc hơi tăng, mà kết quả là sẽ gây mưa nhiều hơn vào mùa mưa và khô hạn hơn vào mùa khô.
Với sự thay đổi của chế độ nhiệt, chế độ mưa và chế độ dòng chảy như vậy thì biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh nhất đến tài nguyên nước: thừa nước vào mùa mưa gây lũ lụt, hạn hán; thiếu nước, hạn hán và ô nhiễm nguồn nước vào mùa khô. Một cách tương ứng, biến đổi khí hậu sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp, cấp thoát nước cho các ngành nông nghiệp, công nghiệp và đô thị và trực tiếp nhất tới công tác bảo tồn di tích.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, nhiệt độ tại Việt Nam tăng lên từ 0,2-1 độ C trong thời gian từ năm 1980 đến nay.
Tất cả các biểu hiện bất thường đó có thể lý giải được bởi năm 2010 là năm chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Ninô kéo dài từ tháng 6/2009 đến tháng 4/2010, một hiện tượng khí hậu mang tính dị thường trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương (TBD) mà Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Hậu quả của biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, xã hội. Trong đợt nắng nóng tháng 6 vừa qua, hầu khắp các nơi đều có nhiệt độ cao nhất trong lịch sử. Ngày 20/6, nhiệt độ Hà Nội lên tới 40,4 độ C. Các tỉnh miền Trung nhiệt độ lên tới 41 - 42 độ C. Đặc biệt do biến đổi khí hậu gây mưa lớn kéo dài đã làm Hà Nội ngập lụt trong nước gây ảnh hưởng rất lớn về đời sống và kinh tế của người dân.Sự biến đổi đó còn diễn ra hàng ngày, theo mùa. Trong điều kiện như vậy môi trường cảnh quan di tích chịu tác động chu kỳ, chuyển từ trạng thái vật lý này sang trạng thái đối cực khác (nóng- lạnh, khô- ẩm, dãn nở- co ngót, sinh trưởng- sâu bệnh,…)
Sự khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, môi trường là tác nhân gây hại rất lớn, khiến cho hầu hết di tích đều không còn được bảo tồn nguyên vẹn mà biến đổi nhiều theo thời gian. Bản thân mỗi di tích lại bao gồm những công trình (trong một tổng thể), hoặc những thành phần (trong một công trình) của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Bên cạnh đó, biến cố lịch sử, biến động xã hội, ý thức xã hội cũng ảnh hưởng mạnh đến tình trạng bảo tồn các di tích nói chung và Khu Di tích Chủ tịch Hồ CHí Minh tại Phủ Chủ tịch nói riêng.
Điều khó nhất là bảo tồn di tích ngoài trời (cảnh quan môi trường sinh thái). Số lượng cây trong vườn lớn thuộc nhiều loài, nhiều họ như: cây bóng mát, cây cảnh, cây ăn quả, các loài sống xen kẽ nhau tạo nên nhiều tầng thực vật. Mỗi loài có tới hàng chục cá thể khác nhau. Cho nên rất khó khăn cho việc quy hoạch tôn tạo cảnh quan, bảo quản vừa phải đảm bảo các yêu cầu khoa học, lại vừa phải cụ thể đối với từng cá thể.
Cảnh quan môi trường (cây cảnh, cây hoa, cây quả) đang có hiện tượng bị xuống cấp. Cây có hiện tượng bị già cỗi, sinh trưởng và phát triển kém, đất màu bị cạn kiệt, cây ăn quả trồng xen lẫn cây lâm nghiệp.
Địa hình ở đây bao gồm cả vùng đất cao và đất thấp nên khi mưa đến có hiện tượng vùng trũng bị ngập, nơi cao lại bị sói mòn cuốn trôi phù sa. Loại đất và loaị cây không phù hợp với địa hình. Không có đất cho sự phát triển của bộ rễ đối với việc bón phân để thỏa mãn được yêu cầu của từng loại cây.
Ở nhiều khu vực ánh sáng phân bố không đều vì vậy sự quanh hợp của cây xanh bị hạn chế, ảnh hưởng đến sự ra hoa, đậu quả. Ví dụ như: vườn cam, bưởi sau Nhà Sàn không phát triển được vì tán cây vú sữa và cây cổ thụ đã che bóng hầu như hoàn toàn và hút hết các chất dinh dưỡng trong đất.
Tán cây ở đây đan xen nhau rất dày, mưa lớn gây sói mòn đất đã ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây.
Công tác bảo quản là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự tồn tại của di tích nhằm phát huy có hiệu quả vai trò, tác dụng di tích. Những cây di tích có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cây sống lâu năm trên vùng đất này cần phải được quan tâm duy trì, chăm sóc với chế độ dinh dưỡng và bảo vệ thực vật tốt để bảo tồn. Bảo tồn và phát triển là hai mệnh đề luôn song hành trong công tác bảo tồn di tích. Nhận biết, điều chỉnh và xử lý hài hoà hai mặt đó quả thực không phải là điều dễ dàng, nhưng đó là việc quan trọng không thể không làm.
Trong vườn có nhiều loại cây khác nhau, mỗi cây lại chứa đựng nội dung lịch sử và giá trị khác nhau. Có cây di tích đã từng gắn bó với cuộc sống và quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mang giá trị tư tưởng, giá trị đạo đức cao. Ví dụ như : cây đa kiên trì, cây xanh bốn mùa, cây vú sữa, hai cây dừa nảy mầm từ một quả, giàn hoa giấy... nay những cây này do thời gian, do khí hậu thiên nhiên cùng với việc chăm sóc, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của cây.
Cây vú sữa trồng trong vườn Bác là món quà của đồng bào Miền nam gửi tặng Người. Vú sữa là cây ăn quả lâu năm, sống trong điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi và được chăm sóc tốt thì sau 7 năm cây bắt đầu ra quả. Vào những năm 80 của thế kỷ XX cây vẫn ra quả. Đến những năm 90 của thế kỷ XX cây bắt đầu ra quả cách năm, quả ít và nhỏ, quả thâm và khô dần ở trên cây rồi héo và rụng. 10 năm trở lại đây cây không ra quả, cành lá xơ xác, khẳng khiu. Do cây đã già cỗi, lại sinh trưởng và phát triển trong sự khắc nghiệt của môi trường khí hậu, đất đai ở miền Bắc (dễ khiến cây sinh mối mọt, sâu bệnh); môi trường xung quanh nhiều cây cổ thụ (xoài, xà cừ…) dẫn việc đến thiếu ánh sáng để cho cây quang hợp; do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật nên dẫn đến thiếu dinh dưỡng….
Hoặc như  giàn hoa giấy tại sân Nhà Sàn, nay sự phát triển của cây cũng già cỗi, cùng với sự tỉa cành nay không còn hình dạng của “Cánh con đại bàng” nữa.
Đặc biệt đối tượng khách tham quan đôi khi cũng tác động không nhỏ đến công tác bảo tồn các di tích. Khi lượng khách quá đông, việc bảo quản các tài liệu hiện vật cũng như bảo quản cảnh quan môi trưòng đều trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Vào các ngày lễ lớn trong năm lượng khách thăm quan tăng đột biến, các điểm dừng chân của khách bị ùn tắc. Mỗi lần như vậy các cán bộ bảo vệ phải chủ động yêu cầu khách tiếp tục di chuyển để tránh bị ùn tắc. Vì như vậy khách không thể đi theo hàng lối được nữa mà chen lấn dạt vào các hàng dâm bụt hai bên lố đi làm cho các lá cây bị cháy xém vì hơi người. Khu di tích đã phải sử dụng hệ thống lưới mắt cáo để ngăn, cách tiếp cận này.
Di tích "Đường mòn Hồ Chí Minh" bắt đầu từ di tích nhà H67 xuyên qua vườn cây cổ thụ đến Đình Hội Đồng ở phía cuối đưòng Xoài (nay là Văn phòng Chính phủ). Đây là con đường Bác Hồ thường đi luyện tập sức khỏe trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời Người, với ý định mong muốn đảm bảo sức khỏe vượt Trường Sơn vào thăm đồng bào miền Nam kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay con đường nằm trong khu vườn cây cổ thụ, nhưng không còn giữ được nguyên trạng như thời Bác Hồ vẫn thưòng đi, do vậy cần phải nghiên cứu bảo tồn di tích không bị thoái hoá và mất dần đi theo thời gian.
Ao cá là di tích đặc biệt, gắn với nhiều hoạt động, sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người sống và làm việc tại đây. Lượng nước cấp cho ao cá cũng quá ít so với lượng cá nuôi trong ao, mà nguồn nước cấp lại được đưa theo đường ống kín vì để đảm bảo cảnh quan di tích nên không đủ điều kiện khuyếch tán ô xy trong nước. Nếu môi trường ao nuôi đảm bảo và các biện pháp lưu giữ đàn cá thật tốt thì các loài cá trong ao cá Bác Hồ từ trước năm 1969 đến nay hầu hết đã hết tuổi thọ. Nhưng nền đáy ao trước đây có lớp bùn nhão và mùn bã hữu cơ lưu cữu nhiều năm của lá, hoa quả rụng từ cây cối ven bờ ao, chất thải từ cá và các nguồn khác làm ảnh hưởng đến môi trường ao cá. Lượng lá, hoa, quả rụng (ngoài số đã vớt được đưa ra khỏi ao) là nguồn phân bón ngoài ý muốn khiến Ao cá ngày càng giàu dinh dưỡng cho loài thực vật phù du phát triển, tiêu hao oxy trong ao, mặc dù ao cá có định kỳ thời gian cải tạo và hút bùn nhưng vẫn chưa giải quyết được lượng khí oxy cho đàn cá.
II. Công tác bảo tồn:
Theo thống kê 42 năm qua của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đón được 50 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Hàng năm Khu di tích có kế hoạch tu bổ, tôn tạo và nâng cấp hệ thống đường, sân bãi, để giảm bớt hiện tượng ùn tắc khi lượng khách tham quan quá đông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan, mà vẫn phải đảm bảo được nguyên tắc về bảo tồn di tích. Nhưng thời gian, điều kiện tự nhiên và con người đã ảnh hưởng không nhỏ tới di tích, do đó việc duy trì và tôn tạo cảnh quan Khu di tích được xem là vấn đề vô cùng quan trọng, do vậy cần phải nghiên cứu điều chỉnh, giải quyết hài hoà, hợp lý mối quan hệ giữa phát huy giá trị di tích, phục vụ khách tham quan di tích với nhiệm vụ bảo tồn di tích, bảo vệ cảnh quan môi trường Khu di tích.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được gìn giữ bảo quản ở các phương pháp bảo quản theo chế độ định kì ngắn hạn, dài hạn và chống xuống cấp các di tích. Nhưng một dự án tu bổ tổng thể di tích là giải pháp cần thiết mang lại hiệu quả lâu dài, nhằm hạn chế tối đa quá trình xuống cấp của môi trường cảnh quan di tích. Đồng thời đáp ứng được nhu cầu tham quan học tập ngày càng tăng của nhân dân và bạn bè quốc tế. Thời gian qua Khu Di tích đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đầu tư dự án tổng thể gồm các giai đoạn “Bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị tổng thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.
Khu di tích cũng đã mở những lớp học ngắn hạn và mời các giáo viên của trường Đại học Nông nghiệp I đến giảng dạy cho bộ phận chăm sóc vườn cây.
Việc duy trì các giống loài trong ao đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tiến hành định kỳ hàng năm. Các loài cá tại ao cá Bác Hồ đang được bảo tồn có nguồn gốc từ đàn cá của Bác đã nuôi trước năm 1969 và được tiếp nối thế hệ đàn cá con cháu. Đến nay thế hệ con cháu của đàn cá trong ao có nhiều lứa tuổi khác nhau.
Vườn cây đã được chăm sóc thường xuyên, nhưng chủ yếu mới chú ý tới việc gìn giữ môi trường cảnh quan sạch đẹp, chưa thực sự được chăm sóc theo nghiệp vụ kỹ thuật nên chưa đưa vườn cây được như mong muốn. Vì không chỉ là vườn cây, môi trường sinh thái mà còn liên quan tới cuộc sống, con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây chính là vấn đề đáng quan tâm nhất.
Di tích Nhà Sàn là điểm trung tâm của Khu Di tích. 54 năm qua chỉ duy trì bảo quản lâu dài di tích là chính, theo phương châm “hỏng đâu sửa đấy”, thay thế rất hạn chế (nếu không tuyệt đối cần thiết). Điều này được gọi là sự can thiệp tối thiểu nhất. Khí hậu, thời tiết đã tác động không nhỏ do nứơc mưa và nước ngầm ngấm vào đất gây nhiều bất lợi cho nền và móng công trình, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Với cấu tạo mặt nền, sàn bao gồm: lớp mặt, lớp chống thấm, lớp vữa đệm khi bị ẩm ướt, gạch và vữa dễ bị mủn theo thời gian do đó nước ngầm đã thẩm thấu lên phía trên bục bệ ngồi xung quanh tầng 1 Nhà Sàn. Vấn đề khó khăn ở đây là bảo tồn di tích ngoài trời với khí hậu và môi trường liên tục thay đổi. Nguy cơ cháy là rất cao bởi các chất liệu dễ bắt lửa và do con người (sự phá hoại, sự cẩu thả) cùng nhiều nguyên nhân khác. Để ngăn ngừa mối hiểm hoạ này cho tới nay Khu di tích đã đầu tư trang thiết bị hiện đại như: lắp đặt hệ thống camera, thiết bị báo cháy, chống cháy tự động, thành lập đội phòng cháy chữa cháy gồm các cán bộ ở các phòng, tập huấn cỏch sử dụng các phương tiện chữa cháy để có thể sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống cần thiết.
Việc chăm sóc và giữ gìn hệ thống cây xanh bên cạnh các công trình kiến trúc là rất cần thiết, cây xanh tạo cảnh quan thiên nhiên, tô điểm cho di tích, hòa quyện cùng nhau, tạo nên giá trị đặc biệt của di tích.
Bên cạnh đó quá trình phát triển kinh tế xã hội đương đại, quá trình đô thị hoá mạnh mẽ đang ảnh hưởng lớn đến tình trạng bảo tồn di tích, đặc biệt đối với những di tích hiện nay đang tồn tại và được sử dụng đúng với chức năng vốn có. Công tác bảo tồn, trùng tu, quản lý và khai thác di tích chưa đáp ứng được tình hình thực tế của di sản và các nhu cầu xã hội.
III. Một số đề xuất về công tác giữ gìn, bảo quản và tôn tạo môi trường cảnh quan di tích:
Để giữ được môi trường cảnh quan di tích đòi hỏi phải có đủ cơ sở vật chất cần thiết, có cán bộ chuyên môn cao làm nòng cốt để nghiên cứu thực hiện các qui trình kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sinh trưởng của từng loài cây, để khu vườn phát triển ngày càng tốt tương xứng với vai trò, vị thế của Khu Di tích.
Giải pháp về quy hoạch tu bổ, tôn tạo vườn cây xanh phải tuân thủ các nguyên tắc sau: Nguyên tắc cao nhất là bảo vệ được các giá trị bảo tàng của cây xanh với mức độ và khả năng cao nhất; Đảm bảo các yêu cầu sinh học của cây; Đảm bảo sự an toàn của kiến trúc; Đảm bảo các yêu cầu của thẩm mỹ; Đảm bảo các giá trị vĩnh cửu; Các tác động tiến hành từng bước tránh đột ngột.
Trước hết cần khôi phục lại hệ thống biển tên các loài cây trong vườn, đặc biệt là các cây trên tuyến đường tham quan và ao cá Mỗi cây di tích lại có bài học và ý nghĩa giáo dục riêng. Việc gắn các biển ghi rõ tên cây cựng nội dung lịch sử ngắn gọn sẽ đáp ứng được thông tin cho khách tham quan trong những ngày khách đông mà lại không có người hướng dẫn giới thiệu. Bằng trực giác, khách vẫn có thể nhìn, đọc và hiểu được giá trị ý nghĩa lịch sử của từng loại cây, điều đó sẽ giúp khách tham quan có thêm nhận thức về Khu di tích. Thực hiện được đáp ứng này chính là thực hiện chức năng bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích.
Bên cạnh đó, để bảo quản tốt đòi hỏi có sự dày công nghiên cứu và sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn, nghiên cứu, đề xuất giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn.
Mỗi cán bộ làm công tác bảo quản cần nắm vững kiến thức về bảo tàng, có quan sát tốt, lòng say mê, tính kiên nhẫn, “hiểu rõ” di tích mình đang bảo quản. Quá trình triển khai cần được tiến hành thận trọng từng bước.
Cần đi sâu, làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học bảo quản.
Cần chú ý đến các giải pháp tổng thể liên quan đến phát triển bền vững, thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
           
Tóm lại, bảo quản môi trường cảnh quan di tích là việc làm hết sức cần thiết, không chỉ làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho di tích mà còn là thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường sống ở nơi này như khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của nước ta mang lại nhiều thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn cho việc bảo quản môi trường cảnh quan di tích. Để Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã và mãi mãi là trung tâm giáo dục về tư tưởng cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi tầng lớp nhân dân thì công tác bảo tồn phải đi trước một bước làm cho cảnh quan môi trường mãi mãi xanh tươi không bị tác động bởi thời gian, khí hậu và con người và đáp ứng tốt hơn những yêu cầu do xã hội đặt ra.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)