slider

THANH NIÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH LÀ HƯỞNG ỨNG “NĂM THANH NIÊN” CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐOÀN

01 Tháng 09 Năm 2011 / 16518 lượt xem
Lê Thị Cẩm Tú
Phòng Hành chính- Tổng hợp
 
          Ban Bí thư TW Đoàn đồng ý năm 2011 là “Năm thanh niên”, với mục tiêu “phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích, sáng tạo, tinh thần tự nguyện của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác thanh niên; đầu tư tập trung hơn cho công tác bồi dưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế…”(i) là động lực, nguồn cổ vũ lớn đối với thế trẻ Việt Nam nói chung. Việc thanh niên ra sức rèn luyện học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh cũng là một phần quan trọng để hưởng ứng “Năm thanh niên” của Ban Bí thư TW Đoàn.
    Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, Hồ Chí Minh chú trọng đến giáo dục những phẩm chất cao quý: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; những tác phong đẹp đẽ như: Khiêm tốn, giản dị, có tinh thần lao động, siêng năng, gan dạ, táo bạo, là đạo đức “trung thanh, thật thà, chính trực” trong đời sống và công việc, kiên quyết chống lãng phí trong sản xuất và trong tiêu dùng…
          Trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết “Đoàn viên thanh niên chúng ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có trí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”(ii). Muốn thế hệ trẻ của chúng ta trở thành những người kế thừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”, thì công tác giáo dục phải tiến hành một cách toàn diện như lời Bác dạy: “Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kinh tế, lao động và sản xuất”(iii), Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục bồi dưỡng cho thể hệ trẻ phải chú ý đến cả hai yếu tố đạo đức và tài năng, trong đó lấy đạo đức làm gốc. Vấn đề quan trọng đặt lên hàng đầu của đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân.
        Đoàn thanh niên Khu Di tích tham dự Hội trại "Thanh niên làm theo lời Bác" (3/2011)  Nguyện vọng tha thiết của thế hệ trẻ là mong muốn học tập và rèn luyện theo tấm gương của Hồ Chí Minh để trở thành những người kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của Bác và của Đảng ta. Mỗi đoàn viên thanh niên cần xây dựng một đề cương, một lộ trình rõ ràng để căn cứ vào đó rèn luyện, phấn đấu vươn lên đứng trong hàng ngũ của Đảng. Thanh niên phấn đấu vào Đảng luôn trả lời câu hỏi: Vào Đảng để làm gì? Vì sao phải vào Đảng?...Mỗi đoàn viên thanh niên luôn ý thức trách nhiệm là chủ tương lai nước nhà “Luôn trau dồi đạo đức cách mạng, kiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa. Thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh đề giúp đỡ nhau tiến bộ”.(iv)
          Cùng với giáo dục đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục cho thế hệ trẻ lý tưởng cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đó cũng là đích đến của cách mạng Việt Nam. Những nội dung này luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.
          Thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng xã hôi chủ nghĩa và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội - Đó là phương hướng duy nhất để củng cố vững bền nền độc lập của dân tộc, đảm bảo cho mọi người có cuộc sống ngày càng ấm no, tự do và hạnh phúc. Đây là lý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi tiếp thu chân lý khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Người cho rằng, thực tiễn đấu tranh cách mạng là trường học giáo dục lý tưởng tốt nhất cho thế hệ trẻ.
          Bác từng dạy thanh niên:
                                      Không có việc gì khó
                                      Chỉ sợ lòng không bền
                                      Đào núi là lấp biển
                                      Quyết chí ắt làm nên!
          Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng ở thanh niên và khơi dậy những đức tính tốt đẹp, những khả năng tiềm ẩn “Đào núi và lấp biển” của thanh niên.
          Do đó, thanh niên coi lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mục tiêu là cho nhân dân cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sống trong xã hội công bằng, dân chủ và văn minh là mục tiêu của chính các thế hệ thanh niên Việt Nam.
          Trong giai đoạn mới, với bối cảnh toàn cầu hoá về kinh tế, sự phát triển của kinh tế tri thức, thanh niên là lực lượng xã hội hùng hậu, có sức khoẻ, có trình độ học vấn, có tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại thì “Thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, là nguồn nhân lực quyết định thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”[v].
          Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo nâng cao trình độ văn hoá, khoa học kỹ thuật và nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Theo quan điểm của Người, học tập góp phần nâng cao trình độ dân trí, sử dụng các kiến thức đã học góp phần chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn và dạy bảo thế hệ thanh niên “Phải ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc và nhân dân”(vi).
Ngày nay, thanh niên rất tích cực tham gia các phong trào: “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”… mà Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh kết hợp với các tổ chức xã hội phát động. Từ những phong trào này, thanh niên trưởng thành về mọi mặt: Trình độ văn hoá, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng tiếp cận với khoa học công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất. Qua đó khơi dậy những tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, tạo môi trường để thanh niên đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giáo dục cho thanh niên hiểu không chỉ có mục đích cao đẹp cuối cùng mà còn cả mục tiêu hiện thực trước mắt. Nếu chỉ thấy mục tiêu trước mặt mà không thấy mục đích cuối cùng thì trở thành thiển cận, chỉ để thoả mãn những gì đã đạt được, để dừng lại nửa chừng. Nhưng nếu chỉ thấy mục đích cuối cùng, mà không biết giành thắng lợi từng bước cho những mục tiêu trước mặt thì mục đích cuối cùng chắc không thể đạt được. Chúng ta không thể tiến ngay đến CNXH với tất cả sự hoàn thiện của một xã hội tốt đẹp mà phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều chặng đường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nêu phương châm chung cho học tập lý luận Mác-Lênin “Chúng ta phải nâng cao tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin mà tổng kết kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam định ra những đường lối phương châm bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta” và “Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập cái tinh thần xử lý mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình, là học tập chân lý phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của đất nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”(vii).
Đối với thanh niên đang sống trong một thế giới có nhiều biến động và nhiều cám giỗ thì việc tự trang bị cho mình kiến thức về thế giới quan duy vật khoa học và phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin, về nhân sinh quan cách mạng, những hiểu biết đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết.
Khi đã thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh thì mỗi đoàn viên thanh niên Khu Di tích đã không ngừng vận dụng vào hoạt động thực tiễn của cơ quan cũng như trong cuộc sống hàng ngay:
1. Không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đoàn viên thanh niên vào sự lãnh đạo của Đảng. Quán triệt sự lãnh đạo và chỉ đạo của cấp uỷ cơ quan để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ đư­ợc giao. Nghiêm chỉnh chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tổ chức và điều hành chính quyền.  Mỗi đoàn viên trong Chi đoàn luôn có ý thức trau dồi tư tưởng, đạo đức, nhiệm vụ chính trị và truyền thống cách mạng. Trong ý thức và hành động luôn học và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền bá tư tưởng và đạo đức của Người đến với đông đảo đồng bào trong nước và bè bạn thế giới… Luôn kiên định và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn để rèn luyện và phấn đấu xứng đáng là những đoàn viên, thanh niên gương mẫu.
2. Tích cực và chủ động liên hệ vớt các đơn vị, tập thể đặc biệt là đoàn viên thanh niên khối các trường học thường xuyên đến tham quan học tập và sinh hoạt chính trị tại Khu Di tích. Qua đã chi đoàn tạo điều kiện tuyên truyền về tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiết thực đóng góp vào việc tiếp tục đẩy sâu rộng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”... Nhân dịp Kỷ niệm 79 năm thành lập ĐTNCS Hồ Chí Minh và hưởng ứng hoạt động Tháng Thanh niên, Chi đoàn đã phối hợp với các Chi đoàn Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Cách mạng, Trung đoàn 375 Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức cho gần 200 đoàn viên tham gia sinh hoạt chính trị với chuyên đề: “Thanh niên học tập và làm theo lời Bác”. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Ban thường vụ Đoàn Bộ về việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người, chi đoàn đã đón gần 30 đơn vị cơ sở đoàn Bộ với tổng số hơn 300 đoàn viên đến sinh hoạt chính trị, tham quan, học tập và tìm hiểu về tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Người đồng thời qua đây đoàn viên thanh niên Khu Di tích được chia sẻ nhiệm vụ của mình, tạo sự gần gũi, gắn kết, liên hệ trong nhiều lĩnh vực công việc với các chi đoàn bạn để củng cố đơn vị, làm nên khối TN Bộ VHTT&DL đoàn kết, vững mạnh.
Đoàn Thanh niên đã tham gia Hội diễn Ca múa nhạc không chuyên lần thứ nhất Khối Di sản văn hóa cơ sở và đạt 01giải 3; 01 giải khuyến khích.
Thiết thực kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà nội, Chi đoàn đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức tọa đàm “Tuổi trẻ Sông Hồng làm theo lời Bác” qua đó nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
3. Phát huy được vai trò tự học của mỗi đoàn viên thanh niên. Đoàn viên tiếp tục học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền đặc biệt là ngoại ngữ và tin học. Đến nay, Chi đoàn đã có 5 đoàn viên có trình độ thạc sỹ, 1 đoàn viên đang theo học chương trình cao học.
4. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, củng cố tổ chức đoàn năng động, vững mạnh. Ngày càng nhiều đoàn viên được kết nạp Đảng.
5. Tham gia và hoàn thành tốt việc tổ chức và hư­ớng dẫn hoạt động cho các cháu thiếu niên nhi đồng trong các ngày lễ của các em. Đoàn Thanh niên Khu Di tích đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức cho các em là con cán bộ Khu Di tích đi xem biểu diễn nghệ thuật nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/2010 và Tết Trung thu; Phối hợp với Đoàn Thanh niên trường Cao đẳng Du lịch, thực hiện thành công chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2010. Mỗi đoàn viên trong chi đoàn đã góp 1 chiếc áo mới để làm quà tặng cho các em thiếu nhi nghèo tại xã Đức Long, huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng; Phối hợp với Đoàn Thanh niên Khối Doanh nghiệp TƯ, BCH Đoàn Tổng Công ty Thép, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam tổ chức các buổi Lễ Tuyên dương các em học sinh giỏi là cháu ngoan Bác Hồ năm học 2009 - 2010
6. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong cơ quan nhằm tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên đư­ợc phát triển toàn diện, đẩy mạnh bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường lành mạnh trong và ngoài cơ quan.
Tóm lại, thanh niên luôn phấn đấu rèn luyện theo phẩm chất đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là đội dự bị của Đảng, đồng thời cũng để khẳng định vai trò làm chủ của thanh niên đối với trọng trách mà Đảng và Nhà nước giao cho và cùng giúp sức vào xây dựng một nước nhà tốt đẹp - Một Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh.


(i) Thông báo số 380 TB/TW ngày 23 tháng 9 năm 2010 của Ban Chấp hành TW về kế luận của Ban Bí thư về năm Thanh niên 2011.
(ii) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, t.12, t.510.
(iii)] Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, t.10, tr.190.
(iv) Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, NXB Thanh niên, T1, tr. 376
(v) Văn kiên Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.
(vi) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, T.11, tr 505.
(vii) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H. 1995, t.1, tr. 292.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)