slider
Phát triển kinh tế số

TẤM BƯU THIẾP IN HÌNH V.I.LÊNIN Ở PHÒNG LÀM VIỆC TẦNG 2 NHÀ SÀN

20 Tháng 07 Năm 2012 / 2593 lượt xem
Trần Thị Thuấn
                                                                   Phòng ST
-KK-TL
          Trong ngăn hộp đựng bút trên bàn làm việc tầng 2 ngôi nhà Sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có một tấm bưu thiếp in hình V.I.Lênin. Tấm bưu thiếp có số kiểm kê BTHCM 793/G.607 và đã được xây dựng hồ sơ khoa học. Qua nghiên cứu hồ sơ khoa học lưu tại kho tư liệu của Khu di tích Phủ Chủ tịch, chúng tôi xin thông tin tới bạn đọc nguồn gốc xuất xứ, nội dung lịch sử của tấm thiếp này như sau.
Tấm bưu thiếp hình chữ nhật, kích thước 11,9cm x 15,5cm. Mặt trước của tấm bưu thiếp có in hình V.I.Lênin như đang đứng diễn thuyết. Mặt sau của tấm thiếp có ghi lời đề tặng của người gửi viết bằng tiếng Nga. Nội dung lời đề tặng được dịch ra tiếng Việt như sau:
Đồng chí kính mến !
Xin gửi đồng chí hình ảnh yêu quí của Lênin bất tử nhân dịp 40 năm cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại và 12 năm nước Việt Nam giành được độc lập.
Xin chúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đạt nhiều thành tựu to lớn trong thực hiện kế hoạch trước thời hạn.
Chủ nghĩa Lênin muôn năm !
Dưới ngọn cờ của Chủ nghĩa Mác-Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản chúng ta sẽ tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản.
Nhân dân Việt Nam anh hùng–người xây dựng chủ nghĩa xã hội muôn năm. Nhân dân Xô-viết vĩ đại– người anh cả– người xây dựng chủ nghĩa cộng sản muôn năm!
Tình hữu nghị bền vững giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Xô-viết muôn năm!
Nguyên l Lêninnit về hòa bình, hợp tác giữa nhân dân của tất cả các nước muôn năm!
Hòa bình cho toàn thế giới muôn năm!
Con đường của chúng ta là con đường của chủ nghĩa cộng sản.
12 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giành được độc lập muôn năm !
Phía dưới tấm bưu thiếp đề: Nơi đến: Hà Nội, Việt Nam
Người nhận: Bí thư Đảng lao động Việt Nam
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa
Đồng chí Hồ Chí Minh.
 Người gửi: Khaxenép Iakốp Đavưđin công nhân sắp chữ, lão thành cách mạng 1905.
                     Địa chỉ: Phố Puskinskaja 23/24, Thành phố Kiep
Dấu bưu điện còn lưu lại trên tấm thiếp có ghi lại giờ, ngày gửi từ Liên Xô là: 17h ngày 27/9/1957.
Lời đề tặng trên bưu thiếp cho thấy đồng Khaxenép Iakốp Đavưđin là một chiến sĩ cách mạng trung kiên, luônđề cao chủ nghĩa Mác-Lênin trung thành với nguyên lý Lêninnit về hòa bình, hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc anh em. Đặc biệt ông rất tin tưởng dưới ngọn cờ của Chủ nghĩa Mác-Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản chúng ta sẽ tiến lên xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản.Những lời đề tặng còn thể hiện tình cảm đặc biệt sâu sắc của Khaxenép đối với Việt Nam,đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông cũng mong muốn sự nghiệp cách mạng của Việt Nam luôn đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Từ sau năm 1945, khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa hình thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam xây dựng và phát triển được mối quan hệ hợp tác hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Từ năm 1955 - 1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Qua đó Người đã tranh thủ được sự ủng hộ quý báu cả về tinh thần cũng như vật chất của các nước anh em đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược của nhân dân ta, đồng thời tập hợp được sự cổ vũ, đoàn kết của nhân dân trên thế giới.
Những lời chúc và thời gian tấm bưu thiếp gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm ở Việt Nam, đế quốc Mỹ và các lực lượng đối lập đang tìm mọi cách cô lập cách mạng Việt Nam, chia rẽ, phân hóa Việt Nam với các lực lượng tiến bộ, trước hếtlà với các nước xã hội chủ nghĩa. Trong hoàn cảnh như vậy, đất nước và nhân dân Việt Nam, với sự huy động cao độ mọi khả năng trong nước và sự giúp đỡ to lớn của các nước anh em, đã căn bản hoàn thành kế hoạch khôi phục kinh tế quốc dân (1955- 1957) và kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa, chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) trên toàn miền Bắc, tích cực chi viện cho miền Nam trong cuộc đấu tranh trực diện với đế quốc Mỹ và tay sai của chúng.
Từ dấu bưu điện của Liên Xô in trên mặt sau của tấm bưu thiếp có thể cho thấy thời gian lịch sử của tấm thiếp này. Vào thời gian đó giao thông đi lại còn nhiều khó khăn cho nên nếu dấu bưu điện để ngày 27-9-1957 thì nhanh nhất cũng phải trong tháng 10-1957 tấm thiếp mới đến Việt Nam và mới được đưa đến Văn phòng Phủ Chủ tịch.
Theo lời kể của các ông Lưu Quang Lập, Lê Hữu Lập, Trần Văn Vưng là các cán bộ công tác ở Văn phòng Phủ Chủ tịch([1])thì sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng ngày có rất nhiều loại bưu thiếp,thư từ được gửi đến Người, nhất là vào những dịp sinh nhật Người, ngày Quốc khánh Việt Nam hoặc các ngày lễ tết của dân tộc. Những tấm bưu thiếp, thư từ đó được gửi đến Văn phòng Phủ Thủ tướng, Văn phòng Phủ Thủ tướngphân loại rồi chuyển cho Văn phòng Phủ Chủ tịch, các ông nhận về, phân loại một lần nữa, mangđi kiểm tra an ninh rồi báo cáo đồng chí Vũ Kỳ – Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đồng chí trực tiếp trình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong rất nhiều những tấm bưu thiếp như vậy gửi đến nhân dịp kỉ niệm 40 năm Cách Mạng tháng Mười, 12 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa giành được độc lập, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giữ lại tấm bưu thiếp có in hình ảnh V.I.Lênin của chiến sĩ cách mạng lão thành – K.I.Đavưđin. Điều đó thể hiện tình cảm đặc biệt của Người đối với V.I.Lênin, thể hiện lòng kính trọng biết ơn sâu sắc của Người đối với người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Lênin, học tập, nghiên cứu học thuyết của Lênin để vận dụng vào Cách mạng Việt Nam,lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và tiến lên cùng thời đại mới, thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bắt đầu từ cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga do Lênin lãnh đạo.
Dấu ấn sâu đậm trên hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là khi Người được tiếp xúc với học thuyết của Lênin về vấn đề giải phóng thuộc địa từ những năm 20 của thế kỉ XX.Ngay từ đấy Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã có nhiều tác phẩm viết về Lênin và cuộc cách mạng tháng Mười Nga, ca ngợi thiên tài và tấm gương đạo đức cách mạng cao cả của Lênin. Tin tưởng và đi theo con đường cách mạng do Lênin lãnh đạo, Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã ủng hộ quốc tế III do Lênin thành lập. Đồng thời ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.
Khi hoạt động trong phong trào các dân tộc bị áp bức và phong trào công nhân, tháng 7-1920 Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh được đọc luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanite’) của Đảng Xã hội Pháp, Người đã vui mừng đến phát khóc. Ngồi một mình mà Người đã nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Văn kiện lịch sử ấy của Lê-nin đã tạo ra bước chuyển căn bản của Người - chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi và mở đầu một chuyển biến thực sự trong lịch sử tư tưởng cách mạng nước ta - “hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo quốc tế thứ ba” để đến cuối năm 1920, tại Đại hội Tua của Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập Đảng cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên.)
Hướng về Lênin – lãnh tụ của cách mạng tháng Mười Nga, từ cuối năm 1923 đầu năm 1924 Nguyễn Ái Quốc bí mật đến Liên Xô nhưng Người đã không kịp gặp V.I.Lênin. Ngay sau khi Lênin từ trần Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Lênin và các dân tộc thuộc địa” đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 27-1-1924 với những dòng vô cùng xúc động: ”Khi còn sống Người là cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội”. Trong những năm tháng học tập, hoạt động, nghiên cứu trên đất nước Xô Viết, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã viết nhiều tác phẩm xuất sắc về Lênin và cuộc cách mạng tháng Mười. Đặc biệt vào năm 1927, Hồ Chí Minh đã cho xuất bản cuốn sách Đường cách mệnh làm tài liệu huấn luyện cán bộ để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Người đã chỉ rõ: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi” và “Đảng có vững cách mạng mới thành công, ngày nay học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng cách mạng nhất, chân chính nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin... Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, nước nhà độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết nhiều tác phẩm về Lênin để giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân ta luôn ghi nhớ công ơn và học tập, vận dụng học thuyết cách mạng của Mác, Ănghen,Lênin, học tập kinh nghiệm của nhân dân Xô Viết trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người luôn mong muốn và giáo dục Đảng và toàn dân chăm lo xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam thật sự là một đảng Mác – Lênin chân chính. Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phấn đấu hy sinh vì lợi ích của nhân dân, mà Lênin là tấm gương tiêu biểu để Đảng xứng đáng là “trí tuệ, lương tâm, danh dự” của dân tộc và thời đại, được nhân dân tin yêu... Thống kê theo “Hồ Chí Minh toàn tập” Chủ tịch Hồ Chí Minh có tới 82 bài nói và viết về V.I.Lênin, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người đến việc này. Trong nơi ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ lưu giữ gần 100 cuốn sách kinh điển của V.I.Lênin in bằng tiếng Pháp là chủ yếu, ngoài ra còn sách tiếng Trung,tiếng Việt, tiếng Nga (Nội dung các cuốn sách này viết về Đảng Cộng sản Liên Xô do Lênin sáng lập, về Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười do Lênin lãnh đạo...) mà còn lưu giữ nhiều hiện vật có hình ảnh V.I.Lênin. Ngoài tấm bưu thiếp in hình Lênin như đã nêu trên còn có phù điêu Lênin ở nhà sàn, bức tượng đứng Lênin, bức tranh Lênin ở nhà 54; bức phù điêu Lênin hình tròn, bức tượng đứng Lênin ở nhà BK1.
Hiện nay, để giữ gìn lâu dài các tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có liên quan đến Người, nhiều hiện vật gốc trong đó có tấm bưu thiếp in hình Lênin đã được đưa vào bảo quản tại kho cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh. Thay vào vị trí vốn có của nó là tấm bưu thiếp làm lại khoa học chính xác để phục vụ công tác tuyên truyền phát huy giáo dục về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về Khu di tích Phủ Chủ tịch.


(1)Kể ngày 19-5-2006

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)