slider

Thế giới hát về Người

22 Tháng 05 Năm 2020 / 1089 lượt xem

ThS. Phan Thị Hoài

Phòng Tuyên truyền, Giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức của Người là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sỹ sáng tác. Rất nhiều nhạc sỹ trên thế giới đã viết nên những ca khúc chứa chan cảm xúc về Người. Đó là các ca khúc được cất lên từ trái tim của những người nhạc sỹ không chỉ trở thành di sản tinh thần vô giá của kho tàng âm nhạc, có sức sống bền lâu trong lòng người yêu nhạc mà còn cho thấy sức mạnh lan tỏa khát vọng tự do, hòa bình của Người trên toàn thế giới.

Một trong những ca khúc đầu tiên viết về Người là bài “Bài ca Hồ Chí Minh” (The Ballad of Ho Chi Minh) của nhạc sỹ người Anh Ewan MacColl. Năm 1954, Việt Nam làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Vào đêm nghe tin Pháp đã để mất quyền kiểm soát Điện Biên Phủ (07/5/1954), Ewan MacColl đã nói với những người bạn của mình: “...Tại sao chiến thắng đặc biệt có ý nghĩa này lại xảy ra ở Việt Nam mà không phải ở một mảnh đất thuộc địa nào khác? Gần đây, tôi đã được đọc một cuốn sách quý, gồm nhiều bài viết của một số giáo sư sử học phương Đông, Pháp và Italia... ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Đó là Cụ Hồ Chí Minh, nhà lãnh tụ vừa dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng kiệt xuất Điện Biên Phủ...”. Gấp cuốn sách lại, lập tức những cảm hứng nghệ thuật đã tràn ngập tâm hồn Ewan MacColl, giúp ông nhanh chóng viết nên khúc ca về Hồ Chí Minh, người đang nhen lên ngọn lửa giải phóng bừng sáng ở Việt Nam và từ đây sẽ lan nhanh tới mọi lục địa để thiêu cháy mọi áp bức, bất công.

Bài hát ngắn gọn chỉ có 20 nhịp, chia làm 9 ca từ nhỏ, được hát cùng một giai điệu. Đoạn đầu một người hát như kể chuyện, sang đoạn kết (câu kết) Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! - tất cả mọi người cùng hát - giống như một số điệu hò Việt Nam. Nhịp điệu bài hát chính là làn điệu dân ca cổ Saxon quê hương nhạc sỹ đã nói lên tình cảm của người dân nước Anh dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bài hát là lời ngợi ca “vầng ánh dương” Hồ Chí Minh, người “từ chân lý sinh ra vì hòa bình”. Bài hát là một câu chuyện kể bằng âm nhạc đưa người nghe ngược dòng quá khứ. Trong đó, nhạc sĩ đặc biệt “khai thác” vai trò của lãnh tụ đối với lịch sử và vận mệnh dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ vào những năm đầu thế kỷ XX, khi đất nước còn đang trong vòng nô lệ, Hồ Chí Minh chỉ là một chàng thanh niên 21 tuổi, nhưng đã sớm nhận thức được những vấn đề lớn lao và bức thiết của dân tộc mình. Và rồi từ một làng nhỏ ở miền Trung Việt Nam, Người đã rời mái nhà tranh, rời cánh đồng gió Lào cát trắng, xuống một con tàu ở bến nhà Rồng, bước ra thế giới. Với giai điệu nhanh, xốc của dân ca cổ Saxon, nước Anh, nhạc sĩ Ewan MacColl đã tái hiện hình ảnh vị Chủ tịch có ý chí kiên cường, quyết vượt mọi chông gai để đưa dân tộc thoát khỏi xiềng xích gông cùm: “Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời/Ở nơi xa đó, người dân đói nghèo/Từ đau thương người đi khắp năm châu/Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi/Rọi chiếu sáng dân mình/ Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!/Vượt trùng sóng người đi khắp phương trời/Luyện tôi ý chí lòng nuôi căm hờn/Hồ Chí Minh, Người đi khắp năm châu/Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi/Rọi chiếu sáng dân mình/Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”

Trong đêm khai mạc Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh tại La Habana năm 1967, Ewan MacColl đã biểu diễn bài hát này cùng nữ nghệ sỹ Peggy Seeger, người bạn đời của ông. Âm thanh bài hát như dẫn dắt người nghe đi vào những tâm sự thiêng liêng khiến cả khán phòng như lắng đọng. Mỗi khi Ewan MacColl hát xong một đoạn, mọi người lại hô vang: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!” đầy phấn khích. Khi bài hát vừa dứt, hàng vạn người nghe đã đứng dậy vỗ tay như sấm đề nghị biểu diễn lại cùng những tiếng hô vang dội “Hồ Chí Minh - Hôxê Macti, Tổ quốc hay là chết”. Đại hội kết thúc thắng lợi, giữa hàng quân nhạc hòa tấu bài hát Giải phóng miền Nam, vợ chồngEwan Maccoll chạy như bay trên đường băng sân bay La Habana tới ôm chầm lấy các nghệ sỹ đoàn Việt Nam và trao tận tay bản nhạc Bài ca Hồ Chí Minh, ngoài bìa có ghi mấy câu thơ:

“Trên đời có những vật/không thể thay đổi/Có những con chim/không khuất phục bao giờ/Có những tên người/sống mãi với thời gian - Hồ Chí Minh”.

Cũng từ Đại hội này, “Bài ca Hồ Chí Minh” nhanh chóng được phổ biến ở Việt Nam, cũng như trong lực lượng phản chiến ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Nga, Đức, Nhật, Cu Ba... Ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” đã vang lên ở nhiều nước, vào thời điểm Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đã có ý nghĩa quan trọng để góp phần kêu gọi nhân dân tiến bộ khắp thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đặc biệt, “Bài ca Hồ Chí Minh” đã được các nghệ sĩ yêu hòa bình của Mỹ đón nhận như một vũ khí tinh thần để tố cáo hành động xâm lược của Mỹ với Việt Nam. Trong lá thư gửi sang nước Anh cảm ơn tác giả ca khúc, nhóm ba nghệ sĩ của Peter Seeger đã viết: “Mỗi khi chúng tôi hát trước những người nghe không cùng chính kiến, tôn giáo, chủng tộc, ở mọi nơi, mọi lúc, bao giờ “Bài ca Hồ Chí Minh” cũng có sức thuyết phục lạ lùng. Bởi vì Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm quang vinh cho nhiều người. Ca ngợi Việt Nam là ca ngợi chính mình. Bài ca được in thành bản nhạc bướm phổ biến nhiều nơi ở Mỹ, kêu gọi lực lượng phản chiến cùng hành động với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi biết nói sao để bạn rõ, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân tiến bộ Mỹ quan trọng đến nhường nào”.

Chính mạch cảm xúc này đã thôi thúc nhạc sỹ người Mỹ Peter Seeger- người phản chiến tích cực nhất trong thời điểm chiến tranh Việt Nam sáng tác ca khúc “Bác Hồ - thầy giáo” (Teacher Uncle Ho). Cũng sử dụng tiết tấu nhanh, tươi vui, nhạc sĩ đã khắc họa hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đại diện cho tất cả những người yêu hòa bình và phản đối chiến tranh. Bài hát ra đời vào năm 1970 đã nhận được phản hồi tích cực từ người dân toàn cầu, đặc biệt là nước Mỹ và những người yêu hòa bình ở Mỹ:

“Người nói với toàn dân

Và cho cả thế giới biết rằng:

Khi một người vì quê hương chiến đấu

Sức mạnh của anh sẽ nhân gấp trăm lần

Bài học đó nếu chúng ta học được

Sẽ là điều tuyệt vời

Vẫn có thể bất đồng

Nhưng sẽ chẳng bao giờ cần dùng súng đạn.

Và nếu như những người lính ở khắp mọi nơi

cất lên tiếng nói:

“Không, Không

chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đi đánh đấm”.

Thì, Tôi sẽ phải thưa với mọi người

bằng cách của riêng tôi

Rằng chúng ta đã nhận ra sức mạnh nhân dân

từ những bài học của Thầy giáo - Bác Hồ!”

Tình yêu bao la, nhân cách vĩ đại của Hồ Chí Minh đã “vượt biên” ra ngoài, đến với bạn bè quốc tế và để lại nhiều tình thương mến trong lòng tất cả mọi người. Người như một ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam, là ngôi sao sáng dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là những nơi Người đã từng đặt chân qua, dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu như biểu tượng về một lãnh tụ kiệt xuất của thế giới trong thế kỷ 20.

Khi nhắc đến những ca khúc nổi tiếng ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh không thể không nhắc đến ca khúc “Quyền được sống trong hòa bình” (El Derecho de Vivir en Paz) của nhạc sỹ người Chi Lê, Victor Jara (1959-1973). Ông được biết tới như là một nhà hoạt động chính trị không mệt mỏi, dùng lời ca, tiếng hát của mình để đấu tranh chống lại sự bất công của chế độ tư bản và cuộc sống bị đầy đọa của những người lao động. Gần bốn thập kỷ sau khi bị sát hại, Victor Jara vẫn là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì sự công bằng xã hội tại Chi Lê. Ông đã đi vào tâm trí hàng triệu người Việt Nam qua cuộc đời bất hủ và qua bài hát nổi tiếng “Quyền được sống trong hòa bình” trong đó ông ca ngợi Hồ Chí Minh và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống quân xâm lược bạo tàn. Giá trị cốt lõi của ca khúc này chính là công lý, là lý tưởng đấu tranh cho hòa bình và tự do. Giống như một bài thánh ca, lời của bài hát không dài, nhưng lại chứa trọn tình cảm tốt đẹp nhất của người viết:

Đó là cuộc đời nhà thơ Hồ Chí Minh

Cuộc chiến ở Việt Nam đã chấn động toàn nhân loại

Nhưng không họng súng nào có thể chôn vùi những thân lúa vươn lên

Hồ Chí Minh - Người là bài ca của chúng ta

Là ngọn lửa tình yêu thuần khiết

Là ngôi nhà của bầy chim câu

Là những lùm cây oliu đang trĩu quả

Là lời ca vang trên khắp thế gian này

Là điệp khúc ngợi ca

Quyền được sống trong hòa bình”

Về hoàn cảnh ra đời bài hát, nhà nghiên cứu lịch sử Văn Tùng đã kể lại rằng: tháng 8/1969 ông là thành viên trong đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam sang tham dự “Gặp gỡ thanh niên - sinh viên thế giới” tại Helsinki, Phần Lan. 2giờ 30 phút đêm của một ngày trung tuần tháng 8/1969 ngay khi vừa đặt chân tới sân bay Helsinki, Văn Tùng được đưa thẳng đến một khu ký túc xá đã cũ. Không gian về đêm im ắng lạ thường, chỉ còn một căn phòng sáng đèn. Một thanh niên chừng 30 tuổi dáng to béo lao ra bắt tay ông và như reo lên: “Tôi rất mong gặp anh”! Người thanh niên ấy là nhạc sỹ Victor Jara. Nói đoạn Victor kéo ông Văn Tùng lại chiếc bàn làm việc đang bày la liệt tài liệu. Ông Văn Tùng vô cùng ngạc nhiên bởi trên bàn có nhiều tấm ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như ảnh Bác cưỡi ngựa trên đường đi công tác tại Việt Bắc, ảnh Bác đang chỉ huy Chiến dịch Biên giới, ảnh Bác câu cá, ảnh Bác bên Nhà sàn tại Hà Nội... Cạnh đó là mấy trang giấy đang dang dở nhiều nốt nhạc. Đã từ lâu Victor quan tâm tìm hiểu về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước tình cảm nồng nhiệt của Victor Jara, ông Văn Tùng đã đưa cho Victor xem bức thư Bác Hồ viết bằng tiếng Pháp gửi các đại biểu thanh niên quốc tế. Victor xúc động đọc và cầm lá thư đặt lên trái tim mình. Khi đó Victor mới cho ông Văn Tùng biết là đang viết một ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đó cũng là bài hát chính thức của cuộc gặp mặt thanh niên lần này.

Dù chưa một lần được gặp Bác nhưng bài hát về Bác Hồ đã được Victor viết trong sự dâng trào cảm xúc. Ngay trong lễ khai mạc vào 9 giờ sáng ngày 23/8/1969, cả quảng trường Hakaniemi rộng lớn giữa Thủ đô Helsinki vang lên lời bài hát mà người lĩnh xướng trên đài cao chính giữa quảng trường là Victor và nhóm bạn của mình. Quốc kỳ Việt Nam, hàng trăm khẩu hiệu về Việt Nam, về Hồ Chí Minh tung bay hòa nhịp cùng lời bài hát. Điều gì đã đưa cái tên Hồ Chí Minh đến với Chi Lê và nhiều nước khác trên thế giới? Bí ẩn nào nằm trong sự đồng cảm giữa những con người cách xa nhau hàng ngàn cây số không cùng màu da, không cùng tiếng nói và cũng khác nhau cả về thời đại? Bởi Hồ Chí Minh là biểu tượng về sự công bằng và tình yêu thương con người “Là ngọn lửa tình yêu thuần khiết, Là ngôi nhà của bầy chim câu, Là những lùm cây oliu đang trĩu quả, Là lời ca vang trên khắp thế gian này, Là điệp khúc ngợi ca: Quyền được sống trong hòa bình”. Bài “Quyền được sống trong hòa bình” của Victor Jara đã được biết đến ở nhiều nước trên thế giới. Cùng với bài hát, danh xưng “Hồ Chí Minh” cùng những suy nghĩ và hành động đấu tranh cho tự do của Người đã truyền cảm hứng đến những đất nước xa xôi ở bên kia đại dương.

Cũng như hàng chục bài hát khác của bạn bè quốc tế, bài ca của Victor Jara khẳng định: Hồ Chí Minh đâu chỉ của riêng Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người mãi là sự khích lệ, cổ vũ toàn thể loài người tiến bộ. Bài hát đã nhanh chóng chiếm trọn tình cảm của người dân trên toàn thế giới. Ở một nơi cách xa đất Việt hàng vạn dặm, người thanh niên Chi Lê ấy đã trọn đời đi theo lí tưởng đấu tranh cho hòa bình và tự do của Hồ Chí Minh, đã đặt hình ảnh Bác vào tim mình và hô vang tên Người cho đến khi trút hơi thở cuối cùng dưới bàn tay đẫm máu của chế độ độc tài Pinochue.

Venezuela, đất nước Nam Mỹ đã gắn bó với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hai đất nước tuy cách nhau về khoảng cách địa lý nhưng lại gắn bó với nhau về khát vọng hòa bình, tự do và độc lập dân tộc. Cái tên Việt Nam - Hồ Chí Minh vẫn được vang ngân trong những khúc ca của Venezuela ngày hôm nay. Đối với Juan Francisco Gutierref - một thầy giáo, một nhạc sỹ trẻ người Venezuela thì Hồ Chí Minh như là một người thầy lớn, một người dẫn lối, một tấm gương sáng trong mọi tấm gương về khát vọng đấu tranh dành tự do. Chính vì vậy ông đã đặt tên cho ca khúc của mình là “Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại”

Tâm sự về sự ra đời của ca khúc, tác giả cho biết: qua những câu chuyện lịch sử tôi đã biết đến Hồ Chí Minh và đất nước Việt Nam của Người. Khi viết ca khúc này tôi được truyền cảm hứng từ tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là tư tưởng về tự do, về tình đồng chí và về tinh thần cách mạng quốc tế. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã lan truyền xa hơn đến đất nước tôi cũng như nhiều nước khác trên thế giới và tư tưởng của Người vẫn luôn sống mãi.

Không dùng những từ ngữ cao siêu, lý tưởng hóa, ca khúc khắc họa chân dung Hồ Chủ tịch của đời thường “Một vóc dáng nhỏ bé nhưng thanh cao/ một ánh mắt chứa chan thương mến/ nụ cười và chòm râu thật trìu mến và thật gần gũi với nhân dân cần lao”. Trong sáng tác của mình, Juan Francisco Gutierrez sử dụng các giai điệu truyền thống của Venezuela, chủ yếu là giai điệu Llanera. Giai điệu thiết tha, sâu lắng, cùng ca từ dung dị, thấm đẫm cảm xúc, chứa chan tình yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Việt Nam khiến ca khúc đi vào lòng người, làm lay động biết bao tâm hồn: “Bất khuất như Hồ Chí Minh/ chiến đấu như Hồ Chí Minh/ một lòng đi theo ngọn cờ Người đã trao/Mãi mãi đây Hồ Chí Minh/ mãi mãi đây Hồ Chí Minh/ rực hồng một cuộc đời vì dân đấu tranh/ Đưa dân băng qua nhiều khó khăn/ vững lòng người Việt tràn đầy quyết tâm/ sáng trong tim muôn người có Bác/ Hồ Chí Minh sống muôn năm/ Vinh quang muôn năm Hồ Chí Minh/ lý tưởng và cuộc đời Hồ Chí Minh/ ánh sao soi đêm trường dẫn lối/ son sắt một niềm tin”.

Mỗi bài hát viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện nhãn quan riêng của người sáng tác và khai thác chân dung Người ở nhiều khía cạnh khác nhau; Song tất cả đều toát lên khá đậm nét hình ảnh một con người mang dáng hình dân tộc, tiêu biểu cho trí tuệ và tâm hồn Việt Nam. Họ viết và hát về Người bằng giai điệu đầy hấp dẫn trong tình quốc tế cao cả.

Ngày 02/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giã chúng ta đi vào cõi vĩnh hằng, để lại trong hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới muôn vàn sự tiếc nuối. Giữa lúc nhân dân Việt Nam phải chịu nỗi đau thương không gì sánh nổi, nhạc sĩ người Cuba - Carlos Manuel Puebla dâng trào cảm xúc cấp tốc gửi từ Cuba sang Việt Nam bài hát “Điếu văn kính dâng Bác Hồ”, sau được đổi tên thành “Ngọn cờ Hồ Chí Minh” do chính tác giả hát và đệm đàn guitar, nghẹn ngào từng lời hát ngân vang chia sẻ nỗi đau chung. Khúc thức bài hát rất ngắn gọn và chia làm hai đoạn rất mạch lạc. Đoạn một ca ngợi công đức lớn lao và sự bất diệt của vị lãnh tụ Việt Nam - Người luôn gần dân và vì dân. Sang đoạn hai, nét nhạc trở nên thiết tha sâu lắng, thể hiện lòng tôn kính, sự tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam và bầu bạn trên khắp thế giới đối với Người. Nhạc sĩ Hồ Bắc đã nắm được ý của tác giả nên đã đưa vào đoạn hai này những lời ca bằng tiếng Việt rất xúc động, thể hiện được tình cảm của người Cuba chia sẻ nỗi tiếc thương với các bạn Việt Nam: “Việt Nam, Việt Nam khi anh đau đớn trong một tang lớn/ cũng có nước mắt của chúng tôi là Cuba/ Có cả những trái tim thổn thức ở tận Cuba”.

Khó có thể diễn tả hết được những tình cảm tốt đẹp của bạn bè thế giới dành cho Hồ Chí Minh, không chỉ khi Người còn sống, còn đang đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng mà ngay cả khi Người đã đi vào cõi vĩnh hằng, Người vẫn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và trong trái tim của những giai cấp tiến bộ trên toàn thế giới qua những ca khúc, những tác phẩm âm nhạc bất hủ. Để rồi, trong mỗi trái tim vẫn thấy Người như đang đồng hành cùng dân tộc Việt Nam như lời bài hát “Giá như người còn sống” của nhạc sỹ người Chi Lê - Angel Parra:

Giá như người còn sống hỡi Chủ tịch Hồ Chí Minh

Và dang rộng vòng tay chào mừng quê hương thắng lợi

Những giọt nước mắt đã rơi để tưởng nhớ Người

Và người đồng chí đã ngã xuống giữa cánh đồng

Ngày hôm nay Người đã hiện diện

Trên khắp nẻo đường Hà Nội

Chính mảnh đất mà Người đã

Dành cả cuộc đời để gìn giữ

Hôm nay phấp phới cờ bay

Ngọn cờ giương lên bởi Đảng Cộng sản

Sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mất mát to lớn của phong trào cách mạng thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc sẽ kết thúc, mà đó mới chỉ là sự mở đầu cho cuộc đấu tranh. Bác Hồ như một ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam đồng thời cho những dân tộc còn chịu ách thống trị của các thế lực bạo tàn. Những hậu thế của Người sẽ không bao giờ lùi bước, mà sẽ thổi bùng ngọn lửa cách mạng để tiếp bước con đường của Người:

Hồ Chí Minh chúng tôi sẽ chiến đấu theo gương Người

Rồi đến một ngày toàn Mỹ la tinh sẽ cất cao tiếng hát

Như ngày hôm nay

Toàn dân tộc Việt Nam

Từ Nam ra Bắc đang cất cao lời ca

Rồi đến một ngày toàn Mỹ la tinh sẽ cất cao tiếng hát

Bác đi xa nhưng qua giai điệu của những bài hát mãi ngân vang, hình ảnh Bác kính yêu sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vượt qua biên giới về không gian và thời gian, những tình cảm mà các nhạc sỹ gửi gắm qua các ca khúc viết về Bác Hồ vẫn sống mãi cùng năm tháng, trở thành máu thịt trong tâm hồn mỗi người yêu nhạc. Đơn giản bởi vì đó “Là những lời ca viết bằng trái tim, viết bằng trái tim. Là những lời ca viết bằng ước mơ, viết bằng ước mơ...”.

Xem thêm

Thống kê truy cập
Lượt truy cập: 19,465,586

Bản quyền thuộc: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch

Địa chỉ: Số 1 - Hoàng Hoa Thám (cổng Đỏ) - Ba Đình - Hà Nội

Điện thoại: 08 044 287 - 08 043 315 , Fax: 08 043 064

Email: nhasanbacho.pct@gmail.com

Khu di tích mở cửa tất cả các ngày trong tuần (trừ chiều thứ 2)

Mùa đông: Sáng: 8h - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Mùa hè: Sáng: 7h30 - 11h. Chiều: 13h30 - 16h

Liên hệ đăng ký đoàn tham quan: 08 043 226 (Phòng Tuyên truyền, Giáo dục) - 08 044 287 (Phòng Hành chính, Tổng hợp)