slider
Phát triển kinh tế số

THANH NIÊN HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ VỀ THI ĐUA YÊU NƯỚC

20 Tháng 07 Năm 2012 / 6835 lượt xem
                                                                                               Mai Lệ Huyền
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đoàn đại biểu thanh niên được bầu vào Quốc hội khóa III tại PCT, tháng 6/1964Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc để kêu gọi toàn dân kháng chiến, kiến quốc. Kể từ đó, Người thường xuyên theo dõi động viên, khuyến khích, gửi thư, tặng quà cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu. Được sự động viên, quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý thức và phong trào thi đua đã lan rộng cả nước, mỗi địa phương, mỗi ngành nghề đã có nhiều thành tích cùng những anh hùng, chiến sỹ thi đua và những tập thể lao động tiên tiến.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “thi đua” và “ái quốc” luôn đi liền, gắn liền với nhau, bởi vậy Người kêu gọi: “Thi đua ái quốc” chứ không kêu gọi thi đua chung chung. Ngay từ buổi đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mục đích của thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm” với mục đích cuối cùng là thực hiện Độc lập dân tộc- Dân quyền tự do- Dân sinh hạnh phúc, nên mỗi người dân Việt Nam phải trở nên một chiến sĩ, ai cũng thi đua, cũng kháng chiến kiến quốc.
Thanh niên chính là lực lượng được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, giáo dục, bồi dưỡng và rèn luyện thường xuyên, đặc biệt là thanh niên với phong trào thi đua yêu nước. Tháng 3/1951, Bác Hồ đã đến thăm một phân đội thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ tại Nà Cù, Bắc Kạn và tặng anh chị em bốn câu thơ: “Không có việc gì khó- Chỉ sợ lòng không bền- Đào núi và lấp biển- Quyết chí ắt làm nên”(1). Nhấn mạnh về tinh thần tiên phong và thanh niên thi đua, ngày 1/8/1951, trong một bức thư Người viết: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua làm cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi... Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: gia tăng sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới). Vì vậy, thật thà tự phê bình và thân ái phê bình là một lực lượng để đẩy mạnh thi đua… Người cũng chỉ rõ: “Tôi luôn luôn nói đến thanh niên vì trong mọi công việc thanh niên ta luôn hăng hái xung phong…” Và vì phong trào thi đua yêu nước làm nảy nở nhiều thanh niên tích cực, tiên tiến ở các ngành nghề. Đó là điều kiện thuận lợi giúp cho Đoàn phát triển mạnh mẽ và vững chắc...”. Trong Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 5 năm 1952 để tổng kết kinh nghiệm sản xuất, chiến đấu được phát động từ năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ chăm lo nội dung công tác mà còn chăm sóc giấc từng bữa ăn của các đại biểu. Người thường ghé qua nhà ăn bàn với anh chị em phục vụ tăng thêm rau, cải tiến cách chế biến món ăn sao cho hợp khẩu vị để các đại biểu ăn hết khẩu phần. Người còn nhắc các đại biểu sau khi ăn xong thu dọn bát đĩa gọn gàng giúp anh chị nuôi đỡ vất vả. Bác căn dặn các đại biểu: “Các anh hùng, chiến sĩ thi đua cần nhận rõ rằng: Thành tích là thành tích chung của tập thể. Tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được gì. Cho nên càng có thành tích thì càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn”(2). Tại Đại hội lần này, Bác Hồ đã trực tiếp gặp một thanh niên công giáo trong đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình để giao nhiệm vụ hoạt động bí mật trong lòng địch. Người thanh niên đó chính là Vũ Ngọc Nhạ, người sau này đã trở thành cố vấn của hai đời Tổng thống nguỵ quyền, lập nên kỳ tích của ngành tình báo Việt Nam. Kết luận Đại hội, Người khẳng định: “Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới, là cải tạo con người. Đẩy mạnh phong trào thi đua nhằm thực hiện khẩu hiệu: Người người thi đua- Ngành ngành thi đua- Ta nhất định thắng- Địch nhất định thua”(3).
Ngày 15/10/1956, tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bác nhắc nhở trách nhiệm của tuổi trẻ với phong trào thi đua yêu nước: “... Là người chủ tương lai của nước nhà, thanh niên phải thi đua hết sức vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh...”(4). Nói chuyện với thanh niên quân đội ở nông trường quân đội An Khánh ngày 10/1/1959, Bác cũng căn dặn: Nông trường quân đội cũng như nông trường quốc doanh phải đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, phải thi đua làm gương mẫu cho nhân dân và giúp đỡ nhân dân...”(5).Ngày 17/3/1960, tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa toàn miền Bắc, Bác phát biểu: Phong trào thi đua tham gia sản xuất nâng cao thực hành tiết kiệm cần phải đều đặn, liên tục và rộng khắp trong thanh niên...”(6). Ngày 24/3/1961, Bác nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam: Đoàn viên thanh niên cần làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, phải thực hiện khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”(7).
Sau 20 năm xây dựng đất nước độc lập, tự do, thời kỳ đủ cho một thế hệ thanh niên mới trưởng thành và lớn mạnh, vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư động viên thanh niên: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng. Đồng thời Bác căn dặn thanh niên 5 điều, nhưng đáng lưu ý và nhấn mạnh ở điều dạy thứ nhất: ...Không sợ gian khổ, hy sinh, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, anh dũng phấn đấu xung phong đi đầu trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”(8). Ngày 12/1/1967, tại Đại hội thi đua các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, Bác tỏ ý hài lòng: “Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước vừa rồi, chúng ta có 45 đơn vị anh hùng, 111 anh hùng trong đó có 44 anh hùng là thanh niên, trong đó có 12 chiến sĩ là gái. Thế là thanh niên ta ngày nay có nhiều anh hùng, thanh niên gái cũng rất anh hùng…”(9). Ngày 27/1/1969, trong bức thư cuối cùng đề cập tới phong trào thanh niên thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen đội thanh niên xung phong 333 và toàn thể thanh niên xung phong cả nước: “Tất cả các cháu Thanh niên xung phong đang hăng hái thi đua trên khắp mọi miền đất nước. Bác cũng khen ngợi và cám ơn đồng bào các địa phương đã thương yêu, giúp đỡ các cháu…”(10).
Để hưởng ứng phong trào trào thi đua yêu nước, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đông đảo cán bộ và thanh niên trên khắp mọi miền Tổ quốc đã nỗ lực và ra sức phấn đấu thi đua lập nhiều thành tích để góp phần đưa phong trào đi đến những thắng lợi mới. Nhớ lời Bác dạy và học tập tấm gương anh hùng, chiến sĩ qua nhiều thế hệ, thanh niên Việt Nam hôm nay luôn phấn đấu vươn lên, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thanh niên đang xung kích, đi đầu trên mọi mặt trận, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với những phong trào có sức lay động và quy tụ lòng người như: “3 sẵn sàng”, “5 xung phong”, “Thanh niên lao động sáng tạo”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”,…Các phong trào hành động cách mạng do tổ chức Đoàn phát động đã tạo ra môi trường thuận lợi để đoàn viên thanh niên có điều kiện rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Những năm gần đây với phong trào hành động cách mạng “5 xung kích, 4 đồng hành” được tuổi trẻ cả nước và đặc biệt tuổi trẻ ngành văn hoá thực hiện sôi nổi và hiệu quả, gần 100 công trình thanh niên, thu hút gần 10.000 đoàn viên thanh niên tham gia chủ yếu là các công trình thanh niên phát huy khả năng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, các hội thi tuyên truyền viên, hội tình nguyện… Nổi bật là hoạt động tình nguyện vì cộng đồng như: “Hiến máu nhân đạo”, vận động về “Sinh đẻ có kế hoạch”, về vấn đề “ăn, ở, đi lại vệ sinh sạch sẽ”…
Những kết quả đóng góp cho thành công chung của thanh niên với phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” nói chung và phong trào thanh niên tình nguyện nói riêng đã góp phần khẳng định tính xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp để đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong công cuộc đổi mới, phong trào thi đua đã phát triển mạnh với nhiều nội dung mới, hình thức phong phú, cách làm đa dạng. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (5/1952 – 5/2012), tuổi trẻ Việt Nam ôn lại những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu, càng thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, phong trào học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước trong mọi tầng lớp nhân dân và đặc biệt đối với thanh niên vẫn luôn đồng hành trong cuộc sống. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ đẹp của một cá nhân, tập thể sẽ góp phần tăng thêm giá trị cuộc sống, giúp ta thêm yêu quý và tự hào về quê hương đất nước mình- niềm tự hào mà nhiều dân tộc và nhiều quốc gia trên thế giới này vẫn còn đang ước mơ.
Anh: Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh với các đại biểu thanh niên mới được bầu vào Quốc hội khóa III  tại Phủ Chủ tịch, tháng 6/1964
 Chú thích:
1, Hồ Chí Minh- Biên niên tiểu sử. T5 Nxb. CTQG 2007, tr 31
2, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.6, tr.469
3, Hồ Chí Minh- Biên Niên TS. T5 Nxb CTQG 2007, tr 198
4, Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 55 năm ngày Truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Uỷ ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, 2011.
5, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.303
6, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.107
7, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.306
8, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.11, tr.505
9, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, t.12, tr.200
10, Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, t.12, tr.435

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 20,108,302

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)